Nhóm vũ trang sắc tộc Quân đội Arakan (AA) tuyên bố giành quyền kiểm soát thị trấn cảng Pauktaw sau hơn 2 tháng đụng độ dữ dội với quân đội chính quyền Myanmar.
Cuối ngày 24/1, AA nói các chiến binh của mình đã “kiểm soát hoàn toàn” Pauktaw, thị trấn 20.000 dân gần cảng nước sâu quan trọng ở thủ phủ bang Rakhine thuộc tây Myanmar.
Trước tuyên bố lần này, AA từng chiếm giữ Pauktaw trong khoảng một ngày vào tháng 11/2023.
Động thái của AA làm đổ bể lệnh ngừng bắn mong manh kể từ sau khi quân đội Myanmar lên nắm quyền vào năm 2021. Kể từ đó, pháo binh và tàu hải quân của quân đội chính quyền thường bắn vào thị trấn gần như hàng ngày, cũng như tấn công từ trực thăng, người dân kể với AFP.
Các hình ảnh mới nhất từ dịch vụ Google Earth cho thấy khu vực thuộc vùng trung tâm Pauktaw trong tình trạng đổ nát gần như hoàn toàn và một số tòa nhà gần bến cảng cũng bị hư hại. Một số tòa nhà trong khu vực trụ sở cảnh sát cũng bị phá hủy.
Hiện AFP chưa thể xác thực tuyên bố của AA. Đường dây liên lạc với Pauktaw còn chưa thông suốt.
Một nguồn thạo tin AA nói với AFP hồi đầu tuần rằng, các chiến binh của nhóm này đang tiến hành “các hoạt động càn quét” trong thị trấn.
Trước đó, ngày 23/1, AA nói rằng trong thị trấn đang diễn ra các cuộc đụng độ “dữ dội”.
Phía chính quyền Myanmar chưa bình luận về các cuộc đụng độ gần đây ở Pauktaw.
Khoảng 18.000 người đã phải di dời khỏi khu vực do giao tranh, Liên Hợp Quốc cho biết vào tháng 11/2023.
Pauktaw cách thủ phủ Sittwe của bang Rakhine 25km về phía đông. Thị trấn này là nơi đặt cảng nước sâu được xây dựng nhờ một phần kinh phí từ Ấn Độ để tăng cường liên kết kinh tế với Myanmar.
Việc đi lại giữa Sittwe và Pauktaw hiện bị hạn chế nghiêm trọng vì sự xuất hiện của các đồn kiểm soát mới, một cư dân Pauktaw đang ở Sittwe nói với AFP hôm 25/1.
AA là một trong 3 thành viên của Liên minh Huynh đệ phát động “Chiến dịch 1027” bất ngờ tấn công quân đội chính quyền ở bang Shan thuộc miền bắc Myanmar hôm 27/10. Hai thành viên còn lại gồm Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta’ang (TNLA) và Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA).