Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ nghiên cứu nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm cao mới thực chất, hiệu quả, sâu sắc hơn.
Chiều 29/11, phát biểu tại họp báo sau hội đàm với Phó tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Cevdet Yilmaz, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ có truyền thống lịch sử hợp tác. Lãnh đạo và nhân dân hai nước đều mong muốn thúc đẩy quan hệ nên dư địa còn rất rộng nhưng cơ chế hợp tác còn hạn hẹp. Thủ tướng cho rằng thời gian tới hai nước cần xây dựng cơ chế để mối quan hệ đi vào chiều sâu, trong đó có việc nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền nâng cấp quan hệ.
Thủ tướng đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ. Hai nước sớm đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư, nhằm tạo đột phá sớm nâng kim ngạch thương mại song phương đạt 4 tỷ USD.
“Những văn bản hợp tác khi hoàn tất này sẽ góp phần tháo gỡ không gian hợp tác còn chật hẹp của hai nước, thúc đẩy mối quan hệ cả về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng”, Thủ tướng nói.
Lãnh đạo chính phủ Việt Nam đánh giá cao Thổ Nhĩ Kỳ là nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất khu vực Trung Đông vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần một tỷ USD. Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư vào lĩnh vực ưu tiên như sản xuất công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, tiêu dùng, kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo.
Lãnh đạo hai nước nhất trí tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư, phát triển ngành Halal (sản phẩm phù hợp với quy tắc Hồi giáo), nông nghiệp, du lịch.
“Nền kinh tế Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ bổ sung cho nhau, một nước ở đông nam châu Á, một nước ở tây bắc châu Á. Vấn đề giống nhau thì hợp tác, khác nhau thì bổ sung, vướng mắc thì tháo gỡ, thách thức thì cùng nhau vượt qua”, Thủ tướng nói và cho biết Việt Nam đã chấp thuận việc mở Tổng lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ tại TP HCM.
Thủ tướng thông báo Hội chữ thập đỏ Việt Nam sẽ chuyển gần 15 tỷ đồng quyên góp hỗ trợ nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất hồi tháng 2. Trước đó Việt Nam đã viện trợ 100.000 USD và cử hai đội cứu hộ sang giúp Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất.
Phó tổng thống Cevdet Yilmaz khẳng định Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực ASEAN, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng an ninh, du lịch. Nước này muốn đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Ông đánh giá cao thành công của Liên danh Vietur do công ty Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu trúng thầu dự án xây nhà ga hành khách sân bay Long Thành.
Ông Yilmaz nhấn mạnh việc mở Tổng lãnh sự quán tại TP HCM, trung tâm kinh tế, quốc phòng của Việt Nam, sẽ đóng góp cho phát triển quan hệ hai nước. Ông cám ơn Việt Nam đã hỗ trợ nhân lực và vật chất cho Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả thiên tai và khẳng định luôn sẵn sàng ủng hộ Việt Nam khi gặp khó khăn.
Thổ Nhĩ Kỳ cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành Halal nhằm nâng cao kim ngạch thương mại song phương. Hai nước nhất trí tăng cường hợp tác công nghiệp quốc phòng, đấu tranh chống tội phạm; đẩy mạnh hợp tác huấn luyện, đào tạo kỹ thuật, công nghệ, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ nhân đạo. Hai lãnh đạo cũng thống nhất xem xét đơn giản hóa thủ tục thị thực tạo thuận lợi cho khách du lịch hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đang trong chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29-30/11. Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 7/6/1978, hai nước duy trì quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt.
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông và là cửa ngõ để Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Đông và Nam Âu. Kim ngạch song phương năm 2022 đạt hơn 2 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 1,6 tỷ USD.
Lũy kế đến tháng 10, Thổ Nhĩ Kỳ có 36 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký 974,3 triệu USD, đứng thứ 26/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.