Trong cuộc gặp với lãnh đạo Bộ GTVT mới đây tại Hà Nội, Đại sứ Nhật Bản nhấn mạnh sẽ hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu, đầu tư các dự án giao thông, vận tải, trong đó có đường sắt tốc độ cao.
Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu đầu tư đường sắt tốc độ cao
Chiều 30/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã tiếp và làm việc với Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio về thúc đẩy hợp tác các dự án hạ tầng giao thông.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng gửi lời cảm ơn Đại sứ quán Nhật Bản và Đại sứ Yamada Takio đã hỗ trợ Bộ GTVT thực hiện chuyến thăm, học tập kinh nghiệm phát triển đường sắt tốc độ cao tại Nhật Bản.
Từ đó cùng với các chuyến học tập kinh nghiệm các quốc gia phát triển đường sắt tốc độ cao, Bộ GTVT nghiên cứu, xây dựng trình cấp có thẩm quyền phương án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
“Đây là dự án vô cùng quan trọng, có tổng mức đầu tư lớn. Mong rằng Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình nghiên cứu, triển khai dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Đáp lời, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio nhấn mạnh: “Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu đến 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, trong đó phát triển kết cấu hạ tầng giao thông” và cho biết, phía Nhật Bản cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu, đầu tư các dự án GTVT, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao.
Nhật Bản là quốc gia đi đầu thế giới về phát triển tàu tốc độ cao. Vì vậy, trong nhiều cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao của Nhật Bản, lãnh đạo Việt Nam luôn ưu tiên đề cập đến việc đề nghị phía bạn hỗ trợ nghiên cứu xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.
Trước đó, ngày 10/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Bà Kamikawa Yoko, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản đang thăm Việt Nam và đã đưa ra đề nghị Nhật Bản tiếp tục cung cấp ODA thế hệ mới cho các dự án hạ tầng quy mô lớn của Việt Nam như dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.
Ngày 6/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và đề nghị Nhật Bản nghiên cứu khả năng hỗ trợ Việt Nam phát triển dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.
Hồi tháng 1 năm nay, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Suzuki Shunichi và đưa ra đề nghị Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Đáp lại, Chủ tịch JBIC nhất trí với đề nghị của Thủ tướng, khẳng định JBIC mong muốn hợp tác cùng Việt Nam về nhiều mặt trong nhiều lĩnh vực.
Dự án gần 60 tỷ đô đang được quan tâm đặc biệt
Trong tháng 10 này, các tín hiệu mới tích cực về đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam liên tục dồn về cho thấy dự án này đang được Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta quan tâm hơn bao giờ hết.
Đầu tháng 10, Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia được thành lập với quy chế hoạt động quy củ.
Đến ngày 19/10, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà – Trưởng ban Ban Chỉ đạo khẳng định quan điểm đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là động lực phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Sau đó, ngày 23/10, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến kế hoạch năm 2024 phấn đấu hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét Đề án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Chính phủ cũng đã kiến nghị Quốc hội xem xét ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư, ưu tiên dành nguồn lực đầu tư riêng cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, huy động nguồn lực của các địa phương để tham gia đầu tư dự án.
Theo kế hoạch, tháng 11/2023, Bộ GTVT sẽ trình cấp có thẩm quyền đề án chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc- Nam, phấn đấu trình Quốc hội thông qua vào năm 2025.
Bộ GTVT đang rất tích cực đi thực tế để học kinh nghiệm của một loạt quốc gia có đường sắt phát triển ở châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản để cập nhật, bổ sung, hoàn thiện báo cáo tiền khả thi.
Hiện có 2 phương án dự kiến đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam:
Hội đồng Thẩm định Nhà nước khuyến nghị phương án đường sắt khai thác tàu khách và hàng với tốc độ tối đa 200km/h. Tổng mức đầu tư dự án theo phương án này khoảng 64,9 tỷ USD.
Bên cạnh đó là phương án chỉ chạy tàu khách tốc độ hơn 300km/h được Bộ GTVT ưu tiên lựa chọn. Tổng mức đầu tư dự kiến cho phương án này khoảng 58,71 tỷ USD.
T.P