Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThế giới tiếp tục xung đột

Thế giới tiếp tục xung đột

Tuần qua, thế giới đã có những chuyển động đáng chú ý liên quan các cuộc xung đột, đồng thời xuất hiện các diễn biến mới xung quanh an ninh trên bán đảo Triều Tiên.

Rạng sáng 18.2, Nga tuyên bố “kiểm soát hoàn toàn” TP.Avdiivka, nơi từng là trung tâm công nghiệp ở miền đông Ukraine, vài giờ sau khi Kyiv thông báo triệt thoái lực lượng khỏi nơi này với lý do bảo toàn binh lực.

Bước ngoặt ở Ukraine

TASS dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã cập nhật thông tin nói trên cho Tổng thống Vladimir Putin. Việc thành công giành quyền kiểm soát Avdiivka sau nhiều tháng gây sức ép đã đánh dấu lợi thế quan trọng nhất cho Nga kể từ tháng 5.2023. Đây cũng là bước ngoặt mới trên thực địa, trong bối cảnh sắp tròn 2 năm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Với chiến thắng ở Avdiivka, cách TP.Donetsk do Nga kiểm soát chưa đầy 10 km về hướng bắc, nước này hy vọng có thể kéo dài vùng đệm và gây khó khăn hơn cho Ukraine trong các chiến dịch ở TP.Donetsk.


Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich (Đức) hôm 17.2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo trước về việc rút quân khỏi Avdiivka. Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrsky cho biết đã quyết định triệt thoái lực lượng khỏi thành phố, chuyển sang phòng thủ ở những nơi khác. Việc rút quân khỏi Avdiivka là quyết định quan trọng đầu tiên trên cương vị Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang của tướng Syrsky, vào thời điểm Ukraine đối mặt áp lực gia tăng ở miền đông vì thiếu đạn dược. Đến nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn chưa thể thuyết phục quốc hội nước này thông qua gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine, điều mà người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Adrienne Watson cho là một phần nguyên nhân dẫn đến chuyển biến bất lợi với Ukraine trên tiền tuyến.

Theo Reuters hôm qua, ông Biden đã trấn an ông Zelensky rằng Quốc hội Mỹ sẽ nối lại viện trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ cũng dự báo nếu thiếu đi viện trợ từ Washington, Kyiv có thể tổn thất thêm lãnh thổ. Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi Mỹ thực hiện cam kết với Ukraine về vấn đề viện trợ. Trong diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho hay đã thảo luận với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị An ninh Munich về viễn cảnh hòa đàm. Về phần mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn phát biểu của ông Vương tại hội nghị nói rằng Bắc Kinh kiên trì thúc đẩy các nỗ lực hòa đàm và đóng vai trò tích cực trong việc mang đến hòa bình.
Mịt mờ hy vọng hòa bình cho Gaza

Ở một điểm nóng khác, triển vọng ngừng bắn ở Dải Gaza tiếp tục mờ mịt sau khi Mỹ ra tín hiệu sẽ phủ quyết nỗ lực mới nhất của Hội đồng Bảo an LHQ trong cuộc họp kín dự kiến ngày 22.2, theo AFP. Đồng thời, Qatar thừa nhận cuộc đàm phán nhằm đạt được lệnh ngừng bắn giữa lực lượng Hamas và Israel đang lâm vào thế bế tắc.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bác bỏ những lời kêu gọi quốc tế về việc ngừng tấn công Rafah, thành phố cực nam của Gaza hiện ước tính có khoảng 1,5 triệu người Palestine đang trú nạn. Rafah tiếp tục hứng các đòn không kích và ném bom của Israel, ít nhất 10 người dân Gaza thiệt mạng khuya 17.2 rạng sáng 18.2, theo số liệu của Hãng thông tấn Wafa của Palestine.

Tổng thống Biden muốn Israel bảo vệ dân thường, thúc đẩy dừng bắn 6 tuần ở Gaza

Cơ quan Y tế Gaza cho biết tính đến hôm qua, ít nhất 28.858 người, đa số là phụ nữ và trẻ em, đã tử vong kể từ khi Israel triển khai chiến dịch Gaza để đáp trả vụ tấn công của Hamas vào miền nam Israel hôm 7.10.2023. Ai Cập, quốc gia giáp Dải Gaza, ngày càng lo ngại việc Israel tiếp tục tấn công Rafah có thể khiến người dân Gaza ở đây tháo chạy qua biên giới.

Theo Reuters, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi một lần nữa phản đối bất kỳ hành động nào buộc người dân Gaza phải tràn vào sa mạc Sinai thuộc lãnh thổ Ai Cập. Thế nhưng, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố Israel vẫn triển khai kế hoạch đưa bộ binh vào Rafah dù có hay không có lệnh ngừng bắn, tờ The Times of Israel đưa tin.
Bán đảo Triều Tiên nóng lên

Tuần qua, Đài KCNA đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un của CHDCND Triều Tiên đã giám sát vụ thử dòng tên lửa đất đối hạm mới, một ngày sau khi quân đội Hàn Quốc thông báo Triều Tiên đã phóng nhiều tên lửa hành trình từ bờ phía đông nước này.

Báo chí Triều Tiên cho biết dòng tên lửa mới, tên là Padasuri-6 (tức Hải Âu-6), đã bay vượt biển và bắn trúng mục tiêu đã định. Đồng thời, ông Kim cảnh báo Hàn Quốc đang xâm phạm chủ quyền Triều Tiên, cụ thể là Đường giới hạn phía bắc (NLL), ranh giới trên biển giữa hai miền. Nhà lãnh đạo Triều Tiên ra lệnh cho các đơn vị quân đội tại đây luôn trong tư thế sẵn sàng bảo vệ vùng biển phía bắc đảo Yeonpyeong và phía tây bán đảo.

Lãnh đạo Kim cũng đến thăm một nhà máy sản xuất đạn dược chính của Triều Tiên và chỉ đạo tăng cường cải tiến chất lượng cũng như số lượng đạn dược sản xuất để phục vụ tình hình mới. Chuyến thăm của ông Kim cũng diễn ra vào thời điểm Mỹ và đồng minh cáo buộc Triều Tiên chuyển giao vũ khí cho Nga. Theo Reuters, Nhà Trắng dẫn một số nguồn tin kết luận Nga gần đây sử dụng tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) có nguồn gốc từ Triều Tiên để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine. Điện Kremlin lẫn Bình Nhưỡng đều bác bỏ cáo buộc trên, cho đây là tuyên bố vô căn cứ của Mỹ.

Trong khi đó, dù Triều Tiên liên tục có những động thái mà theo Mỹ là gây bất ổn cho khu vực, cũng như việc Bình Nhưỡng từ chối đối thoại với Washington, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Jung Pak, phụ trách vấn đề Triều Tiên, cho rằng vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ bùng nổ nguy cơ xung đột tức thời giữa Washington và Bình Nhưỡng. Ngược lại, theo một bài viết trên trang 38 North, các học giả Siegfried Heckler và Robert Carlin nhận định những diễn biến mới ở Triều Tiên cho thấy nhà lãnh đạo Kim không còn tin vào khả năng đàm phán với Mỹ, và cho rằng đến lúc phải dùng đến giải pháp quân sự.

RELATED ARTICLES

Tin mới