Cách đây đúng 50 năm, ngày 19/1/1974, với dã tâm, tham vọng bành trướng lãnh thổ, giới cầm quyền tại Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế và bỏ qua quan hệ “đồng chí anh em” vốn được xây đắp từ những năm tháng chiến tranh cách mạng của hai nước, trắng trợn dùng lực lượng Hải quân được vũ trang đầy đủ, tiến hành đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, sự kiện “nhức nhối” đối với Việt Nam và đáng hổ thẹn này đối với Trung Quốc vẫn không thể nằm yên. Nhiều chuyên gia học giả, nhà nghiên cứu sẽ vẫn phải tốn nhiều giấy mực để tiếp tục nghiên cứu về sự kiện trên nhiều khía cạnh khác nhau nhằm luận giải, chiêm nghiệm hoặc là soi chiếu vào những gì đang xảy ra hiện nay. Bài viết này sẽ tiếp cận theo hướng tìm hiểu lý do, tại sao Trung Quốc lại hành xử như vậy và đạt được mục tiêu gì vào thời điểm đó, những bài học lịch sử nào cần rút ra từ sự kiện trên để giúp chúng ta đấu tranh, bảo vệ hiệu quả, vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong tình hình mới.
Bắc Kinh từ lâu đã có ý đồ thôn tính quần đảo Hoàng Sa, nhưng không có cơ sở pháp lý, buộc phải tính toán, chọn thời cơ thuận lợi nhất để đánh chiếm
Từ năm 1909, chính quyền của triều đại phong kiến Mãn Thanh ở Trung Quốc đã bắt đầu có dã tâm “nhòm ngó” đến một quần thể các đảo đá nhỏ kề cận nhau nổi lên ở góc phía Đông Bắc Biển Đông, phía Nam đảo Hải Nam mà được những người đi biển gọi là Hoàng Sa. Đến thời Quốc Dân Đảng của Tôn Trung Sơn, chính thể này bắt đầu âm thầm đưa quân ra đồn trú trên một số đảo để tạo ra “chuyện đã rồi”, đồng thời phát hành bản đồ “đường mười đoạn” để “đánh dấu” chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có Hoàng Sa. Có thể gọi đó là hành động “xâm lăng bằng giấy mực”. Đến thời nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, giới lãnh đạo chính thể này có mưu toan chiếm đoạt Hoàng Sa trên thực tế nhưng họ không có đủ cơ sở pháp lý nào để hành động, duy nhất chỉ có mỗi cách là “chiếm lấy” bằng vũ lực bởi vào thời điểm đó, Hoàng Sa đã là của Việt Nam, thuộc chủ quyền và quyền quản lý của Việt Nam từ lâu. Tuy nhiên, đánh chiếm được quần đảo này vào lúc nào và giữ được lâu dài thì còn phải phụ thuộc vào thời cơ và thực lực, khả năng hành động. Trong khi chờ đợi các yếu tố trên xuất hiện, Bắc Kinh “chơi bài” gặm nhấm lãnh thổ. Theo đó, năm 1956, Trung Quốc đánh chiếm nhóm đảo An Vĩnh ở phía Đông Hoàng Sa; Đài Loan chiếm đảo Ba Bình, đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa. Năm 1959, một số lính Trung Quốc đóng giả ngư dân bí mật đổ bộ lên các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Hòa nhằm đánh chiếm nhóm đảo này nhưng bị quân đội Việt Nam Cộng hòa phát hiện và bắt giữ. Từ năm 1970 – 1971, quân đội Trung Quốc đã cho xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự bí mật ở nhóm An Vĩnh này để chiếm đóng.
Thời cơ mà Trung Quốc chờ đợi xuất hiện vào đầu năm 1974. Đó là lúc họ lợi dụng được sự hội tụ của các yếu tố thuận lợi để hành sự và đạt được ý đồ. Đó là:
Thứ nhất, Trung Quốc nghiên cứu và phán đoán chính xác khả năng Mỹ và Liên Xô sẽ không can thiệp nếu họ đánh chiếm Hoàng Sa.
