“Đi dạo” là đi lững thững để giải trí để ngắm cảnh, hoặc để tìm tòi, mua bán…Vậy nói một cuộc “đi dạo” mang “thông điệp” có là làm to chuyện?
Có lý để hỏi ngược lại một câu như thế. Tuy nhiên, chỉ có lý với những cuộc đi dạo bình thường. Còn trong trường hợp này, thì không thể là bình thường.
Thứ nhất, ông Joe Biden, tổng thống Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ và ông Tập Cận Bình – Chủ tịch Trung Hoa – hai nhân vật thong dong thả bước trong điền trang Filoli, ngoại ô San Francisco bang Californie, Hoa Kỳ, ngày 15/11/2023 – là hai người đàn ông quyền lực nhất thế giới, đứng đầu hai siêu cường. Thứ hai, dù là một cuộc gặp bên lề Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC 2023), nhưng cuộc “dạo chơi” này thậm chí còn được dư luận quan tâm săm soi còn hơn những hoạt động của họ trong sự kiện chính.
Thực ra, chẳng phài “dạo chơi đâu”. Công việc cả đấy. Để có được cái gọi là “dạo chơi” này, cả đàn thuộc hạ của Trung Nam Hải và Nhà trắng đã phải toát mồ hôi và kỳ công cho sự đấu mối, bàn bạc, lên chương trình. Không kỳ công sao được khi cuộc gặp có sứ mệnh “ngăn chặn đà suy giảm trong quan hệ Trung – Mỹ, ổn định và đưa quan hệ trở lại con đường phát triển lành mạnh” kia mà. Ngoài mặt thì ngạo nghễ thế, nhưng bên trong, cả hai cường quốc, đồng thời là đối tác thương mại khồng lồ của nhau này, đều biết, kéo dài tình trạng băng giá ngoại giao, bên nào cũng thiệt hại.
Thậm chí, Washington mới là bên thể hiện sự nôn nóng tan băng quan hệ với Trung Quốc. Là cường quốc quân sự số 1, nhưng Mỹ lại lo lắng trước về cái mà họ gọi là tình huống quân sự “vượt ra ngoài kiểm soát trên biển và trên không”.
Quan ngại của Mỹ càng tăng thêm khi thời gian qua, Bắc Kinh liên tục có những động thái quyết đoán cho máy bay, tàu chiến “cắt mặt, cắt mũi” máy bay, tàu khu trục Mỹ trên không, trên biển. Chẳng cần là những chuyên gia hàng không, hàng hải, ai cũng biết, những tình huống đó thực sự nguy hiểm, không phải như người Mỹ cố tình mô tả nhẹ đi bằng khái niệm “tương tác không an toàn”. Nói trắng ra, thời điểm này, Mỹ sợ một cuộc va chạm nảy lửa mang mùi súng đạn với Trung Quốc.
Chẳng thế mà, trong bữa tiệc tổ chức tối 2/6/2023 trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La, ông Austin, bộ trường quốc phòng Mỹ đã có động thái ví như “lân la” để ngồi gần ông bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc (khi đó là Lý Thượng Phúc) nhằm có cơ hội làm cùng tính với ông Phúc về những tình huống căng thẳng quân sự giữa hai bên. Tiếc là ông thượng thư bộ quốc phòng Mỹ chỉ nhận được ở đối thủ những cái nhìn ví như “khinh khỉnh”.
Bằng chứng nữa thể hiện sự kiên trì dụng phép “lấy nhu trị cương” của Mỹ, là chuyến công du Bắc Kinh của ngoại trưởng Mỹ sau Đối thoại Shangri-La 2023 độ 2 tuần. Chẳng úp mở, Washington nói trắng phớ: “Ngoại trưởng sẽ giải thích chính sách của Mỹ là theo đuổi con đường ngoại giao để kiểm soát căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới…”.
Tuy nhiên, kết quả như đã lộ ra trước trong vẻ mặt nặng trĩu lo âu của ông Blinken khi hạ cánh sân bay Bắc Kinh, và trong tuyên bố đầy u ám của giới chức ngoại giao Mỹ trước chuyến đi: “Chúng tôi không kỳ vọng chuyến thăm sẽ mang tới đột phá nào trong quan hệ song phương với Trung Quốc”.
Thuộc cấp đã không thể hóa giải được, vậy thì lần này, với sự xắn tay của cấp chóp bu, liệu có mang lại thành quả?
Trước đó, trong sự thất vọng về việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không dự Thượng đỉnh G20 khiến hai người không có cơ hội gặp nhau, ông chủ Nhà trắng đã thiết tha rằng: “Tôi vẫn sẽ tìm cách gặp ông ấy”.
Thì nay, hai người đã cùng nhau dạo bước. Thỏa chưa?
“Trông mặt mà bắt hình dong” – tục ngữ nói thế. Những trong trường hợp này, khó đấy. Truyền thông quốc tế đưa một vài tấm ảnh của hai ông. Có hình hai ông cùng cười. Có hình hai ông không cau có, nhưng khó giấu nổi vẻ đăm chiêu. Vậy thì hình ảnh nào mới là thể hiện, phản ảnh tương lai của bang giao Mỹ – Trung đây? Thậm chí, ngay cả việc truyền thông tường thuật cuộc nói chuyện về “chủ đề xe cộ” trước tòa nhà ở điền trang Filoli, cũng có khi chỉ là mang ý nghĩa hình thức nhằm giảm nhẹ căng thẳng trước đó của một cuộc hội đàm được cho kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ.
Đành là nhiều vấn đề bày lên bàn, nhưng nếu thiện chí, mọi chuyện cùng nhất trí và hanh thông, thì chả cần những ngần ấy thời gian.
Chắc chắn, đã có nhưng căng thẳng mà hai bên, trong thông báo ngoại giao đã cố tình giảm tông bằng ngôn từ “thẳng thắn”.
Như câu chuyện Ukraine chẳng hạn. Dễ nhất trí sao, khi Washington đang nghi ngờ Bắc Kinh, cùng với mua dầu thô của Nga với số lượng lớn, còn hỗ trợ vũ khí cho Nga. Chuyện Đài Loan mà Bắc Kinh coi một số động thái của Mỹ là chạm “lằn ranh đỏ” chẳng hạn. Và chẳng hạn nữa, là chuyện Biển Đông – khu vực mà bấy lâu nay như đang trở thành điểm thử cho sự quyết đoán của cả hai bên…
Ông Tập nói “Trái Đất đủ lớn để cả hai quốc gia thành công”; “Đối với hai nước lớn như Trung Quốc và Mỹ, việc quay lưng lại với nhau không phải là một lựa chọn. Xung đột và đối đầu sẽ gây ra những hậu quả khó lường cho cả hai bên”. Còn ông Biden thì nói: “Có những thách thức toàn cầu nghiêm trọng đòi hỏi sự lãnh đạo chung”…
Như vậy, thiện chí và trách nhiệm nữa, cứ cho là có đi, nhưng chen vào để phá bĩnh cái thiện chí đó, ai cũng thấy, là những vấn đề cụ thể đã nêu trên. Đơn cử, chuyện cung cấp vũ khí cho Đài Loan, liệu sau cuộc gặp này với ông Tập, ông Biden có vì cái gọi là thiện chí và trách nhiệm mà hủy đơn hàng loạt đơn hàng vũ khí trị giá tới 12,5 tỷ USD cho Đài Loan (trong đó hạng mục lớn nhất trong danh sách là đơn đặt hàng trị giá 8 tỷ USD cho biến thể Block 70 cải tiến của máy bay chiến đấu F-16) không?
Thế nên, một cuộc gặp được thu xếp tới mức kỳ công cho hai nhà lãnh đạo hai siêu cường, là sự thật. Nhưng kết quả mang lại có tương xứng với sự kỳ công đó hay không, thời gian mới có thể trả lời được.
Nói cách khác, đừng lạc quan vội vào cái gọi là “thông điệp từ cuộc đi dạo” của hai ông Tập Cận Bình và Biden mà giới truyền thông đang hoan hỷ mấy hôm nay.
T.V