Saturday, December 21, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiViệt Nam có mất đất cho TQ không ?

Việt Nam có mất đất cho TQ không ?

Tình hình biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc chỉ thực sự hạ nhiệt sau năm 1989, khi cả hai bình thường hóa quan hệ và tiến hành phân mốc chủ quyền biên giới trên đất liền, cùng thời gian này xuất hiện một số thông tin rằng Việt Nam đã để mất đất cho Trung Quốc ở một số nơi, như Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc và núi Lão Sơn (tức là điểm cao 1509 ở Vị Xuyên, Hà Giang).

Ảnh minh họa.

Sự thực ra sao? Việt Nam và Trung Quốc đã phân mốc biên giới như thế nào? Và Việt Nam liệu có mất đất cho Trung Quốc hay không?

“Lò vôi” thế kỷ

Chúng ta hãy phải quay về thời điểm năm 1984. 5:00 sáng ngày 28/4/1984, Trung Quốc tấn công ồ ạt với quy mô mạnh nhất kể từ sau năm 1979. Hai sư đoàn quân Trung Quốc được pháo binh yểm trợ tấn công và đánh chiếm cao điểm 1200, do sư đoàn 313 và một đơn vị pháo binh từ Lữ đoàn Pháo binh 168 đóng giữ. Cuộc tấn công đã không diễn ra theo như phía Trung Quốc mong đợi, khi họ bị thiệt hại quá nặng, đành rút lui khỏi một số vị trí. Quân Trung Quốc chiếm được Ấp Na La và các cao điểm 226, 685 và 468, tạo nên một vùng lồi kéo dài khoảng 2,5 km hướng về phía Việt Nam.

Tuy nhiên, tại các nơi khác, chiến sự giằng co khốc liệt từ ngày 28/4 cho tới ngày 15/5, và các cao điểm 1509, tức Núi Đất, phía Trung Quốc gọi là Lão Sơn, điểm cao 772, 233, 1200, tức Giả Âm Sơn, và điểm cao 1030, Việt Nam đã liên tục phản kích ác liệt, giành giật với Trung Quốc từng mảnh đồi, từng mét đất. Các điểm cao này liên tục đổi chủ.

Từ ngày 15/5, chiến sự tạm dừng, sau khi phía Trung Quốc bước đầu kiểm soát được các ngọn đồi này. Đến ngày 12/6, sau đó là 12/7, giao tranh lại bùng lên, khi quân Việt Nam tổ chức phản công và tái chiếm các vị trí đã mất. Sau đó, chiến sự dừng hẳn, chỉ có các cuộc chạm trán hoặc đọ pháo lẻ tẻ. Để phòng ngự khu vực này, Trung Quốc đã điều động thêm nhiều lực lượng khác phòng ngự.

Ước tính, Trung Quốc luôn duy trì lực lượng đến 2 quân đoàn, 4 sư đoàn bộ binh và 2 sư đoàn pháo binh, cộng thêm với một số trung đoàn xe tăng tới khu vực này. Thế nhưng, ngay sau đó, lại không có thêm bất kỳ một cuộc tấn công quy mô lớn nào nữa giữa hai bên; đa phần là các cuộc đọ pháo và giao tranh cấp độ tiểu đoàn trở xuống. Chiến sự cứ như vậy giằng co cho tới khi cả hai tiến tới đàm phán và bình thường hóa quan hệ.

Kể từ tháng 4/1987, quân Trung Quốc đã giảm quy mô các hoạt động quân sự tại Việt Nam, dù quân đội của họ tiếp tục tuần tra tại Lão Sơn và Giả Âm Sơn. Tháng 4/1987 – 10/1989, họ chỉ tiến hành 11 cuộc tấn công, chủ yếu là pháo kích. Trung Quốc đã dần thực hiện việc rút quân khỏi các vị trí chiếm đóng của Việt Nam trong thời gian trước.

Năm 1989, Trung Quốc đã rút khoảng một số điểm ở phía Bắc suối Thanh Thủy. Ngày 13/3/1989, họ tiếp tục rút khỏi 20 vị trí, tháng 9/1989, họ rút khỏi 9 điểm còn lại tại cao điểm 1509 (Trung Quốc gọi là Lão Sơn). Lưu ý là có hai cao điểm cùng tên là 1509, một mỏm là thuộc Việt Nam, và một mỏm thì thuộc Trung Quốc. Theo hiệp ước Pháp – Thanh, họ đã cho tiến hành xây cất công sự bê tông tại các vị trí thuộc phần lãnh thổ của mình, sau khi chiến sự kết thúc, chỉ để lại các công sự bằng đất tại phần thuộc Việt Nam, được trao trả theo hiệp định biên giới năm 2009 giữa hai nước.

Tới năm 1992, Trung Quốc chính thức hoàn tất việc rút quân khỏi Lão Sơn và cả Giả Âm Sơn. Hàng nghìn người thuộc cả hai phía thiệt mạng trong cuộc chiến này. Số liệu của Việt Nam công bố gần đây ghi nhận khoảng 4.000 bộ đội hi sinh và hơn 5.000 người khác bị thương trong giai đoạn từ 1984 đến 1989.

Phía Trung Quốc tuyên bố con số thương vong của họ là 41.000 lính, trong đó có hơn 20.000 lính tử trận. Sau Chiến tranh biên giới, cụ thể là từ tháng 10/1992, đàm phán phân định biên giới lãnh thổ giữa hai nước được nối lại và tới tháng 10/1993, hai bên đã ký thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới Việt – Trung, trong đó hai bên đồng ý lấy Công ước Pháp – Thanh 1887 và 1895 cùng các văn kiện, bản đồ, hoạch định, cắm mốc biên giới kèm theo của Công ước đó làm cơ sở xác định lại đường biên giới Việt – Trung.

Ngoài ra, các khu dân cư mà hai bên đã sinh sống lâu đời, vẫn duy trì cuộc sống ổn định của dân cư. Đối với những đoạn biên giới sông suối thì giải quyết theo nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế.

Phân giới cắm mốc

Dựa trên những gì đã thống nhất, hai bên bắt đầu tiến hành phân mốc chủ quyền. Trong tổng số chiều dài 1.400 km đường biên giới, có gần 1.000 km đường biên cả hai bên có nhận thức trùng với nhau, chiếm 69% tổng chiều dài đường biên. Còn lại 289 khu vực với tổng chiều dài khoảng 450 km đường biên giới có nhận thức khác nhau. Tổng diện tích đất trong các khu vực mà hai bên nhận thức khác nhau là khoảng 232 km².

Để phân định được biên giới, phải giải quyết được 289 khu vực này hai bên đã bắt đầu phân loại 289 khu vực đó thành ba dạng là A, B và C. Trong đó, A gồm 74 khu vực, khác nhau vì lý do kỹ thuật mà vẽ bản đồ chồng lấn lên nhau. Dạng B là gồm 54 khu vực, khác nhau vì lý do kỹ thuật mà hai bên đều chưa thể vẽ tới. Và C là phức tạp nhất, nơi có tranh chấp hoặc có nhận thức khác nhau về hướng đi của đường biên giới.

Hai loại A và B chỉ chiếm có 5 km², còn lại khu vực loại C chiếm tới 227 km². Như vậy, 164 khu vực dạng C là khó khăn và mấu chốt trong quá trình phân định biên giới. Sau nhiều vòng đàm phán, dựa vào luật pháp quốc tế và những ghi chép hiệp ước lịch sử từ thời phong kiến, cuối cùng, vào năm 1999, hai bên cũng đã ký được Hiệp ước biên giới để giải quyết toàn bộ 289 khu vực có nhận thức khác nhau kiểu đó. Kết quả đàm phán, 227 km² này gồm có 113,3 km² là thuộc Việt Nam và 113,7 km² là thuộc Trung Quốc. Tuy nhiên, ở thời điểm ký Hiệp ước này, vẫn còn bốn khu vực rất nhạy cảm chưa thể giải quyết dứt điểm được, gồm có ba khu vực ở Cao Bằng, trong đó có Thác Bản Giốc và một khu vực ở Cửa Sông Bắc Luân thuộc Quảng Ninh.

Cũng trong Hiệp ước này, hai bên cũng nhất trí là một số ít khu vực dân cư của hai bên đã sinh sống lâu đời thì vẫn duy trì ổn định cuộc sống của dân. Kể cả khu vực dân cư Việt Nam nằm giữa đường biên giới pháp lý. Đối với các pháo đài cũ của Pháp và nhà Thanh, pháo đài của bên nào sẽ thuộc về bên đó. Đối với các điểm cao trên đường biên, hai bên sau cùng đã nhất trí giải pháp là các điểm cao nằm trong lãnh thổ Việt Nam sẽ được trả lại cho Việt Nam. Còn đối với các điểm cao mà đường biên đi qua, thì tuân theo luật pháp quốc tế, không bên nào được đóng quân trên đó. Sau khi đạt được Hiệp ước năm 1999 làm cơ sở, hai bên bắt đầu tiến hành cắm mốc trên thực địa.

Tháng 12/2001, cắm mốc đầu tiên tại cửa khẩu Móng Cái – Đông Hưng. Rồi từ tháng 10/2002, đồng loạt triển khai phân giới, cắm mốc trên toàn tuyến biên giới Việt – Trung. Tuy nhiên, do nhận thức còn khác nhau về cách triển khai, nên công tác phân giới tiến hành rất chậm. Trong 2 năm, chỉ cắm được có 89 mốc. Từ năm 2004 đến năm 2006, hai bên đã thỏa thuận triển khai theo phương châm dễ trước, khó sau, công việc tiến hành nhanh hơn và tới cuối năm đã cắm mốc được khoảng 70%.

Thế nhưng, năm 2007, tốc độ phân giới, cắm mốc chậm lại do các khu vực còn lại đều là các khu vực nhạy cảm, có lịch sử tranh chấp lâu đời từ Nhà Hậu Lê và nhà Minh. Qua nhiều vòng đàm phán, vẫn chưa giải quyết được. Để tháo gỡ khó khăn, hai bên đã đưa ra nhiều biện pháp đẩy nhanh tiến độ thỏa thuận để giải quyết các vấn đề tổn động theo phương thức chia các khu vực tồn đọng thành nhiều gói, mỗi gói giải quyết theo một số tiêu chí nhất định. Trong khi giải quyết theo gói như vậy thì phải dựa trên cơ sở nguyên tắc gồm có:

● Thứ nhất, căn cứ pháp lý của Hiệp ước năm 1999.
● Thứ hai, giải quyết tất cả các khu vực trong gói theo cùng một tiêu chí.
● Thứ ba, công bằng, hợp tình, hợp lý, cân bằng về lợi ích để hai bên đều chấp nhận được.
● Thứ tư, biên giới sẽ được đi qua tất cả các mốc cũ và các dấu tích lịch sử.
● Thứ năm, giảm thiểu tối đa tác động lên đời sống dân cư.

Đến tháng 12/2008, hai bên đã phân giới khoảng 1400 km biên giới, cắm 1971 cột mốc, trong đó có 1549 cột mốc chính và 422 cột mốc phụ. Toàn bộ 38 chốt quân sự trên đường biên giới đều được dỡ bỏ. Hai bên phân mốc như sau:

● Ở cửa khẩu Hữu Nghị, đường biên dưới đi qua km số 0, tức mốc cũ là số 19 của Pháp và cách đường sắt liên vận 148 m về phía Bắc, theo đúng bản ghi nhận chung giải quyết các khu vực C.

● Tại các cửa khẩu khác, đường biên dưới đều đi qua mốc cũ từ thời Thanh-Pháp. Cụ thể là tại cửa khẩu Chi Ma, đường biên dưới đi qua mốc cũ số 44; tại cửa khẩu Tân Thanh, đường biên sẽ đi theo một đường thẳng qua mốc số 15; tại cửa khẩu Pò Béo, đường biên giới sẽ theo bức đá có mốc cũ là số 72 và qua một trò quan sát của Trung Quốc trên đỉnh núi;

● Tại cửa khẩu Trà Lĩnh, đường biên đi qua theo phía Nam con đường của Trung Quốc, còn phía Trung Quốc sẽ giữ lại hàng cây. Việt Nam thì được giữ lại toàn bộ đất canh tác, nguồn nước và khu nghĩa địa của dân cư.

Đối với hai khu dân cư tại Hà Giang và Lạng Sơn, trên cơ sở giảm thiểu tối đa tác động từ khu dân cư, hai bên nhất trí điều chỉnh đường biên giới trên cơ sở cân bằng diện tích để giữ nguyên trạng các khu dân cư. Cụ thể, Việt Nam giữ được nguyên trạng toàn bộ bản Ma Lì Sán ở Hà Giang, gồm 13 hộ, 65 khẩu; còn phía Trung Quốc thì giữ được 13 nóc nhà tiếp giáp địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Ở khu vực Thác Bản Giốc và cửa sông Bắc Luân, hai bên thống nhất đi tới một giải pháp tổng thể, căn cứ theo mốc dấu cũ từ thời Pháp-Thanh. Theo đó, tại khu vực Thác Bản Giốc, theo quy định của Hiệp ước năm 1999, hai nước điều chỉnh đường biên giới đi qua cồn Pò Thoong, qua dấu tích trạm thủy văn xây dựng vào những năm 1960, quy thuộc 1/4 cồn Pò Thoong, 1/2 thác chính và toàn bộ thác cao nhất cho Việt Nam.

Tại Cửa Sông Bắc Luân, biên giới quy thuộc 3/4 bãi Tục Lãm và 1/3 bãi Dậu Gót cho Việt Nam, 1/4 bãi Tục Lãm và 2/3 bãi Dậu Gót cho phía Trung Quốc; thiết lập khu giao thông đường thủy tự do cho nhân dân địa phương sử dụng luồng hai bên bãi Tục Lãm và Dậu Gót.

Các cột mốc này được đánh dấu, tọa độ ghi nhận và mô tả phù hợp với địa hình thực tế một cách khách quan, khoa học và chi tiết.

Việt Nam có bị mất đất không?

Trước hết, núi Lão Sơn đây là tên do Trung Quốc đặt trong thời chiến tranh biên giới Việt-Trung, Việt Nam chỉ gọi ngọn núi này là điểm cao 1509. Căn cứ vào những gì đã trình bày trên, có câu rằng: “Các điểm cao thuộc về lãnh thổ Việt Nam thì phải trả cho Việt Nam”. Nghĩa là, căn cứ vào công ước Pháp-Thanh khi xưa, nếu điểm cao, pháo đài nào thuộc về Việt Nam. Hiện nay ở điểm cao 1509, quyền sở hữu trở về nguyên trạng như công ước Pháp-Thanh, là mỗi bên giữ một mỏm của ngọn núi này, khu vực này nằm trong địa hạt của Đồn Biên phòng Thanh Thủy, thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang.

Đối với Thác Bản Giốc, ở phần trên đã nói rằng, sau khi phân định, Việt Nam giữ một nửa thác chính, toàn bộ thác phụ và 1/4 cồn Pò Thoong. Quay trở lại với Hiệp ước Pháp-Thanh, ngày 31/2/1895 ghi rõ, từ điểm này đường biên giới chạy theo chính giữa của dòng sông cho tới thác Ta Tung. Do cùng căn cứ vào lời văn mô tả nên khi vẽ đường biên giới chủ trương, Việt Nam và Trung Quốc đều vẽ trùng nhau từ giữa dòng Quây Sơn đến chính giữa ngọn thác chính, hai bên chỉ vẽ khác nhau ở phần phía trên đỉnh thác, nơi có 2 dòng chảy ôm lấy cồn Pò Thoong mà cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều muốn nhận là lãnh thổ của mình.

Nguyên nhân tranh chấp đối với Cồn Pò Thoong là do trong công ước Pháp Thanh năm 1887- 1895 cùng những biên bản bản đồ kèm theo không mô tả cụ thể khu vực này. Đến phút cuối cùng năm 2008, Việt Nam và Trung Quốc đồng ý đường biên giới từ mốc số 53 cũ đi qua cồn Pò Thoong, rồi đi tiếp từ chính giữa mặt thác chính là của Thác Bản Giốc. Sau đó đi theo trung tuyến của dòng chảy chính của con sông Quây Sơn. Như vậy, 1/4 cồn Pò Thoong, 1/2 thác chính và toàn bộ thác cao dành cho Việt Nam.

Trong khi đó, nếu theo nguyên tắc quốc tế toàn bộ khu vực này phải thuộc về phía Trung Quốc vì dòng chảy chính nằm về phía Việt Nam. Như thế là không có chuyện Việt Nam để mất Thác Bản Giốc cho Trung Quốc như nhiều người vẫn hay nói mà thực tế chúng ta đã khôn khéo kéo thêm được lãnh thổ về phía mình.

Về Ải Nam Quan, ở phần đầu đã nêu, kết quả là đường biên giới đi qua mốc cũ của Pháp ở vị trí km số 0 trên đường bộ và cách 148 m về phía bắc so với điểm nối ray đường sắt liên vận. Về căn cứ pháp lý đường biên giới Việt – Trung đi qua tuyến đường bộ đã được mô tả trong biên bản hoạch định năm 1886 giữa Pháp và nhà Thanh. Đó là đường biên giới ở phía nam Ải Nam Quan trên con đường từ Nam Quan đến làng Đồng Đăng. Khi phân giới, Pháp – Thanh đã cắm mốc để cố định đường biên giới này. Vị trí của mốc này cũng được mô tả là nằm trên con đường từ Nam Quan đến Đồng Đăng. Tuy nhiên, mốc này đã bị mất trên bản đồ cắm mốc Pháp – Thanh năm 1894. Như vậy, căn cứ vào các tư liệu có giá trị pháp lý theo thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ Việt Nam và Trung Quốc ký năm 1999, rõ ràng đường biên giới tại khu vực này luôn nằm về phía Ải Nam Quan, chứ không phải đi qua Ải Nam Quan theo tiềm thức của người Việt.

Khi thể hiện được biên giới chủ trương ở khu vực này, Việt Nam đã vẽ đường biên giới màu đỏ trên bản đồ, không vẽ qua Ải Nam Quan mà vẽ về phía Nam Ải Nam Quan. Còn Trung Quốc là màu xanh trên bản đồ vẽ lệch về phía nam, đi qua cột km số 0 trên tuyến đường bộ nối liền hai nước. Với hai đường biên giới chủ trương khác nhau kiểu đó, hai bên đã tạo thành một khu vực 249C khá rộng, trải dài từ Tây sang Đông của tuyến đường bộ.

Trong khi đàm phán hoạch định đường biên giới ở khu vực này, hai bên đều không có đủ căn cứ pháp lý rõ ràng để bảo vệ đường biên giới chủ trương của mình. Vì vậy, đã thống nhất lựa chọn một đường biên giới theo các nguyên tắc mà hai bên đã thỏa thuận để hoạch định biên giới ở các khu vực có nhận thức khác nhau. Đường màu tím trên sơ đồ kèm theo là đường biên giới hoạch định cuối cùng mà hai bên chấp thuận, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản mà hai bên đã thỏa thuận, đảm bảo công bằng, thỏa đáng cho cả hai bên và đảm bảo lợi ích lâu dài của hai nước. Qua những gì đã trình bày ở trên có thể thấy rằng, Việt Nam trong đàm phán mà còn khéo léo kéo thêm lãnh thổ về phía mình tại khu vực Thác Bản Giốc, cồn Pò Thoong….

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới