Thiết bị thương mại, sáng tạo kỹ thuật và sự trợ giúp từ các diễn đàn online đang giúp lực lượng nổi dậy Myanmar chế tạo máy bay không người lái (drone) để chống lại chính quyền quân sự.
“Chúng tôi muốn tấn công các căn cứ của chính quyền quân sự Myanmar, đồng thời hạn chế nguy cơ bị phản công”, báo Nikkei Asia dẫn lời nam thanh niên Patrick (25 tuổi).
Tác chiến bằng công nghệ
Patrick là chỉ huy của đơn vị máy bay không người lái (drone) của Lực lượng phòng vệ dân tộc Karenni (KNDF).
Từ khu vực núi Moe Bye, bang Shan (Myanmar), Patrick phóng đi một thiết bị bay không người lái với chiều rộng 2m.
Nửa tiếng sau khi phóng drone, một căn cứ quân sự cùng hàng chục binh sĩ được nhìn thấy trên màn hình máy tính xách tay.
Patrick ngay lập tức liên lạc với lực lượng tiền tuyến nhằm cho họ biết không có trở ngại nào cho một cuộc tấn công.
“Chúng tôi có thể thấy họ trên màn hình, như là bao nhiêu người trong căn cứ, hay là họ đang làm gì”, Patrick giải thích.
Vào tháng 11, KNDF tuyên bố đã bắn hạ một máy bay chiến đấu trong cuộc đụng độ với chính quyền quân sự Myanmar ở bang Kayah, gần biên giới Thái Lan.
Hãng tin Reuters nhận định vụ việc cho thấy bước thụt lùi của chính quyền quân sự Myanmar kể từ cuộc đảo chính năm 2021.
Lực lượng KNDF thành lập một đơn vị chuyên trách về drone, bao gồm nhóm kỹ thuật viên trẻ và sinh viên công nghệ thông tin.
Một nhóm khác trong khu vực cũng bí mật thành lập một “nhà máy drone” trong một hang động. Bên trong hang là nhiều máy in 3D và các máy cắt laser.
Lãnh đạo của căn cứ này là Oatk Gyi, 27 tuổi, tốt nghiệp từ một trường đại học công nghệ thông tin địa phương.
Nhóm của Gyi chế tạo bom gắn vào drone, các drone này mang bom và thả vào các mục tiêu của đối phương.
“Tôi không nghĩ việc gây thiệt hại nhân mạng là điều tốt, nhưng đây là điều không tránh khỏi trong tình hình hiện nay”, Gyi bộc bạch.
Gyi và nhóm làm việc trong điều kiện tối lờ mờ, không có nhiều ánh sáng từ bên ngoài.
“Vì không có điện, chúng tôi chạy máy móc bằng hệ thống năng lượng mặt trời và máy phát điện”, Gyi nói.
Máy in 3D và máy cắt laser tại một căn cứ chế tạo drone trong hang động ở Myanmar – Ảnh: NIKKEI ASIA
Máy in 3D và máy cắt laser tại một căn cứ chế tạo drone trong hang động ở Myanmar – Ảnh: NIKKEI ASIA
Tăng phạm vi hoạt động cho drone dân sự
Đa số các loại drone mà các lực lượng nổi dậy triển khai hiện nay được thiết kế cho mục đích dân dụng và bán trên thị trường.
Tuy nhiên, Patrick và nhóm của anh đã tìm ra cách để tăng phạm vi bay của các drone này.
Bên cạnh việc tham khảo từ các nguồn mở trên mạng Internet, nhóm của Patrick cũng hỏi thêm trên các diễn đàn online mỗi khi họ gặp trở ngại kỹ thuật.
Nhờ vượt qua các giới hạn về phạm vi hoạt động, “drone của chúng tôi có thể được vận hành trong phạm vi từ 30 – 40km, tùy thuộc vào pin”, Patrick nói.
Patrick kể nhóm của anh mua một số thiết bị từ chợ, nhưng pin và một số bộ phận thân drone được chế tạo tại chỗ sau nhiều tính toán và thử nghiệm.