Cuối tháng 11, Bình Nhưỡng đã hớn hở khoe rằng, vệ tinh do thám quân sự của, khi bay qua bán đảo Triều Tiên vào sáng 24/11, đã chụp được hình ảnh thủ đô Seoul, cùng các thành phố Mokpo, Kunsan, Pyeongtaek và Osan, nơi đặt các căn cứ quân sự của Mỹ và Hàn Quốc, rõ tới từng “chân tơ, kẽ tóc”.
Trong bối cẳng căng thẳng giữa hai miền, thông tin trên khiến nhiều người dân Hàn Quốc lo lắng.
Không lo mới là lạ. Tính khí cái ông Kim Jong Un xem ra chả khác ông chủ Nhà trắng một thời Donald Trump là mấy. Nghĩa là thất thường, khó đoán. Người như thế, khi cáu giận, có thể làm bất kỳ điều gì, không loại trừ cả việc “thử thật” một quả tên lửa về phía Soul.
Nếu điều ấy xảy ra, với trợ giúp từ những tấm ảnh do thám nêu trên, tên lửa có đi sai đích?
Có lẽ vì biết nỗi lo lắng đó trong dư luận, cùng với phản đối Bình Nhưỡng làm căng thẳng tình hình, bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc đã trấn an dư luận rằng “Triều Tiên đã phóng đại” năng lực vệ tinh do thám quân sự của họ. Vì rằng: “Ngay cả khi đi vào quỹ đạo bình thường, nó (vệ tinh) phải mất một thời gian đáng kể để bắt đầu thực hiện hoạt động trinh sát thông thường”. Thậm chí, người đứng đầu bộ Quốc phòng Hàn Quốc còn nói: Dư luận đang bị ông Kim Jong Un “lòe”; những tấm ảnh Bình Nhưỡng trưng ra chỉ là “lấy trên mạng”.
Chẳng thèm đối đáp, chỉ sau đó vài bốn ngày, Bình Nhưỡng tung ra một thông tin còn đáng sợ hơn. Rằng, vệ tinh do thám quân sự của họ không chỉ “chụp được Seou và các căn cứ quân sự Mỹ ở một số thành phố khác trên đất Hàn Quốc”, mà còn chụp được cả Nhà Trắng, căn cứ không quân Norfolk, xưởng đóng tàu Newport News và sân bay Virginia của Mỹ…
Thế lộ hết còn gì! Tới lúc này, Mỹ chẳng thể còn coi thường được nữa. Tuy nhiên, ông Patrick Ryder – Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, trong một cuộc họp báo, cùng với xác nhận “Mỹ biết được vệ tinh đã đi vào quỹ đạo”, vẫn bắt chước Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc, trấn an dư luận rằng: Đó chỉ là những tấm ảnh giả, chẳng mấy đáng quan tâm. Chỉ có điều, biết đồng minh Hàn Quốc mấy ngày này, miệng nói cứng, nhưng trong lòng đầy lo lắng trước một Bình Nhưỡng đang có những dấu hiệu ngày một thêm manh động, nên ông Ryder đã nhắc lại cam kết phòng thủ “vững chắc” của Mỹ đối với Hàn Quốc (và Nhật Bản).
Cam kết ông Ryder nhắc tới liên quan tới việc Mỹ sử dụng toàn bộ năng lực quân sự, kể cả vũ khí hạt nhân để bảo vệ các đồng minh, mà bà Wendy Sherman, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, đã khẳng định trong cuộc gặp với những người đồng cấp tại Tokyo, Nhật Bản, hồi tháng 10/2022, dựa trên chính sách “Ô hạt nhân” của Washington. Chưa hết, liên quan lời khẳng định này, bà Sherman còn cho biết: Việc gia tăng các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng chính là lý do bà chẳng quản thân gái dặm trường, bay tới Nhật Bản để làm cuộc gặp mặt ba đồng mình.
Ngỡ hung hăng tới mấy, trước khi có các động thái tiếp theo, Bình Nhưỡng cũng phải nhớ, và nghiền ngẫm lại lần nữa quan điểm của Washington. Vậy mà không. Đánh đùng, ngày 18/12 vừa qua, Triều Tiên không chỉ bỉ mặt Hàn Quốc, Nhật Bản, mà còn bỉ mặt Mỹ qua việc tiến hành cuộc thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tiếp theo vụ thử cũng tên lửa này ngày 12/7 năm nay.
Cùng với truyền đi vẻ mặt hớn hở của nhà lãnh đạo tối cao Kim Jong Un; làm ồn lên tin ông Kim Jong Un tới thăm, chúc mừng Đại đội Cờ đỏ Số 2 thuộc Tổng cục Tên lửa – đơn vị đã thực hiện thành công vụ phóng tên lửa Hwasong-18…, truyền thông Triều Tiên như cố ý làm đậm, nhấn mạnh tên lửa đã bay quãng đường 1.002,3 km trong 4.415 giây ở độ cao tối đa 6.518,2 km trước khi rơi xuống Biển Nhật Bản. Theo tính toán của các chuyên gia, tên lửa sẽ có thể bay hơn 15.000 km, đủ xa để tấn công bất kỳ khu vực nào trên lục địa Mỹ nếu nó được bắn theo quỹ đạo bình thường…
Cái nhấn này chẳng phải vô tình. Ngụ ý cả đấy. Ngụ rằng: sau các lần hoặc thất bại, hoặc tầm bắn chỉ với tới căn cứ quân sự Guam trong vùng lãnh thổ Mỹ, bằng thành công của lần thử này, bất cứ thành phố, căn cứ nào của Mỹ cũng có thể bị đe dọa.
Điều đặc biệt nữa là, vụ thử diễn ra không lâu sau răn đe của Washington về việc không loại trừ sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ các đồng minh, lần thử thành công Hwasong-18 là bằng chứng cho thấy, Bình Nhưỡng không hề lấy tuyên bố “Chúng ta sẽ không ngần ngại đáp trả tương xứng nếu bị đối phương khiêu khích bằng vũ khí hạt nhân” mà ông Kim Jong Un nói trong trạng thái hoan hỷ trước thành công của vụ thử, là câu nói chỉ đề mà nói.
Mới biết, một khi đã xung đột căng thẳng, những lời đe dọa xóc óc, dù phát ra từ bên nào, cũng chỉ làm tình hình phức tạp thêm và nóng hơn mà thôi. Ví như “mang xăng dập lửa” vậy.
T.V