Monday, November 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiGiám đốc cơ quan chống tham nhũng bị tình nghi tham nhũng

Giám đốc cơ quan chống tham nhũng bị tình nghi tham nhũng

Giám đốc cơ quan chống tham nhũng Indonesia bị coi là nghi phạm trong vụ tống tiền cựu Bộ trưởng Nông nghiệp nước này.

Firli Bahuri phát biểu trong cuộc họp Nhóm công tác chống tham nhũng G20 ở Bali, Indonesia, tháng 7.2022.

CNA đưa tin, cảnh sát Indonesia công bố tên người đứng đầu Ủy ban Phòng chống tham nhũng của nước này, Firli Bahuri, là nghi phạm trong một vụ án tham nhũng.

Firli là nghi phạm trong vụ tống tiền Syahrul Yasin Limpo – cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia, người bị bắt vào tháng trước sau khi bị cáo buộc bỏ túi hơn 800.000 USD từ công quỹ.

Ade Safri Simanjuntak – quan chức cảnh sát Jakarta, phát biểu với báo giới hôm 22.11 rằng, đã có “đủ bằng chứng để chỉ đích danh… người đứng đầu Ủy ban Phòng chống tham nhũng (KPK) là nghi phạm trong một vụ tham nhũng dưới hình thức tống tiền”.

Ade cho biết, một quan chức nhà nước đã tống tiền Bộ Nông nghiệp từ năm 2020 đến năm 2023. Các nhà chức trách đã tịch thu các tài liệu giao dịch trao đổi từ Singapore và hơn 477.000 USD từ các cuộc đột kích tại hai địa điểm.

Đây là lần đầu tiên người đứng đầu cơ quan phòng chống tham nhũng của Indonesia bị cáo buộc phạm tội tham nhũng.

Firli hiện chưa bị bắt. Người này không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận nhưng nói “chưa bao giờ tống tiền bất kỳ ai và chưa bao giờ dính líu đến hối lộ … với bất kỳ ai”.

Firli có thể phải đối mặt với án tù chung thân nếu bị kết tội nhận hối lộ.

Phó lãnh đạo KPK Alexander Marwata khẳng định, công việc của cơ quan này không bị ảnh hưởng bởi các cáo buộc.

Alexander Marwata phát biểu với báo giới hôm 23.11: “Ban lãnh đạo KPK vẫn vững vàng và cam kết sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo quy định”.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết, “tôn trọng quy trình của pháp luật” khi được hỏi về việc Firli bị coi là nghi phạm.

Firli được bổ nhiệm làm người đứng đầu KPK vào năm 2019, cùng thời điểm các nhà phê bình cho rằng, những thay đổi trong luật quản lý Ủy ban Phòng chống tham nhũng đã làm suy yếu cơ quan này, gây ra một loạt cuộc biểu tình.

KPK đã truy tố hàng trăm chính trị gia, quan chức và doanh nhân kể từ khi thành lập năm 2002, trở thành một trong những cơ quan được vị nể nhất đất nước.

Năm 2021, một cựu Bộ trưởng Các vấn đề xã hội đã bị bỏ tù 12 năm sau khi bị kết tội nhận hối lộ 1,2 triệu USD liên quan đến viện trợ lương thực cho các gia đình nghèo bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới