Xung đột giữa quân đội Myanmar và các nhóm quân nổi dậy không có dấu hiệu giảm bớt bất chấp lệnh ngừng bắn do Trung Quốc làm trung gian, theo Nikkei.
Khoảng giữa tháng 12, Trung Quốc tuyên bố quân đội Myanmar và 3 nhóm quân nổi dậy – Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA), Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta’ang (TNLA) và Quân đội Arakan (AA) – đã đồng ý tạm ngừng bắn sau các cuộc đàm phán ở Trung Quốc.
Theo nhiều cơ quan truyền thông, AA và quân đội Myanmar đã đụng độ trên đảo Ramree ở bang Rakhine phía tây vào hôm 18/12, buộc người dân phải sơ tán. Khoảng 100 binh sĩ AA đã tấn công một căn cứ quân sự, khiến quân đội đáp trả bằng cách huy động lục quân, hải quân và không quân.
Đảo Ramree nằm gần nơi bắt đầu đường ống dẫn khí đốt tự nhiên tới Trung Quốc. Có thông tin cho rằng 2 nhóm còn lại vẫn tiếp tục chiến đấu ở khu vực đông bắc Myanmar kể từ khi có lệnh ngừng bắn và đã kiểm soát một số cơ sở quân sự.
Giao tranh đã làm gián đoạn thông tin liên lạc và cản trở việc cung cấp viện trợ cho người dân.
Xung đột ở Myanmar bùng nổ vào ngày 27/10, khi liên minh 3 nhóm quân nổi dậy tấn công đồng thời vào quân đội chính quy. Cuộc tấn công bắt đầu ở bang Shan phía đông bắc trước khi lan rộng và có sự tham gia của các nhóm khác.
Hiện chưa rõ tại sao các nhóm nổi dậy không tuân thủ lệnh ngừng bắn.
Hôm 21/12, các chiến binh của Lực lượng Phòng vệ Nhân dân (PDF), lực lượng vũ trang của Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) lưu vong, đã tấn công một căn cứ quân sự ở thành phố Mandalay, miền trung Myanmar, bằng rocket cỡ nhỏ.
Vụ tấn công xảy ra gần Cung điện Mandalay, một điểm thu hút khách du lịch được xây dựng vào thế kỷ 19.
Hôm 20/12, đồn cảnh sát gần đó đã bị máy bay không người lái của PDF và các nhóm khác đánh bom.
Yangon, trung tâm thương mại rộng lớn và là thành phố đông dân nhất Myanmar, đã chứng kiến một loạt vụ đánh bom kể từ giữa tháng 12.
Theo một số cơ quan báo chí, chỉ riêng trong ngày 22-23/12, bom đã phát nổ ở 13 thị trấn xung quanh Yangon, khiến một người thiệt mạng và ít nhất 10 người bị thương.
Đã có người dân thường bị thương trong các vụ việc xảy ra tại các cơ sở của chính quyền Myanmar, một khách sạn, và những nơi khác. Một nhóm thanh niên du kích đã nhận trách nhiệm về các vụ đánh bom.
Trong khi đó, số người bỏ nhà cửa do giao tranh đã tăng vọt. Theo báo cáo tuần trước của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên Hợp Quốc, kể từ cuối tháng 10, hơn 660.000 người đã phải bỏ nhà cửa lánh nạn, nâng tổng số lên hơn 2,6 triệu người.
Trong năm 2024, 18,6 triệu người ở Myanmar, tương đương 1/3 dân số, sẽ cần hỗ trợ nhân đạo, theo OCHA hôm 18/12. Tổng viện trợ ước tính cần tới 994 triệu USD, nhưng số tiền huy động được trong năm nay mới đạt 29% mục tiêu.