Lâu nay, các động thái của Việt Nam trong bang giao quốc tế thường bị Bắc Kinh quan tâm với cái nhìn soi mói. Khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với các đối tác từng phản đối, chỉ trích yêu sách “đường 9 đoạn” trên Biển Đông của Trung Quốc, Bắc Kinh còn phản ứng ra mặt.
Với Mỹ chẳng hạn. Từ việc lầm lỳ triển khai tàu chiến thực hiện hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông bất chấp sự khó chịu của Trung Quốc, đầu năm 2022, Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức đưa ra tuyên bố “Các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm cả “yêu sách lịch sử” trên hầu hết các phần của tuyến đường thương mại quan trọng này “phá hoại nghiêm trọng pháp quyền” và các quy định được công nhận rộng rãi trong luật pháp quốc tế”.
Tuyên bố khiến các quốc gia Đông Nam Á, dù cố ghìm nén, cũng không giấu nổi hân hoan trong lòng, đã khiến Bắc Kinh gầm gừ tung ra những lời chỉ trích, làm căng thẳng thêm quan hệ ngoại giao được đánh giá là “xuống tới đáy” giữa hai siêu cường vốn đã căng thẳng trước đó do cuộc chiến thương mại và công nghệ.
Vì thế, chuyến thăm Việt Nam của ông chủ Nhà trắng trong các ngày 10-11/9, Bắc Kinh, dù nén giận vào trong, thông qua tờ Thời báo Hoàn cầu – một công cụ truyền thông đẫm mùi dân tộc chủ nghĩa – vẫn cố tình gây gổ với Washington và Hà Nội bằng cách “nói cạnh nói khóe” rằng: Với việc nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ từ “đối tác toàn diện” lên “đối tác chiến lược toàn diện”, “chiến lược bao vây Trung Quốc từ phía nam” của Mỹ “đạt được tiến bộ”; và: Việt Nam lấy việc “phát triển mối quan hệ mạnh mẽ với Mỹ và phương Tây như một con bài thương lượng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc trong các vấn đề Biển Đông”.
Vừa nguôi ngoai ít nhiều sự kiện Hà Nội “thành thân” với Washington, thì nay, lại chồng thêm một việc mà dư luận đoán khó mà sai: Bắc Kinh hẳn phải lấy làm “ngứa mắt”: trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản (27 đến 30/11/2023) của nhà lãnh đạo Việt Nam Võ Văn Thưởng, Hà Nội và Tokyo đã nâng cấp quan hệ Việt Nam – Nhật Bản lên “Đối tác Chiến lược toàn diện”.
Thực ra, dư luận có cơ sở để mà suy đoán.
Chưa kể những cạnh tranh kinh tế bùng lên vài năm nay, thâm thù giữa Trung Quốc và Nhật Bản vốn tồn tại từ lâu, gắn với sự kiện “thảm sát Nam Kinh” hồi chiến tranh Trung-Nhật (1937-1945). Đã thế, giữa hai nước lâu nay vẫn căng thẳng do tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo có tên là Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Dường như dự đoán trước dư luận sẽ có những suy diễn tiêu cực, trong văn kiện và thông tin chính thức, cả Hà Nội và Tokyo đều diễn giải cụ thể, minh bạch tính chất của việc nâng cấp quan hệ này, là “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”.
Tuy nhiên, cái sự chặt chẽ ấy cũng không cấm được cánh báo chí bình luận theo góc nhìn của họ: coi đó như cái bắt tay của hai quốc gia cùng chung đối thủ là Trung Quốc.
Như AP – một hãng truyền thông lớn của Mỹ chẳng hạn Hãng này đã cố ý gắn sự kiện nâng cấp ngoại giao với bối cảnh phức tạp, để mà bình rằng: Hai nước nhất trí tăng cường quan hệ an ninh và kinh tế trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Còn hãng tin lớn Reuters của Anh thì nhanh nhảu: Nâng cấp chiến lược Việt – Nhật là động thái nhấn mạnh vai trò chiến lược ngày càng tăng của Việt Nam như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh có căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và phương Tây, giúp chuyển dịch đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc sang quốc gia Đông Nam Á.
Tờ báo Nhật báo Nhật Nikkei Asia thì suy luận: sự kiện này hẳn phải có lý do từ việc Hà Nội “ngày càng lo ngại hơn về việc xây dựng quân sự trên biển của Trung Quốc”…
Tóm lại, cứ bằng vào ngôn từ của nhiều tờ báo những ngày qua, cái sự nâng cấp bang giao Việt – Nhật không thể tách rời yếu tố Trung Quốc. Thâm chí, do lo lắng phải đối phó với Bắc Kinh nên hóa ra Trung Quốc là nguyên nhân chính hình thành các cặp liên kết kiểu như Việt – Mỹ và Việt Nhật trong các tháng cuối năm 2023 bận rộn với Hà Nội này.
Hà Nội thì tỉnh rồi, giới truyền thông của họ chẳng hề bị tác động trước những thông tin tù mù của đồng nghiệp quốc tế. Điều lạ là trong trường hợp này, Bắc Kinh cũng tỏ ra tỉnh táo hơn người. Cơ quan ngoại giao Trung Quốc tới nay im lìm. Còn cánh báo chí của Bắc Kinh, thậm chí còn làm cái việc ví như “giúp” Hà Nội nắn chỉnh sự võ đoán quá đà của dư luận cho rằng: do Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia cùng có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc, nâng cấp mối quan hệ là để kiềm chế Bắc Kinh.
Tờ Hoàn Cầu thời báo, ngay sau sự kiện này, trong một bài viết, còn chính thức chỉ trích ý đồ của phương Tây làm cái việc xỏ xiên “tận dụng cơ hội để chia rẽ Trung Quốc với Việt Nam và phóng đại sự ‘thù địch’ của Việt Nam với Trung Quốc”.
Bình về sự khác lạ của Hoàn Cầu Thời báo và truyền thông Trung Quốc, nhiều người cho rằng: Bắc Kinh thế mới cao mưu. Ngược lại, nếu sa vào bẫy kích động của truyền thông phương Tây, Trung Quốc không chỉ mang cái tức vào mình mà có khí còn “mất bạn” là Việt Nam vậy.
T.V