Đây chính là tiêu đề của bài phóng sự điều tra do Greg Miller và Isabelle Khurshudyan tiến hành, được đăng tải trên tờ Washington Post ngày 23/10/2023 nói về mức độ hỗ trợ mà cơ quan tình báo Mỹ đã cung cấp cho các cơ quan đặc biệt của Ukraine cũng như mối quan hệ sâu sắc của các điệp viên Ukraine với CIA.
Các hoạt động này bao gồm từ đào tạo, tuyển dụng, xâm nhập đến phá hoại và bao gồm cả các vụ ám sát có chủ đích. Washington Post đã tiến hành phỏng vấn hơn hai chục quan chức tình báo và an ninh đang làm việc hoặc không còn làm việc nữa của Ukraine, Mỹ và phương Tây, trong đó có cả những nhân vật quan trọng có quyền truy cập vào các luồng thông tin tình báo độc lập. Tất cả những người trả lời phỏng vấn đều yêu cầu giấu tên vì lý do an ninh cũng như tính nhạy cảm của chủ đề. Tạp chí Phương Đông xin tổng hợp lại để giới thiệu với bạn đọc.
Quan hệ đối tác CIA – Ukraine
Theo tờ báo, sự hợp tác giữa CIA và Ukraine bắt nguồn từ hậu quả của các cuộc biểu tình chính trị năm 2014 khiến Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych phải chạy trốn khỏi đất nước, sau đó là việc Nga sáp nhập Crimea và trang bị vũ khí cho phe ly khai ở các khu vực phía đông Donetsk và Luhansk.
Trong giai đoạn đầu, để tránh các rủi ro an ninh vì cả hai bên đều có chung lo ngại rằng các cơ quan của Ukraine vẫn bị FSB, cơ quan kế thừa chính của KGB (Nga), thâm nhập sâu vào, CIA đã làm việc với SBU (Cục an ninh và tình báo mật Ukraine) để thành lập một Ban Giám đốc hoàn toàn mới, tập trung vào bộ phận “các biện pháp tích cực” chống lại Nga và được tách biệt khỏi các bộ phận khác của SBU. Đơn vị mới được mệnh danh là “Ban Giám đốc thứ năm” để phân biệt với bốn đơn vị lâu đời khác của SBU. Một Ban Giám đốc thứ sáu đã được bổ sung để làm việc với cơ quan gián điệp MI6 của Anh.
Các địa điểm huấn luyện nằm bên ngoài Kiev, nơi những tân binh được tuyển chọn kỹ lưỡng sẽ được nhân viên CIA hướng dẫn. Theo kế hoạch sẽ thành lập các đơn vị “có khả năng hoạt động ở tiền tuyến và hoạt động như các nhóm bí mật”. CIA đã cung cấp thiết bị liên lạc an toàn, thiết bị nghe lén, cho phép Ukraine chặn các cuộc gọi điện thoại và email của Nga, thậm chí còn cung cấp trang phục ngụy trang và đồng phục của phe ly khai để giúp các đặc vụ dễ dàng lẻn vào các thị trấn bị chiếm đóng hơn.
Các nhiệm vụ ban đầu tập trung chủ yếu vào việc tuyển dụng người cung cấp thông tin trong các lực lượng ủy quyền của Nga cũng như các biện pháp nghe lén trên mạng và điện tử. SBU cũng bắt đầu thực hiện các hoạt động phá hoại và có nhiệm vụ bắt giữ các thủ lĩnh ly khai và cộng tác viên người Ukraine, một số người đã bị đưa đến các địa điểm giam giữ bí mật.
Tuy nhiên, theo các quan chức Ukraine, “Các hoạt động nhanh chóng có một bước ngoặt chết người”. Trong khoảng thời gian ba năm, ít nhất nửa tá đặc vụ Nga, chỉ huy cấp cao hoặc cộng tác viên ly khai đã thiệt mạng trong bạo lực, thường được cho là do dàn xếp nội bộ, nhưng thực tế là do hoạt động của SBU.
Để giải thích cho điều này, các quan chức Ukraine cho biết việc chuyển sang sử dụng các phương pháp gây chết người hơn chính là do “sự gây hấn của Nga, những hành động tàn bạo do lực lượng ủy nhiệm của nước này thực hiện”. Nó cũng thể hiện sự tuyệt vọng trong việc tìm mọi cách để làm suy yếu một đối thủ mạnh hơn. Nhiều người viện dẫn đến hoàn cảnh lịch sử, cáo buộc việc Nga cũng đã từng tiến hành các vụ ám sát ở Kiev…
Valentyn Nalyvaichenko, một thành viên Quốc hội Ukraine, từng giữ chức Giám đốc SBU vào năm 2015, khi Tổng cục thứ Năm được thành lập, từ chối giải thích chi tiết, nhưng cho biết: “Vì cuộc chiến hỗn hợp này, chúng tôi phải đối mặt với một thực tế hoàn toàn mới”. “Chúng tôi buộc phải đào tạo nhân viên của mình theo một cách khác”.
Cải cách tình báo quân sự Ukraine (GUR)
Ngay cả khi giúp xây dựng Ban Giám đốc mới của SBU, CIA đã bắt tay vào một dự án đầy tham vọng hơn nhiều với cơ quan tình báo quân đội Ukraine (GUR).
Với ít hơn 5.000 nhân viên, GUR có quy mô chỉ bằng một phần nhỏ của SBU và tập trung hẹp hơn vào các hoạt động gián điệp và các biện pháp tích cực chống lại Nga. Thành phần tham gia trẻ hơn và ít có “dấu vết” từ thời Liên Xô hơn, trong khi SBU vẫn bị coi là đã bị tình báo Nga xâm nhập và “quá lớn để cải cách”. CIA đã cung cấp tất cả các thiết bị và đào tạo mới. GUR như một đứa con bé bỏng, là một tổ chức nhỏ hơn và nhanh nhẹn hơn. CIA có thể có nhiều tác động hơn bởi lẽ các sĩ quan GUR “là những chàng trai trẻ chứ không phải tướng lĩnh KGB thời Liên Xô”.
Một cựu quan chức tình báo Mỹ cho biết , từ năm 2015 trở đi, CIA đã bắt tay vào quá trình chuyển đổi GUR sâu rộng đến mức chỉ trong vài năm họ “đã xây dựng lại nó từ đầu”.
Một trong những kiến trúc sư chính của nỗ lực này, từng là Trưởng trạm CIA ở Kyev, hiện đang điều hành Lực lượng đặc nhiệm Ukraine tại trụ sở CIA. Các quan chức cho biết GUR đã bắt đầu tuyển dụng các đặc vụ cho bộ phận biện pháp tích cực mới của mình. Tại các địa điểm ở Ukraine và sau đó là Hoa Kỳ, các đặc vụ GUR đã được đào tạo về các kỹ năng khác nhau, từ thao tác bí mật sau phòng tuyến của kẻ thù cho đến các bệ vũ khí và chất nổ. Các quan chức Mỹ cho biết các cuộc huấn luyện nhằm mục đích giúp các điệp viên Ukraine tự bảo vệ mình trong môi trường nguy hiểm do Nga kiểm soát thay vì gây tổn hại cho các mục tiêu của Nga.
Theo tờ báo, các quan chức cho biết CIA đã giúp GUR có được hệ thống giám sát và nghe lén điện tử hiện đại. Chúng bao gồm các thiết bị di động có thể được đặt dọc theo các tuyến đường do Nga kiểm soát ở miền đông Ukraine, cũng như các công cụ phần mềm được sử dụng để khai thác điện thoại di động của các quan chức Điện Kremlin đến thăm lãnh thổ bị chiếm đóng từ Moscow. Các sĩ quan Ukraine vận hành hệ thống này nhưng mọi thứ thu thập được đều được chia sẻ với người Mỹ. Mặt khác, lo ngại rằng các cơ sở cũ kỹ của GUR có thể bị tình báo Nga xâm phạm, CIA đã trả tiền để xây dựng các tòa nhà trụ sở mới cho sư đoàn bán quân sự “spetsnaz” của GUR và một ban giám đốc riêng biệt chịu trách nhiệm về gián điệp điện tử.
Tóm lại, CIA đã cung cấp cho Ukraine các hệ thống giám sát tiên tiến, đào tạo tân binh tại các địa điểm ở Ukraine cũng như Hoa Kỳ, xây dựng trụ sở mới cho các bộ phận trong cơ quan tình báo quân sự Ukraine và chia sẻ thông tin tình báo ở quy mô “không thể tưởng tượng được” trước khi Nga sáp nhập Crimea.
Quy mô ngày càng lớn
Không tiết lộ mức độ tham gia của CIA tại Ukraine trước đây, tờ Washington Post cho biết kể từ năm 2015, CIA đã chi hàng chục triệu USD để biến các cơ quan của Ukraine do Liên Xô thành lập thành đồng minh mạnh mẽ chống lại Moscow. Họ cũng tìm mọi cách để kích động một cuộc chiến tranh ly khai ở miền đông Ukraine.
Kể từ sau cuộc chiến tại Ukraine vào ngày 24/2/2022, sự hợp tác này còn tiếp tục tăng lên nhiều hơn. Cuộc chiến quy mô lớn do Nga phát động đã cho phép các cơ quan đặc biệt của Ukraine, SBU (phản gián) và GUR (tình báo quân sự) thể hiện những gì họ đã học được dưới sự giám hộ của CIA và, ở mức độ thấp hơn, từ MI6 của Anh.
Các hoạt động được tiến hành bao gồm xâm nhập và phá hoại phía sau phòng tuyến của địch, tấn công vào các mục tiêu chiến lược, chặn liên lạc của địch, tình báo tích cực, tung thông tin sai lệch với sự tham gia của các đội đặc nhiệm ưu tú của Ukraine được lựa chọn từ các ban giám đốc được thành lập, đào tạo và trang bị với sự hợp tác chặt chẽ với CIA. Trong khi đó CIA duy trì sự hiện diện đáng kể ở Kiev.
Tờ Washington Post cũng cho biết thêm là trong 20 tháng qua, SBU và đối tác quân sự của nó, GUR đã thực hiện hàng chục vụ ám sát nhằm vào các quan chức Nga cũng như những “kẻ phản bội” tại các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng, ngoài ra còn có các sĩ quan quân sự đằng sau chiến tuyến và những người ủng hộ chiến tranh nổi tiếng đôi khi bị tiêu diệt ngay tại trung tâm các thành phố lớn của Nga.
Phản ứng của CIA
Tuy nhiên, cũng theo tờ báo, những cuộc “thanh lý” này tạo ra sự “bối rối” cho CIA, và CIA phủ nhận mọi liên quan. Việc Ukraine “yêu thích” các hoạt động gây chết người đã làm phức tạp thêm sự hợp tác của nước này với CIA, làm dấy lên lo ngại về sự đồng lõa của CIA và điều đó “tạo ra sự khó chịu trong một số quan chức ở Kiev và Washington”.
Các quan chức tình báo Mỹ nhấn mạnh rằng họ không liên quan đến các hoạt động tiêu diệt có chủ đích của các cơ quan Ukraine.
Một cựu quan chức cấp cao của CIA cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến sự ra đời của một loạt cơ quan tình báo giống như Mossad vào những năm 1970” (cơ quan tình báo Israel từ lâu bị cáo buộc thực hiện các vụ ám sát ở các nước khác). Quan chức này cho biết, khả năng thành thạo của Ukraine trong các hoạt động như vậy “gây rủi ro cho Nga nhưng nó cũng mang đến những rủi ro lớn hơn”. Theo ông ta “Nếu các hoạt động tình báo của Ukraine thậm chí còn trở nên táo bạo hơn, chẳng hạn như nhắm vào người Nga ở các nước thứ ba, điều đó có thể gây ra rạn nứt với các đối tác và dẫn đến căng thẳng nghiêm trọng với các mục tiêu chiến lược rộng lớn hơn của Ukraine”. Trong số những mục tiêu đó có mục tiêu trở thành thành viên của NATO và Liên minh châu Âu.
Mục tiêu “hoàn toàn hợp pháp”
Để điều tra, tờ báo tuyên bố đã phỏng vấn hàng chục “quan chức tình báo Ukraine, Mỹ và phương Tây trước đây và hiện tại”. Tất cả đều trả lời phỏng vấn với điều kiện giấu tên và không có gì đáng ngạc nhiên khi ban lãnh đạo CIA và Văn phòng Tổng thống Ukraine không muốn bình luận về những thông tin trên.
Chỉ có Giám đốc hiện tại của SBU, Tướng Vassyl Malyuk, gửi cho tờ báo một thông cáo báo chí đảm bảo rằng tất cả các mục tiêu phục vụ của ông là “hoàn toàn hợp pháp”.
Tuyên bố không đề cập cụ thể đến các vụ giết người có chủ đích nhưng Malyuk, người đã gặp các quan chức hàng đầu của CIA và các quan chức Mỹ khác ở Washington vào tháng trước, cho biết Ukraine “làm mọi thứ để đảm bảo rằng tất cả những kẻ phản bội, tội phạm chiến tranh và cộng tác viên sẽ bị trừng phạt công bằng”. Các quan chức SBU và GUR mô tả vai trò hoạt động ngày càng mở rộng của họ là “kết quả của những tình huống bất thường”.
Washington Post cho rằng nhiều hoạt động bí mật của Ukraine có mục tiêu quân sự rõ ràng và góp phần bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, ví dụ vụ đánh bom xe giết chết Daria Dugina, con gái của nhà tư tưởng Nga Alexander Dugin, thù địch với Ukraine đã được miêu tả như việc Ukraine chấp nhận cái mà các quan chức ở Kyev gọi là “thanh lý” như một vũ khí chiến tranh.
Phản ứng “công khai” của CIA
Cũng theo tờ báo, các quan chức hiện tại và trước đây của Mỹ và Ukraine cho biết cả hai bên đã tìm cách duy trì khoảng cách thận trọng giữa CIA và các hoạt động gây chết người do các đối tác của họ thực hiện ở Kiev.
Một cựu quan chức an ninh cấp cao của Ukraine cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ lôi kéo các đối tác quốc tế của mình vào các hoạt động bí mật, đặc biệt là ở phía sau chiến tuyến”. Các đặc vụ SBU và GUR không có đồng nghiệp CIA đi cùng. Ukraine tránh sử dụng vũ khí hoặc thiết bị có thể có nguồn gốc từ Mỹ và thậm chí các nguồn tài trợ bí mật cũng bị tách biệt.
Một cựu quan chức tình báo Mỹ cho biết họ gặp rất nhiều hạn chế khi hợp tác hoạt động với người Ukraine bởi CIA muốn ưu tiên tập trung vào việc bảo đảm thông tin liên lạc, đồng thời theo đuổi các luồng thông tin tình báo mới bên trong nước Nga “chứ không phải là các hoạt động ám sát”. Mặc dù vậy, các quan chức thừa nhận rằng “ranh giới đôi khi bị xóa mờ”. Các quan chức CIA ở Kyev đã được biết về một số kế hoạch tấn công đầy tham vọng hơn của Ukraine. Trong một số trường hợp, bao gồm cả vụ đánh bom cầu Kerch, các quan chức Mỹ đã bày tỏ quan ngại.
Theo tin đưa, các điệp viên Ukraine đã đi theo con đường riêng của họ, về những hoạt động nào cần thảo luận và những hoạt động nào cần giữ bí mật. Một quan chức an ninh Ukraine đã tham gia vào các nhiệm vụ như vậy cho biết: “Có một số điều mà có lẽ chúng tôi sẽ không đề cập đến” với các đối tác CIA bởi theo ông ta việc vượt qua những ranh giới đó sẽ dẫn đến câu trả lời ngắn gọn từ người Mỹ với hàm ý “Chúng tôi không muốn “dính líu” hay “là một phần” của công việc đó”.
Các quan chức CIA đã lên tiếng phản đối sau khi một số hoạt động diễn ra, nhưng cho đến nay CIA vẫn tiếp tục sự hỗ trợ của mình!
“Chúng tôi đã từng nói với bạn như vậy”
Phóng sự trên được bình luận rộng rãi ở Nga, nơi Điện Kremlin thường xuyên tố cáo sự hợp tác chặt chẽ này. Việc công bố cuộc điều tra này đã gây ra nhiều bình luận ở Ukraine và Nga.
Nhưng nếu hầu hết các phương tiện truyền thông Ukraine, như tờ báo trực tuyến Ukraïnska Pravda, chỉ giới hạn ở việc tóm tắt nó, thì ở Moscow, những tiết lộ của Washington Post đã “khơi dậy niềm vui” của những người ủng hộ chế độ, những người tìm thấy ở đó sự xác nhận về những tuyên bố đã đưa ra trước đó về sự dính líu này.
Nhà khoa học chính trị có ảnh hưởng Sergei Markov nói trên kênh Telegram của mình: “Hãy nhớ bài học: tất cả những gì chúng ta nói hôm nay và những gì phương Tây phủ nhận, sau này phương Tây sẽ phải nhận” .
Báo điện tử VGLIZIA thậm chí còn coi đây là nỗ lực của Washington nhằm tránh xa “những phương pháp đẫm máu” của Kiev. Một quan điểm được chia sẻ bởi người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, Maria Zakharova, được nhật báo Kommersant trích dẫn: “Nếu các phương tiện truyền thông Mỹ đột nhiên bắt đầu mở rộng tầm mắt, đó là vì chính quyền, và cụ thể hơn là Đảng Dân chủ, đang tìm cách loại bỏ mọi trách nhiệm đối với cuộc bầu cử sắp tới.”
Cơ quan chính thức Ria Novosti trích dẫn phát biểu của Phó Duma Dmitri Bielyk, coi đây là sự xác nhận về việc “người Mỹ đứng đầu trong mọi hành động khủng bố được thực hiện ở Nga”. Bởi vì SBU không phải là “em trai” mà là “chư hầu” của CIA.
T.P