Sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo nước lớn không nên bắt nạt nước nhỏ tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng họ giải quyết tranh chấp bằng sự chân thành.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. Ảnh: China Daily
Phát biểu tại Hà Nội trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Obama nói các nước lớn không nên bắt nạt những nước nhỏ hơn trong tranh chấp lãnh thổ. Theo ông, các bên nên giải quyết tranh chấp bằng những biện pháp hòa bình.
Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh các phi cơ, tàu của Mỹ sẽ tiếp tục di chuyển trong những vùng biển mà luật pháp quốc tế cho phép.
Đáp lại lời phát biểu của ông Obama, trong cuộc họp báo hôm 24/5, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng Bắc Kinh đã ký hiệp định phân chia biên giới với 12 nước láng giềng.
5 nước trong số đó có diện tích nhỏ hơn và 10 nước có dân số ít hơn Philippines.
“Thực tế đó cho thấy diện tích của một quốc gia không phải là yếu tố quan trọng khi phân chia biên giới.
Điểm mấu chốt là những nước liên quan tới tranh chấp có quyết tâm và sự chân thành để giải quyết tranh chấp bằng đối thoại hay không”, bà Hoa ngang nhiên nói.
Tổng thống Mỹ Barack Obama dẫn thơ của Lý Thường Kiệt “Sông núi nước Nam vua Nam ở” và nói rằng “nước lớn không nên bắt nạt nước nhỏ” trong bài phát biểu tại Hà Nội sáng 24/5. Ảnh: Hoàng Hà
Theo China Daily, bà Hoa còn kêu gọi các nước bên ngoài châu Á tôn trọng nỗ lực “duy trì hòa bình và ổn định” của những nước trong khu vực.
Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông dù cộng đồng quốc tế đều khẳng định yêu sách của họ không có cơ sở pháp lý.
Bắc Kinh bồi lấp nhiều đảo đá mà họ chiếm đóng trái phép và đang từng bước thực hiện ý đồ quân sự hóa trên Biển Đông. Philippines đã kiện yêu sách của Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở Hà Lan.
Chính phủ Trung Quốc tuyên bố PCA không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp nên họ không tham gia vụ kiện.
Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Canada Justin Trudeau bày tỏ lo ngại về những hoạt động bồi lấp đảo nhân tạo do Trung Quốc thực hiện trên Biển Đông trong chuyến thăm của ông Trudeau tới Nhật trước thềm hội nghị G7.
“Đối với tình hình trên Biển Đông, tôi và ngài Trudeau cùng quan ngại sâu sắc về những hành động đơn phương có thể làm tăng căng thẳng – chẳng hạn như bồi lấp đảo quy mô lớn, xây dựng các công trình và quân sự hóa.
Nhật Bản và Canada đã nhất trí hợp tác để đảm bảo sự an toàn, tự do trên các vùng biển theo luật pháp”, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trong cuộc họp báo chung với ông Trudeau.