Tính đến hết tháng 10/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nhận được đề xuất bán điện từ các dự án điện gió đầu tư tại Lào với tổng công suất 4.149MW về khu vực tỉnh Quảng Trị.
Xây nhà máy, làm luôn đường dây
Bộ Công thương đang đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan góp ý về chủ trương nhập điện gió của Nhà máy Điện gió Trường Sơn từ Lào về Việt Nam trên cơ sở đề nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Dự án có công suất 250 MW dự kiến vận hành vào quý IV/2025 và bán điện về Việt Nam với mức giá gần 7 UScent/kWh.
Để nhập khẩu điện từ Nhà máy Điện gió Trường Sơn về Việt Nam, phương án đấu nối được đề xuất là xây mới đường dây 220 kV mạch kép từ trạm biến áp 220 kV của Nhà máy, với chiều dài 75 km đấu nối vào ngăn lộ 220 kV tại trạm biến áp 220 kV Đô Lương (Nghệ An – Việt Nam). Nhằm đáp ứng tiến độ hoàn thành Dự án năm 2025, chủ đầu tư đề xuất thực hiện đầu tư toàn bộ công trình đấu nối lưới điện phục vụ đấu nối Nhà máy vào hệ thống điện Việt Nam bằng nguồn vốn của Dự án.
Ngoài đề xuất nêu trên, đã có hàng loạt đề xuất của các nhà đầu tư điện gió tại Lào đề nghị bán điện cho EVN, kèm theo hồ sơ chủ trương nhập khẩu do các đơn vị tư vấn của chủ đầu tư lập. Theo đó, có thể kể tới cụm Nhà máy Điện gió Savan 1&2 đặt tại Savanakhet, có quy mô công suất 2 x 495 MW do Công ty Vinacom Invest and Trading đầu tư. Nhà đầu tư đề nghị được giao đầu tư toàn bộ công trình lưới điện đấu nối cụm Nhà máy Điện gió Savan vào hệ thống điện Việt Nam, bao gồm cả đường dây 220 kV từ biên giới Lào – Việt Nam về trạm biến áp 500 kV Hướng Hóa và các ngăn lộ 220 kV phục vụ đấu nối.
Ngoài ra, còn có Dự án Điện gió Savannakhet cũng đặt tại Savanakhet với quy mô 756 MW do Công ty VI-JA Renewable Energy Development Co., JSC và Dự án điện gió Salavan đặt tại Salavan có quy mô 756 MW của Công ty cổ phần điện TTC Đức Huệ – Long An đầu tư. Tại Dự án Điện gió AMI Savanakhet quy mô 187,2 MW của Công ty Ami Renewable, nhà đầu tư đề nghị tự đầu tư toàn bộ công trình lưới điện phục vụ đấu nối vào hệ thống điện Việt Nam, bao gồm cả đường dây từ biên giới Lào – Việt Nam về trạm 500 kV Hướng Hóa.
Đối với các dự án điện gió RT Savannakhet V1 (880 MW) của Công ty RT Energy Pte.Ltd và Saravane ARL1 (380 MW) của Công ty Adani Renewable, để đáp ứng tiến độ về đích quý IV/2025, nhà đầu tư đề xuất tự đầu tư xây dựng toàn tuyến đường dây 500 kV từ Xebahieng đến trạm biến áp 500 kV Hướng Hóa, bao gồm cả phần trên lãnh thổ Việt Nam (chiều dài khoảng 20 km).
Một nhà đầu tư khác là Tập đoàn ASEAN Group đề xuất 5 dự án điện gió với tổng công suất 1.000 MW từ Lào về hệ thống điện Việt Nam. Trong số này có Dự án điện gió Xepon tại tỉnh Savanhnakhet, công suất 200 MW, sẽ đấu nối ở cấp điện áp 220 kV vào trạm biến áp 500 kV Lao Bảo.
Tính đến hết tháng 10/2023, EVN đã nhận được đề xuất bán điện từ các dự án điện gió với tổng công suất 4.149 MW về khu vực tỉnh Quảng Trị. Trong đó, với 2 dự án điện gió Savan 1 (495 MW) và Ami Savanakhet (187,2 MW) có thông tin là đã ký hợp đồng phát triển dự án (PDA) với Chính phủ Lào và kiến nghị bán điện về Việt Nam trong giai đoạn đến năm 2025.
Chạy đua vì giá?
Quan sát làn sóng đầu tư điện gió ở Lào để bán điện về Việt Nam, nhiều người cho rằng, sở dĩ có sự đổ bộ này là bởi giá mua điện gió từ Lào đang cao hơn so với các dự án đầu tư tại Việt Nam. Trên thực tế, các nhà đầu tư có xu hướng chạy nhanh hết tốc lực để được hưởng mức giá bán điện gió 6,95 UScent/kWh, nếu dự án hoàn thành và bán điện được trước khi kết thúc năm 2025.
Trước đó, tại Văn bản 387/TTg-QHQT ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương mức giá trần nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam cho loại hình nhà máy điện gió là 6,95 UScents/kWh và chỉ áp dụng đối với các nhà máy điện vận hành thương mại trước ngày 31/12/2025 với thời hạn cả đời dự án là 25 năm. Mức giá này được xác định tại biên giới Việt Nam, các bên có trách nhiệm đầu tư, xây dựng và vận hành đường dây truyền tải ở mỗi nước đến biên giới.
Xuất phát điểm của con số 6,95 UScent/kWh là dựa trên báo cáo của Bộ Công thương giai đoạn 2019-2020 với Thủ tướng Chính phủ về chủ trương nhập khẩu điện và đấu nối cụm điện gió Monsoon (Lào) với tổng công suất 600 MW. Cụ thể, chủ đầu tư cụm điện gió Monsoon là Tập đoàn Impact Energy Asia Development có văn bản hồi tháng 6 và tháng 7/2019, cam kết với EVN về giá bán điện không cao hơn khung giá đối với loại hình nhà máy thủy điện do Thủ tướng Chính phủ quy định tại Văn bản 241/TTg-QHQT ngày 23/2/2019 về nguyên tắc và giá điện nhập khẩu từ Lào về Việt Nam là 6,95 UScent/kWh.
Mức giá điện gió mua từ Lào tối đa là 6,95 UScent/kWh cũng được chính Bộ Công thương cho là “đã đảm bảo hiệu quả cũng như lợi ích giữa các bên”.
Ở thời điểm đề xuất mức giá 6,95 UScent/kWh cho điện gió nhập khẩu từ Lào hồi năm 2019-2020, nếu so với các nguồn điện gió được áp dụng theo cơ chế giá tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 (điện gió trong đất liền giá 8,5 UScents/kWh, điện gió trên biển giá 9,8 UScents/kWh), thì nhập khẩu điện gió từ Lào có giá thành cạnh tranh hơn rất nhiều so với các nguồn điện gió trong nước đã được công nhận ngày vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021.
Tuy nhiên, trong 4 năm qua, đã có những bước tiến lớn trong ngành điện gió. Bên cạnh đó, đầu năm 2023, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT quy định giá trần của khung giá phát điện áp dụng cho các dự án điện gió trong đất liền là 1.587,12 VND/kWh (tương đương 6,42 UScents/kWh – theo tỷ giá 24.730 VND/USD cuối tháng 10/2023). Như vậy, giá trần điện gió nhập khẩu từ Lào hiện tại cao hơn giá trần của các dự án điện gió trong đất liền tại Việt Nam.
Dù các chuyên gia cho rằng, khi nhập khẩu điện gió từ Lào, phía Việt Nam sẽ giảm được nguồn vốn cần đầu tư ban đầu, nhưng ở khía cạnh khác, việc gia tăng mua điện từ nguồn năng lượng tái tạo như điện gió cũng được cho là gây áp lực cho hệ thống điện trong quá trình vận hành.
Tính đến tháng 10/2023, các nguồn năng lượng tái tạo chiếm 27,1% tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống (trong đó điện gió là 5.345 MW, điện mặt trời là 16.630 MW và điện sinh khối là 395 MW). Theo Quy hoạch Điện VIII, tới năm 2030, tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo có thể đạt 53.480 MW, chiếm tỷ lệ 33,8% công suất nguồn điện toàn quốc.
“Trường hợp các nguồn điện nhập khẩu từ Lào là các nguồn điện năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời, vận hành theo phương án tách lưới để phát điện toàn bộ vào hệ thống điện Việt Nam, sẽ khiến tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống tiếp tục tăng cao, có thể gây ra một số khó khăn trong công tác điều độ, vận hành hệ thống”, EVN nhận xét khi báo cáo Bộ Công thương.
Trước làn sóng đầu tư điện gió tại Lào để bán điện Việt Nam, tháng 2/2023, EVN đã đề nghị Bộ Công thương hướng dẫn về phương pháp đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện cho các dự án nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam, kể cả cho các dự án vào vận hành thương mại trước năm 2025. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Công thương chưa có chỉ đạo gì về vấn đề này.
Ngoài ra, ngày 11/9/2023, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì cuộc họp về chủ trương xây dựng mức giá trần và nguyên tắc mua điện từ Lào từ năm 2026 trở đi, trong đó giao Cục Điều tiết điện lực chủ trì xây dựng khung giá. Nhưng tới thời điểm cuối tháng 12/2023, vẫn chưa có thông tin gì mới về câu chuyện này.
T.P