Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna kêu gọi Bắc Kinh kiềm chế, ngăn chặn nguy cơ bùng phát căng thẳng ở Biển Đông.
Phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí Australia ở Canberra, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna cho biết Trung Quốc nên góp phần giảm bớt căng thẳng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
“Tất nhiên là chúng tôi lo ngại về những gì đã xảy ra với hải quân Australia vài ngày trước, cũng như những gì đã xảy ra với Philippines vài tuần trước”, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna nói.
Tháng trước, Australia chỉ trích Bắc Kinh vì hành vi “không an toàn và thiếu chuyên nghiệp” trên biển. Australia cho rằng một trong những thợ lặn hải quân của nước này đã bị thương do sóng siêu âm của tàu khu trục gây ra khi tàu HMAS Toowoomba – tàu khu trục tầm xa của Australia, đang hỗ trợ việc thực thi lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản ngày 14/11.
Trong khi đó, lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc bị cáo buộc quấy rối các tàu đánh cá Philippines ở Biển Đông. Hôm 3/12, Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines triển khai hai tàu đến Biển Đông sau khi theo dõi sự gia tăng “đáng báo động” về số lượng tàu dân quân hàng hải của Trung Quốc tại bãi Whitsun (Ba Đầu). Theo đó, hơn 135 tàu Trung Quốc hiện diện ở bãi đá ngầm trên Biển Đông.
“Sự ổn định phải được đề cao ở eo biển Đài Loan và chắc chắn thế giới không cần một cuộc khủng hoảng mới”, Ngoại trưởng Colonna nhấn mạnh, cho rằng Trung Quốc nên tự do theo đuổi “sự trỗi dậy kinh tế” của mình, song đổi lại nước này cần phải đáp ứng những kỳ vọng của quốc tế về các vấn đề khác.
“Vì những lý do này, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc một cách xây dựng và thực sự có những dấu hiệu đáng khích lệ. Những nỗ lực của chúng tôi đang sẽ tạo ra những xu hướng hợp tác tích cực”, Ngoại trưởng Pháp cho biết thêm.
Thời gian gần đây, Trung Quốc tăng cường hoạt động hiện diện quân sự gần eo biển Đài Loan, cũng như gia tăng hoạt động tàu cá, tàu hải cảnh ở khu vực Biển Đông. Philippines cho rằng động thái của Bắc Kinh là “đáng báo động”, đi ngược lại các quy định của luật pháp quốc tế.
T.P