Giao tranh đã xảy ra trong ngày 4.2 tại lãnh thổ Myanmar gần biên giới Bangladesh, khiến nhiều người bị thương và các binh sĩ Myanmar chạy sang biên giới để lánh nạn.
Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) cho biết các bác sĩ của họ ở Cox’s Bazar (thị trấn biên giới của Bangladesh) đã “tiếp nhận một số lượng lớn bệnh nhân sau cuộc giao tranh ở biên giới Bangladesh – Myanmar”.
AFP dẫn thông báo của MSF cho hay có 17 bệnh nhân đã được đưa vào Bệnh viện Kutupalong để điều trị. MSF không cung cấp thêm thông tin chi tiết về quốc tịch hoặc vết thương của các nạn nhân.
Bộ trưởng Nội vụ Bangladesh Asaduzzaman Khan cho biết ít nhất 14 sĩ quan biên phòng từ bang Rakhine bất ổn của nước láng giềng Myanmar “đã tiến vào lãnh thổ của chúng tôi để tự bảo vệ” trước sự tấn công của các tay súng thuộc lực lượng nổi dậy Quân đội Arakan (AA).
Trong khi đó, đài truyền hình tư nhân Channel 24 của Bangladesh lại đưa tin có ít nhất 66 sĩ quan đã tìm nơi trú ẩn, trong đó có 10 người bị thương do trúng đạn.
Bộ trưởng Khan nói với các phóng viên ở Dhaka: “Quân đội Arakan đã lần lượt chiếm được nhiều khu vực của bang Rakhine. Theo thông tin của chúng tôi, họ đang tiến về phía trước”.
Các khu vực của Myanmar gần biên giới dài 270 km với Bangladesh, cũng như biên giới với Ấn Độ ở phía bắc, đã chứng kiến các cuộc đụng độ thường xuyên kể từ tháng 11.2023, khi các thành viên AA chấm dứt lệnh ngừng bắn được duy trì kể từ cuộc chính biến năm 2021 tại Myanmar.
Tướng Myanmar bị bắn tỉa thiệt mạng trên trực thăng
Vào tháng 10.2023, một liên minh bao gồm quân nổi dậy AA và các tay súng dân tộc thiểu số khác đã phát động một cuộc tấn công chung trên khắp miền bắc Myanmar, chiếm giữ các vùng trung tâm thương mại quan trọng ở biên giới với Trung Quốc.
Tháng trước, liên quân này công bố thỏa thuận ngừng bắn do Trung Quốc làm trung gian, song không áp dụng cho các khu vực gần biên giới Bangladesh và Ấn Độ, nơi giao tranh vẫn tiếp diễn.
Trong bối cảnh chiến sự tiến gần, nhiều người dân Bangladesh đã tỏ ra lo lắng và sợ hãi. Một số cư dân ở vùng biên giới cho hay đã có người thân trúng đạn bay lạc từ Myanmar, trong khi có giáo viên nói rằng học sinh đã nghỉ học vì lo ngại mất an toàn.
Bộ trưởng Khan cho hay Bangladesh đã tăng cường an ninh dọc biên giới và sẽ liên hệ Myanmar để trao trả các sĩ quan đã chạy sang lãnh thổ nước này. Bangladesh hiện là nơi trú ngụ của khoảng 1 triệu người tị nạn Rohingya từ Myanmar.