Vào thời điểm đó, quan hệ Mỹ – Xô bước vào thời kỳ hòa dịu sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Hai nước tăng cường đối thoại và đàm phán giải trừ quân bị, giảm đối đầu, tập trung vào việc giải quyết các khó khăn nội bộ. Về phía Mỹ, do bị thất bại trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam và phải đối phó với các bất ổn chính trị trong nước do vụ bê bối Watergate gây ra, khiến nước này phải giảm can dự vào Đông Dương, từng bước bỏ rơi chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam. Theo đó, tháng 6/1973, Quốc hội Mỹ ban hành đạo luật Case-Church cấm chính phủ tái can thiệp quân sự vào ba nước Đông Dương trừ khi được Quốc hội chấp thuận; Mỹ cắt giảm hỗ trợ quân sự cho chính quyền Sài Gòn từ 1,4 tỷ USD năm 1972 xuống 1 tỷ USD năm 1973 và 700 triệu USD năm 1974. Về phía Liên Xô, nước này cũng đang phải vất vả đối phó với những rạn nứt nghiêm trọng trong nội bộ khối các nước xã hội chủ nghĩa, cũng như sự phân liệt Xô – Trung. Thập kỷ 70 cũng là giai đoạn chứng kiến cái “bắt tay” giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm chống lại Liên Xô để từ đó hình thành nên tam giác quan hệ Mỹ – Xô – Trung.
Trên thực tế, sự không can thiệp của Mỹ vào tình hình Việt Nam đã được Trung Quốc bảo đảm bằng cách thỏa thuận trực tiếp trong khuôn khổ chuyến thăm tới Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1972. Nếu không có sự làm ngơ của Mỹ thì Trung Quốc khó có thể tiến hành đánh chiếm Hoàng Sa bởi trước đó, trong suốt thời kỳ 1959 – 1973, xung quanh quần đảo này đều có Hải quân Mỹ hoạt động thường xuyên. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng chủ động xây dựng hình ảnh “sử dụng vũ lực vì mục đích tự vệ” để giảm nguy cơ can thiệp của Mỹ và Liên Xô, đó là ra lệnh cho Hải quân Trung Quốc không được nổ súng trước, đồng thời tiến hành các hoạt động khiêu khích như thả neo tại đảo Hữu Nhật, nhanh chân chiếm giữ và cắm cờ Trung Quốc lên các đảo Duy Mộng, Quang Hòa để khi quân của Việt Nam Cộng hòa đến thì nổ súng cảnh báo, không cho tiếp cận đảo… từ đó buộc quân đội của Việt Nam Cộng hòa phải nổ súng tấn công phía Trung Quốc để giành lại đảo, tạo cơ hội cho Trung Quốc hành sự.
Thứ hai, tận dụng yếu tố thời tiết giao thời để đánh chiếm Hoàng Sa.
Thông thường, từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm, thời tiết ở Biển Đông rất thuận lợi, ít có mưa bão, nhưng sau đó thì sẽ chuyển sang giai đoạn diễn biến phức tạp. Trung Quốc đã nghiên cứu kỹ yếu tố này nhằm đảm bảo thành công cho việc đánh chiếm, bởi đây là trận đánh xa bờ đầu tiên của Hải quân Trung Quốc với một đối thủ bên ngoài. Từ nghiên cứu đó, quân đội Trung Quốc đã chủ động khiêu khích quân đội Việt Nam Cộng hòa trước vào đầu tháng 1/1974 để tấn công đánh chiếm Hoàng Sa, trước khi các cơn bão Đông Bắc nổi lên với tốc độ gió giật 40 hải lý/giờ, vì nếu xuất quân muộn hơn so với quãng thời gian trên sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Thứ ba, lợi dụng lúc Việt Nam Cộng hòa rơi vào tình thế suy yếu, bị cô lập và đang gặp nhiều bất lợi.
Trước khi đánh chiếm Hoàng Sa, Trung Quốc đã nhìn thấy được tình cảnh bi đát lúc đó của Việt Nam Cộng hòa là bị đồng minh Mỹ bỏ rơi, lại đang bị hạn chế về sức mạnh quân sự. Khi cuộc hải chiến Hoàng Sa diễn ra, mặc cho Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu nhiều lần kêu gọi yểm trợ, nhưng Mỹ đã “khoanh tay ngồi yên”, không có động thái nào hỗ trợ. Hạm đội 7 của Mỹ lúc đó đang ở Philippines đã nhận được lệnh không được có bất kỳ hành động can thiệp nào vào Hoàng Sa. Hải đoàn 77 của Hải quân Mỹ ở ngoài khơi Việt Nam, gần với Hoàng Sa cũng “giả điếc” dù đơn vị này có tàu sân bay và chiến hạm yểm trợ, đủ sức kiểm soát không phận, hải phận và hoạt động của các tàu ngầm trong Vịnh Bắc Bộ. Bản thân Việt Nam Cộng hòa tuy lúc đó vẫn đang chiếm đóng nhóm đảo Lưỡi Liềm ở phía Tây Hoàng Sa, nhưng đã phải rút dần lực lượng đồn trú tại đây để dồn về đất liền. Trang bị quân sự của Hải quân Việt Nam Cộng hòa lúc đó yếu kém, cũ kỹ, thiếu nhiên liệu, gây cản trở cho việc phối hợp giữa các lực lượng khi chiến đấu trên thực địa.
Thứ tư, phía Việt Nam dân chủ Cộng hòa đang giành ưu tiên cao hơn cho mục tiêu thống nhất đất nước.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973), đất nước Việt Nam vẫn ở trong tình trạng bị chia cắt. Vào thời điểm đó, phía Việt Nam dân chủ Cộng hòa đang dồn sức chuẩn bị cho giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước. Đây là nhiệm vụ cấp bách hơn việc giành quyền kiểm soát thực tế đối với quần đảo Hoàng Sa. Bởi khi đó quần đảo này vẫn đang nằm dưới quyền kiểm soát của Việt Nam Cộng hòa.
Thứ năm, Trung Quốc có lợi thế về khoảng cách địa lý để tiếp cận, đánh chiếm Hoàng Sa.
Do đã chiếm đóng được nhóm đảo An Vĩnh ở phía Đông Hoàng Sa từ trước, nên Trung Quốc có thể dễ dàng lấy An Vĩnh làm điểm tựa để tấn công sang phía Tây Hoàng Sa. Bên cạnh đó, đảo Hải Nam của Trung Quốc cũng gần Hoàng Sa, nhờ đó có thể điều quân tiếp viện đến Hoàng Sa một cách nhanh chóng. Bằng chứng là ngày 16/1/1974, Bộ Tư lệnh Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đã ra lệnh cho hai tàu săn ngầm lớp Kronstadt đóng tại đảo Hải Nam chở lực lượng ra Hoàng Sa để tập trung binh lực. Trong cuộc đấu pháo ở đảo Quang Hòa với quân Việt Nam Cộng hòa, Trung Quốc cũng đã nắm ưu thế áp đảo nhờ lực lượng tăng viện là không quân triển khai từ đảo Hải Nam.
Thứ sáu, bất ổn chính trị nội bộ Trung Quốc gây sức ép buộc Bắc Kinh phải hành động để đẩy áp lực dư luận trong nước ra bên ngoài.
Vào thời điểm đó, cuộc khủng hoảng dầu lửa do các nước Trung Đông phát động năm 1973 đã khiến Trung Quốc gặp khó khăn và phải tìm đến nguồn dầu khí xa bờ, tức là hướng ra biển để khai thác. Từ tháng 12/1973, Trung Quốc đã cho khoan giếng dầu trên đảo Phú Lâm. Ngoài ra, cuộc Cách mạng văn hóa do Mao Trạch Đông phát động đã gây nên những hậu quả nặng nề cho nước này, làm cho các mâu thuẫn trong nội bộ càng thêm trầm trọng. Tình hình trên đòi hỏi Trung Quốc phải tìm được nguồn dầu khí mới đáp ứng cho phát triển và hướng sự chú ý của dư luận trong nước ra bên ngoài thông qua kích động chủ nghĩa dân tộc và tinh thần yêu nước bằng chiến tranh. Họ lấy Hoàng Sa ra để giải quyết bài toán “nhất cử lưỡng tiện”.
Thứ bảy, Đài Loan gián tiếp giúp đỡ Trung Quốc.
Trước khi khởi sự đánh chiếm Hoàng Sa, Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận “ngầm” với Đài Loan. Theo đó, Vùng lãnh thổ này đã đồng ý hỗ trợ Trung Quốc trong cuộc chiến, bởi dù đối đầu nhau gay gắt, nhưng Trung Quốc và Đài Loan đều đồng thuận rằng, Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc. Trên thực tế, tàu ngầm của Trung Quốc đã được phép đi qua eo biển Đài Loan, con đường ngắn nhất dẫn đến Hoàng Sa, mặc dù trước đó, Đài Loan luôn phản đối điều này.
Sau khi nhận thấy những cơ hội thuận lợi đã đến, ngày 15/1/1974, chưa đầy một năm sau khi Hiệp định Paris về chiến tranh ở Việt Nam được ký kết, Bắc Kinh đã đổ quân lên các đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Bốn ngày sau đó, tức ngày 19/1/1974, Hải quân Trung Quốc tấn công và chiếm toàn bộ các hòn đảo trên quần đảo này mặc dù Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã kháng cự quyết liệt, nhưng do “thế cùng lực tận” nên cũng phải rút lui, chấp nhận thất bại.
Trước hành động xâm lược trắng trợn của Trung Quốc, đại diện Việt Nam Cộng hòa tại Liên hợp quốc đã đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng gửi công hàm ngoại giao đến tất cả các bên ký kết Hiệp định Paris, yêu cầu mở một phiên họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để xem xét hành động của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc với quyền phủ quyết của mình trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ngăn chặn tất cả những nỗ lực của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Ngày 02/7/1974, đại diện của Việt Nam Cộng hòa đã đưa ra tuyên bố tại Hội nghị của Liên hợp quốc về Luật Biển để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Tiếp đó, ngày 14/2/1975, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa công bố “Sách trắng về Hoàng Sa và Trường Sa”. Mặc cho những sự phản đối liên tiếp này của Việt Nam Cộng hòa, Trung Quốc vẫn chiếm giữ toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng trên đó cho đến nay.
Bài học lịch sử cần rút ra cho việc đấu tranh, bảo vệ hiệu quả, vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong tình hình mới
Đầu tiên, sự kiện Hoàng Sa ngày 19/01/1974 cho thấy, Trung Quốc đã công khai sử dụng vũ lực vào thời điểm khó khăn, phức tạp nhất của Việt Nam để đánh chiếm, đòi hỏi chủ quyền của họ ở đây. Mục đích của hành động này là nhằm biến vùng lãnh thổ hợp pháp của Việt Nam thành “vùng tranh chấp”, từ đó dựa vào sự chiếm đóng và sức mạnh nước lớn để cưỡng đoạt vĩnh viễn hoàn toàn. Năm mươi năm đã trôi qua, tuy Hoàng Sa vẫn nằm dưới sự chiếm đóng của Trung Quốc, nhưng dựa trên những bằng chứng pháp lý, chứng cứ lịch sử mà Việt Nam đưa ra trước thế giới, quần đảo này mãi mãi vẫn thuộc về chủ quyền của Việt Nam, không ai có thể phủ nhận. Nhà nước Việt Nam đã ban hành rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, qua đó khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý, lịch sử về chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa, là quốc gia duy nhất đã chiếm hữu thật sự và quản lý quần đảo này một cách liên tục, hòa bình, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Đồng thời, chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam đã kiên trì không mệt mỏi, nhiều lần phản đối cách hành động trái phép của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa, liên tục giao thiệp với các tổ chức quốc tế, nhất là các tổ chức quan trọng của Liên hợp quốc, các nước trên thế giới để thể hiện lập trường, quan điểm và chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của các nước, các tổ chức đó; đồng thời, chứng minh rõ hành động “làm chủ” quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc là hành động sử dụng vũ lực để “ăn cướp” và chiếm đóng lãnh thổ của nước khác chứ không phải là hành động “chiếm giữ tự nhiên” nên không thể được luật pháp quốc tế công nhận. Năm mươi năm qua, chúng ta đã làm tốt việc bảo vệ danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa nên đã tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong nhân dân trong và ngoài nước. Đây là bài học quý giá, cần tiếp tục làm tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Hai là, vấn đề Biển Đông hiện đã trở thành vấn đề quốc tế, có liên quan đến các nước lớn, do đó trong khi quan hệ với các nước lớn để đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông, Việt Nam vẫn cần phải hết sức cảnh giác. Bởi vì hiện nay, hợp tác đan xen cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt và đều xoay quanh trục lợi ích, lấy lợi ích là thước đo cao nhất, khiến quan hệ quốc tế trở nên khó dự báo, tạo ra cơ hội lẫn thách thức đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Chính vì thế, nên khi quan hệ với các nước này phải lấy mục tiêu bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ tức là bảo vệ vững chắc lợi ích quốc gia – dân tộc, làm tiêu chuẩn cao nhất để quyết định mức độ quan hệ hợp tác. Ai ủng hộ và có việc làm phù hợp với mục tiêu này, Việt Nam ủng hộ; ai làm ngược lại, Việt Nam kiên quyết đấu tranh. Tuy nhiên, như trên đã nói, hợp tác và cạnh tranh giữa các nước lớn đều xoay quanh trục lợi ích. Do đó, rất có thể vì lợi ích và để thực hiện tham vọng nước lớn của mình, họ sẵn sàng trao đổi trên lưng Việt Nam để đạt được mục tiêu chiến lược. Sự kiện Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 là bài học đắt giá về vấn đề này.
Ba là, hiện nay, Hoàng Sa vẫn bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, trong khi ở Trường Sa, Việt Nam cũng có tranh chấp với một số nước trong khu vực, trong đó có Trung Quốc. Tất cả những nước này đều có quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng – an ninh với Việt Nam. Như vậy, trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo ở Biển Đông, Việt Nam có cả đối tượng lẫn đối tác. Phương châm đặt ra là gặp đối tác thì hợp tác, còn khi trở thành đối tượng thì phải đấu tranh. Tuy nhiên, trong đấu tranh với đối tượng không có nghĩa là phân tuyến đối đầu, “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với nhau mà cần tranh thủ mọi cơ hội tìm hiểu, tạo lòng tin để đi đến tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau phù hợp luật pháp quốc tế, tìm biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp bất đồng và mở rộng hợp tác bình đẳng, cùng có lợi. Lời khuyên kinh điển của các nhà quân sự lỗi lạc rằng, “không đánh mà thắng mới là sự mẫn tiệp và khôn ngoan nhất của người cầm quân”, luôn luôn đúng.
Bốn là, qua sự kiện Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa và thực tế xảy ra trên Biển Đông thời gian qua đã chỉ ra bài học là không được mơ hồ, mất cảnh giác, né tránh, nhân nhượng vô nguyên tắc, không thụ động, không dựa dẫm, không trông chờ ỷ lại; không mắc mưu lôi kéo, kích động, khiêu khích của bất cứ thế lực nào; không chọn bên, không chọn phe nhóm, chỉ chọn theo chân lý, đứng về lẽ phải, dựa trên luật pháp quốc tế vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển.
Năm là, “Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ” để biết người, biết mình, luôn làm chủ tình thế. Bác Hồ đã chỉ rõ, trong quan hệ với các nước lớn, phải hiểu được các nước lớn, dù là đồng minh hay đối thủ, biết được mối quan tâm và chiến lược cơ bản của họ, hiểu bản chất sự vận hành nội trị và ngoại giao của từng nước lớn, quan hệ hợp tác và đấu tranh giữa các nước lớn cùng những giới hạn của các mối quan hệ đó. Chỉ khi “biết người” như vậy thì mới có thể độc lập, tự chủ trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền nhưng vẫn mềm dẻo linh hoạt trogn xử lý quan hệ với các nước.
Sáu là, Phải xây dựng đất nước ta thật vững mạnh về mọi mặt. Xây dựng và phát huy hơn nữa sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, thực hiện phương châm “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” trên tinh thần “thêm bạn, bớxt thù”, tranh thủ tối đa sự đồng thuận, ủng hộ của các bên liên quan cùng các nước trong khu vực và trên thế giới để hạn chế những bất đồng, khắc phục sự khác biệt, triệt để khai thác các nhân tố có lợi từ bên ngoài, tạo thành sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Bác Hồ đã từng nhắc nhở: “Ta có mạnh thì họ mới đếm xỉa đến. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay kẻ khác, dẫu kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy”. Những bài học rút ra từ sự kiện Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa cách đây 50 năm không thể bị lãng quên, xếp vào “tủ đá”, mà vẫn phải thường xuyên được “hâm nóng” để các thế hệ người Việt Nam, từ giới lãnh đạo cao nhất đến những người dân bình thường đều thấu hiểu, ghi nhớ. Từ đó có sự chủ động nhạy bén, dự báo chính xác, kịp thời đưa ra các đối sách phù hợp, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo trong mọi hoàn cảnh, không để rơi vào thế bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Làm được như vậy, không chỉ là thể hiện tình cảm, tình yêu Tổ quốc, mà còn là cách để chúng ta tri ân những người con ưu tú của đất nước đã hy sinh anh dũng trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đồng thời góp phần thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ cách đây 63 năm (1961) khi Người về thăm Quân chủng Hải quân: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.