Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là kết thúc năm 2023. Nói như thế để thấy rằng dự kiến về cuộc tấn công của Trung Quốc thu hồi Đài Loan (phương Tây nói trắng ra là xâm lược) vào năm 2027 không còn bao lâu nữa. Dự kiến này có đáng tin? Đài Loan cần có những giải pháp gì để ngăn chặn một cuộc tấn công vũ trang?
Hồi đầu năm 2023, Tướng Không quân Mỹ Mike Minihan đã viết một “Bản ghi nhớ” cho các sĩ quan trong Bộ Tư lệnh Cơ động Không quân. Thế rồi họ đã không bí mật được lâu. Nội dung bản ghi nhớ bị rò rỉ: Mỹ và Trung Quốc đang dồn toàn lực hướng tới chống lại một biến động lớn sẽ sớm xảy ra, đó là cuộc chiến tranh ở Đài Loan. Tướng Minihan viết như đinh đóng cột: “Trực giác mách bảo, chúng tôi sẽ phải chiến đấu vào năm 2025” (!).
Tướng Minihan nói rằng, ông có đủ căn cứ để nêu ra cái mốc đó, chứ không phải một phán đoán hồ đồ. Ông cũng không phải là người duy nhất đưa ra dự đoán về cuộc chiến đang chực chờ. Hai năm trước đây, Philip David – Đô đốc 4 sao của Hải quân Mỹ, Tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (thời điểm đó) của Mỹ đã dự đoán: khả năng chiến tranh Trung Quốc và Eo biển Đài Loan xảy ra vào năm 2027.
Tháng 4/2023, John Aquilino, một Đô đốc khác và là Tư lệnh hiện tại của Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ nói cụ thể hơn: Trung Quốc đang xây dựng quân đội “ba nhất” – lớn nhất, nhanh nhất, toàn diện nhất – kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai (1945). Hiện tại, Hải quân Trung Quốc, tính về số lượng, đã nổi lên là lực lượng lớn nhất thế giới, vượt qua tổng số tàu của Hải quân Mỹ.
Sự can thiệp của Mỹ đối với vấn đề Đài Loan là như thế. Họ luôn công bố những thông tin, số liệu khiến cho cả Trung Quốc Đại lục và Đài Loan giật mình. “Chiến lược mập mờ” của Washington làm cho Bắc Kinh khó nắm bắt, đó là, công nhận chính sách “Một Trung Quốc”. Bắt cá hai tay là cái cách khôn ngoan của Nhà Trắng. Gật đầu với Bắc Kinh, đồng thời ghé vai với Đài Bắc, duy trì quan hệ ngoại giao không chính thức.
Mỹ còn có những cam kết bảo đảm an ninh cho Đài Loan và là đối tác thương mại buôn bán vũ khí của Hòn đảo. Không nói ra, nhưng Đài Loan chả khác gì đồng minh an ninh của Mỹ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Từ những mâu thuẫn dân tộc, các nước phương Tây tìm cách gia tăng thêm căng thẳng giữa các nước. Đó là cái cớ để phương Tây mặc cả và đẩy các nước vào thế lưỡng nan. Tấn công Đài Loan không chỉ để “thu hồi” mà còn là lời cảnh báo đanh thép cho chủ nghĩa li khai. Bắc Kinh tuyên bố cần tiêu diệt thứ chủ nghĩa “xấu độc” này.
Đến đây một vấn đề đặt ra, vì sao tất cả những điều này lại xảy ra đột ngột vào những năm 2020? Điều gì ở hòn đảo này khiến nó trở nên có giá trị đối với cả Mỹ và Trung Quốc? Tại sao nó được cho là điểm bùng phát nguy hiểm nhất trong thế kỷ 21.
Nhìn lại lịch sử Trung Quốc trong thế kỷ 20, thấy rằng, mặc dù việc Trung Hoa Dân Quốc rút lui hoàn toàn về đảo Đài Loan năm 1949, đánh dấu sự kết thúc của cuộc giao tranh trực tiếp giữa hai bên trong Nội chiến Trung Quốc, thế nhưng, đến nay, vẫn chưa có một Hiệp ước hòa bình chính thức nào để chấm dứt cuộc nội chiến này.
Có nhà phân tích cho rằng, “nội chiến” Trung Quốc vẫn đang tạm dừng một cách hiệu quả trong suốt 74 năm qua. Vì thế, nó trở thành một trong những cuộc xung đột “bị đóng băng” kéo dài nhất trong lịch sử thế giới đương đại.
Còn quan điểm của Trung Hoa Dân quốc về chính sách Một Trung Quốc được xem là một vở diễn trên sân khấu. Nhưng nếu như vở diễn hạ màn thì có thể gây ra phản ứng quân sự từ Đại lục. Và đó là lý do tại sao Trung Hoa Dân Quốc chưa hề có một nỗ lực chính thức nào nhằm từ bỏ chính sách Một Trung Quốc, đặng tìm kiếm độc lập chính thức.
Trung Quốc muốn thu hồi Đài Loan còn vì lẽ, hòn đảo này có nhiều tiềm năng kinh tế. Mặc dù xứ này hầu như không có tài nguyên thiên nhiên, gần như không có dầu, than cũng như khí đốt, thế nhưng Đài Loan lại có nguồn “tài nguyên” đặc biệt: Chất bán dẫn. Ở đây, chất bán dẫn được dùng để sản xuất các con chíp vi mạch, là một tập hợp các mạch điện tử trên một miếng silicon phẳng nhỏ. Trên những con chip này, các bóng bán dẫn hoạt động như những công tắc nhỏ để điều khiển chuyển động của các electron.
Vi mạch là một nguồn tài nguyên mới nhưng ngày càng quan trọng trong thế giới hiện đại, có mặt trong mọi thiết bị điện tử, từ máy tính đến điện thoại thông minh, từ máy ảnh cho đến máy bay không người lái, từ lò vi sóng đến máy điều hòa không khí… có những thiết bị quân sự quan trọng như máy bay chiến đấu, tên lửa dẫn đường và trí tuệ nhân tạo mới nổi.
Vào những năm 1980, Đài Loan đã thành lập một công ty tập trung nghiên cứu sản xuất vi mạch. Từ đó đến nay, ngày càng nhiều công ty vi mạch lớn từ khắp Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản, thuê kỹ sư, công nhân bậc cao Đài Loan gia công một số hoặc thay thế tất cả quy trình sản xuất.
Hiện tất cả các công ty sản xuất vi mạch của Đài Loan sản xuất tổng cộng khoảng 68% số vi mạch toàn cầu. Có thể nói ngành công nghiệp vi mạch khổng lồ này được coi là “Lá chắn silicon” của Đài Loan.
Các cường quốc đang dựa vào cơ sở sản xuất vi mạch của Đài Loan, trong đó có Mỹ, EU và Nhật Bản. Những nước này đều có sự khuyến khích mạnh mẽ về mặt tài chính, nhằm bảo vệ những cơ sở sản xuất vi mạch ở Đài Loan khỏi bất kỳ cuộc tấn công nào đến từ Trung Quốc.
Cũng giống như Mỹ, lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc ngày càng trở nên phụ thuộc vào các công ty sản xuất chip của Đài Loan. Đến nay Trung Quốc đã đổ hàng tỷ USD vào phát triển ngành công nghiệp vi mạch của đất nước ,nhưng vẫn chưa có khả năng trở thành đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực chip bán dẫn, dù trước đó đã đặt mục tiêu đạt được 70% khả năng tự cung cấp sản xuất vi mạch vào năm 2025.
Trở lại câu hỏi đã nêu ở phần đầu: Liệu Trung Quốc có thật sự mạo hiểm xâm lược Đài Loan khi mà họ có thể chứng kiến các công ty sản xuất chip mà họ rất phụ thuộc vào, bị phá hủy trong chiến tranh, hoặc do chính Đài Loan sẽ tự phá hủy hay không?
Trả lời câu hỏi này cũng là trả lời một phần câu hỏi của chính quyền Đài Bắc: Cần phải làm gì trước nguy cơ bị thôn tính?
H.Đ