Tuesday, November 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKhi tướng bị “trảm”

Khi tướng bị “trảm”

Chuyện Trung Nam Hải thay quan, trảm tướng thời gian qua chẳng hiếm. Nhiều là đằng khác. Mới rồi, bộ trưởng quốc phòng Lý Thượng Phúc vừa bị thay đó thôi.

Tên lửa đạn đạo trong cuộc duyệt binh ở Bắc Kinh năm 2019

Cái sự mất ghế của ông Lý Thượng Phúc có phần bí ẩn. Ngồi vào chiếc ghế bộ trưởng Quốc phòng quyền lực và sang trọng tháng 3/2023, chỉ sau đó 5 tháng, ông Lý đã “không xuất hiện”. Sự không xuất hiện một cách bí ẩn của nhân vật quan trọng này khiến dư luận dấy lên những lời đồn đại đủ chiều. Tận tới cuối tháng 10/2023, tin ông Lý bị bãi nhiệm mới loan ra chính thức trên báo chí Trung Quốc mà không nêu rõ lý do. Và cuối tháng 12/2023, Trung Nam Hải mới chọn được ông Đổng Quân để trám vào cái ghế bộ trưởng Quốc phòng trống vắng.

Trước đó, số phận ông Tần Cương cũng thế. Nhà ngoại giao không chỉ trẻ trung hơn nhiều so với “cáo già ngoại giao” Vương Nghị, mà còn là người được đào tạo bài bản, giàu thực tiễn, kinh qua đủ các ngạch ngoại giao hai địa bàn quan trọng Anh, Mỹ…, ngỡ sẽ không chỉ ngự vững trên cái ghế ngoại trưởng, mà còn có cơ lao thẳng vào Trung Nam Hải, chiếm một suất trong Bộ Chính trị. Vậy mà, chỉ sau có 6 tháng, xuất hiện vài lần trong các sự kiện ngoại, đã mất hút như “con mẹ hàng lươn”, để lại những lời đồn hư ảo, trong đó có cả lời đồn rằng, ông Tần bị miễn nhiệm bởi có số…đào hoa!

Nói cho cùng, đồn đại là chuyện của xã hội, của dư luận. Phàm dính tới chính trị, nhất là khi đã với tới một vị trí kha khá, cỡ tướng trong quân đội chẳng hạn, hanh thông không sao, nhưng một khi có sự cố, đố thoát khỏi lời giải thích kiểu tin đồn. Thế nên, sau vụ ông Tần Cương, ông Lý Thượng Phúc bị miễn nhiệm, chót năm 2023, việc Ủy ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc miễn nhiệm 7 tướng, nảy sinh các lời đồn cũng là điều tất nhiên.

Ngoài những phân tích nhằm lý giải việc “trảm” tới 7 tướng, điều dư luận quan tâm nhất là trong số này, có tới 4 tướng thuộc lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc.

Con số đó nói lên điều gì?

Cánh chuyên gia quân sự quốc tế thừa biết, trong bối cảnh hiện nay, Bắc Kinh coi Lực lượng Tên lửa là một bộ phận quan trọng đặc biệt của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Quan trọng quá đi. Đây chính lực lượng kiểm soát kho vũ khí tên lửa đạn đạo trên đất liền của quốc gia — cả hạt nhân (nhiệt) và hạt nhân thông thường, kia mà. Vì thế, lực lượng này thuộc sự chỉ huy của Quân ủy Trung ương Trung Quốc do nhà lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình làm Chủ tịch.

Liên quan tên lửa đạn đạo, đó hẳn là “át chủ bài” của Trung Quốc nhằm đáp ứng các yêu cầu về quân sự, trong trường hợp cuộc chiến xảy ra. Cái gọi là “cuộc chiến” cần hiểu không chỉ là phòng thủ, mà còn là để tấn công. Tấn công Đài Loan ư? Có thể, bởi thu hồi Đài Loan là việc phải làm kia mà. Tấn công Mỹ ư? Cũng có thể, bởi hai siêu cường đang không chỉ cạnh tranh mà còn khúc mắc nhau ghê gớm. Nói dại, lỡ có tình huống quân sự “ngoài tầm kiểm soát”, ai biết điều gì có thể xảy ra.

Chính thế, phát triển tên lửa đạn đạo có sức mạnh vượt trội, là một mục tiêu tối quan trọng của Trung Quốc. Tháng 11/2023, nhật báo Telegraph của Anh đã đưa một bản tin cho biết: Lầu Năm góc tin rằng quân đội Trung Quốc đang phát triển một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (intercontinental ballistic missile, viết tắt: ICBM) mới, nhiều tầng, có thể rời khỏi bầu khí quyển Trái đất và di chuyển vòng quanh thế giới với vận tốc cực lớn, trước khi quay trở lại và lao xuống mục tiêu.

Với tốc độ gấp 20 lần tốc độ âm thanh, loại tên lửa này không thể bị đánh chặn. Vì lý do trên, Lầu Năm Góc lo lắng: “Nếu được phát triển và triển khai, những khả năng như vậy sẽ cho phép Trung Quốc đe dọa tấn công nhằm vào các mục tiêu ở lục địa Mỹ, Hawaii và Alaska”.

Cái khôn của Trung Quốc là: thay vì gắn đầu đạn hạt nhân, loại tên lửa mới phát triển này được trang bị chất nổ thông thường để không nằm trong sự kiểm soát của quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề là, thay chất nổ thông thường bằng đầu đạn hạt nhân, trong trường hợp cần thiết, Bắc Kinh có thể chỉ làm “trong nháy mắt”.

Nếu lo lắng của Lầu Năm Góc là thật, điều đó đồng nghĩa việc Bắc Kinh đã đạt được những bước tiến vượt trội về ICBM. Và nếu điều đó là thật, thì là công của lực lượng tên lửa Trung Quốc chứ ai? Trong công đó, hẳn phải có dấu ấn của 4 tướng thuộc lực lượng này.

Tướng có công thì phải “thăng” chứ sao lại “trảm”?

Từ cái logic thông thường đó, mới có người phản biện rằng: Rất có thể, Lầu Năm Góc “nhìn gà hóa cuốc” mà hốt hoảng lo xa. Còn trong thực tế, Trung Quốc quả có đạt được những bước tiến lớn về tên lửa đạn đạo, nhưng việc họ sở hữu loại ICBM có tốc độ gấp 20 lần tốc độ âm thanh, chỉ là…tưởng tượng của tình báo Mỹ mà thôi.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới