Wednesday, November 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHòa bình cho Ukraine vẫn nằm ở phía…đường chân trời

Hòa bình cho Ukraine vẫn nằm ở phía…đường chân trời

Cách đây hai năm đã nổ ra cuộc chiến Nga-Ukraine (24/2/2022). Lúc đầu nhiều người cho rằng Nga sẽ nhanh chóng đạt được mục tiêu. Chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ kết thúc chóng vánh, có thể chỉ trong vài tuần lễ. Thế nhưng, đã hai năm trôi qua, triển vọng hòa bình cho Ukraine vẫn ở phía… đường chân trời.

Cảm giác chung, không chỉ ở Nga, ở Ukraine, ở Mỹ và phương Tây, mà là của cả thế giới trong những ngày đầu năm 2024 là rất mệt mỏi. Chiến tranh kéo dài, hao người tốn của, thế giới chia rẽ, xung đột loang rộng. Lửa cháy lan ra cả Trung Đông, với đám cháy khổng lồ ở Palestin-Israel, nay lan ra Biển Đỏ. Và những giải pháp ngừng bắn tạm thời hay vĩnh viễn vẫn chưa có hồi kết.

Cả Nga và Ukraine đều mong muốn sớm chấm dứt xung đột, nhưng mục tiêu đàm phán, nguyện vọng của hai bên thì trái ngược nhau. Súng đạn không thay thế được hòa bình và chân lý. Súng đạn càng làm cho mâu thuẫn sâu sắc thêm và đe dọa bất ổn cho cả hai bên và có thể dẫn tới mối họa cho cả loài người.

Mỹ, Trung Quốc đều muốn đứng ra làm trọng tài. Đương nhiên là Liên hợp quốc đã tính nát các nước cờ, nhưng bế tắc vẫn hoàn bế tắc. Một năm trước, ngày 23/2/2023 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết kêu gọi chấm dứt xung đột Nga-Ukraine. Nhưng Nghị quyết ấy đã tan theo mây khói.

Ôi, thật khổ, thật khó cho các vị trọng tài trong thời thế giới đa phương hóa, dân chủ có thừa và pháp lý cũng trở nên mất thiêng!

Theo đánh giá của các nhà phân tích, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm thay đổi bộ mặt châu Âu. Nó gây ra cuộc chiến tranh kéo dài, với những hậu quả vượt xa biên giới châu Âu. Trong khi đó các cuộc đàm phán về một thỏa thuận hòa bình càng về sau càng sa lầy, với những yêu cầu hai bên đưa ra đều nghiệt ngã.

Từ cuối năm 2023 đến cuối tháng 2/2024, cuộc chiến xảy ra ở nhiều nơi trên đất nước Ukraine với thảm cảnh tan hoang, đẫm máu. Nga liên tục tiến hành không kích, sử dụng bom, tên lửa và máy bay không người lái. Các đơn vị Ukraine bị mắc kẹt trong quá trình tiến quân và bị pháo binh Nga tiêu diệt.

Trong cuộc chiến này, máy bay không người lái đã trở thành một phần không thể thiếu đối với cả hai bên. Máy bay không người lái Shahed-136 được Nga sử dụng làm “tên lửa hành trình” giá rẻ. Chúng làm cạn kiệt hệ thống phòng không, kho tên lửa và làm xói mòn khả năng tự vệ của Ukraine. Cuộc phản công đã sa lầy vào cuộc chiến tranh tiêu hao, diễn ra dai dẳng, buộc Ukraine phải trả giá cho mỗi mét đất mà nước này cố gắng chiếm giữ.

Nhưng Ukraine được sự giúp đỡ của Mỹ và phương Tây cũng không chịu lùi bước. Quân đội nước này đã sử dụng pháo binh để tiêu diệt các đơn vị thiết giáp và bộ binh Nga, dùng máy bay không người lái nhỏ để thả lựu đạn vào các vị trí của quân Nga. Họ cũng kịp thời điều chỉnh hỏa lực pháo binh theo thời gian thực, khiến binh lính và xe tăng Nga bị sơ hở và thương vong khi tiến qua những cánh đồng bằng phẳng.

Nay cuộc xung đột đã bước sang năm thứ ba. Toàn bộ nền kinh tế Nga đã chuyển sang tình thế thời chiến, dành 6,5% ngân sách cho quốc phòng để sẵn sàng cho cuộc chiến lâu dài. Tuy đang cạn kiệt tên lửa, nhưng Moscow đã mở rộng kho vũ khí bằng cách tái sử dụng tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa phòng không.

Hiện Nga đang ở thế thượng phong vì sở hữu Donbas, cây cầu đất liền dẫn tới Crimea và chính Crimea. Dẫu vậy chiến thắng có bền vững hay không lại là chuyện khác. Nó phụ thuộc vào việc Ukraine có khả năng tạo ra một lực lượng đủ để đánh bại lực lượng Nga ở từng phần lãnh thổ, giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ và giữ lãnh thổ đó hay không.

Ukraine dù hăng hái đến đâu cũng không thể cầm cự nổi nếu không có sự giúp đỡ về vũ khí, tài chính của nước ngoài. Viện trợ quân sự từ các nước là chìa khóa để Ukraine chiến đấu. Cố nhiên, các đồng minh cũng đang mệt mỏi. Đến nay Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua gói viện trợ trị giá 60 tỷ USD cho Ukraine mà Thượng viện đã thông qua.

Khi tiếp Thủ tướng Đan Mạch tại Lviv ngày 23/02, Tổng thống Zelensky gián tiếp chỉ trích Hạ Viện Mỹ: “Điều quan trọng là mọi quyết định (về giao vũ khí) được đưa ra kịp thời. Tôi nghĩ đó là điều ưu tiên”. Qua đây có thể thấy, Mỹ không chắc chắn sẽ hỗ trợ tiếp theo cho Ukraine, khiến cho kế hoạch tấn công vào năm 2025 trở nên rất mong manh.

Trước mắt, nếu Ukraine không có nguồn lực dồi dào, Nga có thể sẽ chiếm ưu thế trong xung đột, tiếp tục tấn công làm cho đối phương kiệt sức. Nếu Mỹ, Anh , EU và các đồng minh ngừng “bơm ôxi” cho Ukraine thì chiến thắng của Nga vào năm 2024 sẽ ở trong tầm tay.

Phương Tây ngập ngừng, phương Tây chia rẽ và do dự trong việc giúp Ukraine có nghĩa là Nga chiến thắng!

Bây giờ hãy cùng nhau trả lời câu hỏi: Giải pháp nào để xung đột Nga -Ukraine sớm kết thúc? Hỏi như thế để tránh dùng hai từ “chiến thắng”.

Về điều này, Nga đã gửi tín hiệu rằng, họ quan tâm đến lệnh ngừng bắn dọc theo các ranh giới hiện tại trong một thời gian dài. Họ đã công khai tuyên bố rằng việc chấp nhận quyền kiểm soát của Nga đối với lãnh thổ Ukraine là điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán.

Còn ông láng giềng thân thiết của Nga là Trung Quốc thì thể hiện rõ ràng những mối “quan ngại rộng lớn hơn”, được nhiều quốc gia phía nam bán cầu chia sẻ và tự khẳng định Trung Quốc là người bảo vệ lợi ích của họ một cách hiệu quả. Trung Quốc nêu quan điểm: Cần tạo ra một cơ hội để nước này đóng vai trò trong việc tái cấu trúc lâu dài sự ổn định và an ninh ở châu Âu, đánh dấu Trung Quốc là một cường quốc trên “lục địa Á-Âu”.

Sự “khôn lỏi” của Bắc Kinh chính là một thách thức đối với tham vọng quyền lực của Nga cũng như tạo ra những thách thức mới cho Ukraine và phương Tây.

Giải pháp có rồi đó! Ủy ban châu Âu tuyên bố: “Bất kỳ đề xuất hòa bình có ý nghĩa nào cũng phải phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, bao gồm các nguyên tắc bình đẳng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, cũng như quyền tự vệ mà Ukraine hiện đang thực hiện”. Cái giải pháp này đúng nhưng chả khác gì một nắm cát ném vào bụi tre.

Nhìn về tương lai, chúng ta thấy rõ một điều, cuộc xung đột Ukraine không thể kết thúc trong ngắn hạn. Các nhà lãnh đạo Ukraine thấy rõ như thế và họ đã và đang tăng cường mặt trận ngoại giao và truyền thông để thu hút sự chú ý chính trị từ cộng đồng quốc tế bị phân tán bởi những gì đang xảy ra ở Trung Đông.

Một vấn đề đau đầu khác, đó là lo ngại lạm phát tăng nhanh khiến cho các nhà lãnh đạo phương Tây ngần ngại trong việc chi những khoản viện trợ quá lớn cho Ukraine. Xin lưu ý, quá lớn mà không hiệu quả, “nghĩa vụ quốc tế” hay là “ném tiền qua cửa sổ”?

Phương Tây cam kết không từ bỏ Kiev, nhưng cam kết thì cũng có thể xóa cam kết. Khi triển vọng hòa bình ngày thêm mù mịt thì mọi điều hi vọng và hứa hẹn trở nên thừa.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới