Gấu trúc là một trong những biểu tượng của Trung Quốc và được quốc gia này coi như một đại sứ thiện chí trong các mối quan hệ ngoại giao.
Trung Quốc đã gửi gấu trúc tới nhiều quốc gia khác nhau như một cử chỉ bày tỏ sự thiện chí. Đặc biệt, đối với Mỹ, Trung Quốc cũng đã áp dụng chiến thuật “ngoại giao gấu trúc” này.
Sự trở lại của gấu trúc
Mới đây, trong một động thái cho thấy sự “tan băng” trong quan hệ Mỹ – Trung Quốc, Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang Trung Quốc cho biết cơ quan này đã ký các thỏa thuận bảo tồn gấu trúc với một vài vườn quốc gia trên thế giới, bao gồm Vườn quốc gia ở Washington (Mỹ).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning sau đó thông tin: “Các tổ chức bảo tồn của Trung Quốc đã ký thỏa thuận với Sở thú Madrid ở Tây Ban Nha và Sở thú San Diego ở Mỹ, mở ra một giai đoạn hợp tác quốc tế mới trong việc bảo tồn loài gấu trúc. Họ cũng đang tích cực đàm phán với Vườn quốc gia Washington và Sở thủ Vienna của Áo”.
Trước đó hồi tháng 11/2023, Vườn Quốc gia ở Washington đã trả lại ba con gấu trúc cho Trung Quốc khi quan hệ giữa 2 nước xấu đi. Sau động thái trên, Sở thú Atlanta (bang Georgia) trở thành sở thú duy nhất còn bảo tồn gấu trúc ở Mỹ.
Thỏa thuận cho mượn gấu trúc giữa Trung Quốc sẽ hết hạn vào năm nay. Nếu không được gia hạn, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1972 nước Mỹ không còn gấu trúc. Vào năm 1972, chính phủ Trung Quốc đã tặng hai con gấu trúc cho Mỹ sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Richard Nixon tới Trung Quốc.
“Chúng tôi mong đợi giai đoạn hợp tác mới để cùng nhau bảo vệ gấu trúc với các nước liên quan, điều này sẽ mở rộng hơn nữa kết quả nghiên cứu khoa học về vấn đề bảo tồn gấu trúc và các loài có nguy cơ tuyệt chủng khác, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ giữa người với người”, bà Mao nói thêm.
Trong năm qua, quan hệ giữa Mỹ – Trung đã trở nên căng thẳng hơn vì một số vấn đề toàn cầu như xung đột khu vực, tranh chấp thương mại và các cáo buộc gián điệp. Lãnh đạo hai nước đã có nhiều vòng đàm phán trong vài tháng qua để hạ nhiệt căng thẳng.
Toan tính của Trung Quốc
Tin tức về thoả thuận hợp tác bảo tồn gấu trúc giữa Bắc Kinh và Washington đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Trong đó, Trung Quốc sẽ gửi một cặp gấu trúc sang Sở thú San Diego sớm nhất vào tháng 8 tới.
Tuy nhiên, đằng sau động thái gửi gấu trúc, Trung Quốc cũng đã tính toán rất kỹ về thời điểm và sự tiếp đón của đối tác quốc tế. Điều này hoàn toàn phù hợp với chiến lược “ngoại giao gấu trúc” nổi tiếng của nước này.
Ông Chas Freeman, một nhà ngoại giao kỳ cựu từng phiên dịch cho tổng thống lúc bấy giờ là Richard Nixon trong chuyến đi lịch sử tới Bắc Kinh năm 1972, chia sẻ: “Trung Quốc vốn là quốc gia có tầm nhìn xa trông rộng. Gấu trúc là một hình ảnh biểu tượng của Trung Quốc và đã giúp Bắc Kinh cải thiện hình ảnh, đồng thời tăng cường quan hệ với các đối tác nước ngoài. Việc Trung Quốc thu hồi gấu trúc từ Washington và nhiều quốc gia khác cũng là một lời nhắc nhở về vấn đề này”.
Cụ thể, vào tháng 11/2023, Bắc Kinh đã thu hồi 3 chú gấu trúc là Mei Xiang, Tian Tian và Xiao Qi Ji để bày tỏ sự phản đối của họ sau sự kiện Washington bắn hạ một khinh khí cầu Trung Quốc bay qua không phận nước này.
“Động thái thu hồi gấu trúc rõ ràng cho thấy một phần trong lập trường cứng rắn của Trung Quốc đối với Mỹ, nhằm đáp trả thái độ gay gắt của Washington với Bắc Kinh”, ông Freeman nói thêm.
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm căng thẳng về mặt ngoại giao, tin tức về sự trở lại của gấu trúc tại Mỹ được đánh giá là điểm sáng hiếm hoi trong quan hệ giữa 2 nước. “Gấu trúc là biểu tượng tuyệt vời cho thái độ thiện chí, hỗ trợ kết nối giữa con người với con người. Đối với nhiều người Mỹ – đặc biệt là trẻ em, việc tận mắt nhìn thấy gấu trúc là trải nghiệm đặc biệt với một biểu tượng độc đáo của Trung Quốc”, ông Rorry Daniels, giám đốc điều hành của Viện Chính sách Xã hội châu Á cho hay.
“Tôi không thể giải thích tại sao Trung Quốc đưa ra động thái này, nhưng tôi tin rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thật sự coi mối quan hệ giữa con người với con người là một yếu tố quan trọng giúp ổn định quan hệ Mỹ – Trung. Người Mỹ cũng sẽ rất buồn nếu gấu trúc rời đi”, ông nói thêm.
Các nhà phân tích đánh giá động thái đưa gấu trúc trở lại Mỹ và tiếp tục hợp tác với Tây Ban Nha cho thấy Bắc Kinh coi trọng giá trị trong quan hệ ngoại giao với phương Tây. Quyết định này được đưa ra trong thời điểm căng thẳng ngày càng tăng giữa Trung Quốc với Liên minh châu Âu liên quan tới cáo buộc Bắc Kinh bán phá giá xe điện trên thị trường, cũng như sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Nga sau chiến dịch quân sự đặc biệt năm 2022.
Jeremy Chan, nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn Eurasia Group, cho biết: “Đây là tín hiệu tích cực cho thấy Trung Quốc tiếp tục coi trọng mối quan hệ với Mỹ và châu Âu, bất chấp căng thẳng hiện nay. Động thái này cùng thời điểm Trung Quốc công bố các thỏa thuận du lịch, đơn phương miễn thị thực với nhiều quốc gia ở châu Âu, dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ tận dụng lĩnh vực văn hóa và ngoại giao nhân dân để cải thiện quan hệ với các nước phương Tây”.
Trong khi đó, ông Freeman lưu ý: “Nếu việc thu hồi gấu trúc là một lời nhắc mang tính chiến thuật về quan hệ rạn nứt giữa Mỹ với Trung Quốc, thì việc khôi phục hoạt động hợp tác bảo tồn gấu trúc là một động thái chiến lược để duy trì mối quan hệ thân thiện hơn, điều khó đạt được về mặt chính trị”.
Những người khác cho rằng gấu trúc có thể trở thành một lời cảnh báo về mặt chính trị nếu Trung Quốc quyết định tiếp tục thu hồi gấu trúc trong trường hợp cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.
‘Ngoại giao gấu trúc’
Việc Trung Quốc sử dụng những con gấu làm công cụ báo hiệu chính sách đối ngoại không phải điều mới. Trung Quốc lần đầu sử dụng chiến lược “ngoại giao gấu trúc” vào năm 685 sau Công nguyên khi gửi hai con gấu đến Nhật Bản.
Nhà nghiên cứu Linda Zhang, đến từ Viện Doanh nghiệp Mỹ cho biết, Trung Quốc thực hiện “ngoại giao gấu trúc” với các quốc gia dựa trên thỏa thuận thương mại lớn, sáng kiến ngoại giao và các tuyên bố về vấn đề Tây Tạng hoặc Đài Loan.
Việc gửi và thu hồi gấu trúc diễn ra nhiều nhất trong thời kỳ Trung Quốc mở cửa với phương Tây, sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989 và trong những thời kỳ liên quan đến chính sách đối ngoại dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.
“Ngoại giao gấu trúc có lẽ là công cụ quyền lực mềm tốt của Trung Quốc”, Ethan Paul, một nhà nghiên cứu tại Viện Quincy cho biết.
“Tuy nhiên, tôi xin lưu ý rằng ‘sự hạ nhiệt căng thẳng dựa trên rung cảm’ chỉ thể duy trì ở mức độ này. Cuối cùng, để thật sự cải thiện quan hệ, cả hai bên vẫn cần sẵn sàng thực hiện những thỏa hiệp nghiêm túc và hữu hình”, ông tiếp tục.
T.P