Hơn 100 công ty của Anh thừa nhận đã vi phạm các lệnh trừng phạt của nước này lên Nga kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái.
Hãng Financial Times mới đây dẫn nguồn thạo tin cho biết tổng cộng có 127 công ty của Anh đã tự nguyện tiết lộ các vi phạm liên quan tới các lệnh trừng phạt Nga lên chính quyền. Bằng cách tự nguyện thừa nhận các vi phạm và hợp tác điều tra, doanh nghiệp có thể được chính phủ giảm nhẹ hình phạt.
Theo số liệu thống kê, Anh là một trong những nước ủng hộ tài chính và quân sự lớn cho Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt từ cuối tháng 2/2022.
Nước này cũng đã liệt hơn 1.600 cá nhân và công ty vào danh sách trừng phạt kể từ khi Nga “động binh” với Ukraine. Đồng thời, London cũng tung ra gói trừng phạt khắc nghiệt nhất đối với một nền kinh tế lớn khi áp đặt lệnh cấm đối với các thực thể của Vương quốc Anh giao dịch với hơn 20 ngân hàng và hơn 100 nhà tài phiệt Nga.
Bà Stacy Keen, một luật sư chuyên về các biện pháp trừng phạt tại công ty luật Pinsent Masons, cho biết phạm vi rộng của các lệnh trừng phạt đã tạo ra một thử thách lớn đối với doanh nghiệp Anh, do Nga hội nhập nhiều hơn với nền kinh tế toàn cầu so với các nước khác đang bị trừng phạt như Iran và Triều Tiên.
“Các gói trừng phạt của Nga đã có tác động sâu sắc hơn bên ngoài nước Nga. Các cá nhân và thực thể Nga đã có tầm ảnh hưởng rộng hơn lên nền kinh tế toàn cầu”, bà Keen nhận định.
Cũng theo bà Keen, các doanh nghiệp Anh nên cân nhắc việc thừa nhận các vi phạm để đảm bảo mức độ khoan hồng lớn nhất. Các hình phạt có thể bao gồm gửi thư cảnh cáo đến hình phạt dân sự hoặc truy tố hình sự và hình phạt tài chính.
Các vấn đề xung quanh sự thiếu minh bạch đối với chủ sở hữu và người kiểm soát cuối cùng của các công ty, cũng như các cổ đông Nga có thể đứng đằng sau các công ty vỏ bọc, có thể khiến các công ty Anh khó đảm bảo rằng họ không vi phạm các lệnh trừng phạt.
Mức độ liên kết giữa Anh và Nga trong nhiều ngành công nghiệp đã được chứng minh vào năm ngoái khi Câu lạc bộ bóng đá Chelsea rơi vào khủng hoảng sau khi Anh tuyên bố trừng phạt chủ sở hữu của Chelsea vào thời điểm đó là nhà tài phiệt người Nga Roman Abramovich.
Động thái này tạm thời khiến việc bán đội bóng Premier League bị đình trệ và các hợp đồng tài trợ của câu lạc bộ này gặp nguy hiểm.
Trước đó, theo tờ The Times của Anh, một số doanh nghiệp ở Anh được cho là đang tiếp tục cung cấp cho Nga các bộ phận chính như giá đỡ đường ống, ống dầu cao su và các thiết bị điện tử được sử dụng trong ngành luyện kim.
Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh hồi đầu năm cho biết họ đã giảm đáng kể hàng hóa của nước này được xuất khẩu sang Nga đồng thời nhắc nhở các doanh nghiệp rằng họ cần phải thận trong khi đảm bảo xuất khẩu của họ không vô tình đi tới người dùng cuối ở Nga.
T.P