Sự leo thang của cuộc khủng hoảng Israel – Hamas ở Dải Gaza làm dấy lên lo ngại nguy cơ xung đột lan rộng ở khu vực với nhiều quân đội mạnh.
Tổ chức Global Firepower mới đây công bố bảng xếp hạng Sức mạnh Hỏa lực Toàn cầu 2023 (Global Firepower Index’s 2023), đánh giá sức mạnh quân sự của các nước trên thế giới.
Sputnik đã dẫn ra 5 lực lượng quân đội hàng đầu của Trung Đông, đồng thời phân tích vị thế của mỗi cường quốc trong mối liên hệ với cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và Hamas.
Israel
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) được coi là một trong năm lực lượng quân sự mạnh nhất ở Trung Đông kể từ khi đất nước này thành lập vào năm 1948. Kể từ thời điểm đó, Israel đã trải qua hơn chục cuộc chiến tranh lớn, bắt đầu từ Chiến tranh Ả Rập – Israel lần thứ nhất vào năm 1948-1949.
Trong thời gian còn lại của thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, Israel đã chứng tỏ khả năng của mình khi tham gia vào cả các hoạt động tấn công và phòng thủ mà không một cường quốc nào khác trong khu vực có thể so sánh được.
Những xung đột này chứng minh cho các nước láng giềng thấy rằng quân đội Israel không thể bị đánh bại trong một cuộc chiến tranh trên bộ thông thường, hoặc thông qua chiến tranh cường độ thấp do dân quân Palestine vốn được trang bị kém tiến hành.
Tuy nhiên, lý thuyết chiến tranh của đầu thế kỷ XXI sẽ chứng minh rằng bất chấp những lợi thế của họ về tiền bạc, vũ khí và công nghệ, IDF vẫn không phải là một lực lượng chiến đấu bất khả chiến bại.
Điều này được thể hiện rõ ràng trong Chiến tranh Li Băng năm 2006. Không giống hầu hết cuộc xung đột trước đây, Israel đã không thể giành được chiến thắng nhanh chóng. Trên thực tế, trong hơn một tháng giao tranh, IDF đã mất 121 binh sĩ và 1.244 người bị thương, trong đó hơn 20 xe tăng Merkava bị phá hủy và hàng chục chiếc khác hư hại. Tuy nhiên, Israel đã không thể tiêu diệt hoặc làm suy yếu lực lượng Hezbollah ở Li Băng vốn đông hơn, và cuộc chiến kết thúc bằng lệnh ngừng bắn do Liên hợp quốc làm trung gian.
Lịch sử dường như đang lặp lại trong cuộc chiến hiện tại ở Gaza, với việc IDF đã thành công san bằng phần lớn các thành phố của khu vực này thông qua các cuộc không kích, pháo kích, song họ gặp phải trở ngại khi tiến vào các khu vực do Hamas nắm giữ, khiến ít nhất 356 binh sĩ thiệt mạng kể từ ngày 7/10. Trong khi đó, Hamas tuyên bố đã phá hủy hoặc vô hiệu hóa khoảng 136 phương tiện quân sự Israel.
Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ước tính tổng quân số của IDF là 169.500 quân nhân tại ngũ và 465.000 quân dự bị (360.000 người trong số đó được triệu tập sau ngày 7/10).
Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) ước tính ngân sách quân sự của Israel là 23,4 tỷ USD vào năm 2022 (bao gồm 3,18 tỷ USD viện trợ quân sự hàng năm của Mỹ). IDF có 3 nhánh quân, gồm lục quân, không quân và hải quân, và 4 bộ chỉ huy riêng biệt.
Israel có một trong những tổ hợp công nghiệp – quân sự lớn nhất, đa dạng nhất và có lợi nhuận cao nhất trên thế giới. Nước này sản xuất một loạt máy bay nội địa và máy bay chuyển đổi, máy bay không người lái, tên lửa, radar, hệ thống tác chiến điện tử và thậm chí cả vệ tinh.
Các loại vũ khí chủ yếu trong nước bao gồm hệ thống phòng không Vòm sắt, tên lửa Arrow và loạt tên lửa có khả năng hạt nhân Jericho. Các loại vũ khí nhỏ sản xuất trong nước như súng lục Desert Eagle, súng máy hạng nhẹ Negev và súng tiểu liên Uzi, và xe tăng Merkava.
Với sự hỗ trợ tài chính của Mỹ, Israel đã có thể mua các hệ thống vũ khí mới nhất và tốt nhất, trở thành một trong những quốc gia đầu tiên nhận được máy bay chiến đấu Lockheed Martin F-35 mà Israel đã cải biến rất nhiều để trang bị hệ thống điện tử hàng không nội địa và có khả năng thả tên lửa và bom do Israel sản xuất.
Ngoài ra, Israel là một quốc gia được cho là có vũ khí hạt nhân. SIPRI ước tính Israel sở hữu tới 80 vũ khí hạt nhân có thể phóng từ máy bay và tên lửa.
Các nhà phân tích an ninh của Mỹ và Israel gọi chiến lược hạt nhân của Israel là “Lựa chọn Samson”. Chiến lược này giả định rằng Israel sẽ phóng vũ khí hạt nhân vào kẻ thù như là một hành động trả thù cuối cùng trong tuyệt vọng nếu quân đội của họ bị áp đảo. Khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân của Israel khiến nước này được cho là lực lượng quân sự hùng mạnh nhất ở Trung Đông.
Iran
Iran là một cường quốc quân sự lớn khác ở Trung Đông. Với quân đội thường trực gồm 350.000 quân. Ngoài ra, họ sở hữu 230.000 quân tinh nhuệ của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC).
Iran cũng có ít nhất 350.000 quân dự bị để huy động trong trường hợp khẩn cấp. Nước này có ngân sách quân sự tương đương khoảng 6,8 tỷ USD vào năm 2022.
Giống Israel, Iran cũng trải qua các cuộc xung đột và tích lũy nhiều kinh nghiệm chiến đấu quan trọng như Chiến tranh Iran – Iraq bắt đầu vào tháng 9/1980. Hai nước cuối cùng đạt được thỏa thuận ngừng bắn và hòa bình vào năm 1988. Có tới 600.000 quân Iran và 500.000 quân Iraq thiệt mạng trong cuộc xung đột.
Iran được cho là có ngành công nghiệp quân sự nội địa phức tạp nhất ở Trung Đông. Họ sản xuất một loạt máy bay không người lái trinh sát, tấn công và cảm tử trong nước, tên lửa đạn đạo và hành trình, các hệ thống phòng không và tên lửa tiên tiến như Bavar-373, Khordad, cùng các hệ thống radar và tác chiến điện tử.
Vị trí địa lý và mạng lưới liên minh mang lại cho Tehran nhiều tiềm năng để tăng cường sức mạnh quân sự tổng thể của họ.
Quan hệ đối tác an ninh với Syria và lực lượng Hezbollah ở Li Băng, cho phép Iran triển khai sức mạnh tới bờ biển Địa Trung Hải, và khả năng độc nhất của Tehran trong việc đóng cửa eo biển Hormuz, tuyến đường thương mại hàng hải quan trọng giúp vận chuyển khoảng 30% tổng lượng dầu của thế giới.
Trong trường hợp quan hệ giữa Israel và Mỹ trở nên căng thẳng, Iran có thể sử dụng hệ thống phòng thủ bờ biển và các tên lửa khác để nhắm vào các hàng hóa thương mại của đồng minh Mỹ ở vùng Vịnh và gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có quân đội lớn thứ hai trong NATO sau Mỹ, cũng là một trong những cường quốc quân sự lớn nhất ở Trung Đông. Với 355.200 quân nhân tại ngũ và 378.700 quân dự bị, cùng một loạt căn cứ nằm rải rác trong khu vực.
Vì vậy, việc có hay không sự hỗ trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ có thể là yếu tố quyết định quan trọng đối với bất kỳ hoạt động nào trong khu vực của các đồng minh phương Tây.
Theo dữ liệu của IISS, trong tổng số 355.200 quân của Thổ Nhĩ Kỳ có 260.200 lính lục quân, 50.000 lính không quân và 45.000 lính hải quân.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn có khoảng 156.800 lực lượng bán quân sự, bao gồm Cảnh sát biển và Hiến binh, lực lượng của Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm duy trì trật tự công cộng và có thể trực thuộc lục quân trong thời chiến.
Thổ Nhĩ Kỳ đã phân bổ 16 tỷ USD cho quốc phòng và an ninh vào năm 2023, đồng thời có cơ sở công nghiệp quân sự có thể sản xuất các loại máy bay không người lái (như UAV trinh sát và UAV tấn công Bayraktar) cho đến tàu chiến, tên lửa hành trình nội địa, trực thăng ATAK và xe tăng chiến đấu chủ lực Altay, một phiên bản cải tiến của K2 Black Panther của Hàn Quốc.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ kỳ có quyền tiếp cận một số căn cứ quân sự ở nước ngoài, bao gồm Albania (tại căn cứ Pasha Liman), Azerbaijan (một “Trung tâm quan sát ngừng bắn” ở vùng Karabakh), Bosnia, Iraq, Kosovo, Libya, Qatar, Somalia và Syria.
Ai Cập
Ai Cập có chung biên giới với Dải Gaza cũng là một trong những quốc gia có quân đội mạnh nhất Trung Đông. Sức mạnh của quân đội Ai Cập xếp thứ 14 trong số 145 quốc gia trong bảng đánh giá Chỉ số Hỏa lực Toàn cầu 2023.
Quân đội Ai Cập có 438.500 quân nhân tại ngũ và 479.000 quân dự bị. Nước này đã không tham gia một cuộc xung đột lớn nào trên lãnh thổ của mình kể từ Chiến tranh Yom Kippur vào tháng 10/1973.
Các lực lượng Ai Cập đã gia nhập liên minh quốc tế do Mỹ dẫn dắt ở Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và tham gia chiến dịch chống khủng bố do Washington lãnh đạo.
Ngân sách quốc phòng của Ai Cập năm 2022 là 4,6 tỷ USD. Nước này phần lớn phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài để nhập khẩu trang thiết bị quân sự. Ví dụ, trong giai đoạn 1948-2017, Ai Cập nhập khẩu hơn 48 tỷ USD thiết bị quân sự từ Mỹ. Ngoài ra, Nga cũng là nguồn nhập khẩu vũ khí lớn của Ai Cập.
Ai Cập là một trong những quốc gia kêu gọi Israel và Hamas ngừng bắn ở Gaza. Ai Cập cũng cho phép mở cửa khẩu Rafah để đưa hàng viện trợ vào Gaza, cho phép người nước ngoài sơ tán khỏi vùng chiến sự này.
Ả Rập Xê Út
Ả Rập Xê Út xếp thứ 5 trong bảng xếp hạng 5 quân đội mạnh nhất ở Trung Đông và xếp thứ 22 toàn cầu.
Năm 2023, ngân sách quốc phòng của nước này là 69,1 tỷ USD. Ả Rập Xê Út luôn nằm trong danh sách 10 quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn nhất thế giới.
Quân đội Ả Rập Xê Út có 257.000 quân thường trực. Trong đó, lục quân gồm 75.000 người, hải quân 40.500 người, không quân 25.000 người, số còn lại là lực lượng tên lửa chiến lược và phòng không.
Ả Rập Xê Út chủ yếu nhập khẩu thiết bị quân sự của Mỹ (gần 80%), tiếp đến là từ Pháp và Tây Ban Nha. Những vũ khí, thiết bị này gồm có xe tăng Abrams, xe chiến đấu Bradley, trực thăng tấn công Apache, hệ thống phòng không Patriot.
Ả Rập Xê Út nổi lên trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 với tư cách là một phần của liên minh do Mỹ lãnh đạo và tham gia Chiến dịch Vùng cấm bay ở Iraq trong suốt những năm 1990. Nước này cũng tham gia liên minh phương Tây trong chiến dịch chống khủng bố Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) 2014-2017.
Ả Rập Xê Út là một trong những quốc gia đang kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza.
T.P