Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ âm thầm thay loạt tướng cấp cao: "Bão ngầm" tại điểm...

TQ âm thầm thay loạt tướng cấp cao: “Bão ngầm” tại điểm nóng trong kế hoạch lớn của ông Tập

Đài CNN (Mỹ) cho rằng, trung tâm của đợt cải tổ mới nhất là lực lượng tên lửa của quân đội Trung Quốc.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc bị cho thôi chức vào ngày 24/10/2023 mà không có thêm thông tin nào được Bắc Kinh công bố

Loạt tướng lĩnh Trung Quốc mất chức
Theo CNN, trong phần lớn thời gian của năm 2023, một “cơn bão” đã âm thầm diễn ra tại Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA): Nhiều tướng lĩnh quyền lực lần lượt bị bãi miễn các chức vụ mà không có lý do được công bố, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng.

Dấu hiệu rõ ràng diễn ra vào thứ Sáu (5/1), khi Tân Hoa Xã thông báo, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội) Trung Quốc chính thức bãi nhiệm tư cách đại biểu đối với 9 sĩ quan cấp cao của PLA.

Giới chuyên gia chuyên nghiên cứu về quân đội Trung Quốc chỉ ra, nguyên nhân của đợt bãi miễn trên có thể liên quan đến vấn đề tham nhũng: Có thể là do việc mua sắm và phát triển các thiết bị tiên tiến vốn là yếu tố then chốt trong nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm hiện đại hóa PLA và đưa PLA thành một lực lượng chiến đấu đẳng cấp thế giới.

CNN cho rằng, trung tâm của đợt cải tổ mới nhất là lực lượng tên lửa của PLA, quân chủng được thành lập để giám sát kho vũ khí tên lửa hạt nhân và đạn đạo đang mở rộng nhanh chóng của Trung Quốc.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã mô tả lực lượng này là “cốt lõi của răn đe chiến lược, là trụ cột chiến lược cho vị thế cường quốc của đất nước và là nền tảng để xây dựng an ninh quốc gia”.

James Char, nhà nghiên cứu và theo dõi PLA lâu năm tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết: “Ngay bây giờ, ông Tập Cận Bình và ban lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã thấy rõ ràng rằng đội ngũ chỉ huy lực lượng tên lửa đã bị tổn hại”.

Char nói: “Nếu điều này tiếp tục diễn ra trong thời gian dài, nó chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến khả năng chiến đấu tổng thể của PLA”.

Điểm nóng trong nỗ lực cải tổ PLA
Trong số 9 quan chức PLA bị bãi nhiệm tư cách đại biểu, thì 5 quan chức có liên quan đến lực lượng tên lửa.

Đáng chú ý nhất là tướng Lý Ngọc Siêu, người đột ngột bị thay thế chức tư lệnh vào tháng 7/2023 cùng với chính ủy. Người tiền nhiệm của Lý và hai cựu phó chỉ huy cũng có tên trong danh sách, đồng thời là một quan chức phụ trách mua sắm thiết bị của lực lượng.

Ba nhân vật bị bãi nhiệm tư cách đại biểu khác cũng tham gia mua sắm vũ khí – hai người đến từ Cục Phát triển Thiết bị của PLA, trong khi người còn lại giám sát thiết bị cho Hạm đội Nam Hải của Hải quân PLA trước khi trở thành chỉ huy lực lượng này.

Vị tướng còn lại bị bãi nhiệm là cựu Tư lệnh Không quân PLA.

Char nói: “Bằng sự liên kết của chín nhân sự này… chúng ta ít nhiều có thể đoán được rằng tham nhũng là nguyên nhân chính đằng sau…”.

Việc bãi nhiệm 9 nhân sự này diễn ra chỉ hai ngày sau khi ba giám đốc điều hành hàng không vũ trụ của tổ hợp công nghiệp quân sự Trung Quốc bị tước bỏ vai trò trong cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu.

Một số nhà phân tích cho rằng, động thái này là một dấu hiệu nữa cho thấy cuộc điều tra tham nhũng trong hoạt động mua sắm quân sự của lực lượng tên lửa – một lĩnh vực cực kỳ bí mật và sinh lợi với số tiền lên tới hàng tỷ USD.

“Kể từ năm 2016, lực lượng tên lửa của PLA đã đầu tư rất nhiều thiết bị đắt tiền”, ông Char nói, đề cập thời điểm ông Tập Cận Bình bắt đầu tiến hành cải cách quân đội trên diện rộng.

Trong vài năm qua, các bức ảnh vệ tinh đã cho thấy việc xây dựng hàng trăm hầm chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa trên sa mạc Trung Quốc và Bộ Quốc phòng Mỹ dự đoán Trung Quốc có thể có khoảng 1.500 đầu đạn hạt nhân vào năm 2035 nếu nước này tiếp tục mở rộng kho dự trữ với tốc độ cấp số nhân hiện nay.

Ý nghĩa trong chiến đấu
Theo cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ Carl O.Schuster, lực lượng tên lửa sẽ đóng vai trò then chốt trong bất kỳ cuộc xung đột nào liên quan đến vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) hoặc Biển Đông – hai điểm nóng tiềm tàng giữa Mỹ và Trung Quốc – bằng cách dẫn đầu các cuộc tấn công đầu tiên của PLA.

Do tầm quan trọng chiến lược của quân chủng này, câu hỏi quan trọng là vụ việc vừa qua có ảnh hưởng đến hoạt động hoặc khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng này hay không.

Schuster cho rằng, đến nay, Trung Quốc vẫn chưa thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với các vị trí chỉ huy và nhân viên cấp tác chiến.

“Các lãnh đạo cấp cao đã tham gia vào việc phát triển lực lượng nhưng hiện tại chưa thể tham gia vào các hoạt động và lập kế hoạch”, chuyên gia Mỹ nói rằng, dù vậy xét về tổng thể, “khả năng chiến đấu của PLA khó có thể bị tổn hại ở bất kỳ mức độ đáng kể nào”.

Là một phần trong cải cách quân sự của Chủ tịch Tập Cận Bình, “các tài sản của lực lượng tên lửa thực tế ngày càng được tích hợp nhiều hơn vào hệ thống chỉ huy chung trên chiến trường của PLA. Vì vậy, điều này có nghĩa là khả năng tiến hành các cuộc tấn công tên lửa của PLA chỉ là một phần của các hoạt động chung lớn hơn, sẽ khó có thể bị tổn hại” – ông Schuster nhấn mạnh.

Các chuyên gia cho rằng, về lâu dài, Chủ tịch Trung Quốc sẽ cần làm trong sạch bộ máy của PLA, đặc biệt là các đơn vị liên quan đến hệ thống vũ khí của nước này, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Chuyên gia Char nói: “Việc chống tham nhũng rất quan trọng vì trong tương lai, ông [Tập Cận Bình] muốn đảm bảo lực lượng tên lửa PLA sở hữu các thiết bị sát thương hoạt động hiệu quả trên chiến trường”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới