Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiDấu ấn từ chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch TQ Tập...

Dấu ấn từ chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình

Thế giới đang chứng kiến sự dịch chuyển địa chính trị đầy biến động. Ở châu Âu và Trung Đông, tiếng súng vang lên không ngớt mỗi ngày kéo theo hệ quả của nó là suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia dân chủ và phát triển nhất như Mỹ, Anh, Đức, Pháp… Thế giới phân mảng rõ rệt và nhiều nước trở nên suy yếu, lệ thuộc. Các quốc gia vẫn tự hào đi theo mô hình chủ nghĩa tư bản và dân chủ đang lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân chủ trì lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân ngày 12/12/2023.

Trong một thế giới như vậy, phải khẳng định, Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia xã hội chủ nghĩa vẫn đứng vững. Trung Quốc đã thể hiện rõ sức mạnh của mình sau nhiều thập kỷ đổi mới, hiện đang trên con đường chắc chắn trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, định vị quốc gia như một lực lượng đối trọng với vị thế bá chủ của Mỹ trong trật tự thế giới hiện đại. Hiện nay, nhiều nước đang phát triển gặp khó khăn tìm kiếm sự hỗ trợ của Trung Quốc chứ không phải Hoa Kỳ. Trung Quốc đang đóng vai trò cứu cánh thúc đẩy nền kinh tế thế giới đi lên và hỗ trợ nhiều nước khác trên con đường phát triển của họ.

Sau ba thập kỷ đổi mới và hội nhập toàn diện, Việt Nam cũng vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển nổi bật trong khu vực. Việt Nam đã tận dụng rất tốt vị trí địa chiến lược của mình để trở thành quốc gia có vị thế ngày một cao hơn ở Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung, trở thành trung tâm sản xuất lớn chỉ sau Trung Quốc, có tiếng nói ngày một quan trọng hơn trong nỗ lực giải quyết các vấn đề toàn cầu. Nhiều nước coi Việt Nam như một hình mẫu phát triển đáng học hỏi.

Như vậy, ngược lại với nhiều quan điểm cho rằng mô hình xã hội chủ nghĩa đã hết thời, các nước đi theo mô hình này như Việt Nam và Trung Quốc lại đang là các biểu tượng phát triển của thời đại mới. Ngược lại, các quốc gia tư bản lâm vào những khó khăn và thách thức lớn, nghiêm trọng.

Là hai nước xã hội chủ nghĩa đồng thời lại là láng giềng của nhau, Việt Nam và Trung Quốc trong lịch sử từng có xung đột, nhưng trong những năm trở lại đây, các rạn nứt được hàn gắn, mâu thuẫn được giải quyết cơ bản. Hai nước đã thiết lập quan hệ sâu rộng về mọi mặt từ chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, tới an ninh, quốc phòng. Có thể khẳng định, hai nước có sự tương hỗ lợi ích với nhau. Sự phát triển của Trung Quốc hỗ trợ cho sự phát triển của Việt Nam và ngược lại, một Việt Nam phát triển cũng làm cho Trung Quốc mạnh lên.

Đặc biệt trong vài năm gần đây, Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác định con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội là xu thế tất yếu của thời đại, coi ngoại giao đặc biệt là quan hệ truyền thống với các nước láng giềng gần gũi trong khu vực là ưu tiên hàng đầu để vững bước trên con đường phát triển trong thế kỷ XXI.

Chuyến đi của Tổng Bí thư – Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam vừa qua đã thể hiện rõ những gì là tinh hoa nhất của ngoại giao hai nước. Từ trước chuyến thăm, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có bài viết trên báo Trung Quốc khẳng định mỗi lần đến Việt Nam đều “cảm thấy vô cùng thân thiết, giống như đến thăm họ hàng, láng giềng”.

Việt Nam cũng đã tiếp đón nhà lãnh đạo Trung Quốc như đón một người thân trong gia đình tới thăm. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc và Phu nhân tại sân bay Nội Bài. Trên đường từ sân bay Nội Bài về đến khách sạn Marriott (Mỹ Đình), rất đông người dân đã đứng chờ bên các tuyến đường để chào đón đoàn xe của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Lễ đón chính thức cũng đã được Việt Nam tổ chức theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia, với 21 phát đại bác chào mừng tại Hoàng thành Thăng Long.

Tại cuộc Hội đàm chính thức giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai nhà lãnh đạo đã thống nhất cùng nâng cao hơn nữa mối quan hệ trên sáu phương hướng bao gồm: Tin cậy chính trị cao hơn; Hợp tác quốc phòng – an ninh thực chất hơn; Hợp tác thực chất sâu sắc hơn; Nền tảng xã hội vững chắc hơn; Phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; Bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn. Đặc biệt, hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Ý tưởng này đã được đưa vào tuyên bố chung sau cuộc hội đàm. Quan trọng không kém, một trong những kết quả đáng chú ý trong chuyến thăm lần này là việc ký kết 36 văn bản hợp tác giữa các ban, bộ, ngành, địa phương của Việt Nam và Trung Quốc.

Trong ngày làm việc thứ hai, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thể hiện sự tôn trọng lớn lao đối với vị lãnh tụ Việt Nam đã có công vun đắp mối quan hệ hai nước khi cùng đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các cuộc hội kiến sau đó giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đều diễn ra trong bầu không khí thân tình, gia đình. Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cùng dự cuộc Gặp gỡ nhân sỹ hữu nghị và thế hệ trẻ hai nước, cùng tôn vinh vai trò của những nhân sĩ đã có công xây đắp mối bang giao tốt đẹp giữa hai quốc gia, đồng thời khẳng định lại phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình trước đó: “Quan hệ giữa các quốc gia là ở sự thân tình của người dân, mà sự thân tình của người dân là từ thế hệ trẻ”. Buổi giao lưu của phu nhân Chủ tịch Trung Quốc với sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội cũng thể hiện rõ tinh thần của phát biểu đó.

Có thể nói, xem xét lại tất cả các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, hội kiến, giao lưu trong hai ngày Chủ tịch Tập Cận Bình ở Việt Nam, chúng ta có thể thấy hai nước chia sẻ nhiều lợi ích chung và nhất trí với nhiều nhận thức chung rất quan trọng. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định rõ Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc coi trọng cao độ quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng. Ông Tập cũng khẳng định Trung Quốc kiên định ủng hộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, ủng hộ Việt Nam phát triển phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.

Đây là dấu mốc lịch sử không chỉ bởi quan hệ hai nước đã thể hiện ở mức độ cao nhất mà còn ở tình cảm trọng trọng thị, thân tình hai bên giành cho nhau. Phía Việt Nam đã tổ chức các cuộc tiếp đón và hội đàm long trọng, chu đáo, thân thiện nhất mà Đảng, Nhà nước, và nhân dân Việt Nam có thể dành cho một nguyên thủ quốc gia, và hơn thế, như một người thân trong gia đình. Chuyến thăm thể hiện mối quan hệ thân tình không chỉ giữa hai Đảng, hai nhà nước mà còn giữa nhân dân với nhân dân. Quan hệ hai nước thực sự đã đi vào thực chất và sâu sắc, đúng với kỳ vọng của cả hai bên và đúng với tinh thần của thông cáo chung về tương lai quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Từ chuyến thăm lịch sử này, có thể rút ra một số nhận định như sau:

Về mặt chính trị, chuyến thăm đã một lần nữa khẳng định lại và làm sâu sắc thêm mối quan hệ gắn bó đã được xây dựng trong nhiều năm qua, và đã được nhấn mạnh rất rõ trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc sau Đại hội Đảng lần thứ XX của Trung Quốc. Điểm mới hơn là hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Nội hàm của khái niệm này như Chủ tịch Tập Cận Bình viết trong bài báo trước chuyến thăm là “Để xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại, trước hết phải bắt đầu từ châu Á. Châu Á là ngôi nhà chung của chúng ta, các nước láng giềng không thể tách rời nhau, giúp đỡ láng giềng chính là giúp đỡ bản thân. Người thân mong người thân tốt, láng giềng mong láng giềng tốt”. Việt Nam cũng đã tuyên bố ủng hộ việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại và các sáng kiến khác của Trung Quốc trên khía cạnh các sáng kiến này có mục tiêu đề ra là nhằm bảo vệ lợi ích chung của toàn nhân loại, vì sự nghiệp hòa bình, chính nghĩa và tiến bộ của nhân dân thế giới, đáp ứng mong muốn xây dựng thế giới tốt đẹp của nhân dân các nước.

Về mặt kinh tế, hai nước đã không chỉ dừng lại ở chủ trương mà đã bàn thảo những dự án, giải pháp, sáng kiến cụ thể để phát triển mối hợp tác thương mại mang tính thực chất. Cụ thể, phía Việt Nam đã đề nghị mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nông thủy sản của Việt Nam, triển khai thuận lợi cửa khẩu thông minh; đẩy mạnh hơn nữa đầu tư tại Việt Nam, sớm có các dự án lớn, tiêu biểu trong các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh về công nghệ cao, chuyển đổi xanh; tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng chiến lược, kết nối hạ tầng giao thông, kết nối cửa khẩu… Việt Nam cũng đề nghị giải quyết dứt điểm các vướng mắc tại một số dự án tồn đọng kéo dài; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án viện trợ không hoàn lại; thành lập Nhóm công tác về thúc đẩy khôi phục du lịch giữa hai nước. Trung Quốc đã nhất trí những đề xuất trên, đồng thời đề nghị Việt Nam tăng cường kết nối hạ tầng, đẩy nhanh kết nối chiến lược, triển khai hiệu quả Kế hoạch hợp tác kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Như vậy, hai nước đã có những nhất trí căn bản đưa chủ trương trở thành những sáng kiến và chương trình cụ thể, thực chất hơn, sớm thúc đẩy mối quan hệ đầu tư, thương mại song phương lên tầm cao mới trong những năm tiếp tới.

Về mặt an ninh và chủ quyền, Việt Nam và Trung Quốc đều khẳng định lại rõ ràng quan điểm giải quyết mọi mâu thuẫn bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và nhận thức chung cấp cao, đặt mình vào vị trí của nhau, kiểm soát và giải quyết thỏa đáng bất đồng. Hai bên đều cho rằng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ASEAN trong việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Với những tuyên bố công khai và với quan hệ chặt chẽ giữa hai quốc gia, chúng ta có quyền tin tưởng những bất đồng trên biển sẽ giảm bớt và mọi mâu thuẫn sẽ được giải quyết bằng con đường hoà bình.

Có thể nói, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam đã thể hiện đúng tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn lúc sinh thời, đó là quan hệ hai nước Việt Trung “vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Những thân tình hai bên đã giành cho nhau qua chuyến thăm này làm sống lại tinh thần cách mạng trong giai đoạn hai nước mới thành lập, nương tựa chia sẻ với nhau để cùng chống lại áp bức của đế quốc, thực dân. Chúng ta cùng hi vọng mối quan hệ ngày một bền chặt giữa hai nước sẽ bền vững, góp phần vào thịnh vượng của hai quốc gia cũng như đóng góp vào hoà bình, ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới