Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNguy hiểm khó lường trên bán đảo Triều Tiên

Nguy hiểm khó lường trên bán đảo Triều Tiên

Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên lần lượt đình chỉ thỏa thuận quân sự song phương sau vụ phóng vệ tinh do thám gây tranh cãi của Bình Nhưỡng.

Tên lửa mang vệ tinh chuẩn bị được phóng tại tỉnh Bắc Gyeongsang (Triều Tiên) hôm 21.11

Tái quân sự hóa giới tuyến
Hôm qua, Bộ Quốc phòng Triều Tiên tuyên bố sẽ không bao giờ bị ràng buộc bởi Thỏa thuận quân sự toàn diện (CMA) liên Triều ký hồi năm 2018, đồng thời cho biết sẽ khôi phục ngay lập tức các biện pháp quân sự, triển khai lực lượng và vũ khí mới uy lực hơn dọc Đường phân giới quân sự giữa hai miền bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng cáo buộc “sự khiêu khích chính trị và quân sự vô trách nhiệm và nghiêm trọng” của Seoul đã đẩy tình hình đến giai đoạn “không thể kiểm soát”.

Theo Hãng tin Yonhap, CMA được ký vào tháng 9.2018 dưới thời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (2017 – 2022), theo đó hai bên thiết lập vùng đệm và vùng cấm bay dọc giới tuyến liên Triều để ngăn các vụ đụng độ vô tình. Phía Hàn Quốc đình chỉ một phần thỏa thuận này và đã khôi phục hoạt động giám sát gần giới tuyến sau khi Triều Tiên phóng tên lửa Chollima-1 mới, đưa vệ tinh do thám quân sự Malligyong-1 lên quỹ đạo vào tối 21.11. Hành động này bị Seoul và đồng minh lên án là vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về việc cấm Bình Nhưỡng sử dụng công nghệ có thể ứng dụng cho chương trình tên lửa đạn đạo.

Triều Tiên tuyên bố việc phóng vệ tinh là quyền tự vệ “hợp thức” nhằm giám sát hoạt động trong khu vực. Nước này chỉ trích sự phản ứng của Hàn Quốc là “vô lý” và cảnh báo Seoul sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra xung đột không thể cứu vãn giữa hai miền. Khuya 22.11, Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo ra vùng biển phía đông nhưng quân đội Hàn Quốc cho rằng vụ phóng đã thất bại.

Nguy cơ xung đột
Yonhap hôm qua dẫn lời một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc nói rằng bất chấp tuyên bố của Triều Tiên, chính phủ Hàn Quốc không cho rằng thỏa thuận đã bị hủy bỏ và sẵn sàng đối thoại để tìm cách giảm căng thẳng quân sự. Cựu chuyên gia phân tích Bruce Klingner của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), hiện làm cho Quỹ Di sản – viện nghiên cứu nổi tiếng tại Mỹ, nói với Reuters rằng CMA trên lý thuyết là công cụ giảm nguy cơ và xây dựng lòng tin – an ninh có lợi cho hai miền bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, do thiếu các biện pháp tiếp nối nên thỏa thuận đã gây cản trở hoạt động giám sát, huấn luyện quân sự của Hàn Quốc và đồng minh, trong khi không giảm bớt mối đe dọa quân sự từ Triều Tiên.

Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Triều Tiên đã nhiều lần vi phạm thỏa thuận, trong đó có 15 lần trong năm ngoái. Dù vậy, Giáo sư Moon Chung-in tại Đại học Yonsei (Hàn Quốc), cựu cố vấn đặc biệt của tổng thống trong giai đoạn đối thoại với Triều Tiên, nhận xét việc thỏa thuận sụp đổ có thể gia tăng nguy cơ đối đầu dọc giới tuyến. “Những cuộc chạm trán vô tình có thể leo thang thành xung đột toàn diện, gồm tấn công hạt nhân”, Giáo sư Moon cảnh báo. Tương tự, nhà nghiên cứu Hong Min tại Viện Hàn Quốc vì thống nhất dân tộc cho rằng nếu xung đột xảy ra, Triều Tiên có thể phô trương sức mạnh quân sự với vũ khí quy ước lẫn vũ khí mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật.

Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) cho rằng Nga đã giúp đỡ Triều Tiên trong vụ phóng vệ tinh thành công ngày 21.11. Cáo buộc được đưa ra trong cuộc họp kín tại quốc hội ngày 23.11 và được nghị sĩ Yoo Sang-bum của đảng PPP cầm quyền cho biết. Ông Yoo nói phía Hàn Quốc có nguồn tình báo cho thấy Triều Tiên cung cấp bản thiết kế và dữ liệu của hai vụ phóng thất bại trước đó cho Nga để nước này đưa ra phân tích. Triều Tiên và Nga chưa lập tức bình luận.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới