Monday, November 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghịch lý quân sự - Dù vũ khí TQ chưa tốt nhưng...

Nghịch lý quân sự – Dù vũ khí TQ chưa tốt nhưng vẫn đắt hàng

Từ chỗ đi sao chép của nhiều nước tất cả mọi thứ từ xe tăng, máy bay đến những thứ nhỏ nhất như viên đạn, con ốc mà trở thành nhà sản xuất vũ khí mới nổi, ngang nhiên thách thức những nhà sản xuất lâu năm, thậm chí đã vươn mình đứng vào hàng top đầu trong kinh doanh vũ khí của thế giới. Nổi tiếng với tiêu chí rẻ, nhiều và dễ mua bán, tuy nhiên vũ khí của Trung Quốc vẫn là chất lượng chưa tốt. Để rồi từ đây, một nghịch lý được sinh ra và khiến nhiều người thắc mắc không thôi: đó là tại vũ khí Trung Quốc vẫn đắt hàng, thậm chí là được nhiều quốc gia săn đón?

Tên lửa Đông Phong 21-D, sát thủ tàu sân bay của Trung Quốc.

Những bản hợp đồng bom tấn, con số tăng trưởng ấn tượng

Năm 2022, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm, trong số 20 công ty vũ khí hàng đầu của thế giới đã có tới 7 công ty đến từ Trung Quốc. 3 năm trước, con số này chỉ là 3 và chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, nó đã tăng lên hơn gấp đôi. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, đã có một sự củng cố mạnh mẽ trong ngành công nghiệp vũ khí của Trung Quốc được diễn ra từ giữa năm 2010. Thậm chí vào năm 2021, Trung Quốc đã có công ty đóng tàu chiến lớn nhất thế giới, đạt doanh thu tới 11,1 tỷ đô. Doanh thu của 8 công ty vũ khí lớn nhất Trung Quốc năm 2021 đã tăng 6,3% so với năm 2020, lên mức 190 tỷ đô. Trong khi tại châu Âu, 27 công ty lọt vào danh sách 100 doanh nghiệp vũ khí hàng đầu thế giới mới có tổng doanh thu là 123 tỷ đô, tăng 4,2% so với năm 2020. Nhìn vào những con số trên, có thể thấy rằng chỉ số tăng trưởng của ngành sản xuất vũ khí Trung Quốc ấn tượng như thế nào so với phương Tây nói riêng

Trong số những vũ khí, khí tài được Trung Quốc bán ra, ấn tượng nhất đối với nhiều người chính là xe tăng chiến đấu chủ lực VT4, có khả năng bắn tên lửa dẫn đường qua nòng pháo. Đây là loại xe tăng thế hệ thứ ba do Norinco sản xuất. Thiết kế được cho là dựa trên hai mẫu Type-96B và Type-99A.

Khách hàng nổi bật nhất sở hữu mẫu xe tăng này chính là Thái Lan. Bản hợp đồng đầu tiên xuất khẩu VT4 từ Trung Quốc đến Thái Lan được thực hiện với 38 chiếc, trị giá hợp đồng ước tính là khoảng 150 triệu đô. Ngay sau đó, Thái Lan tiếp tục ‘order’ thêm lần lượt là 10 rồi 14 xe vào các năm 2017 và 2019. Ba bản hợp đồng bom tấn này trị giá đâu đó khoảng gần 400 triệu đô. Cũng trong năm 2017, chính quyền Thái Lan đã phê duyệt kế hoạch mua thêm ba tàu ngầm S26T của Trung Quốc với trị giá hơn 1 tỷ đô. Tuy nhiên, những thỏa thuận hợp tác quân sự giá trị lớn với Trung Quốc của chính quyền Thái Lan cũng đang hứng chịu hàng loạt các chỉ trích trong dư luận với lý do là thiếu minh bạch. Thậm chí còn bị một số người cáo buộc là các bản hợp đồng phi pháp, có thể khiến Bangkok hứng chịu nhiều hậu quả.

Ngoài xe tăng, tàu ngầm, Trung Quốc cũng tích cực xuất khẩu xe bọc thép, máy bay, tên lửa chống tăng tới nhiều quốc gia châu Phi. Theo báo cáo về danh sách vũ khí được giao từ Trung Quốc đến châu Phi từ năm 1992 đến năm 2009 của Liên Hợp Quốc, ngoài xe bọc thép Trung Quốc còn bán cho các nước như Chad, Gabon, Nigeria và Rwanda nhiều loại khí tài khác nhau. Có thể kể đến như máy bay, xe chiến đấu bộ binh và các loại pháo từ pháo xe kéo cho tới pháo phản lực phóng loạt. Trong đó nổi bật nhất là loại pháo chống tăng bánh lốp ST1 8×8 sử dụng pháo 105 ly, rất phù hợp với địa hình và nhu cầu khí tài của nhiều nước châu Phi.

Vào năm 2009, Trung Quốc cũng đã bán cho các nước như Congo, Ghana, Namibia tổng cộng là 93 xe bọc thép, ước tính thu về cho quốc này hàng trăm triệu đô. Hay là vào tháng 7/2014, 100 hệ thống tên lửa dẫn đường được cho là hệ thống Hồng Tiễn đã được bàn giao tới Nam Sudan. Về máy bay, các quốc gia như Nigeria, Tanzania, Zambia, Ghana đều là những khách hàng đã mua máy bay của Trung Quốc. Nhất là các loại máy bay không người lái. Không rõ là Trung Quốc đã xuất khẩu được bao nhiêu máy bay chiến đấu ra nước ngoài.

Nhưng rõ ràng, nước này đang muốn xuất khẩu nhiều máy bay không người lái hơn nữa, để thống lĩnh thị trường

Những cú “phốt” cũng ấn tượng không kém

Thế nhưng, xuất khẩu nhiều không có nghĩa là vũ khí Trung Quốc xịn, con số tất nhiên không nói lên tất cả. Như đã nói, nhiều quốc gia sở hữu vũ khí Trung Quốc thường lấy ưu tiên về giá thành và số lượng để bù cho chất lượng, vì không mua thì không có vũ khí cho quân đội của mình.

Sau đây là tập hợp những cú phốt về chất lượng của vũ khí Trung Quốc từ quá khứ cho tới hiện tại.

Năm 1987, Thái Lan đã từng mua lô 25 xe tăng chủ lực Type 69-II được phát triển trên bộ khung của Type 59 và công nghệ T-62 của Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn được đưa vào biên chế và sử dụng, toàn bộ 25 xe đã bị loại biên trước thời hạn, số xe được loại biên sau đó sẽ còn được nhớ mãi dưới sự kiện “vứt xe xuống biển tạo rạn san hô nhân tạo” của Thái Lan vào năm 2010. Khi đó, số xe tăng này được sử dụng mới có 17 năm. Lý do Thái Lan loại biên và vứt xe tăng Trung Quốc xuống biển là vì xe gặp quá nhiều hư hỏng, trục trặc và thiếu linh kiện để thay thế. Đại tá Manas Wongpaiboon, Phó Cục trưởng Cục Pháo binh và Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Quân đội Thái Lan khi đó đã ngậm ngùi chia sẻ: “Xe tăng Trung Quốc tệ hơn hẳn xe tăng châu Âu, số phận của những chiếc xe Type 69-II này được coi là thất bại đáng nhớ trong tiến trình mua sắm vũ khí của Bangkok”.

Ngoài Type 69-II, hải quân Thái Lan cũng từng ngậm trái đắng khi mua bốn tàu hộ vệ Type 053H2 từ Trung Quốc với giá 60 triệu đô một chiếc. Số tiền Thái Lan bỏ ra cho mỗi chiếc tàu này chỉ bằng 1/4 so với tàu của phương Tây cùng loại. Thế nhưng, shipper vừa ship hàng đến tay xong Thái Lan lập tức phải than trời. Theo đó, họ phải sửa chữa lại quá nhiều lỗi phát sinh của những chiếc tàu chiến này, ở hệ thống mạng lưới điện, hệ thống kiểm soát thiệt hại trong chiến đấu cũng rất kém, bao gồm thiết bị dập lửa và cửa chống nước không hiệu quả. Hải quân Thái Lan đánh giá nếu vỏ tàu bị thủng, nước sẽ nhanh chóng tràn vào và làm chìm tàu ngay. Bangkok buộc phải chi thêm rất nhiều tiền và thời gian để sửa chữa những trục trặc này.

Xa hơn nữa những năm 60, với nỗ lực dung hợp những gì tinh túy của hai huyền thoại là AK-47 và CKC thành một, Trung Quốc đã cho ra đời súng trường tấn công Type 63. Type 63 là một khẩu súng trường trông giống như CKC, nhưng sử dụng các yếu tố cơ chế vận hành của AK, như là khóa nòng xoay và hộp tiếp đạn 7,62x39mm của súng AK. Những khẩu súng này được biên chế trong quân đội Trung Quốc từ năm 1963 đến năm 1978. Đồng thời, viện trợ số lượng lớn Type 63 và biến thể Type 68 cho Việt Nam. Phía Việt Nam gọi dòng súng này là K-63.

Tuy nhiên, số súng này nhanh chóng được Việt Nam loại biên ngay sau đó và được đưa về cho các lực lượng tuyến sau sử dụng, vì chất lượng quá kém. Thực tế chiến trường cho thấy Type 63 quá nặng và thiếu các chi tiết như báng súng, có thể khai hỏa trong chế độ bán tự động như là M16 của Mỹ hay AKM của Liên Xô. Nói cách khác, Type 63 đã lỗi thời ngay từ khi nó vừa ra đời. Trong giai đoạn căng thẳng ở biên giới phía Bắc, lực lượng dân quân Việt Nam đã từng được trang bị loại súng này để chống lại quân bành trướng.

Năm 2015, Myanmar từng mua 16 chiếc tiêm kích JF-17 từ Trung Quốc với giá chỉ 16 triệu đô một chiếc. Được cho là sẽ được dùng để thay thế cho những chiếc A-5C, J-7M trong biên chế. Một cái giá không thể rẻ hơn cho một loại tiêm kích thế hệ thứ tư. Theo giới chuyên gia, nếu Myanmar mua F-16 từ Mỹ hay Su-30SM từ Nga, số tiền họ bỏ ra chỉ giúp họ tậu được có ba chiếc, thay vì tận 16 chiếc như JF-17.

Theo một số nguồn tin, vào tháng 11/2022 mới đây, số JF-17 mà Myanmar mua từ Trung Quốc đều đang nằm phơi nắng tại các sân bay. Theo lời một cựu phi công Myanmar, chúng hỏng hóc quá nhiều. Vỏ máy bay tại đầu mút cánh và các điểm cứng xuất hiện vết nứt sau những tình huống cơ động trên không, dù chưa đạt tới giới hạn giờ bay. Hệ thống điện tử và radar cũng hay hỏng vặt. Máy bay cũng không có hệ thống tên lửa ngoài tầm nhìn và radar đánh chặn hiệu quả. Myanmar hiện đang không có phụ tùng thay thế. Đồng thời, lệnh cấm vận thương mại cũng khiến chế độ quân sự Myanmar không thể trực tiếp mua tên lửa và bom trang bị cho JF-17. Hậu quả thê thảm là không quân Myanmar vẫn không thể sử dụng số JF-17 trong 4 năm sau khi chúng được đưa vào biên chế, mà vẫn phải phụ thuộc vào các loại máy bay huấn luyện như Yak-130, tiêm kích MiG-29 mà họ đang dự định loại biên.

Cuối cùng, cú phốt khiến những quốc gia châu Phi dù biết của rẻ là của ôi nhưng vẫn phải chấp nhận mua vũ khí Trung Quốc, chính là những chiếc xe WZ-551 của Trung Quốc bị bắn cháy bởi những loại vũ khí bộ binh đơn giản nhất. Vụ việc được cho là diễn ra tại Kenya, một trong những quốc gia nhập khẩu lượng lớn WZ-551 từ Trung Quốc. Theo hình ảnh được ghi lại tại làng Bussar phía Nam Kenya trong một cuộc tập kích của phiến quân đã cho thấy một xe tăng WZ-551 bị bắn cháy và phá hủy hoàn toàn, được bỏ lại. Không rõ loại vũ khí đã bắn cháy những chiếc xe tăng, thế nhưng theo phỏng đoán có thể là một quả đạn từ RPG-7. Nhìn chung, vũ khí Trung Quốc bán cho các quốc gia châu Phi gần như là rất mỏng manh và không có khả năng bảo vệ cao trước các loại vũ khí bộ binh đơn giản. Điều này đồng nghĩa với việc là tỷ lệ thương vong sẽ cao hơn cho những người lính trong trường hợp chiến sự diễn ra.

Chất lượng kém nhưng vẫn đắt hàng, nghịch lý không hề khó hiểu

Theo báo cáo khách quan, chúng ta có thể thấy rằng thị trường xuất khẩu vũ khí mà Trung Quốc hướng đến thường là những quốc gia nhỏ, ít tiền. Những quốc gia ấy thường có ít hoặc là không có cơ hội chạm vào vũ khí Mỹ và Nga, nên có xu hướng lựa chọn vũ khí của Trung Quốc để thay thế, lấy số lượng bù cho chất lượng. Ngoài ra, vũ khí Trung Quốc cũng phần nào phù hợp với tình hình tác chiến của họ. Chưa kể đến đó là việc mua bán vũ khí cũng có thể sẽ giúp cho các nước này mở rộng mối quan hệ giao dịch quốc tế giữa họ với Trung Quốc, hướng tới các lĩnh vực khác trong tương lai.

Trước tiên, để hiểu vì sao vũ khí Trung Quốc lại đắt hàng, chúng ta phải nói về sự chênh lệch giá so với các loại vũ khí quốc gia phương Tây. Ví dụ như JF-17 Thunder chẳng hạn, so với một chiếc Su-30SM từ Nga hay F-16 thế hệ mới nhất từ Mỹ có giá hơn 30 triệu đô, sắm một chiếc JF-17 giá 25 triệu đô, nếu may mắn như Myanmar có cả mã giảm giá thì còn rẻ hơn. Các quốc gia có chủ trương lấy số lượng bù chất lượng, không có khả năng tiếp cận vũ khí phương Tây, thường sẽ chọn vũ khí Trung Quốc nhằm củng cố số lượng của mình, dù biết là độ tin cậy không cao. Như vậy, giá thành rẻ chính là lợi thế lớn nhất của vũ khí Trung Quốc.

Chính xác là như vậy. Ngoài ra, với ngành công nghiệp phát triển, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng cung cấp số lượng lớn khí tài trong thời gian ngắn chỉ từ 1 tới 2 năm. Điều này có được là nhờ việc họ đã sản xuất sẵn và cho vào kho những khí tài mới được sản xuất khi có người mua chỉ việc lấy ra tân trang và thay thế linh kiện theo yêu cầu của khách hàng, thay vì ký hợp đồng sản xuất bán ra từng đợt và hoàn tất hợp đồng. Trung Quốc rút ngắn được hai khâu sản xuất và bàn giao từng đợt, đặt bút ký rồi chớp mắt cái là hàng đã về tay, chưa kể tới việc Trung Quốc có lịch sử tiếp cận với cả hai dòng vũ khí từ khối VACSAVA và NATO. Người chơi muốn hệ nào, họ cung cấp cho hệ đó luôn, bất kể là xanh hay đỏ đều được. Ví như những chiếc A5C họ từng bán cho Myanmar là mẫu tái thiết kế từ MiG-19, J11 nhái từ Su-27, UAV CH4 được cho là nhái từ mẫu MQ-1 của Mỹ.

Nhìn chung, họ không chỉ biết đạo nhái mà còn tái thiết kế và khắc phục những nhược điểm vốn có của một số loại khí tài nhất định để chúng trở nên tốt hơn trong mắt của khách hàng. Việc này giúp cho vũ khí của Trung Quốc có sức mạnh tương đương với vũ khí của những cường quốc như Nga hay Mỹ, mà giá thành lại rẻ hơn. Điều này phải nể Trung Quốc, không phải ai cũng có tư duy đạo nhái đỉnh cao như họ.

Quan trọng nhất trong việc giúp vũ khí Trung Quốc đi đâu cũng có khách chính là việc họ không bị ràng buộc bởi những công ước rườm rà về nhân quyền, mục đích sử dụng, kinh tế chính trị như vũ khí của Mỹ. Cùng với đó là phương thức thanh toán “có gì trả đó” cực kỳ linh hoạt. Rõ ràng là có nhiều yếu tố chính trị cũng như kinh tế đứng đằng sau những quốc gia chuộng vũ khí Trung Quốc. Nhiều trong số những quốc gia kẻ trên có những mối quan hệ rắc rối với những nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu của phương Tây, như Mỹ, Pháp hay Đức, vì những vấn đề về nhân quyền, dân chủ. Họ không chỉ thấy vũ khí Trung Quốc rẻ hơn mà còn nhận được các ưu đãi khác, như quà tặng, tín dụng và các phương thức thanh toán linh động, ít bị giảng buộc. Vũ khí Trung Quốc cũng có xu hướng dễ sử dụng hơn và giám sát ít khắt khe hơn so với vũ khí của các đối thủ cạnh tranh.

Tổng hợp từ các điều trên chúng ta sẽ nhận ra được rằng, không có gì lạ khi nhiều nước chuộng vũ khí Trung Quốc. Có quá nhiều lợi ích cho họ, đồng thời cũng chẳng bị ràng buộc bởi một tay to nào đó đứng phía sau những bản hợp đồng. Có chăng là phải bó tay chịu trận khi hàng bị hư hỏng mà thôi. Nhưng vẫn còn tốt chán so với việc không thể mua vũ khí của phương Tây.

Sức ép vẫn còn đó

Mặc dù đắt khách, nhưng vũ khí Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nhiều sức ép từ quốc tế, cũng như những cường quốc sản xuất và xuất khẩu vũ khí. Trong đó có những sức ép như bán vũ khí cho những quốc gia vi phạm công quyền, công ước quốc tế, không dân chủ, kém nhân quyền như Pakistan, Myanmar. Nhưng trên thực tế, những bản hợp đồng đó vẫn diễn ra, mặc cho sức ép nhân quyền, dân chủ nặng lên từng con chữ.

Chưa kể, sau nhiều cú phốt, Trung Quốc cũng bị nhiều bạn hàng truyền thống quay lưng. Chẳng hạn như Thái Lan không tài nào chịu đựng được sau vụ xe tăng Type-692 đã cạch mặt Trung Quốc và tậu luôn các xe T 84-Oplot-M từ Ukraina trước khi quyết định mua VT4. Nhiều quốc gia cũng không mua vũ khí Trung Quốc chỉ vì vấn đề kỹ thuật, chất lượng và linh kiện thay thế không đảm bảo. Trung Quốc nếu muốn mở rộng thị phần thì sẽ phải tìm cách cải thiện sâu trong khâu chất lượng sản xuất trong tương lai.

Cuối cùng, dù theo ước tính của SIPRI vào năm 2020, Trung Quốc là quốc gia sản xuất vũ khí lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, nhưng họ cũng phải đối mặt với sức ép từ nhiều ông lớn cũng như những đối thủ mới nổi. Các ông lớn truyền thống như Nga, Mỹ vốn đã là những cái tên quá quen thuộc có độ tin cậy cao trên thị trường vũ khí, chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc khó lòng vượt qua được cho dù chỉ số xuất khẩu cao hơn. Trong khi đó, các quốc gia mới nổi như Ấn Độ, Hàn Quốc cũng đang cải thiện tốc độ nghiên cứu, sản xuất và chịu khó đi tìm những thị trường cho vũ khí của mình.

Nhiều quốc gia đánh giá rằng, vũ khí Hàn Quốc rất tương xứng với giá tiền mà họ bỏ ra so với Trung Quốc, thậm chí còn có độ đa dạng cao hơn. Quốc gia này được dự đoán là sẽ tăng gấp hai đến ba lần doanh thu từ xuất khẩu vũ khí trong những năm tới. Hơn nữa, tăng cường xuất khẩu vũ khí cũng là một trong 10 nhiệm vụ chính quan trọng của chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok-ryul, vì quốc gia này muốn chiếm thị phần lớn hơn trong thị trường xuất khẩu quốc phòng thế giới.

Trong khi đó, Ấn Độ lại muốn cạnh tranh với Trung Quốc về vũ khí giá rẻ và quốc gia này cũng đang nổi lên là một nhà cung cấp vũ khí giá rẻ chất lượng. Trung Quốc vốn có lợi thế nhất định trong việc xuất khẩu vũ khí nhờ giá cả thấp hơn so với Mỹ và Nga, tuy nhiên New Delhi đủ khả năng cạnh tranh với Bắc Kinh về vấn đề này khi lượng nhân công của họ cũng dồi dào không kém Trung Quốc. Nhìn chung, Trung Quốc sẽ vẫn phải cẩn thận hơn và cải thiện nhiều hơn trong chất lượng để lấy lại lòng tin nơi khách hàng, cũng như giành được thị phần lớn hơn từ những ông lớn lâu đời và những nhà cung cấp mới nổi.

Chưa tốt nhưng vẫn đắt như tôm tươi là vì người ta chưa tìm ra nhà cung cấp nào hợp lý hơn, nếu như Hàn và Ấn mà làm rẻ ngang, chất lượng tốt hơn Trung Quốc thì thị trường của Trung Quốc sẽ bị bó hẹp lại chỉ còn đúng diện tích của nước mình là điều không khó để dự đoán.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới