Ngày 17/2/2024 kỷ niệm tròn 45 năm chiến tranh biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Hiện nay quan hệ Việt -Trung đang có nhiều dấu hiệu tích cực, nhất là từ khi hai nước nâng mối quan hệ lên tầm cao mới “cộng đồng chia sẻ tương lai”.
Khép lại quá khứ nhưng không có nghĩa là né tránh, mà cần phải sòng phẳng với lịch sử. Nhắc lại quá khứ để sống tốt hơn trong hiện tại và tương lai, để không vấp phải những sai lầm, tất cả vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
45 năm trước, vào ngày 17/2/1979, 600 nghìn quân Trung Quốc đã bất ngờ mở cuộc tấn công ào ạt trên 6 tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam. Thời gian càng lùi xa càng thấy rõ rằng, đây là một cuộc chiến tranh xâm lược có tính toán kỹ lưỡng, nằm trong tham vọng bành trướng của Trung Quốc.
Bắc Kinh chủ động vạch kế hoạch, tổng động viên lực lượng để tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn. Thế nhưng sau này họ luôn tìm cách lấp liếm, cho rằng hành động này chỉ là “cuộc phản công tự vệ”.
Không ai có thể phủ nhận sự thật lịch sử: Cuộc chiến đấu của quân và dân Việt Nam là cuộc chiến tranh chính nghĩa nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Lúc đó nhân dân Việt Nam đã ngoan cường chiến đấu với tinh thần “cả nước đánh giặc, toàn dân là lính”.
Đó cũng là truyền thống hàng nghìn năm lịch sử không bao giờ chịu khuất phục trước bất cứ hành động xâm lược nào, dù kẻ thù lớn mạnh, hung bạo tới đâu. Nhắc đến cuộc chiến này không phải là để khắc sâu hận thù mà là để nhắc nhở trong quan hệ hai nước có một vết hằn như vậy.
Sau một tháng phán động chiến tranh, ngày18/3/1979, Trung Quốc tuyên bố hoàn thành rút quân. Thế nhưng cuộc chiến không dừng ở đó, mà kéo dài dai dẳng đến tận năm 1989, tuyến biên giới các tỉnh phía Bắc mới thậ sự im ngưng tiếng súng. Có những khu vực chịu nhiều đau thương, mât mát, thiệt hại nặng nề về người và của như ở Vị Xuyên (Hà Giang) được ví là “lò vôi thế kỷ”. Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên hiện có gần 1.800 mộ các liệt sỹ, hy sinh trong cuộc chiến đấu vĩ đại này.
Không chỉ có Vị Xuyên, 10 năm đó bao nhiêu máu xương đã đổ trên khắp dải biên cương Tổ quốc Việt Nam. Trung Quốc đã gây cho Việt Nam sự tổn thất vô cùng to lớn. Nhiều vụ thảm sát tàn bạo, nhiều làng mạc, nhà cửa, cơ quan trường học, công trình dân sinh của quân và dân dọc 6 tỉnh biên giới phía Bắc bị tàn phá.
Về phía Trung Quốc, họ đâu có “giành chiến thắng to lớn” như báo chí nước này thời đó thông tin. Xét về mặt quân sự, đây là thất bại nặng nề của các thế lực bành trướng. Khi chiến tranh vừa xảy ra, các nước trên thế giới đã cực lực phản đối, hoặc biểu thị thái độ không đồng tình, yêu cầu Trung Quốc ngưng cuộc chiến.
Hơn bốn thập niên trôi qua với biết bao thăng trầm trong quan hệ giữa hai nước. Thời gian dần xóa đi những vết tích đau thương, nhưng sự thật của cuộc chiến tranh đó cần nhắc lại đầy đủ, sòng phẳng, kể cả những “vết hằn” lịch sử trên Biển Đông và những bất đồng không dễ giải quyết.
Vào lúc này cả hai quốc gia cần nhắc lại cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Đây là thái độ đối với quá khứ, với những người đã nằm lại chiến trường. Tuyệt nhiên không phải là kích động hận thù. Đây cũng là cách tốt nhất để giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, trách nhiệm cao cả của mỗi công dân đối với Tổ quốc.
Bài học cho hôm nay là câu hỏi cần được trả lời một cách công tâm, khoa học. Đó là cái gì cần tránh, nên tránh. “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” nhưng không được nhu nhược, hèn nhát. Lịch sử mãi mãi là bài học quý để các thế hệ mai sau chủ động đối phó những bất trắc trong một thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường.
Ngày nay trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, việc đẩy mạnh hợp tác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can dự vào công việc nội bộ của nhau và cùng có lợi là tất yếu. Việt Nam-Trung Quốc đã đạt nhiều nhận thức chung rất quan trọng, đề ra những phương hướng cụ thể, toàn diện. Nhiều văn kiện hợp tác ký kết trong nhiều lĩnh vực tạo khuôn khổ và đặt những cơ sở quan trọng cho việc tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước trong giai đoạn mới.
Đó là một trang mới mở ra. Nhưng “vết hằn” lịch sử thì đừng bao giờ quên và không ai được phép kích động, xuyên tạc lịch sử. Và cũng đừng quên, muốn có hòa bình hãy chuẩn bị tốt nhất cho chiến tranh. Hãy luôn nhớ lời cảnh báo của nhà báo, chiến sĩ Cộng sản Yulius Fucik: “Hỡi loài người, hãy cảnh giác!”
H.Đ