Hội nghị cấp cao G7 sẽ thể hiện “phản đối kịch liệt” việc xây đảo và quân sự hoá các tiền đồn trên Biển Đông, động thái nhằm chỉ trích những hành động gây hấn của Trung Quốc.
Ngoại trưởng các nước G7 họp thường niên tại Hiroshima, Nhật Bản hồi tháng 4. Ảnh: Reuters
Kyodo dẫn các nguồn tin ngày 23/5 cho biết các nhà lãnh đạo sẽ bác bỏ “những hoạt động đơn phương làm thay đổi hiện trạng” trong một tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao G7.
Theo đó, lãnh đạo các nước G7 sẽ phản đối hành động “hăm doạ, ép buộc hay sử dụng vũ lực” nhằm khẳng định chủ quyền lãnh thổ phi pháp, đồng thời kêu gọi các biện pháp giải quyết tranh chấp hàng hải một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, theo cách nói ngầm nhắc đến Trung Quốc.
Nhật Bản không phải một bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Tại Hội nghị cấp cao G7, các nhà lãnh đạo cũng sẽ bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng trên biển Hoa Đông, động thái được cho là nhằm đáp trả hành động xâm nhập của Trung Quốc quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Các hội nghị của G7 diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hoạt động phi pháp trên Biển Đông như xây đường băng, hệ thống radar tiên tiến và triển khai tên lửa đất đối không.
Tại cuộc họp hồi tháng 4, các ngoại trưởng G7 từng bày tỏ lo ngại về tranh chấp hàng hải trên Biển Đông và biển Hoa Đông, trong đó ngầm chỉ trích động thái từ Trung Quốc. Trong một tuyên bố riêng về an ninh hàng hải, các ngoại trưởng G7 kêu gọi tất cả các quốc gia không tiến hành cải tạo đất và xây dựng cơ sở vì mục đích quân sự ở Biển Đông.
Theo Kyodo, rõ ràng các ngoại trưởng đã chỉ trích động thái của Trung Quốc nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của họ trên Biển Đông thời gian qua.
Bản đồ các thực thể Trung Quốc chiếm đóng trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam bao gồm đá Xu Bi, đá Ga Ven, đá Gạc Ma, đá Tư Nghĩa, đá Vành Khăn, bãi Chữ Thập và đá Châu Viên. Đồ họa: NASA |
Hội nghị cấp cao G7 năm 2016 là lần tổ chức thứ 42, diễn ra vào cuối tháng 5 tại thành phố Shima, Nhật Bản và do Thủ tướng Nhật Shinzo Abe chủ trì. Nguồn tin cho biết thêm, tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo sẽ nhắc lại quan điểm không công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crime của Ukraine vào lãnh thổ và khẳng định các biện pháp trừng phạt Moscow.
Họ sẽ tiếp tục kêu gọi “thực hiện đầy đủ” các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên sau hàng loạt các vụ thử tên lửa và hạt nhân thời gian gần đây.