Ngày 5-5, Tân Hoa xã đưa tin, quân đội Trung Quốc vừa tiến hành cuộc tập trận thường niên tại Biển Đông với sự tham gia của nhiều chiến hạm tối tân nhất nước này. Cuộc tập trận lần này của Hải quân Trung Quốc tập trung vào phương diện tác chiến chống tên lửa và một số nhiệm vụ khác.
Trong đó đáng chú ý có tàu khu trục tên lửa thuộc Type 052D, loại tàu chiến hiện đại nhất do Trung Quốc tự chế tạo. Tờ Hải quân nhân dân Trung Quốc cho hay, Chiến hạm Type 052D có sức mạnh không thua kém khu trục hạm lớp Arleigh Burke, loại tàu chiến mạnh nhất hiện nay của Hải quân Mỹ.
Trong khi đó, Sina đưa tin, Hạm đội Nam Hải đã điều 6 tàu chiến phối hợp với đơn vị quân đồn trú trái phép tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, tổ chức một cuộc diễn tập thực binh phi pháp tại vùng biển này, với tình huống bắt giữ tàu nước ngoài bị coi là “xâm nhập trái phép”. Sau khi kết thúc diễn tập ở Hoàng Sa, đội tàu kể trên sẽ tới Trường Sa để tổ chức các đợt diễn tập trái phép khác như chống ngầm, trinh sát, chống trinh sát, bảo vệ đảo…
Ngày 6-5, tờ South China Morning Post đưa tin, Hải quân Trung Quốc đã bắt đầu một cuộc diễn tập quân sự chiến đấu toàn diện ở Biển Đông với sự tham gia của các tàu chiến hiện đại nhất. Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trước thềm phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) quốc tế. Theo ông Nghê Lạc Hùng, nhà bình luận quân sự ở Thượng Hải, cuộc tập trận lần này là “cuộc biểu tình của cơ bắp”.
Trước đó (4-5), tờ Thời báo Hoàn Cầu đổ tội cho Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ là “nguồn cơn lớn nhất của tâm lý bi quan căng thẳng giữa hai nước”. Đồng thời cho rằng, một số quan chức cấp cao, đặc biệt là giới tướng lĩnh quân đội coi hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông là “làm phức tạp tranh chấp, xúi các bên đứng lên chống lại Trung Quốc”.
Theo giới quan sát, việc Trung Quốc tập trận trên Biển Đông được cho là đe dọa tới an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực.
Ngày 4-5, Tân Hoa xã dẫn phát biểu của ông Lưu Hiểu Minh, Đại sứ Trung Quốc tại Anh. Ông Lưu cho rằng, vấn đề Biển Đông đang bị thổi phồng bởi những người ở Mỹ và Anh cáo buộc Bắc Kinh gây căng thẳng. Và việc Anh – Mỹ tuyên bố tự do hàng hải và hàng không là định kiến và thiên vị, chỉ làm gia tăng căng thẳng ở khu vực này! Ngoài ra, ông này còn lớn tiếng cho rằng, thật là vô căn cứ khi chỉ trích đường lối cứng rắn của Trung Quốc chỉ làm tăng căng thẳng ở Biển Đông! Đồng thời cáo buộc “hơn 40 hòn đảo và bãi đá ở Trường Sa đang bị chiếm đóng bất hợp pháp bởi nhiều nước khác”?
Trước đó (3-5), Đài Truyền hình CCTV phát sóng video xây dựng trên bãi đá Chữ Thập, cùng hoạt động của đoàn văn công trên đảo nhân tạo phi pháp này. “Đây có thể là lần đầu tiên CCTV công bố video về bãi đá”, tờ Global Times dẫn lời một chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh. Theo Sina, tối 2-5, Trung Quốc đã tổ chức liên hoan văn nghệ trên bãi đá Chữ Thập, phục vụ binh lính và công nhân đồn trú phi pháp tại đây.
Ngày 3-5, tờ “Liên hợp buổi sáng” Singapore dẫn lời ông Diêm Học Thông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế, Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc cho rằng, Trung – Mỹ sẽ phát triển theo mô hình “lưỡng cực”, nhưng sẽ không xảy ra chiến tranh trực tiếp. Bởi trong khi Mỹ muốn bảo vệ cục diện đơn cực được hình thành sau Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc đang muốn chuyển từ “đơn cực” sang “lưỡng cực”. Việc nắm quyền của bà Thái Anh Văn ở Đài Loan trong thời gian tới, sẽ làm cho quan hệ Trung – Mỹ xấu đi. Trong quan hệ Trung – Mỹ, vấn đề Biển Đông đang trở thành một mâu thuẫn lâu dài, giống như vấn đề Đài Loan. Và không loại trừ khả năng Đài Loan sẽ hợp tác với Mỹ và Nhật Bản trong một số lĩnh vực khiến Bắc Kinh “giật mình”.
Theo giới truyền thông, sau khi bị Trung Quốc từ chối cho tàu sân bay Mỹ USS John Stennis cập cảng Hongkong, Chủ tịch Tiểu ban lực lượng và sức mạnh trên biển thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ Randy Forbes kiến nghị, Washington nên xem xét điểm thăm mới ở châu Á, trong đó có Đài Loan.
Tờ Jakarta Post vừa cho biết, Indonesia và Nga sẽ ký hợp đồng mua bán tám máy bay tiêm kích đa năng Sukhoi Su-35 do Moskva sản xuất và đây là một phần trong kế hoạch nhằm nâng cấp hệ thống vũ khí của quốc gia Đông Nam Á này. Tổng thống Joko Widodo sẽ chứng kiến lễ ký này trong chuyến thăm Nga và Hàn Quốc (từ 16 đến 20-5), nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nga – ASEAN tại thành phố Sochi của Nga.
Ngày 5-5, Hãng Reuters cho biết, Australia thông báo đã ký hợp đồng đóng mới 21 tàu tuần tra, trị giá 208,8 triệu USD với công ty đóng tàu Austal. Đây là giai đoạn đầu trong kế hoạch mở rộng quân sự của chính quyền Canberra. Ngoài hợp đồng đóng 21 tàu tuần tra kể trên, Australia còn muốn đóng thêm 12 tàu tuần duyên, trị giá 3 tỉ UAD, cùng 9 tàu khu trục.
Trước đó, Australia đã quyết định chọn Tập đoàn Quốc phòng DCNS (Pháp) để đóng mới 12 tàu ngầm, trị giá 50 tỉ UAD. Đóng tàu cho hải quân là một phần quan trọng trong kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên gần 30 tỉ UAD trong 10 năm tới. Trong khi đó, tờ Liberation nhận định, quân đội Trung Quốc dường như đang được tạo mọi điều kiện để mở rộng ảnh hưởng ra khắp châu Á. Trong đó, lực lượng hải quân đang được củng cố năng lực tác chiến với các cuộc diễn tập dày đặc của 3 hạm đội trong năm 2015.
Ngày 6-5, Hãng Kyodo dẫn lời giới chức Đài Loan xác nhận, tàu công vụ của Nhật Bản và Đài Loan đã đến khu vực mà Tokyo coi là Vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) gần Okinotori, điểm cực Nam của lãnh thổ Nhật Bản.
Trước đó (1-5), Đài Loan đã điều một tàu 2.000 tấn, được trang bị pháo 20mm cùng vòi rồng, và một tàu huấn luyện đánh cá của Hội đồng Nông nghiệp để bảo vệ những tàu cá Đài Loan đang đánh bắt tại khu vực kể trên.