Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiMalaysia tham vọng về đất hiếm, sẵn sàng cạnh tranh với TQ

Malaysia tham vọng về đất hiếm, sẵn sàng cạnh tranh với TQ

Malaysia muốn có một phần trong miếng bánh đất hiếm màu mỡ bằng cách khai thác trữ lượng khoáng sản ước tính trị giá 173 tỷ USD, trong bối cảnh nước này muốn thúc đẩy FDI và tăng trưởng kinh tế.

Chính quyền Thủ tướng Anwar Ibrahim hy vọng rằng với trữ lượng đất hiếm ước tính 16,2 triệu tấn, cùng mối quan hệ với ông lớn khai thác mỏ Lynas của Australia, nước này sẽ trở thành nhà xuất khẩu chủ chốt trên thị trường đất hiếm toàn cầu.

Đất hiếm được ứng dụng trong các công nghệ xanh, là chất liệu chế tạo mọi thứ từ xe điện đến điện thoại thông minh.

Chính phủ Malaysia hồi tháng 10 đã gia hạn giấy phép cho Lynas – nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc – vận hành nhà máy xử lý tại bang Pahang cho đến tháng 3/2026, dù vẫn còn ý kiến lo ngại về việc Lynas chưa làm tròn trách nhiệm quản lý chất thải phóng xạ của nhà máy.

Lynas trước đó luôn khẳng định chất thải từ nhà máy của họ có chứa chất phóng xạ tự nhiên ở mức độ rất thấp.

Chính phủ Malaysia dường như đã nhận thấy tiềm năng khai thác nguồn doanh thu mới khổng lồ từ ngành đất hiếm.

Hồi tháng 9, ông Anwar nói với Quốc hội rằng ngành này có thể đóng góp tới 2 tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội của Malaysia vào năm 2025, đồng thời tạo ra gần 7.000 việc làm mới.

Thị trường đất hiếm toàn cầu ước tính sẽ đạt giá trị 14,25 tỷ USD vào năm 2030, gần gấp 3 lần giá trị 5,37 tỷ USD vào năm 2022, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu và tư vấn Trusted Market Research có trụ sở tại Mỹ.

Halmie Azrie, nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn Vriens & Partners, nhận định việc phát triển ngành công nghiệp đất hiếm địa phương là “phương pháp hữu ích” để đa dạng hóa nguồn thu của đất nước, ngoài cải cách thuế và cắt giảm dự luật trợ cấp.

Ngoài ra, việc phát triển ngành công nghiệp đất hiếm cũng sẽ hỗ trợ Malaysia trong lúc chuyển đổi năng lượng và thực hiện tham vọng trở thành quốc gia chủ chốt trong lĩnh vực xe điện, theo giới phân tích.

Nhưng để thực hiện mục tiêu ấy, Malaysia phải vượt qua “mê cung” lập kế hoạch toàn diện, áp dụng công nghệ tiên tiến để giảm tác động môi trường, đảm bảo sự tham gia của người dân địa phương và các nhóm môi trường trong những khu vực có hoạt động khai thác và xử lý đất hiếm, họ nói.
“Quyết định của Malaysia phát triển ngành đất hiếm địa phương đòi hỏi sự cân bằng phức tạp giữa các yếu tố về lợi ích kinh tế tiềm năng, lo ngại môi trường… và các tác động xã hội”, Renard Siew, Cố vấn về biến đổi khí hậu của Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Quản trị, cho biết.

Việc bước chân vào ngành công nghiệp đất hiếm cũng có thể gây ra khúc mắc trong quan hệ với Trung Quốc, trung tâm sản xuất đất hiếm toàn cầu và cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia.

Trung Quốc, quốc gia chiếm 70% sản lượng khai thác đất hiếm toàn cầu vào năm 2022 theo dữ liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, đã siết xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ vào tháng 7 để đáp trả các lệnh trừng phạt thương mại của Washington.

Nhưng giới phân tích cho rằng đó có thể là sự đánh đổi xứng đáng.

“Điều này sẽ giúp Malaysia ở vào vị thế thuận lợi trong ngắn hạn, sánh ngang với các thị trường khác như Ấn Độ và Australia… để trở thành những lựa chọn thay thế trong khi phương Tây giải quyết cuộc cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc”, ông Halmie của Vriens & Partners nói.

Dù vậy, ông Tan Bun Teet, Chủ tịch nhóm Save Malaysia Stop Lynas (SMSL), chỉ ra rằng, so với Trung Quốc và Australia, Malaysia có quỹ đất hạn chế nên việc sử dụng đất cho nông nghiệp sẽ hiệu quả hơn, nhất là khi nước này còn gặp thách thức về an ninh lương thực.

RELATED ARTICLES

Tin mới