Friday, December 27, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiCác nước lãi suất vay 3,5%, Việt Nam vẫn 7-9%, doanh nghiệp...

Các nước lãi suất vay 3,5%, Việt Nam vẫn 7-9%, doanh nghiệp đề nghị giảm tiếp

Tại hội nghị họp với Thủ tướng sáng nay, nhiều doanh nghiệp cho rằng lãi suất ngân hàng tại Việt Nam vẫn rất cao và việc tiếp cận vốn với lãi suất thấp rất khó khăn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi cùng các đại biểu.


Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam, thông tin: lãi suất vay của các quốc gia xuất khẩu dệt may cạnh tranh với Việt Nam ở mức 3,5%, nhưng Tập đoàn Dệt may Việt Nam hiện nay có mức vay trung bình khoảng 7% với doanh nghiệp tốt và khoảng 9% đối với doanh nghiệp xấu.

Năm 2023, dư nợ giảm 11% nhưng lãi phải trả tăng 10%, tức là so với năm 2022 thì giá vốn đắt hơn, so với năm 2021 có hỗ trợ thì lãi phải trả tăng 30%. Và đứng trên các hợp đồng tín dụng mà tập đoàn đang có của tháng 1, 2/2024 đến giờ phút này cũng chưa cho thấy được tổng lãi phải trả năm 2024 sẽ thấp đi so với năm 2023.

Cũng theo ông Trường cũng cho biết, hiện nay lãi suất giảm nhưng tiếp cận giải ngân rất khó. Trong khi đó, câu chuyện về chính sách hỗ trợ như thời kỳ COVID-19 đối với giai đoạn phục hồi này là hết sức quan trọng cho các ngành xuất khẩu.

Khó tiếp cận vốn vay lãi suất thấp

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group bày tỏ mong muốn doanh nghiệp bất động sản có khả năng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng có chi phí thấp hơn.

Hiện nay sự chênh lệch giữa các khoản vay của ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại nhà nước chênh khá lớn (từ 4-5%), doanh nghiệp mong muốn có sự thu hẹp khoảng cách này và nếu được thì các chi phí vay vốn giảm hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi.

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng cho biết, lãi suất vay hiện nay vẫn cao và rất khó tiếp cận.

“Chúng tôi rất mong muốn có thể hỗ trợ được lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất cho vay trung và dài hạn”, ông Hòa nhấn mạnh.

Đồng thời, ông Hoà cũng kiến nghị NHNN chỉ đạo các ngân hàng tăng hạn mức tín dụng cho Vietnam Airlines.

Nỗi lo biến động tỷ giá

Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lại bày tỏ nỗi lo lắng khi tỷ giá biến động.

Theo ông Hùng, hiện nay dư nợ vay ngoại tệ của PVN là 38.000 tỷ, tương đương khoảng 1.500 tỷ USD, do đó biến động và rủi ro tỷ giá ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn, đặc biệt trong việc quản trị rủi ro theo biến động của tỷ giá.

Thời gian tới, PVN mong muốn NHNN có các giải pháp để giữ cho tỷ giá ổn định, giúp doanh nghiệp giảm thiểu ảnh hưởng của biến động tỷ giá.

Đồng quan điểm, ông Đặng Ngọc Hòa cho rằng, đối với tỷ giá, như Vietnam Airlines là ngành hàng không thì 1% thay đổi tỷ giá cũng mất 300 tỷ, nếu mà 5% thì chi phí chúng tôi một năm tăng lên 1.500 tỷ.

“Vietnam Airlines rất mong muốn tỷ giá ổn định, ở mức thấp nhất có thể”, ông Hòa đề xuất.

‘5 tăng, 5 giảm, 5 tăng tốc, bứt phá’

Đó là yêu cầu của Thủ tướng đề ra với ngành ngân hàng khi phát biểu kết luận hội nghị.

“5 tăng” là: Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng động lực truyền thống; chất lượng pháp lý; tăng chất lượng tín dụng; tăng sự phối hợp ngân hàng, doanh nghiệp; tăng năng lực quản trị, điều hành; tính công khai, minh bạch, lãi suất huy động, cho vay và chống tín dụng đen; tăng cường giám sát, kiểm tra, phòng ngừa rủi ro, chống tham nhũng tiêu cực.

“5 giảm” là: giảm lãi suất cho vay; giảm chi phí giao dịch hoạt động; giảm thủ tục hành chính; giảm phiền hà sách nhiễu cho người dân; giảm tiêu cực, lợi ích nhóm trong hoạt động ngân hàng.

“5 tăng tốc bứt phá” có: tăng tốc bứt phá về số hóa; tăng tốc bứt phá về chất lượng dịch vụ; tăng tốc bứt phá về chất lượng nguồn nhân lực; tăng tốc bứt phá về hạ tầng ngân hàng; tăng tốc bứt phá về phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, đóng góp cho tăng trưởng.

Quan điểm chỉ đạo điều hành của Thủ tướng là: Bám sát tình hình và yêu cầu thực tiễn, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả.

Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không hoang mang, dao động; phải kiên trì, kiên định, kiên quyết thực hiện được các mục tiêu chiến lược đề ra; không điều hành “giật cục”.

Không ngừng đổi mới, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, nhanh chóng “xoay chuyển tình thế”, “chuyển đổi trạng thái”.

Theo Thủ tướng, 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với việc thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2021-2025. Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành ngân hàng cần quyết tâm, nỗ lực phải rất lớn trong bối cảnh tình hình tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Thủ tướng yêu cầu bám sát tình hình và yêu cầu thực tiễn, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không hoang mang, dao động; phải kiên trì, kiên định, kiên quyết thực hiện được các mục tiêu chiến lược đề ra; không điều hành “giật cục”; không ngừng đổi mới, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, nhanh chóng “xoay chuyển tình thế”, “chuyển đổi trạng thái”; giữ vững đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng của cả ngành ngân hàng với tinh thần: đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, đã quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa, đã hiệu quả rồi thì hiệu quả hơn nữa.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho đối với Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát tình hình thế giới, trong nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là điều hành hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá.

Đối với các tổ chức tín dụng, Thủ tướng yêu cầu quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn, hiệu quả và kiểm soát rủi ro thanh khoản.

Tiếp tục tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; thực hiện nghiêm túc việc công bố lãi suất cho vay bình quân để doanh nghiệp, người dân thuận lợi trong việc lựa chọn ngân hàng vay vốn.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới