Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChuyên gia nói gì về mục tiêu phát triển kinh tế của...

Chuyên gia nói gì về mục tiêu phát triển kinh tế của TQ

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường mới đây đã nêu ra một loạt mục tiêu kinh tế cho nước này trong năm 2024, nhưng thế giới bên ngoài cho rằng những mục tiêu này ngày càng xa rời thực tế.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường có bài phát biểu trong buổi khai mạc Kỳ họp thứ hai của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa 14 tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 5/3/2024 ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Các nhà đầu tư mong muốn sự nhất quán và minh bạch trong chính sách kinh tế của Trung Quốc nhưng thay vào đó họ lại nhận được những con số mâu thuẫn với thực tế. Có chuyên gia chỉ ra, nền kinh tế Trung Quốc chỉ có thể thoát khỏi tình trạng khó khăn này khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) rút lui khỏi vũ đài lịch sử.

Mục tiêu kinh tế ngày càng xa rời thực tế, ĐCSTQ ngày càng xa rời nhân dân
Hôm 5/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết trong báo cáo của chính phủ tại lễ khai mạc Kỳ họp thứ hai Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) khóa XIV rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Trung Quốc được đặt ở mức “khoảng 5%”, tỷ lệ lạm phát là 3% và sẽ tăng 12 triệu việc làm mới ở các đô thị.

Về vấn đề này, tờ Wall Street Journal bình luận như sau, điều đáng ngạc nhiên và đáng lo ngại là, khi xem xét đến các biện pháp được lên kế hoạch để đạt được những mục tiêu trên, cũng như điều kiện kinh tế hiện tại, thấy rằng những mục tiêu này dường như quá xa rời thực tế.

Một báo cáo gần đây của Cục Thống kê Trung Quốc cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc đang rơi vào tình trạng giảm phát, nhưng chính quyền nước này vẫn kỳ vọng tỷ lệ lạm phát sẽ duy trì ở mức khoảng 3%. Số liệu thống kê của Bloomberg cho thấy, Trung Quốc đang trải qua đợt giảm phát nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đây không phải là một tình huống khó khăn thông thường.

Bloomberg chỉ ra, câu hỏi lớn hiện nay là làm thế nào để đạt được những mục tiêu kinh tế đầy tham vọng mà ĐCSTQ đặt ra trong năm nay. Mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5%” này giống với năm ngoái. Tuy nhiên, điều khác biệt là vào đầu năm ngoái, Bắc Kinh đã bất ngờ chấm dứt toàn bộ các biện pháp phong tỏa dịch bệnh, điều này đã thúc đẩy hoạt động kinh tế trong nửa đầu năm 2023, nhưng năm nay chưa xuất hiện động lực mạnh mẽ nào có lợi cho nền kinh tế Trung Quốc.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đặt mức thâm hụt ngân sách là 3% GDP, thấp hơn mức 3,8% của năm trước. Bloomberg cho biết, mọi con mắt đều đang tập trung vào hoạt động mở rộng các biện pháp tài chính của nước này. Nhưng thật không may là, dữ liệu của ông Lý Cường lại đáng thất vọng.

Theo Bloomberg, sổ sách tài chính của Trung Quốc rất phức tạp, có thể các dự án ngoài ngân sách còn nhiều hơn các dự án trong ngân sách. Chính quyền các địa phương sẽ có thể phát hành trái phiếu đặc biệt trị giá 3,9 nghìn tỷ nhân dân tệ (CNY) (542 tỷ USD), tương đương khoảng 2,9% GDP, để tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Nhưng xét đến việc các thành phố ở Trung Quốc đã phát hành 4 nghìn tỷ CNY trái phiếu loại này vào năm ngoái, số liệu này không khiến mọi người hào hứng.

Ông Lý Cường còn cho biết, trái phiếu kho bạc đặc biệt kỳ hạn siêu dài sẽ được phát hành trong vài năm tới và có thể 1.000 tỷ CNY sẽ được phát hành trước trong năm nay, “Chính quyền các cấp phải làm quen với cuộc sống thắt lưng buộc bụng”. Bloomberg cho biết, xu hướng này vẫn được tiếp tục kể từ cuối năm 2023. Trong năm nay, khó có khả năng thấy được ​​sự tăng vọt trong chi tiêu cơ sở hạ tầng địa phương.

Bloomberg cho rằng, tỷ lệ thâm hụt tài khóa của Trung Quốc có thể sẽ ở mức khoảng 6,6%, đây là một sự cải thiện so với những năm trước dịch bệnh. Với mức thâm hụt mà Trung Quốc vẫn giữ nguyên như năm 2023, trong bối cảnh điều kiện kinh tế ngày càng tồi tệ, làm thế nào Bắc Kinh có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tương tự? Những con số được nêu ra mâu thuẫn với nhau và xung đột với thực tế.

Hôm 4/3, Bắc Kinh đã tuyên bố hủy cuộc họp báo của thủ tướng sau Lưỡng Hội, cuộc họp báo này là một thông lệ đã được kéo dài suốt 30 năm qua. Bloomberg cho rằng, khi các mục tiêu kinh tế của chính phủ ngày càng xa rời thực tế và công chúng ngày càng có ít cơ hội tiếp xúc trực tiếp với các quan chức hàng đầu, thì rõ ràng hơn bao giờ hết, ĐCSTQ đang rời xa chính người dân của mình.

Ông Lý Cường đang áp dụng ‘toán học mơ hồ’
Bloomberg cho rằng, điều mọi người đang tìm kiếm là tính nhất quán và minh bạch về chính sách. Nhưng tân thủ tướng của Trung Quốc đang áp dụng “toán học mơ hồ” (Fuzzy mathematics – Toán học mơ hồ là ngành khoa học dùng công cụ toán học để nghiên cứu các sự vật mơ hồ).

Bàn về tính nhất quán và minh bạch trong các chính sách của ĐCSTQ, The Epoch Times ngày 5/3 đã có cuộc phỏng vấn với ông Vương Hách (Wang He) – một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc. Ông Vương cho biết, các chính sách kinh tế của ĐCSTQ, đặc biệt là những thay đổi kể từ năm 2020, khiến mọi người đều cảm thấy ĐCSTQ thiếu một lộ trình phát triển kinh tế rõ ràng, và bản thân những chính sách kinh tế của họ cũng thiếu một con đường phát triển hợp lý mà có thể dự đoán được.

Ông Vương Hách nói: “Tại sao rất nhiều chính sách kinh tế của họ (Trung Quốc) lại được xây dựng theo cách này? Cơ sở để xây dựng [chính sách] và một số dữ liệu kinh tế của nước này mâu thuẫn với nhau, thiếu sự cân đối và nhất quán”.

“Hiện nay có một quan điểm chung là, các chính sách kinh tế của Trung Quốc vô cùng hỗn loạn, mọi người đọc mà không hiểu, không rõ ĐCSTQ rốt cuộc muốn làm gì. Trong tình huống này, mọi người đều cảm thấy những mục tiêu chính sách kinh tế mà ông Lý Cường đưa ra rất hoang đường, thiếu độ khả tín và thiếu thực tế”.

Ông Vương cho rằng, trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Bắc Kinh đã đưa ra kế hoạch kích thích 4 nghìn tỷ CNY, ở một mức độ rất lớn đã giúp Hoa Kỳ và thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính đó. Giờ đây, nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái, rất nhiều người hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ đưa ra một gói kích thích 4 nghìn tỷ CNY khác.

“Nhưng trên thực tế, kế hoạch 4 nghìn tỷ [CNY] đã gây ra vô số rắc rối cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, tác động tiêu cực của nó lớn hơn tác động tích cực. Họ cũng đang nghĩ lại chuyện đó. Vì vậy, sau khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã rất bức xúc về điều này”, ông Vương nói.

Nhà bình luận này cũng nói rằng, tất nhiên ĐCSTQ muốn thúc đẩy nền kinh tế và thực hiện các biện pháp kích thích tài chính. Năm ngoái, Trung Quốc đã phát hành 11 nghìn tỷ CNY trái phiếu chính phủ và hơn 9 nghìn tỷ CNY trái phiếu chính quyền địa phương, tổng cộng là 20 nghìn tỷ CNY, tương đương với việc mỗi tháng phát hành 1,67 nghìn tỷ CNY nợ của nhà nước. Đây là một phần trong chính sách tài khóa mở rộng.

“Nhưng sau khi thực hiện chính sách tài khóa mở rộng này, chúng không có tác dụng gì. Thay vào đó, chúng làm tăng rủi ro tài chính”.

Ông Vương cho rằng, ĐCSTQ rất rõ ràng về tình hình nội bộ hiện nay của chính mình. Không phải là họ không muốn các biện pháp kích thích mở rộng tài chính, nhưng hiện tại họ không có năng lực làm điều này.

“Bản thân ĐCSTQ có rất nhiều dữ liệu và nhiều chính sách không minh bạch. Chỉ căn cứ theo báo cáo công tác chính phủ của ông Lý Cường và một số dữ liệu do chính quyền này công bố thì rất khó để có thể nhìn rõ tình hình thực tế ở Trung Quốc”.

Nền kinh tế Trung Quốc có đang suy thoái theo chu kỳ?
Wall Street Journal cho rằng, hầu hết các vấn đề đang gây khó khăn cho Trung Quốc đều đến từ cuộc suy thoái nghiêm trọng theo chu kỳ, và nó càng trở nên trầm trọng hơn do những lựa chọn chính sách kém cỏi của Bắc Kinh. Vấn đề lớn nhất mang tính cơ cấu của Trung Quốc có thể là bộ máy chính sách của họ ngày càng cứng nhắc.

Về việc một số học giả phương Tây cho rằng các vấn đề kinh tế hiện nay của Trung Quốc chủ yếu là vấn đề mang tính chu kỳ, ông Vương Hách cho rằng: “Đây là một đánh giá sai lầm. Có yếu tố mang tính chu kỳ không? Có, nhưng rất nhỏ và không phải là nhân tố chủ đạo”.

Ông Vương nói, “Bây giờ là giai đoạn đi xuống, sẽ tiến tới đáy, trong tương lai nền kinh tế sẽ quay trở lại giai đoạn tăng trưởng, lại bán ra, chẳng phải sẽ kiếm lời rồi sao? Nhưng những người [nghĩ] như thế quá tham lam, quá thiển cận và không nhận ra mối nguy hiểm thực sự của nền kinh tế Trung Quốc”.

“Tình trạng khó khăn hiện tại của Trung Quốc là vấn đề mang tính cơ cấu và xu hướng trong nền kinh tế Trung Quốc. Những vấn đề này đã được tích tụ trong một thời gian dài và hiện đang dần bung bét”.

Một số nhà kinh tế ở Hoa Kỳ rất thất vọng với chính sách kinh tế hiện nay của Trung Quốc. Ông Vương Hách cho rằng, “Trên thực tế, tôi cảm thấy rằng trong chính sách kinh tế của ĐCSTQ, khả năng giải cứu thị trường về cơ bản đã bị suy yếu rất nhiều hoặc thậm chí là đã mất”.

Ông Vương cũng chỉ ra, Goldman Sachs gần đây đã đưa ra một báo cáo cảnh báo mọi người đừng đầu tư vào Trung Quốc: “Tại sao lại thế? Chính là nói rằng, những ông lớn ở Phố Wall trên thực tế đã giao dịch với ĐCSTQ trong một thời gian dài nhưng không kiếm được là bao trong suốt mấy năm qua, rất nhiều người vẫn thua lỗ, cho nên họ đã âm thầm rút khỏi Trung Quốc. Bề ngoài thì nói là kinh tế Trung Quốc tốt, để người khác đi vào, còn bản thân thì rút ra”.

“Các ông lớn ở Phố Wall hiện đang công khai dần rời xa Trung Quốc. Đây là một xu hướng”, ông Vương nói.

Nền kinh tế Trung Quốc còn cứu được không?
Về việc làm thế nào để nền kinh tế Trung Quốc có thể thoát khỏi khó khăn, ông Vương Hách cho rằng trước tiên cần sửa đổi Hiến pháp, kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước phải được đối xử bình đẳng và được bảo vệ như nhau. Thứ hai, cần phải xem lại lý luận, không phải trước đây đều nói rằng các nhà tư bản bóc lột giá trị thặng dư của người lao động sao? “Nếu không thay đổi lý luận này, chúng ta sẽ không có cảm giác an toàn. Ngoài miệng thì họ (chính quyền) nói chúng ta là người trong nhà, nhưng thực tế là họ đang vung dao, chém mọi người thành từng mảnh, ai cũng nơm nớp lo sợ”.

“Nhưng ĐCSTQ có dám làm như vậy không? Đó là điều không thể”.

Ngoài ra, ông Vương Hách còn cho rằng ông Tập Cận Bình muốn thực hiện chính sách “ngoại giao chiến lang” để thống lĩnh thế giới và đặt mục tiêu thế kỷ là đến năm 2049 đánh bại Hoa Kỳ. “Nếu [Bắc Kinh] không thay đổi chính sách này thì không thể xoa dịu mối quan hệ Trung – Mỹ. Một mặt [Bắc Kinh] mở rộng quân đội để đánh bại Mỹ, mặt khác lại hy vọng rằng Mỹ sẽ mở cửa thị trường kinh tế và trao đổi công nghệ với mình. Nhưng Hoa Kỳ không ngu ngốc”.

“Nếu những tham vọng toàn cầu này không được thay đổi từ căn bản, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đối chọi [với Bắc Kinh]. Trong hình thế này, việc tách rời kinh tế Trung – Mỹ là điều không thể tránh khỏi”.

Ông Vương cho rằng, nếu Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề kinh tế này thì phải đảo ngược môi trường kinh tế hiện nay ở cả trong và ngoài nước, nếu không sẽ không có bước ngoặt nào xảy ra. Nhưng nếu ĐCSTQ muốn thực hiện bước đi này, ông Tập Cận Bình có thể sẽ phải bước xuống và giao lại chính quyền.

“Hiện nay trong và ngoài nước [Trung Quốc] đều có một sự đồng thuận rằng nền kinh tế Trung Quốc đã trở nên tồi tệ, năng lực [xây dựng] chính sách kinh tế của ĐCSTQ cũng đã hỏng hẳn. Vậy điều cần làm bây giờ là gì? Đó là ĐCSTQ phải rút lui khỏi vũ đài lịch sử. Chính quyền này đang ở trong một cuộc khủng hoảng chưa từng có”.

Ông Vương nói: “Trong và ngoài nước [Trung Quốc] không có niềm tin vào nền kinh tế Trung Quốc và cả ĐCSTQ. Đây là nhân tố then chốt nhất trong diễn biến phát triển cục diện chính trị hiện nay ở nước này. Đây chắc chắn không phải là vấn đề kinh tế mà là vấn đề chính trị, và tác động chính trị của nó vô cùng sâu rộng. Vậy nên, Trung Quốc hiện đang trong đêm trước một cuộc đổi mới lớn”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới