Friday, January 10, 2025
Trang chủĐiểm tinMỹ đặt trạm hậu cần Đà Nẵng: Không trái nguyên tắc Ba-không

Mỹ đặt trạm hậu cần Đà Nẵng: Không trái nguyên tắc Ba-không

Có chuyên gia cho rằng, Mỹ khó đặt được trạm hậu cần tại Việt Nam-Campuchia. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn không trái với nguyên tắc “Ba không” của chúng ta.

Các sĩ quan Việt Nam đón tàu USS Blue Ridge – tàu chỉ huy của hạm đội 7 Mỹ tiến vào cảng Đà Nẵng ngày 23/4/2012

Truyền thông phương Tây: Obama đề xuất lập lập kho ở Đà Nẵng?

Giới truyền thông quốc tế vừa thông báo rằng, trong chuyến thăm Việt Nam của nhà lãnh đạo Mỹ từ ngày 22 đến 25/5, Tổng thống Barack Obama sẽ đề xuất với Việt Nam cho phép đặt các thiết bị quân sự của Mỹ ở Đà Nẵng, với mục đích đối phó với thảm họa thiên tai trong khu vực.

Tờ Financial Times dẫn lời các quan chức Mỹ ngày 20/5 cho biết, Washington và Hà Nội đang thương thảo việc đặt các thiết bị ở Đà Nẵng. Mặc dù Lầu Năm Góc từ chối bình luận về thông tin trên nhưng giới truyền thông nhận định rằng, đây rất có thể là sự thực.

Vừa qua, truyền thống thế giới ồ ạt dẫn phát biểu của Tướng Dennis Via, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Quân trang Mỹ ngày 15-3 tiết lộ một thông tin là Quân đội Mỹ có kế hoạch thiết lập 8 kho hậu cần quân sự trên toàn cầu, trong đó có cả châu Á-Thái Bình Dương.

Phát biểu tại tại Hội nghị chuyên đề các lực lượng quân sự Mỹ trên toàn cầu, vị Tư lệnh Mỹ cho biết rằng, khác với các kho vũ khí ở châu Âu, các cơ sở tại châu Á – Thái Bình Dương sẽ chỉ chứa các thiết bị phục vụ, và Campuchia, Việt Nam có thể là địa điểm được lựa chọn đàm phán.

Ngoài việc lập hệ thống kho bãi ở 2 nước Việt Nam và Campuchia, quân đội Mỹ cũng đang thảo luận việc đặt một bệnh viện dã chiến tại Campuchia. Tuy nhiên vị tướng này không nói rõ rằng, Mỹ dự định sẽ cất trữ gì, nếu đạt được thỏa thuận với 2 quốc gia Đông Nam Á.

Theo vị tướng Mỹ, lý do chính khiến Lầu Năm Góc cần lập hệ thống kho hậu cần trên là để giúp quân đội Mỹ tiết kiệm nguồn ngân sách cho các hoạt động vận chuyển những vật dụng đó đến khắp nơi trên thế giới, đồng thời có thể nhanh chóng sử dụng trong tình huống khẩn cấp.

Theo tướng Via, thiết bị quân sự đặt tại Campuchia và Việt Nam cũng như toàn khu vực vành đai Thái Bình Dương, giúp Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ có thể ứng phó nhanh hơn đối với các thảm họa tự nhiên.

Để di chuyển một lực lượng và các trang thiết bị bằng đường không và đường biển từ Mỹ sang châu Á-Thái Bình Dương phải mất 20 ngày, nhưng nếu có các kho hàng tại chỗ thì việc di chuyển này sẽ chỉ mất một đến hai ngày.

Do thông tin này, truyền thông thế giới nhận định rằng, rất có thể việc ông Obama đề xuất với Việt Nam cho đặt kho thiết bị hậu cần ở Đà Nẵng là chính xác. Tuy nhiên, còn chưa rõ Hà Nội có đồng ý với đề xuất này hay không.

Chuyên gia Nga bình luận

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia Nga Vasily Kashin cho rằng, trong kho chứa “các vật tư dành cho hoạt động nhân đạo” chắc sẽ có thiết bị y tế, vật liệu xăng dầu, phương tiện giao thông và thiết bị kỹ thuật. Tức là hầu như mọi thứ cần thiết bảo đảm cho bất kỳ hoạt động quân sự nào.

Các nhà kho này sẽ thực hiện chức năng chính là giảm bớt số lượng chuyến bay của máy bay vận tải và những con tàu biển vận chuyển hậu cần, điều kiện thiết yếu để Mỹ có thể nhanh chóng triển khai quân đội tại các địa bàn có hoạt động chiến sự.

Theo chuyên gia Nga, nếu những kho tàng này xuất hiện ở Campuchia, Việt Nam thì đây chắc chắn là cơn “đau đầu” cho Bắc Kinh.

Ngoài ra, Bắc Kinh lo ngại rằng, sự tồn tại của những chủ thể như kho tàng, tài sản của quân đội Mỹ trên lãnh thổ sẽ thu hút các nước chủ nhà vào quỹ đạo ảnh hưởng quân sự-chính trị của Hoa Kỳ, mà Bắc Kinh đang là nước cung cấp viện trợ nhiều nhất cho đất nước và quân đội Campuchia.

Bắc Kinh sẽ có phản ứng ra sao trước sự xuất hiện các cơ sở kho tàng như vậy ở Đông Nam Á? Theo đánh giá của vị chuyên gia Nga, mức độ nhẹ nhất là có lẽ Trung Quốc sẽ thi hành biện pháp ngoại giao để phá dự án, thậm chí sẽ có những hành động quyết liệt hơn.

Tuy nhiên, một số học giả bình luận rằng, hiện một số quốc gia Đông Nam Á đang sẵn sàng mở cửa và có quan hệ tốt với tất cả các bên, theo quan điểm đa phương hóa hợp tác quân sự, không nhằm mục đích chống phá bất cứ bên thứ 3 nào, mà ví dụ điển hình là Thái Lan.

Do đó, việc một quốc gia Đông Nam Á khác chấp thuận cho Mỹ xây dựng kho bãi hậu cần, có thể sử dụng trong mục đích nhân đạo (không phải các phương tiện chiến đấu và trinh sát) là điều hoàn toàn bình thường và không gây đe dọa đến bất cứ nước nào.

Người “có tật thì hay giật mình”, Mỹ đề xuất lập các trạm hậu cần ở Việt Nam và Campuchia rõ ràng là công khai và minh bạch là nhằm mục đích cứu trợ thảm họa thiên nhiên, Trung Quốc và cộng đồng quốc tế hoàn toàn có thể kiểm soát được điều này.

Mỹ đặt trạm hậu cần tại Việt Nam: Không trái với nguyên tắc “Ba không”

Chủ trương nhất quán của Việt Nam trong hàng thập kỷ qua là: Không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.

Do đó, trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam luôn cam kết không cho phép lập căn cứ quân sự và không để nước ngoài sử dụng các cơ sở hạ tầng của Việt Nam để chống lại các nước khác hay phá hoại hòa bình, ổn định trên Biển Đông. Đây là vấn đề mang tính “nguyên tắc bất biến”.

Trong thời gian qua, một số học giả quốc tế đã đề cập đến vấn đề Việt Nam đang xây dựng một phiên bản mới của chiến lược “Ba không” ví dụ như “Ba không 2.0” hay “Ba không, một có”, nhưng trên thực tế, Việt Nam không hề xây dựng một chiến lược mới.

 

Tàu khu trục JS ARIAKE và JS SETOGIRI của Nhật Bản cập Cảng quốc tế Cam Ranh ngày 12-4-2016

Trước những biến động trong tình hình khu vực và trên thế giới Việt Nam cần phải “ứng vạn biến” trên cơ sở những nguyên tắc “bất biến”, có sự điều chỉnh về sách lược và các biện pháp huy động sức mạnh quốc tế chứ chúng ta hoàn toàn không từ bỏ hay thay đổi chiến lược này.

Việt Nam đã tuyên bố sẽ trợ giúp các lực lượng quân sự và dân sự các nước hoạt động trong khu vực Biển Đông bằng cách cung cấp các dịch vụ hậu cần-kỹ thuật hoặc tham gia trực tiếp hoặc trợ giúp các hoạt động nhân đạo của cộng đồng quốc tế.

Thời gian qua, Việt Nam đã lập cảng Quốc tế Cam Ranh, mời tất cả các nước, ví dụ như Nga, Mỹ, Nhật Bản và cả Trung Quốc đến sử dụng các dịch vụ cho tàu thuyền dân sự và quân sự. Đây là sự thể hiện cụ thể của chính sách “đa phương hóa, đa dạng hóa” hợp tác quốc phòng của chúng ta.

Việc Việt Nam có thể cho Nga lập cơ sở bảo đảm cho tàu chiến hoạt động ở châu Á-Thái Bình Dương cũng nhằm mục đích đó và hoàn toàn không trái với nguyên tắc “Ba không” của Việt Nam, bởi đây về bản chất chỉ là các cơ sở hỗ trợ hậu cần-kỹ thuật của hải quân Nga.

Việc Việt Nam cho Mỹ lập trạm bảo đảm hậu cần, phục vụ cho hoạt động cứu trợ thiên tai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng là điều đúng đắn, bởi nó phục vụ cho hoạt động mang tính nhân đạo, Việt Nam hoàn toàn công khai và minh bạch điều này trước cộng đồng quốc tế.

Việc Việt Nam cho phép các nước đặt các cơ sở hậu cần-kỹ thuật, phục vụ cho các tàu thuyền, máy bay tham gia hoạt động tuần tiễu bảo vệ an ninh trên biển và các hoạt động nhân đạo đã đưa Biển Đông trở về đúng với vai trò một tuyến hàng hải quốc tế, nơi mọi quốc gia, bất kể chế độ chính trị nào, đều có thể sử dụng vì mục đích hòa bình, giúp bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải.

RELATED ARTICLES

Tin mới