Lực lượng Hamas đã xây dựng một loạt đường hầm dưới lòng đất được gọi là ‘hầm tàu điện’. Chúng được gia cố bằng bê tông cốt thép, trong đó một số đường hầm đủ lớn để xe tải đi qua.
Với hệ thống đường hầm được Hamas mở rộng và gia cố, Israel phải đối mặt với thách thức lớn trong việc tiêu diệt phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas của người Palestine.
Ông Howard Stoffer, giáo sư an ninh quốc gia tại Đại học New Haven (Mỹ), nói với tờ Business Insider: “Trong chiến tranh, đường hầm khiến đội quân đối thủ cực kỳ khó giành thắng lợi. Đường hầm mang lại lợi thế to lớn trong phòng ngự và tôi nghĩ Hamas đang sử dụng rất hiệu quả”.
Đường hầm đã được sử dụng trong chiến tranh từ 3.000 năm trước, che chở cho người ẩn nấp trước các cuộc tấn công trên mặt đất.
Đường hầm sử dụng trong chiến tranh đã có từ thời La Mã
Ban đầu được gọi là “hầm mỏ” thay vì đường hầm, người Assyria cổ đại đã sử dụng những “hầm mỏ” này từ thế kỷ thứ 9 trước Công nguyên.
Đường hầm ở Israel có niên đại từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên và được sử dụng với nhiều mục đích. Quân nổi dậy Do Thái dùng đường hầm để chống lại đế chế La Mã và ẩn nấp.
Mạng lưới đường hầm ngày càng mở rộng, một số đường hầm dẫn đến các cửa sập trong các ngôi làng hoặc các nhà chứa tro hỏa táng.
Ngoài ra, người Hy Lạp và La Mã cổ đại còn sử dụng cùng lúc chiến tranh hóa học và chiến tranh đường hầm để thâm nhập vào các thành phố. Trong một trận chiến vào năm 189 trước Công Nguyên, người Hy Lạp cổ đại đã đốt lông gà để tạo khói gây ngạt nhằm xua đuổi quân xâm lược La Mã.
Lâu đài Chteau Gaillard ở vùng Normandy, Pháp được nhà vua kiêm tướng quân huyền thoại của Anh Richard I – Richard Tim Sư tử xây dựng vào năm 1203. Trong cuộc chiến với Anh, lính Pháp đã vượt qua các tường thành của lâu đài bằng cách đào các đường hầm bên dưới. Các đường hầm của Pháp đưa họ đến một khu nhà vệ sinh không có lính gác, từ đó xâm nhập lâu đài.
Trong cuộc nội chiến của Mỹ (1861 – 1865), các lực lượng Liên minh đã cho thợ mỏ trong hàng ngũ xây dựng một đường hầm dài 155m bên dưới nơi trú đóng của quân miền Nam. Họ đổ đầy 4 tấn thuốc súng vào đó, cho nổ và nhanh chóng kết thúc chiến tranh.
Chiến tranh Thế giới thứ nhất (1914 – 1918) được biết đến rộng rãi nhờ việc sử dụng phổ biến chiến thuật chiến tranh đường hầm. Các đường hầm ở sườn núi Messines-Wytschaete (Bỉ) được nhồi 450 tấn thuốc nổ TNT đã giết chết tới 10.000 lính Đức.
Thiếu tướng người Anh Charles Harington đã nói với quân đội của mình trước vụ nổ rằng: “Chúng ta có thể không làm nên lịch sử vào ngày mai, nhưng chúng ta chắc chắn sẽ thay đổi địa lý”.
Trong kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975), Việt Nam đã xây dựng các đường hầm luồn lách và cửa sập, thậm chí còn lấp đầy một số lối đi bằng nước. Các đường hầm tạo ra nhiều khó khăn cho quân đội Mỹ trong việc ngăn chặn.
Bom cũng không đạt hiệu quả làm sập đường hầm. Lính Mỹ phải mất thời gian tìm hiểu về hệ thống đường hầm của Việt Nam.
Năm 1974, những người đào tẩu Triều Tiên đã thông tin cho quan chức Hàn Quốc rằng Triều Tiên đã cho các đơn vị quân đội đào đường hầm bên dưới khu phi quân sự.
Từ năm 1974 đến năm 1990, Chính phủ Hàn Quốc đã tìm thấy 4 đường hầm. Một đường hầm, cách Seoul khoảng 48km về phía nam, có thể giúp 30.000 quân qua lại mỗi giờ. Có người nhận định vẫn còn nhiều đường hầm bên dưới khu phi quân sự DMZ dẫn vào Hàn Quốc, nhưng chưa có đường hầm nào được tìm thấy trong nhiều thập kỷ kể từ lần phát hiện cuối cùng.
Trong khi đó, tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có một mạng lưới đường hầm xuyên qua nhiều thành phố và làng mạc. Các đường hầm giúp họ di chuyển một cách nhanh chóng, tránh bị phát hiện và tăng khả năng tấn công mục tiêu.
Nói với tờ Washington Post, đại tá Falah al-Obaidi, một thành viên của lực lượng chống khủng bố Iraq, cho biết: “Có chiến tranh trên đường phố và có cả một thành phố dưới lòng đất – nơi kẻ địch đang ẩn náu. Bây giờ thật khó để coi một khu vực đã được giải phóng, bởi vì dù chúng tôi kiểm soát được bề mặt, IS sẽ xuất hiện từ dưới lòng đất”.
6.000 quả bom Israel thả xuống, “hầm tàu điện” vẫn chưa suy suyển
Bất chấp các cuộc giội bom dày đặc vào Gaza, với hơn 6.000 quả bom trong 6 ngày đầu cuộc chiến với Hamas, “hầm tàu điện” của Hamas được tăng cường và khó bị tấn công hơn.
Ngay cả khi Israel có thể đánh sập một số đường hầm thì cũng khó biết được còn bao nhiêu nữa.
Các chiến binh Hamas có thể sử dụng các đường hầm làm nơi ẩn náu, trung tâm chỉ huy và kho vũ khí, đồng thời tiến hành các cuộc tấn công bất ngờ vào quân đội Israel trong phố xá lộn xộn và quay trở lại đường hầm trước khi Israel kịp phản ứng.
Quân đội Mỹ đã cử các chuyên gia đến làm việc với Israel để tìm ra cách đi vào đường hầm để có thể đối đầu trực diện với Hamas.
Theo ông Howard Stoffer – giáo sư an ninh quốc gia tại Đại học New Haven, đó là công việc cực kỳ nguy hiểm và phức tạp.
T.P