Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLiệu Mỹ có tịch thu được 300 tỉ đô la của Nga...

Liệu Mỹ có tịch thu được 300 tỉ đô la của Nga hay không?

Cuộc chiến của Nga và Ukraine đang lên đến đỉnh điểm. NATO và Mỹ đã dồn cho Ukraine hầu hết các nguồn lực quan trọng nhất nhưng không mang lại hiệu quả trên chiến trường. Cuộc phản công giành lại đất mà Ukraine tuyên bố rầm rộ đã bị chặn đứng hoàn toàn và không thể tiếp tục được nữa.

Lính Ukraine tiếp nhận một đợt cung cấp đạn pháo ở gần tiền tuyến Kupiansk vào cuối năm 2023. Khi các nguồn tài chính trở nên cạn kiệt, các quan chức Mỹ cho biết họ đang cố gắng tìm cách cung cấp viện trợ cho Ukraine.

Nga chuyển sang thế tấn công ở nhiều mặt trận. Xu thế thất bại về quân sự của Ukraine đã rõ. Tuy vậy, thắng lợi vượt trội của Nga không đồng nghĩa với Mỹ và NATO chấp nhận đầu hàng hay đàm phán để đi đến giải pháp hoà bình. Ngược lại, phương Tây vẫn tiếp tục ra các quyết sách mới, nhằm chi viện cho Ukraine đánh Nga, với mục tiêu không để Nga thắng trong cuộc chiến này.

Phương Tây tiếp tục gia tăng mức độ nguy hiểm của các loại vũ khí viện trợ cho Ukraine. Khác với các lần trước, các thành viên NATO đặc biệt Anh, Pháp, Đức tuyên bố sẽ viện trợ cho Ukraine các vũ khí tối tân như tên lửa tầm xa trên 300 km, máy bay ném bom hiện đại… cho dù Liên minh Châu Âu chưa thông qua được quyết định viện trợ bởi sự phản đối của Hungary và Slovakia.

Thất bại theo mô hình viện trợ với tư cách một khối liên minh, phương Tây chuyển sang hình thức hợp tác song phương giữa Ukraine và các nước, ký các hiệp ước đảm bảo an ninh song phương với Ukraine. Thủ tướng Anh đã đến Kiev ký viện trợ hơn 2,5 tỉ bảng Anh cho Ukraine, với mục tiêu tăng cường năng lực cho Ukraine trên một số mảng quan trọng như tên lửa tầm xa, phòng không, đạn pháo. Gói viện trợ cũng sẽ được sử dụng để mua hàng nghìn thiết bị không người lái cho Ukraine, bao gồm máy bay không người lái (UAV) trinh sát, UAV tấn công tầm xa và xuồng không người lái, phần lớn được sản xuất tại Anh. Pháp thậm chí khẳng định đã chuyển sang chế độ kinh tế thời chiến nhằm tăng cường sản xuất vũ khí viện trợ cho Ukraine. Tổng thống Pháp tuyên bố sẽ tiến hành chuyển giao vũ khí mới với khoảng 40 tên lửa SCALP (Storm Shadow) và hàng trăm quả bom mà Ukraine đang cần. Một số nước khác như Ba Lan cũng đang rục rịch chuẩn bị công bố các gói viện trợ mới để chống lưng cho Ukraine tiếp tục cuộc chiến.

Song song với những nỗ lực cổ vũ và tài trợ song phương, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố không đánh giá thấp sức mạnh của Nga, nhưng Ukraine bị Nga đánh bại thì Nga sẽ tấn công châu Âu nên đang cùng Mỹ ráo riết cơ cấu lại mặt trận quân sự để bao vây Nga. Ông Jens Stoltenberg khẳng định: “Hỗ trợ cho Ukraine không phải một khoản từ thiện, mà là khoản đầu tư an ninh”. NATO tiếp tục khiêu khích Nga ở mặt trận phía Đông, không chỉ ở Ukraine mà đang lan sang Ba Lan, các nước Bắc Âu. Những tuyên chiến của NATO tạo ra tình hình rất căng thẳng về mặt quân sự giữa Nga và châu Âu.

Về phía Mỹ, tuy đang bận rộn với cuộc bầu cử sắp tới và chưa nhất trí được kế hoạch viện trợ tiếp theo dành cho Ukraine, nhưng đáng chú ý là đảng Cộng hoà lại đưa ra một kế hoạch toàn diện nhằm đạt được chiến thắng nhanh chóng đối với Nga. Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Quân vụ Hạ viện và Ủy ban Tình báo Thường trực Hạ viện của Mỹ do Đảng Cộng hòa lãnh đạo đã ban hành một tài liệu có tựa đề “Kế hoạch đề xuất cho chiến thắng ở Ukraine”. Kế hoạch này thậm chí phê phán manh mẽ chính quyền Biden trong việc chậm trễ cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Về tổng thể, kế hoạch đề ra ba điểm chính để đạt chiến thắng ở Ukraine. Một là Hoa Kỳ phải cấp nhanh các loại vũ khí quan trọng và hiện đại cho Ukraine với tốc độ phù hợp bao gồm các loại tên lửa tầm xa 300 km, đạn chùm, đạn pháo, hệ thống phòng không, xe bọc thép, máy bay chiến đấu. Hai là, Hoa Kỳ phải tăng cường biện pháp tiếp tục trừng phạt kinh tế Nga. Ba là tìm cách chuyển 300 tỉ USD tiền của Nga bị phong toả ở các ngân hàng châu Âu cho Ukraine nhằm phục vụ “tái thiết” Ukraine theo lời phương Tây.

Hai điểm đầu tiên không mới nhưng điểm thứ ba rõ ràng là sự tuyên chiến rất gay gắt của Mỹ và NATO với Nga. 300 tỉ USD này là tài sản của Nga đang bị “đóng băng” ở các ngân hàng phương Tây, do Mỹ và các đồng minh đã áp lệnh cấm giao dịch với Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính Nga. Thực tế, các quan chức Mỹ và Anh trong những tháng gần đây đã làm việc để khởi động nỗ lực tịch thu tài sản của Nga đang bất động ở Bỉ và các thành phố châu Âu khác.

Nga phản đối dữ dội, cho đó là hành vi ăn cướp và sẽ đáp trả thích đáng. Hãng thông tấn RIA (Nga) trích dẫn dữ liệu cho thấy đầu tư trực tiếp của EU, các nước G7, Úc và Thụy Sĩ vào Nga vào cuối năm 2022 đạt tổng cộng 288 tỉ USD. Khoản này gần tương đương 300 tỉ USD và Nga tuyên bố sẽ tịch thu để trả đũa, nếu phương Tây có động thái tịch thu tài sản của Nga. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng đã đề cập đến khả năng quan hệ ngoại giao giữa Matxcơva và Washington “bị cắt đứt” nếu Mỹ tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga, hay trong trường hợp căng thẳng quân sự leo thang. Ông Ryabkov cũng khẳng định Nga “sẵn sàng cho mọi kịch bản”.

Các nhà quan sát tình hình thế giới đều có nhận xét rằng chương trình của Đảng Cộng hoà trong đó có dự định tịch thu 300 tỉ USD tài sản Nga là thể hiện sự lúng túng, khó khăn của Mỹ, phương Tây trong nỗ lực chống Nga. Sau khi các giải pháp quân sự và trừng phạt đều thất bại, hành vi “tịch thu tài sản” là bước đường cùng theo kiểu giật gấu vá vai. Việc tịch thu này có thực hiện được không là câu hỏi đối với chính quyền ông Biden. Trong quá khứ, nhiều vấn đề luật pháp quốc tế không cho phép nhưng Mỹ và phương Tây vẫn làm, nên nếu muốn, họ vẫn làm được. Nhưng thực hiện việc này sẽ đặt Mỹ và EU vào thế bất lợi với rất nhiều vấn đề và hiệu ứng khó lường.

Thứ nhất, hệ thống ngân hàng Mỹ và châu Âu vẫn tuyên bố coi trọng đạo đức kinh doanh, đảm bảo quyền lợi tối cao cho người gửi tiền. Người gửi tiền dù là ai cũng luôn mặc định rằng ngân hàng có trách nhiệm thực hiện cam kết dựa trên luật pháp quốc tế, có trách nhiệm bảo vệ tài sản của người gửi, không tiết lộ và sử dụng khoản tiền trái với mục đích của người gửi. Nếu Mỹ và EU thực hiện việc tịch thu này, nghĩa là đánh đổ luật pháp quốc tế và uy tín của các ngân hàng phương Tây. Nếu cam kết trong lĩnh vực ngân hàng không có giá trị, tín nhiệm ngân hàng sẽ đổ vỡ hoàn toàn và uy tín của hệ thống các ngân hàng quốc tế sẽ lung lay dữ dội.

Thứ hai, khoản tiền đóng băng này của Nga là đô la Mỹ. Các nước vẫn có xu hướng dự trữ bằng đô la Mỹ. Giờ đây, nếu Mỹ chiếm đoạt khoản tiền gửi bằng đồng USD, sẽ đánh một dấu mốc tệ hại đối với uy tín đồng tiền này. Các nước, tổ chức, cá nhân sẽ có xu hướng không gửi tiền đô la, không dùng đô la để dự trữ ngoại tệ ở các ngân hàng nữa, dùng đồng tiền khác để tích luỹ, thậm chí sẽ có thể dẫn tới xu hướng rút tiền đô la khỏi hệ thống ngân hàng. Uy tín của đồng đô la giảm sút và đồng đô la mất giá sẽ ảnh hưởng lớn tới kinh tế toàn cầu.

Thứ ba, tiền tịch thu được của Nga rất có khả năng không được chuyển cho Ukraine mà lại chuyển về Mỹ. Mỹ sẽ sử dụng tiền này cho các ngành công nghiệp của Mỹ, đặc biệt là công nghiệp quốc phòng để sản xuất vũ khí cung cấp cho Ukraine. Số tiền tịch thu được cũng là để đầu tư chiến tranh, lấy tiền của người khác nuôi chiến tranh. Hành vi này sẽ bị dư luận thế giới lên án mạnh mẽ. Ngay cả Ukraine cũng có thể phản đối một động thái như vậy.

Với các hệ luỵ trên, có thể thấy dù Mỹ muốn tịch thu khối tài sản này, vấn đề thực thi rất khó khăn bởi không dễ đạt được sự đồng thuận trong nội bộ phương Tây và bởi nhiều hệ luỵ nghiêm trọng mà Mỹ và các nước châu Âu phải gánh chịu. Tuy tuyên bố vậy nhưng Mỹ phải lường trước các hậu quả và cân nhắc thiệt hơn. Hơn thế, tại sao Đảng Cộng hoà vốn có nhiều ý kiến phản đối viện trợ cho Ukraine lại đặt vấn đề phê phán Biden về nỗ lực viện trợ chậm chạp và đặt vấn đề tịch thu tài sản Nga lúc này? Nhiều nhà quan sát cho rằng kế hoạch này là phép thử với Biden, mang hàm ý chính trị nhắm vào Tổng thống Mỹ đương nhiệm với mục tiêu khiêu khích. Nếu Biden thực hiện nhưng vẫn thất bại ở Ukraine thì uy tín Mỹ và ông Biden sẽ suy giảm, khả năng thắng cử là rất mong manh.

Về phía Nga, nước này có thể tịch thu tài sản doanh nghiệp Mỹ và châu Âu ở Nga, nhưng chưa chắc điều này đã xảy ra vì tài sản này thuộc về các nhà đầu tư chứ không thuộc về Chính phủ Mỹ. Nếu Nga trả đũa tịch thu số tài sản của các doanh nghiệp phương Tây thì rất có thể cũng sẽ bị dư luận phản ứng. Nga sẽ cân nhắc các yếu tố lợi – hại trừ khi Mỹ và phương Tây vượt qua làn ranh đỏ. Gần 300 tỉ đô la đầu tư của phương Tây ở Nga phần nhiều là những khoản tiền đang trong giai đoạn thực thi dự án, chưa hoàn thiện nên về lâu dài, Nga vẫn muốn có sự hợp tác với châu Âu vì lợi ích chung, để tạo ra nền hoà bình bền vững.

Những diễn biến thể hiện các quyết định của Mỹ – Anh – Pháp xung quanh vấn đề viện trợ cho Ukraine để theo đuổi cuộc chiến tranh chống Nga cho thấy các nước này muốn kéo dài chiến tranh, vừa làm Nga suy yếu, thất bại, vừa là giữ lại các nước đồng minh đang bị phân hóa, mỏi mệt vì cuộc chiến chống Nga; mặt khác cho thấy Mỹ và EU đã bị xói mòn về kinh tế, việc kéo dài chiến tranh hoặc đóng băng cuộc chiến là để họ có thời gian tăng cường và bổ sung tiềm lực để đối đầu với Nga.

Tuy nhiên, điều này sẽ phụ thuộc vào việc liệu Ukraine có trụ vững được trong năm 2024 hay không? Ta cần theo dõi tình hình tiếp theo.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới