Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCuộc chạy đua căng thẳng Mỹ - Trung ở tiền đồn Thái...

Cuộc chạy đua căng thẳng Mỹ – Trung ở tiền đồn Thái Bình Dương

Mỹ vừa tiến hành các biện pháp ‘nặng cân’ nhằm tăng cường cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc ở các đảo quốc Thái Bình Dương, vốn được xem là tiền đồn quan trọng của khu vực.

Hôm qua (12.3), truyền thông quốc tế đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất mức ngân sách quốc phòng kỷ lục lên đến 895,2 tỉ USD cho năm tài chính 2025. Yếu tố quan trọng để đưa ra mức này chính là nhằm tăng cường năng lực răn đe Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo – Pacific).
Cuộc chạy đua căng thẳng

Cũng liên quan việc đối phó Trung Quốc ở Indo – Pacific, Thượng viện Mỹ cuối tuần qua đã thông qua khoản kinh phí trị giá 7,2 tỉ USD cho Hiệp ước Liên kết tự do (COFA) giữa nước này với Micronesia, Palau và Quần đảo Marshall. COFA vốn cho phép Mỹ có đặc quyền từ chối bên ngoài tiếp cận không phận và hải phận, và đất liền của 3 nước trên. Đổi lại, 3 đảo quốc sẽ nhận viện trợ tài chính từ Mỹ. COFA từng có hiệu lực trong nhiều năm trước và dần hết hạn từ năm 2023.

Đây được xem là động thái quyết liệt của Washington trong bối cảnh Bắc Kinh những năm qua liên tục thúc đẩy hợp tác với các đảo quốc Thái Bình Dương thông qua các khoản viện trợ khổng lồ như đầu tư cơ sở hạ tầng, cảng biển… Theo giới chuyên gia quốc tế, nếu thiết lập thành công căn cứ hải quân ở nam Thái Bình Dương, Trung Quốc sẽ dễ dàng triển khai các chiến hạm tiếp cận Hawaii, bờ tây của nước Mỹ và cả Úc. Hơn một thế kỷ trước, Mỹ và Nhật Bản cũng cạnh tranh quyết liệt ở các đảo quốc trên ngay trước khi bùng nổ Thế chiến 2.

Trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, những nỗ lực của Bắc Kinh được cho là nhằm lắp đặt các thiết bị quân sự trên một số hòn đảo này đang khiến Washington chú ý hơn đến khu vực.
GS Yoichiro Sato

Trả lời Thanh Niên ngày 12.3, GS Yoichiro Sato (chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản) phân tích: “Địa chính trị trên các đảo Thái Bình Dương đang được hâm nóng lại. Trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, những nỗ lực của Bắc Kinh được cho là nhằm lắp đặt các thiết bị quân sự trên một số hòn đảo này đang khiến Washington chú ý hơn đến khu vực”.

GS Sato phân tích thêm rằng suốt thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh, các quốc gia tham gia COFA đã thua thiệt trước Hawaii trong việc hút khách du lịch Mỹ và Nhật Bản, nên hiện phụ thuộc nhiều hơn vào khách du lịch từ Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong khi đó, nguồn quỹ mới trên của Mỹ được chia thành các khoản giải ngân hằng năm và không lớn so với lợi ích kinh tế từ ngành du lịch của các đảo quốc nếu được phát triển tốt. “Nhưng việc thông qua nguồn quỹ trên là bước đầu tiên để cạnh tranh ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương”, GS Sato phân tích.

Theo ông, một số quốc đảo Thái Bình Dương như Quần đảo Solomon và Kiribati đã hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc. Hầu hết những nước khác, kể cả những nước có quan hệ nhà nước chặt chẽ với New Zealand cũng đang nhận được viện trợ của Trung Quốc. “Ranh giới giữa viện trợ kinh tế và quân sự có thể không rõ ràng, chẳng hạn như việc Trung Quốc phát triển cầu cảng quy mô lớn ở Tonga để tàu du lịch tiếp cận có thể dễ dàng được chuyển đổi sang mục đích quân sự nếu ảnh hưởng của Trung Quốc ở Tonga ngày càng gia tăng”, vị chuyên gia đánh giá và cho rằng đó là lý do khiến Mỹ phải nhanh chóng có những biện pháp cạnh tranh hiệu quả.

Cũng trả lời Thanh Niên ngày 12.3, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) chỉ ra 3 điều từ việc Mỹ thông qua quỹ 7,1 tỉ USD trên.

Thứ nhất, việc nối tiếp thỏa thuận COFA chỉ ra rằng Mỹ sẽ hỗ trợ các đồng minh như Palau, Quần đảo Marshall và Micronesia. Mỹ đảm bảo lợi ích để các nước này từ chối Trung Quốc tiếp cận vùng lãnh hải của họ. Đây là động thái tích cực đối với các quốc gia đứng về phía Mỹ ở nam Thái Bình Dương.

Thứ hai, thỏa thuận này cho thấy việc mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc đang mang lại cả cơ hội lẫn thách thức cho các đảo quốc Thái Bình Dương. Cùng với việc mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, các đảo nam Thái Bình Dương đã chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan như Kiribati vào năm 2019. Hay Quần đảo Solomon ký kết hiệp ước an ninh với Trung Quốc. Hiện nay ở cả Kiribati và Quần đảo Solomon đều có lực lượng cảnh sát Trung Quốc. Có khả năng Trung Quốc sẽ thiết lập các cơ sở cảng cho hải quân nước này ở nam Thái Bình Dương trong thời gian tới. Điều đó khiến Mỹ và Úc phải tăng cường hỗ trợ các quốc đảo. Nhưng ngược lại, khu vực này đứng trước những rủi ro khi trở thành một “đấu trường”.

Thứ ba, thỏa thuận COFA lần này được cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ ủng hộ nên sẽ tiếp tục ngay cả khi cuộc bầu cử ở Mỹ sẽ thay đổi đảng cầm quyền. Như vậy sẽ là sự hỗ trợ lâu dài và ổn định của các quốc đảo phía Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới