Monday, January 13, 2025
Trang chủĐiểm tinTQ tự tay bóp “yết hầu”

TQ tự tay bóp “yết hầu”

Gây chiến trước cửa ngõ, Trung Quốc sẽ tự tay bóp nghẹt tuyến hàng hải quan trọng sống còn của mình trên Biển Đông.

Máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc

Ngày càng hung hăng

Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo 2 chiến đấu cơ Trung Quốc đã chặn một máy bay của Mỹ trên Biển Đông. Sự việc xảy ra trên không phận quốc tế vào ngày 17/5, khi máy bay trinh sát của Hải quân Mỹ bay tuần tra trong khu vực như thường lệ.

Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc Michelle Baldanza, 2 chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc đã áp sát một cách nguy hiểm máy bay do thám EP-3 của Mỹ khi đang thực hiện chuyến “tuần tra bình thường” trên không phận quốc tế ở Biển Đông. Máy bay Trung Quốc thậm chí đã tiếp cận ở khoảng cách 15 m buộc máy bay Mỹ phải hạ độ cao.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đang xử lý vụ việc qua kênh quân sự và ngoại giao. Thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: “Trong những năm qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thấy tiến bộ trong ứng xử của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, họ bay với thái độ chuyên nghiệp và an toàn”.

Về phần mình, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo có biết những thông tin như vậy và cam kết sẽ tìm hiểu thêm.

Vụ chiến đấu cơ Trung Quốc chặn máy bay Mỹ xảy ra vào lúc quan hệ Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng do tình hình Biển Đông, nơi mà theo báo cáo gần đây của Lầu Năm Góc, Trung Quốc đang ráo riết quân sự hóa các đảo nhân tạo xây dựng trái phép ở Trường Sa.

Giới phân tích nhận định Trung Quốc hành động ngày càng hung hăng và có hệ thống như xây dựng đảo quân sự, tăng cường hải quân, kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa và lớn tiếng trên trường quốc tế.

Trung Quoc tu tay bop “yet hau”
Máy bay EP-3 của Mỹ

Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng Biển Đông. Giao thương hàng hải qua vùng biển này trị giá đến 5.000 tỷ USD/năm, nên giới phân tích cho rằng đây không phải là vấn đề của riêng Mỹ mà bất cứ nước nào tham gia kinh tế trên toàn cầu đều cảm thấy vô cùng bức xúc.

Đô đốc Hải quân Mỹ Harry Harris, người phụ trách hoạt động quân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nói rằng Trung Quốc rõ ràng đang quân sự hóa vùng biển này.

Mỹ rụt rè trước Trung Quốc?

Hiện có ý kiến cho rằng Mỹ đã tỏ ra rụt rè trong việc tuần tra Biển Đông. Từ năm 2015 đến nay, Hải quân Mỹ đã 3 lần cho tàu tiến vào bên trong vùng 12 hải lý của các đảo mà Trung Quốc kiểm soát trên Biển Đông nhưng đã chọn một cách tiếp cận nhẹ nhàng nhất để khỏi chọc giận Trung Quốc. Đó là áp dụng thủ tục đi qua vô hại, tuyệt đối tránh những hoạt động như là diễn tập quân sự, phô trương vũ khí…

Tờ “The Japan Times” của Nhật Bản dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng cách hành xử rụt rè của Mỹ tại Biển Đông đã phản tác dụng, và củng cố thêm cho các yêu sách của Trung Quốc.

Các chiến dịch khẳng định quyền tự do hàng hải mà Hải quân Mỹ tiến hành ở Biển Đông được cho là đã không mang lại hiệu quả răn đe Bắc Kinh như Washington mong muốn. Đó cũng chính là lý do vì sao mà phái chủ trương cứng rắn với Trung Quốc, từ Thượng nghị sĩ John McCain đến giới lãnh đạo Hải quân Mỹ đều muốn được quyền áp dụng những biện pháp mạnh mẽ hơn.

Trung Quốc đang thực hiện mưu đồ một cách bài bản và có hệ thống, từ tuyên bố chủ quyền, tạo lập tiền đồn trên biển; sẵn sàng phản ứng hung hăng, thậm chí sẵn sàng cho chiến tranh.

Trung Quốc không chỉ dựa vào quân sự mà còn có một đội tàu đánh cá lớn và ngành công nghiệp đánh cá lớn nhất thế giới. Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã trả tiền cho các tàu đánh cá hoạt động gần các tiền đồn vùng biển tranh chấp, cho dù họ không bắt được nhiều cá ở đây.

Tàu USS William P.Lawrence của Mỹ vừa thực hiện cuộc tuần tra thứ 3 trên Biển Đông quanh đảo nhân tạo trái phép do Trung Quốc xây dựng

Tháng 10/2015, khi một tàu chiến của Hải quân Mỹ đi qua quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), Trung Quốc đơn giản chỉ cảnh báo. Tuy nhiên, trong lần gần nhất, khi một tàu chiến khác của Mỹ có hành động tương tự, Trung Quốc dựa vào căn cứ quân sự xây dựng trên Biển Đông đã lập tức điều tàu chiến, cử máy bay chiến đấu bay trên đầu tàu chiến Mỹ.

Sẵn sàng bóp nghẹt

Những đánh giá như trên sẽ không đầy đủ bởi trên thực tế Mỹ đang kiên trì “xoay trục” sang châu Á. Thực hiện các cuộc tuần tra trên Biển Đông chỉ là một phần nhỏ trong khi việc củng cố mối quan hệ với các nước trong khu vực mới là hướng đi chính của Mỹ.

Điển hình nhất là trường hợp với Philippines. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trong chuyến thăm hồi tháng Tư tới quốc gia Đông Nam Á này đã tuyên bố rằng các lực lượng của Mỹ và Philippines đã tiến hành tuần tra chung trên biển từ tháng 3 vừa qua.

Tàu chiến BRP Camon Alcaraz của Philippines tập trận hải quân chung với Mỹ

Sau đó, hai nước này cũng triển khai hoạt động tuần tra trên không ở Biển Đông. Mỹ đã đưa 300 binh sỹ, bao gồm cả lính đặc nhiệm của lực lượng không quân được trang bị máy bay chiến đấu và trực thăng tới Philippines, đồng thời thành lập một Trung tâm Chỉ huy tác chiến ở Philippines để điều phối các hoạt động chung.

Mỹ cũng tăng cường luân chuyển quân đội tại đây với tần suất thường xuyên hơn để thúc đẩy huấn luyện và hỗ trợ các hoạt động quân sự trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ còn ám chỉ khả năng nước này sẽ triển khai hệ thống tên lửa tầm xa ở Philippines.

Trong cuộc tập trận chung Balikatan với Philippines kéo dài từ ngày 4-15/4, Mỹ đã huy động một lực lượng hùng hâu với khoảng 200 phi công, các trực thăng chiến đấu Pave Hawk, một máy bay chuyên dụng MC-130H Combat Talon II và 5 chiến đấu cơ A-10.

Lầu Năm Góc đã thông báo Mỹ sẽ viện trợ khoảng 40 triệu USD cho Philippines về lĩnh vực quân sự nhằm tăng cường trao đổi thông tin tình báo, giám sát và tuần tra hải quân.

Binh sĩ Mỹ và Philippines tập trận đổ bộ

Khoản viện trợ này sẽ bao gồm củng cố mạng lưới thông tin dành cho các cuộc giao tiếp “bí mật”, trang bị hệ thống cảm biến cho các tàu tuần tra và máy bay trinh sát không người lái.

Giới chức Mỹ gần đây cũng thông báo Mỹ sẽ đóng quân tại 5 căn cứ quân sự của Philippines và sẽ luân phiên phục vụ nhiệm vụ huấn luyện và các nhiệm vụ khác.

Chỉ cần lấy ví dụ trường hợp Philippines để thấy người Mỹ chưa hẳn là rụt rè trước Trung Quốc. Một khi các hành động hung hăng của Trung Quốc vượt quá tầm kiểm soát thì Mỹ sẽ không chỉ có một điểm tựa ở Philippines.

Gây chiến ngay trước cửa ngõ, Trung Quốc sẽ tự tay bóp ghẹt tuyến giao thương quan trọng bậc nhất của mình vốn chiếm khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới