Monday, September 30, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHoa Đông sẽ lại “nóng”?

Hoa Đông sẽ lại “nóng”?

Chính phủ Nhật Bản quyết định sẽ hỗ trợ dài hạn lực lượng an ninh biển của 4 nước Đông Nam Á là Philippines, Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Thông tin được đưa ra trung tuần tháng 2 này đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Tầu Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản Akitsushima (PLH-32) trong một cuộc diễn tập chung với tuần duyên Mỹ và Philippines ở Biển Đông.

Nhìn bề ngoài, có người cho rằng, sự kiện trên nào có gì mới đâu mà phải làm ầm ĩ. An ninh hàng hải từ lâu đã là vấn đề quan trọng “đất nước mặt trời mọc” rồi.

Không thế sao được? Một quốc gia quá nghèo tài nguyên mà phát triển như Nhật Bản thì tăng trưởng và phát triển kinh tế thoát sao phụ thuộc vào hoạt động xuất nhập khẩu. Xuất nhập khẩu thì sao có thể tách rời vận chuyển. Vận chuyển hàng trăm triệu tấn hàng hóa hằng năm, thì tiện nhất, rẻ nhất chỉ có thể sử dụng đường hàng hải…

Vậy nên, một khi các tuyến hàng hải “có biến” – đồng nghĩa việc gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa – những nước như Nhật lo bằng chết. Bài học nhỡn tiền, cuộc khủng hoảng trên Biển Đỏ hiện thời đang gián đoạn thương mại toàn cầu. Vì nó, giá cước vận tải biển giữa châu Âu và Trung Quốc và nhiều nơi leo thang chóng mặt, thậm chí lên tới 461% ở tuyến Á – Bắc Âu, so với giữa tháng 10-2023…Đó là chưa kể, các hãng vận tải còn công bố các khoản phụ phí 500 – 2.700 USD/container hàng hóa…

Còn Biển Đông, đây là nơi có tới 45% lượng hàng hóa và 75% lượng dầu nhập khẩu của Nhật Bản đi qua. Vì thế, dù không liên quan tranh chấp, diễn biến tình hình Biển Đông vẫn là một trong những mối quan tâm đặc biệt của Tokyo. Thứ nữa, là quốc gia tranh chấp với Trung Quốc quần đảo Senkaku/Điều Ngư ở biển Hoa Đông, Nhật Bản cho rằng, chiến lược và mục tiêu của Bắc Kinh trên Biển Đông và Hoa Đông cơ bản là như nhau. Một khi “thắng” được trên Biển Đông, không loại trừ Bắc Kinh cũng sẽ áp dụng những thủ đoạn, cách thức tương tự để tranh giành bằng được Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Chính thế, việc làm một “quan sát viên từ xa” câu chuyện Biển Đông không còn là chủ trương của Nhật. Ngược lại, Tokyo muốn tham gia gần hơn, cụ thể hơn vấn đề này nhằm bảo đảm các quy chuẩn luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và hoà bình trên Biển Đông như một sự phòng xa cả về lợi ích kinh tế và chủ quyền quốc gia.

Thực hiện chủ trương đó, hỗ trợ hàng hải cho các nước khu vực Đông Nam Á được Tokyo manh nha như một giải pháp từ cuối những năm 1960 của thế kỷ trước; trước hết, là hỗ trợ nâng cao năng lực hàng hải cho các nước ven biển như Indonesia và Malaysia. Trong Sách Trắng ODA 2016, Nhật Bản, một lần nữa, đã khẳng định tiếp tục chương trình viện trợ phát triển chất lượng cao, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ năng lực giám sát hàng hải của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm cả hỗ trợ các tàu tuần tra nhằm duy trì an ninh các tuyến đường biển quan trọng…

Một chủ trương từng bước được hiện thực hóa từ lâu, hà cớ gì, tới lúc này bỗng thành câu chuyện ầm ĩ – như thắc mắc của một số người? Hay câu chuyện đang bị thổi phồng chăng?

Không. Lý do là nằm ở tính thời điểm, đối tượng và quy mô thời gian.

Về tính thời điểm, hơn lúc nào hết, Biển Đông ngày nay “nóng” hơn Biển Đông những năm cuối thế kỷ trước; thậm chí còn “nóng” hơn cả hai thập niên đầu thế kỷ này. Chẳng cần chứng minh, ai cũng có thể thấy ngay điều đó với những vụ đâm, húc tàu bè; các sự cố hàng hải; các vụ quấy nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí; các vụ “khảo sát địa chấn” đáng ngờ; sự biến ảo ma mãnh của “chiến thuật vùng xám”; các vụ tạt đầu tạt đuôi nguy hiểm trên không và trên biển khiến “đầu gấu” đến như Mỹ mà còn hốt hoảng…Tất cả đều do Trung Quốc cố tình và chủ động. Đó là chưa kể những căng thẳng hai bờ eo biển Đài Loan cùng những tuyên bố có tính cáo buộc của Mỹ cho rằng Trung Quốc lộng quyền, đang vi phạm công pháp quốc tế trên biển một cách trắng trợn…Trong bối cảnh đó, thông tin mới về việc Nhật Bản hỗ trợ các nước Đông Nam Á bảo đảm an ninh hàng hải trên Biển Đông tránh sao khỏi sự soi mói của dư luận?

Về đối tượng, chỉ cần nhìn 4 cái tên Philippines và Indonesia, Việt Nam và Malaysia, đủ biết, Toky căn cứ vào “tiêu chí” nào để triển khai việc “hỗ trợ”. Không nói ai cũng biết, đó là 4 trong 5 quốc gia (cũng là 4 trong 6 bên) “bướng bỉnh” nhất trong tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc lâu nay. Bướng tới mức, thậm chí, sau vụ cay đắng mất quyền kiểm soát bãi cạn Scaborough năm 2012, quốc đảo Philippines còn kiện Trung Quốc ra tòa thường trực (PCA), và thắng kiện.

Như vậy, cái gọi là “tiêu chí” (nếu có) để được thụ hưởng hỗ trợ nâng cao năng lực hàng hải từ Tokyo là gì, nếu không phải là các bên chống Trung Quốc một cách quyết liệt nhất. Hỗ trợ các quốc gia đó, làm cho họ mạnh lên, tăng cường được năng lực bảo vệ an ninh trên biển, suy cho cùng, ngoài cái lợi của các nước kia, Nhật Bản cũng có lợi ích lớn chứ sao.

Về quy mô, thông tin lần này cho thấy, sự hỗ trợ của Nhật Bản những…10 năm, thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Tạm gạt qua một bên những dấu hỏi về việc JICA liệu có có những hoạt động gì khác ngoài những gì đã công khai, nhưng ẩn sau con số 10 năm phải chăng có thể hiểu là một cam kết lâu dài về việc Nhật Bản sẽ sát cánh và hỗ trợ 4 quốc gia trên chống lại yêu sách “đường 9 đoạn” trên Biển Đông của Trung Quốc?

Trách gì, Bắc Kinh chẳng hầm hè, hậm hực trước kế hoạch này của Tokyo. Và không chừng, để dằn mặt Nhật Bản, Trung Quốc sẽ “hâm nóng” biển Hoa Đông qua việc tăng cường các hoạt động quân sự quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cho coi.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới