Nghiên cứu của Viện Kiel cho thấy phương Tây đã giảm gần 90% cam kết viện trợ mới cho Kiev, mức thấp nhất kể từ đầu xung đột với Nga.
Cơ quan theo dõi viện trợ cho Ukraine thuộc Viện Kiel ở Đức hôm nay công bố nghiên cứu mới cho thấy cam kết viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo mới cho Ukraine từ tháng 8 đến tháng 10 năm nay chỉ đạt gần 2,3 tỷ USD, giảm 87% so với cùng kỳ năm 2022.
Đây là mức thấp nhất kể từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022. “Động lực viện trợ cho Ukraine đã giảm”, Viện Kiel cho hay.
Trong số 42 quốc gia từng viện trợ cho Ukraine, 20 nước cam kết đưa ra các gói viện trợ mới trong ba tháng qua, tỷ lệ thấp nhất kể từ đầu xung đột.
“Khi khoản viện trợ tiếp theo của Mỹ trở nên không chắc chắn, Ukraine giờ chỉ có thể hy vọng gói hỗ trợ dự kiến gần 54 tỷ USD của Liên minh châu Âu (EU) được thông qua”, Viện Kiel cho hay.
EU, khối 27 thành viên, hiện là bên cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, trong đó Đức và các nước Bắc Âu tích cực tìm cách lấp chỗ trống viện trợ của Mỹ. Các nước EU đã cam kết cung cấp gần 840 triệu USD vũ khí hạng nặng cho Ukraine từ tháng 8 đến tháng 10, trong khi giá trị viện trợ của Mỹ là gần 540 triệu USD.
Nghiên cứu được đưa ra trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều dấu hiệu rạn nứt trong thành trì ủng hộ Ukraine của phương Tây, khi cuộc phản công mong đợi của Kiev không mang lại đột phá và sự chú ý của thế giới tập trung vào xung đột Israel – Hamas.
Tại Mỹ, các thành viên Cộng hòa ở Thượng viện ngày 6/12 chặn đề xuất viện trợ bổ sung cho Ukraine, khi họ muốn chính quyền Tổng thống Joe Biden tập trung nhiều hơn cho vấn đề an ninh biên giới. Các cuộc đàm phán của EU về gói viện trợ gần 54 tỷ USD cho Ukraine trong 4 năm tới cũng đang bị đình trệ.
Kể từ khi xung đột bắt đầu năm ngoái, các đồng minh phương Tây đã cam kết hỗ trợ Ukraine hơn 274 tỷ USD, trong đó gần 152 tỷ USD viện trợ tài chính, 105 tỷ USD viện trợ quân sự và khoảng 17 tỷ USD viện trợ nhân đạo.