Đức hạn chế nguồn vốn cho các doanh nghiệp đang phải vật lộn với chi phí năng lượng tăng cao, đẩy “xương sống” của nền kinh tế đến bờ vực phá sản.
Các công ty gia đình ở Đức, theo truyền thống được coi là xương sống của nền kinh tế Đức, đang đứng trước bờ vực phá sản – Bloomberg đưa tin hôm 9.3, trích dẫn số liệu kinh doanh và các nhà phân tích.
Chủ sở hữu của khoảng 3 triệu doanh nghiệp do gia đình điều hành được cho là coi các khoản đầu tư quan trọng vào công nghệ mới là không khả thi hoặc khó khăn. Các doanh nghiệp cũng phàn nàn về chi phí vay tăng cao và tình trạng quan liêu gia tăng.
Jens Krane – người đứng đầu bộ phận mua bán và sáp nhập tại Commerzbank AG, chuyên gia về các doanh nghiệp gia đình của Đức – cho biết: “Số lượng các công ty vừa và nhỏ của Đức sắp được rao bán đã tăng lên trong nhiều năm”.
Theo nhà phân tích, sự kết hợp giữa các quy định mới và nhu cầu đầu tư mạnh vào việc chuyển đổi hoặc mở rộng quy mô doanh nghiệp đã tạo ra cảm giác chán chường. Tình trạng này bị đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng năng lượng làm trầm trọng thêm.
Những điều kiện đầy thách thức được cho là đã khiến một số chủ sở hữu cân nhắc việc bán công ty, trong khi những người thừa kế ngày càng ít háo hức tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình.
Jan-Philipp Pfander, đối tác tại công ty tài chính doanh nghiệp Proventis Partners, cho biết: “Suy nghĩ của những người thừa kế đã thay đổi và ngày càng ít người thừa kế công ty sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm giám đốc điều hành cho cha mẹ họ”.
Tình hình càng trở nên khó khăn hơn sau khi tòa án hiến pháp Đức ra lệnh cho liên minh cầm quyền ngừng tài trợ quá mức ngoài ngân sách trong năm 2023. Berlin phải hạn chế chi tiêu, kéo theo hạn chế một số nguồn vốn dành cho các doanh nghiệp vốn đang phải vật lộn với chi phí năng lượng cao hơn.
T.P