Campuchia là một đất nước có nền kinh tế chưa thực sự phát triển bằng các nước lớn trong khu vực. Tuy nhiên, không phải vì thế mà hệ thống giao thông vận tải của đất nước này không được phát triển. Thực tế cho thấy, chắc chắn không có một quốc gia Đông Nam Á nào đạt đến sự toàn diện về các loại hình giao thông như Phnom Penh hiện nay. Không chỉ đường bộ, đường sắt, mà hạ tầng đường hàng không của đất nước Chùa Tháp cũng đang được xây dựng và mở rộng, động lực để tạo nên tất cả những điều này đến từ nguồn vốn khổng lồ của Trung Quốc.
Một số dự án hạ tầng nổi bật, như kênh đào Phù Nam trị giá 1,7 tỷ USD, hay tuyến đường cao tốc Phnom Penh – Bavet trị giá 1,35 tỷ USD, đặc biệt là dự án sân bay đầy tiềm năng mới của quốc gia này hiện nay. Đó là sân bay quốc tế Techno Tarkmao, hay còn gọi tắt là sân bay quốc tế Techno.
Techno Tarkmao sân bay lớn nhất Campuchia
Sân bay quốc tế Phnom Penh hiện là một trong những sân bay lớn nhất Campuchia, được xây dựng vào năm 1995, với diện tích khoảng 450 ha. Sân bay này giờ đây đã trở thành trung tâm vận chuyển hàng không hàng đầu của đất nước Chùa Tháp. Tuy nhiên, với sự phát triển của nền kinh tế và ngành du lịch, thì sân bay này đã trải qua nhiều lần mở rộng và nâng cấp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong việc vận tải hàng hóa, cũng như số lượng hành khách.
Năm 2014, Campuchia đã công bố dự án trị giá 100 triệu USD để mở rộng sân bay quốc tế Phnom Penh. Nhìn chung, việc nâng cấp này đã mang lại nhiều lợi ích, giúp đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Cụ thể, sân bay này đã được mở rộng thêm các loại hình cơ sở hạ tầng, như bãi đậu xe rộng rãi, nhà ga hiện đại với không gian thoáng rộng, quầy làm thủ tục tiện lợi, quầy xuất nhập cảnh đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, hệ thống xử lý hành lý nhanh chóng. Cùng với đó là khu thương mại với nhiều sản phẩm đa dạng. Từ đây, công suất của sân bay đã tăng lên gấp đôi so với trước đây từ 2,5 triệu khách lên đến 5 triệu khách mỗi năm.
Thế nhưng sân bay quốc tế Phnom Penh vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình vận hành, khi mà số lượng hành khách đã tăng nhanh chóng trong những năm gần đây, đạt đỉnh vào năm 2019, khi lưu lượng hành khách vào năm này đạt hơn 6 triệu người, gấp hai lần so với năm 2016 và gấp 10 lần so với năm 1998.
Các vấn đề về môi trường, an ninh và an toàn bay vẫn đang được các nhà chức trách địa phương và quốc tế quan tâm giải quyết. Bên cạnh đó, là tình trạng ùn tắc giao thông tại thủ đô Phnom Penh hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho các cơ quan liên quan của xứ sở Chùa Tháp đau đầu. Chính vì vậy, chính phủ Campuchia đã có những toan tính xa hơn trong trong việc sẽ phát triển một sân bay mới có quy mô lớn hơn, nhằm thay thế cho sân bay Phnom Penh hiện tại trở thành sân bay chính của quốc gia này, với sức chứa lớn hơn, cơ sở hạ tầng hoàn thiện hơn, các tiện ích mới hiện đại hơn. Dự án này sẽ giúp các hãng hàng không phục vụ tốt hơn nhu cầu của hành khách, đồng thời đóng vai trò quan trọng để nâng cao hoạt động kinh tế và phát triển du lịch của đất nước Chùa Tháp. Dự án đang nói đến, chính là sân bay quốc tế Techno Tarkmao, hay còn gọi tắt là sân bay quốc tế Techno.
Theo kế hoạch, sân bay này sẽ được xây dựng trên một diện tích đất 2.600 ha, tương đương 26 km2, thuộc tỉnh Kandan và một phần của tỉnh Tako, cách sân bay Phnom Penh khoảng 20km về phía Nam. Toàn bộ khu vực này được bao quanh bởi những cánh đồng lúa, gần đó là hồ Boeng Choeung Luong.
Với diện tích này, thì sau khi đi vào hoạt động, Techno Tarkmao không chỉ là sân bay lớn nhất của Campuchia mà còn là một trong những sân bay lớn nhất thế giới trong thời gian tới.
Quá trình xây dựng
Năm 2016, một ý tưởng về việc khởi công xây dựng một sân bay mới thay thế sân bay Phnom Penh đã được khởi xướng. Một năm sau đó, vào ngày 27/11, Văn phòng Thủ tướng đã có công văn gửi Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia cùng Cục Hàng không dân dụng, đề nghị thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư sân bay Campuchia để chịu trách nhiệm điều hành và quản lý sân bay mới này. Đây là công ty theo hình thức đối tác công tư, trong đó Công ty Đầu tư hải ngoại Campuchia về vốn đăng ký là 280 triệu đô la sẽ nắm giữ 90% cổ phần dự án, cơ quan quản lý hàng không dân dụng Campuchia đại diện cho chính phủ sẽ nắm giữ phần còn lại.
Công ty Đầu tư hải ngoại Campuchia là công ty có cổ phần vốn nước ngoài từ Trung Quốc và CEO của công ty này là ông Kheav se, một doanh nhân người Campuchia gốc Hoa, đã từng rời đất nước Chùa Tháp vào những năm 1970 để đến Canada học tập. Ông trở lại vào năm 1991 để đồng sáng lập Ngân hàng Canada, hiện đây là một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất đang hoạt động tại quốc gia Đông Nam Á này.
Sân bay quốc tế Techno đã có tổng vốn đầu tư là 1,5 tỷ đô la. Trong đó, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cấp phần lớn vốn đầu tư sân bay này, khoảng 1,1 tỷ đô la. Theo thỏa thuận cho vay được ký vào năm 2018, dưới sự chứng kiến của cố Thủ tướng Trung Quốc là Lý Khắc Cường và người đồng cấp của ông là ông Hun Sen.
Tuy nhiên, vào năm 2021, thỏa thuận hợp tác được ký vào năm 2018 đã bị thu hồi. Và để lại lỗ hổng trong nguồn vốn đầu tư. Do đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư sân bay Campuchia đã bắt đầu phát hành trái phiếu vào tháng 11, nhằm huy động vốn để bổ sung thêm cho nguồn ngân sách này. Hầu hết trái phiếu sau đó đều được các công ty bảo hiểm và ngân hàng địa phương đăng ký, phần còn lại cũng được bổ sung thêm từ một số nhà đầu tư Trung Quốc và các tổ chức tài chính khác. Điển hình như tổ chức tài chính vi mô AMK đã đầu tư 1 triệu đô la vào trái phiếu bảo đảm cho dự án sân bay quốc tế Techno Tarkmao với lãi suất là 5,5% 1 năm và kỳ hạn là 3 năm. Điều này cũng khiến AMK trở thành tổ chức tài chính vi mô đầu tiên ở Campuchia đầu tư trái phiếu trong việc xây dựng và phát triển sân bay tại tỉnh Kandal.
Nhìn chung dự án được công bố chính thức vào tháng 1/2018. Và việc khởi công xây dựng bắt đầu vào năm 2019. Nó được chia làm ba giai đoạn. Dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2024. Và đi vào hoạt động vào năm 2025. Việc xây dựng sân bay Techno Tarkmao có sự tham gia của các công ty tư vấn phương Tây, cũng như các nhà thầu từ Bắc Kinh. Tuy nhiên, không rõ có sự ràng buộc gì không, nhưng hầu như việc thi công các hạ mục chủ yếu do các tập đoàn nhà nước Trung Quốc đảm nhận như Công ty trách nhiệm hữu hạn Cục kỹ thuật xây dựng thứ ba Trung Quốc hay Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc. Trong khi việc thiết kế sân bay được thực hiện bởi Foster and Partner, một công ty đến từ Vương quốc Anh.
Ngày 23/11/2020, Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc, viết tắt là MCC, đã vượt qua công ty Vinci Airport của Pháp khi giành được hợp đồng trị giá 405 triệu đô la để thi công xây dựng sân bay mới gần thủ đô Phnom Penh, hợp đồng về MCC chiếm khoảng 1/3 tổng ngân sách dành cho dự án này. Tuy nhiên, việc xây dựng sẽ được công ty con của MCC là Shanghai Baoye Group thực hiện. Hạng mục của công ty này bao gồm một đường băng dài 4000m và rộng 60 m, cũng như đường lăn, sân đỗ và các cơ sở liên quan, nhà ga hành khách có diện tích 243.000 m2 và tháp điều khiển không lưu với chiều cao 108 m.
Có thể nói, đây là lần đầu tiên một công ty con của Trung Quốc trúng thầu dự án thi công một sân bay có tầm cỡ thế giới ở nước ngoài. Ngoài sân bay Techno Tarkmao, Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc và các công ty con đã có một số dự án hạ tầng khác ở Campuchia, trong đó cũng có một số dự án vẫn gây tranh cãi cho đến hiện nay.
Về thiết kế, sân bay có vẻ như được lấy cảm hứng từ những đường cong. Trong đó, khu nhà ga được thiết kế với nhiều tính năng hiện đại, mang đậm dấu ấn xưa và nay. Phối cảnh cho thấy, kết cấu tạo hình của nhà ga này đặc trưng bởi những ô mái vòng thoai thoải độc đáo. Đây được cho là sự kết hợp giữa dấu ấn kiến trúc Đông Nam Á đặc trưng với nét tân hiện đại và uyển chuyển. Ngoài ra, nơi đăng ký thủ tục xuất nhập cảnh, khu vực chờ và các khu vực tiện ích trong nhà ga, như cửa hàng tiện lợi, nhà hàng, ATM …, cũng được thiết kế vô cùng hiện đại, với kỳ vọng sẽ mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho hành khách khi đặt chân đến sân bay này.
Hiện tiến độ thi công dự án sân bay quốc tế Techno TarkMao luôn nhận được sự quan tâm lớn từ chính phủ Campuchia. Trong quá trình còn đảm nhận chức vụ, cựu Thủ tướng Hun Sen luôn có những chuyến thăm để thị sát công trình trọng điểm này. Giống như một số dự án đang được triển khai tại Campuchia hiện nay, sân bay Techno Tarkmao cũng bị chậm tiến độ so với ban đầu do đại dịch Covid-19. Tính đến tháng 5/2023, thì cơ bản đã hoàn thành khoảng 50% khối lượng công việc đã xây dựng và hy vọng có thể đi vào hoạt động vào năm 2025 theo đúng kế hoạch.
Sau khi hoàn thành, Techno Tarkmao sẽ là sân bay đạt tiêu chuẩn cấp 4F, cấp cao nhất thế giới, có hệ thống đường băng và nhà ga hiện đại, cho phép sân bay tiếp nhận các máy bay lớn nhất hiện nay, bao gồm Airbus A380 và Boeing 747.
Ông Xin Chansereyvutha, Phó Tổng cục trưởng phụ trách kỹ thuật Tổng cục Hàng không Dân dụng Campuchia cho biết, trong tương lai cảng hàng không quốc tế Techno Tark Mao có thể phục vụ được 13 triệu lượt hành khách mỗi năm trong giai đoạn đầu tiên, gấp ba lần so với sân bay Phnom Penh, con số này có thể nâng lên 30 triệu hành khách vào năm 2030, khi giai đoạn 2 hoàn thành. Thậm chí, có thể lên tới 50 triệu hành khách vào năm 2050, trong giai đoạn 3. Ngoài ra, sân bay còn có thể xử lý tới 175.000 tấn hàng hóa.
Trong tương lai, nếu sân bay quốc tế Techno Tarkmao sẽ là nơi đảm nhận các chuyến bay quốc tế, sân bay Phnom Penh sẽ chỉ phục vụ máy bay phản lực tư nhân, tiếp đón các phái đoàn ngoại giao hoặc sử dụng cho các hoạt động quân sự. Nhìn chung, sân bay này sẽ không đóng cửa, mà chỉ chuyển thành nơi phục vụ cho các chuyến bay nội địa hoặc cao cấp hơn. Song song với quá trình hoàn thành dự án sân bay đầy tham vọng này, một tuyến đường cao tốc cũng đang được xây dựng, nhằm kết nối sân bay với phần phía nam của đại lộ Hun Sen. Theo kế hoạch, tuyến đường cao tốc sẽ dài khoảng 13,5 km, và rộng 60 m. Tính đến tháng 7/2023, quá trình xây dựng đã được hoàn thành hơn 50% và dự kiến tuyến đường trên sẽ được thông xe vào năm 2024.
Động lực phát triển kinh tế mới của Campuchia
Như các bạn đã biết, sân bay không chỉ là điểm trung chuyển quan trọng của dòng lưu thông con người và hàng hóa, nó còn kết nối các hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu, du lịch, thu hút đầu tư, phát triển và tạo động lực cho nền kinh tế. Đặc biệt, là tại những khu vực có địa hình phức tạp và cách trở về mặt địa lý, như miền núi cao và hải đảo, sự hiện diện của sân bay sẽ xóa mờ khoảng cách, giúp việc đi lại dễ dàng, đồng thời tiết kiệm thời gian và chi phí. Mạng lưới các sân bay nối liền cũng sẽ tạo nên một mạch máu cho nền kinh tế. Hệ thống mạch máu này càng dày đặc, việc di chuyển, thông thương và kinh doanh giữa các tỉnh thành, vùng miền, giữa trong và ngoài nước sẽ càng trở nên thuận lợi hơn.
Chưa kể là các lợi ích xã hội như là tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống và trợ giúp hoạt động cứu trợ cứu nạn khi cần thiết. Trở lại với Campuchia, hiện du lịch là một trong những trụ cột hỗ trợ nền kinh tế của đất nước Chùa Tháp. Bằng chứng là lượng du khách quốc tế đã tăng lên đáng kể trong nhiều năm trở lại đây mà chiếm đông nhất vẫn là những du khách đến từ Trung Quốc. Nhìn chung, với lượng vốn đầu tư đã được rót vào ồ ạt, cũng không khó hiểu khi nhiều người dân Trung Quốc đang hiện diện ở Campuchia với vai trò là công nhân lao động hay khách du lịch.
Theo báo cáo của Cục hàng không dân dụng Campuchia, nước này đã đón 3,4 triệu lượt khách thông qua đường hàng không trong 8 tháng đầu năm 2023, tăng 180% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài sân bay Phnom Penh, hiện tại Campuchia còn có sân bay quốc tế như là sân bay quốc tế Sihanoukville hay sân bay quốc tế Dara Sakor. Giờ đây, được ví như một biểu tượng mới cho khát vọng kinh tế và hiện đại hóa đất nước, Techno Tarkmao hứa hẹn sẽ là một trong những công trình trọng điểm và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong lĩnh vực hạ tầng đường hàng không của đất nước Chùa Tháp trong thời gian tới.
Nhìn chung, việc xây dựng dự án này sẽ mang lại nhiều hoạt động xúc tiến để phát triển du lịch, thương mại, vận tải và các ngành kinh tế khác của Campuchia. Thứ nhất, sân bay Techno Tarkmao sẽ góp phần mở rộng và giải tỏa tình trạng quá tải tại sân bay quốc tế Phnom Penh hiện nay. Thứ hai, chắc chắn, sau khi hoàn thành, nó sẽ mang lại tác động tích cực về nhiều mặt, bao gồm thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy xuất khẩu và tăng cường trao đổi văn hóa. Tất nhiên, điều quan trọng nhất là cải thiện trải nghiệm của hành khách, từ đó đóng vai trò lớn trong việc thu hút khách du lịch quốc tế đến với đất nước Chùa Tháp hơn nữa. Ngoài ra, sân bay mới này cũng sẽ có tác động tích cực đối với việc phát triển bất động sản, khi nó có thể làm tăng giá trị đất đai xung quanh tại hai tỉnh là Kandal và Takeo.
Những thách thức trong tương lai
Tiềm năng và lợi ích của sân bay Techno Tarkmao mang lại cho Campuchia là điều không thể bàn cãi. Tuy nhiên, đi cùng với đó là những rủi ro và thách thức cũng không hề nhỏ. Đầu tiên là vấn đề đền bù cho người dân bản địa hiện đang là một thách thức, tính đến đầu năm 2021, việc giải quyết tranh chấp đất đai cho sân bay này đã hoàn thành khoảng 43%, trên tổng diện tích xây dựng hơn 26.000 ha. Tuy các quan chức tỉnh Kandal đã cam kết tôn trọng và bồi thường thỏa đáng, nhưng nhiều người không muốn di dời nơi ở và không muốn khu vực sống của mình bị thay đổi, cũng như không muốn di chuyển phần mộ tổ tiên. Điều này đã dẫn đến một số cuộc biểu tình và tranh chấp diễn ra. Điển hình như vào ngày mùng 8/6/2023, người dân địa phương từ bốn xã tọa lạc ở tỉnh Kandal, nằm xung quanh sân bay, đã trang bị gậy và đá nhằm phản đối việc san lấp đất gần nơi sinh sống của họ. Để ngăn chặn điều này, chính quyền địa phương đã phải điều xe cứu hỏa để phun nước nhằm giải tán đám đông.
Bên cạnh đó, việc xây dựng sân bay Techno Tarkmao chắc chắn sẽ có những tác động tiêu cực đối với môi trường tự nhiên xung quanh, khi có thể làm tình trạng ô nhiễm trở nên nặng nề hơn. Dự án này đã xây dựng lên phần phía bắc của hồ Boeng Cheung Loung, vốn là một hồ nước tự nhiên nằm trên địa bàn hai tỉnh là Kandal và Takeo, đóng vai trò quan trọng là nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu cho người dân xung quanh.
Việc một phần hồ bị san phẳng, nếu không được quản lý nghiêm ngặt, mà thay vào đó nếu bị lấp bởi các loại phế thải xây dựng, thì chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn nước và môi trường sống của nhiều loài cá sống tại hồ nước này.
Ngoài sân bay Techno Tarkmao, thời gian vừa qua Campuchia cũng mới đưa vào hoạt động sân bay quốc tế Siem Reap Angkor trị giá 1,1 tỷ USD, hiện công trình này được ví như cửa ngõ chính dẫn đến khu phức hợp di sản văn hóa Angkor, được UNESCO công nhận, đồng thời là địa điểm du lịch nổi tiếng nhất tại Campuchia. Dự án này thuộc địa phận huyện Soutr Nikon của tỉnh Siem Reap, cách đền Angkor gần 40km về phía đông. Việc xây dựng sân bay quốc tế Siem Reap Angkor bắt đầu vào năm 2020, nhằm để thay thế sân bay cũ là sân bay quốc tế Siem Reap, khi nó chỉ cách Angkor khoảng 5 km.
Campuchia là một trong những nước sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên và những công trình kiến trúc tôn giáo nổi bật, thu hút rất nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới ghé thăm mỗi năm, quần thể đền Angkor luôn là một trong những địa điểm nhận được sự quan tâm đông đảo. Vì nhu cầu đi lại ngày càng tăng, nên sân bay quốc tế Siem Reap được xây dựng từ năm 1932, sẽ không thể đáp ứng được trong tương lai, do nơi đây chỉ có khả năng tiếp nhận khoảng 10 triệu hành khách mỗi năm, và không thể mở rộng, trong khi năm 2019, nó đã đón gần 4 triệu lượt hành khách. Ngoài ra, còn một lý do quan trọng khác, đó là việc một nhóm các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tình trạng ô nhiễm không khí quá mức của thành phố Siem Reap và sân bay gần đó đang gây hại nghiêm trọng cho quần thể đền Angkor cowat, khi nó có thể dẫn đến việc xóa hoàn toàn kinh sách và hình trạm khắc, đồng thời gây thiệt hại cho toàn bộ khu phức hợp. Vì vậy, để giải quyết tình trạng giao thông trong tương lai, chính phủ Campuchia đã quyết định thay thế bằng một sân bay mới có tên là sân bay quốc tế Siem Reap Angkor, đồng thời sẽ cho sân bay cũ sẽ ngừng hoạt động.
Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 đã diễn ra, khiến cho việc thi công công trình này bị chậm trễ và phải đến tháng 10/2023, sân bay quốc tế này mới chính thức được đi vào hoạt động.
Vào ngày 16/10 vừa qua, hoạt động thương mại đầu tiên ở sân bay quốc tế Siem Reap Angkor cũng đã được ghi nhận, khi chuyến bay của Bangkok Airway từ Thái Lan đã hạ cánh an toàn xuống đây. Hiện Siem Reap Angkor là sân bay quốc tế cấp 4E, được xây dựng thành ba giai đoạn, trên diện tích là 750 ha, gồm một đường băng dài 3.650 m, với đường lăn song song kết nối với các công trình phụ trợ khác. Đường băng của sân bay sẽ có khả năng tiếp nhận các máy bay như là Boeing 737 và Airbus A320, đồng thời phục vụ từ 5 đến 7 triệu hành khách mỗi năm trong giai đoạn đầu tiên. Đến giai đoạn 2, vào năm 2030, đường băng sẽ được mở rộng để tiếp nhận các máy bay thân rộng như là Boeing 777, Boeing 747, Airbus A350 và Airbus A330, đồng thời nâng công suất của sân bay lên 10 triệu hành khách mỗi năm. Cuối cùng là trong giai đoạn 3, tổng công suất sẽ tăng lên hơn 20 triệu hành khách vào năm 2050. Ngoài ra, khả năng vận chuyển hàng hóa dự kiến sẽ tăng lên gấp 6 lần trong vòng 30 năm tới, từ 10.000 tấn lên 60.000 tấn.
Sân bay mới được Trung Quốc tài trợ như một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường với chi phí khoảng 1,1 tỷ USD, được điều hành và quản lý bởi Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Đầu tư Vân Nam. Trong 1,1 tỷ USD tiền xây dựng dự án này, có khoảng 880 triệu USD được vay từ một nhóm ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc, dự án này được ký kết theo dạng hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao, hay còn gọi là BOT. Theo thỏa thuận, nhà đầu tư, tức là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Đầu tư Vân Nam, sẽ khai thác sân bay Siem Reap Angkor trong vòng 55 năm, rồi sau đó mới bàn giao lại cho chính phủ Campuchia.
Có thể nói, việc xây dựng sân bay mới này không chỉ là một động lực thúc đẩy nền kinh tế và hoạt động du lịch của tỉnh Siem Reap nói riêng và Campuchia nói chung, mà nó còn góp phần mở rộng thêm mạng lưới sân bay tại đất nước Chùa Tháp.
Tuy nhiên, đi đôi với cái lợi, thì những thỏa thuận phức tạp cũng khiến cho nhiều người hoài nghi, bởi bản chất của dự án này vốn được hình thành từ những khoản vay của Trung Quốc chiếm đến khoảng 80% giá trị của dự án. Do đó, việc quản lý và vận hành khi hoàn thiện cũng sẽ do phía Bắc Kinh nắm giữ. Phải đến 55 năm sau đó mới bàn giao lại quyền sở hữu sân bay cho chính phủ Campuchia. Tuy nhiên, khi đó không rõ là nó còn khai thác được hay không? hay phải bỏ thêm hàng tỷ đô la để sửa chữa một công trình cũ kỹ nữa.
T.P