Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChất xúc tác cho “Hòa hoãn chiến thuật” Mỹ-Trung

Chất xúc tác cho “Hòa hoãn chiến thuật” Mỹ-Trung

Hôm nay, 15/11, bên lề Hội nghị Các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30, sẽ diễn ra cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Hội nghị APEC tổ chức tại San Francisco, Mỹ. Chương trình nghị sự sẽ đề cập các vấn đề toàn cầu, như chiến sự Hamas – Israel, xung đột Nga – Ukraine, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), và một số lĩnh vực thương mại và kinh tế.

Dư luận chú ý nhiều hơn “chương trình ngoài lề”, bởi đây là cuộc gặp của hai “Ông lớn”, có ảnh hưởng quan trọng đến các quyết định của Hội nghị. Không những thế nó còn tác động ngay tới cuộc chiến Israel-Hamas và xung đột Nga-Ukraine. Hai cuộc đụng độ quân sự này hiện vẫn đang leo thang quân sự căng thẳng, chưa tìm ra giải pháp hiệu quả.

Tuy hai ông chưa gặp nhau, nhưng mục đích và nội dung bàn thảo thì đã được các chuyên gia nhận định với nhiều sở cứ thuyết phục. Trước hết là hai vị nguyên thủ sẽ gặp nhau trong không khí êm ả hơn, bởi những căng thẳng song phương đã dịu bớt. Nói “dịu” là vì trước đó hai bên đã tích cực thực hiện các hoạt động “ngoại giao mùa hè”, nhằm tạo dựng niềm tin giữa hai nước.

Đó là từ tháng 6 đến nay đã diễn ra một loạt chuyến thăm cấp cao của quan chức hai nước. Một sự kiện nóng hổi, hôm 6/11 vừa qua, Trung Quốc và Mỹ đã nối lại tham vấn về kiểm soát và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Chương trình này đã bị “bỏ quên” trong nhiều năm, nay bỗng dưng được khởi động lại.

Tại Mỹ, chính quyền và người dân nước này mặc dù lâu nay vốn thực hiện chính sách bài Tầu, nhưng không thể không chờ đợi tín hiệu mới ở cuộc gặp thượng đỉnh của hai nhà lãnh đạo. Dẫu rằng, họ thừa biết khó có thể đạt được các kết quả tích cực mang tính đột phá. Đừng có hi vọng ông Tập hay Biden sau thượng đỉnh sẽ ra về với những hợp đồng béo bở hoặc những thỏa thuận mang tính khả thi cao (điều này trong các cuộc gặp tương tự trong giai đoạn tiền nhiệm của Biden thường có kết cục tốt đẹp).

Muộn còn hơn không, có còn hơn không là câu nói muôn thuở và luôn đúng, bởi vì ít nhất nó cũng mở ra một tầm nhìn, một hướng đi, một cách giải quyết. Vâng, ít nhất thì cũng là “kênh liên lạc quan trọng và hiệu quả nhất” trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa hai nước ngày càng gia tăng.

Các nguồn tin từ báo chí Mỹ cho rằng, kết quả của thượng đỉnh ngày 15/11 có thể chỉ là các nỗ lực làm chậm lại vòng xoáy đi xuống, chứ không phanh được vòng xoáy trong quan hệ song phương. Bởi quan hệ giữa cường quốc đang trong thời kỳ u ám, nhiều trắc trở nhất.

Về thái độ đối với các điểm nóng trên thế giới, hi vọng Trung Quốc sẽ hợp tác với Mỹ giải quyết bất đồng, giải quyết các thách thức toàn cầu như khí hậu, y tế toàn cầu, đặc biệt là nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cuộc chiến ở Ukraine và giảm bớt bạo lực ở Trung Đông.

Trong lúc này vì sao Mỹ, Trung bắt buộc phải tìm kiếm “hòa hoãn chiến thuật”? Trước hết, về phía Trung Quốc, nước này đang trong thời kỳ suy thoái kinh tế nghiêm trọng, tỷ lệ giới trẻ thất nghiệp tăng cao. Vào năm 2022 đã xảy ra một số cuộc biểu tình, tuy chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và không lan rộng. Thế nhưng qua đây đã thể hiện sự bất an của người dân đối với các vấn đề tài chính. Nổi lên là thu nhập của công chức, người lao động quá thấp, nạn lạm phát và giá nhà đất tăng nhanh sau nhiều năm đóng cửa do chính sách “Zero Covid”.

Tình hình đầu tư vào Trung Quốc lần đầu tiên sụt giảm mạnh trong quý III vừa qua, cũng là lần đầu tiên từ 30 năm nay – một dấu hiệu đáng lo ngại! Trong các cuộc biểu tình, ý kiến người tham gia cho rằng, chính phủ Trung Quốc hiện tại đang quay lưng lại với chính sách “cải cách và mở cửa” của những người tiền nhiệm, thậm chí có xu hướng đóng cửa với bên ngoài.

Tình hình bất lợi như thế, cho nên Trung Nam Hải muốn thể hiện rằng, họ đang quản lý tốt các mối quan hệ với Mỹ. Điều này có thể giúp trấn an nhiều lo ngại trong nước về khả năng Bắc Kinh đang chuẩn bị cho chiến tranh, trước mắt là thu hồi Đài Loan bằng vũ lực.

Trung Quốc là như thế. Còn Mỹ thì sao? Thời điểm này chính quyền Biden đang phải đối mặt với cuộc tái tranh cử vào năm tới. Dẫu rằng, các vấn đề đối ngoại không thể trở thành yếu tố quyết định “thắng/thua” trong cuộc bầu cử tổng thống đối với một tổng thống mãn nhiệm tái cử’, thế nhưng Biden muốn ngăn chặn có thêm xung đột bùng nổ trong năm bầu cử 2024. Nó sẽ chẳng ích gì cho cuộc lựa chọn người đứng đầu Nhà Trắng, ngày càng căng thẳng, phức tạp.

Một cuộc thăm dò dư luận mới đây, do National Security Action and Foreign Policy for America đặt hàng, có tới 78% người Mỹ được hỏi coi việc tránh một cuộc chiến tranh với Trung Quốc là “rất quan trọng”.

Vậy thì cuộc gặp Tập Cận Bình – Joe Biden ít nhất cũng là cái duyên, là chất xúc tác cho “Hòa hoãn chiến thuật” Mỹ – Trung. Tổng thống Mỹ nhân dịp này có thể thúc giục chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “đóng một vai trò hiệu quả hơn” trong cuộc chiến của Nga ở Ukraina và cuộc chiến Israel-Hamas. Bắc Kinh cũng có thể gây áp lực để ép Iran hạn chế can thiệp vào xung đột này.

Chúng ta hãy chờ xem!

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới