Thursday, December 26, 2024
Trang chủThâm cung bí sửSố phận “lên voi,xuống chó” của Thư ký Hồ Diệu Bang

Số phận “lên voi,xuống chó” của Thư ký Hồ Diệu Bang

Lâm Mục, cựu thư ký của tổng bí thư ĐCSTQ Hồ Diệu Bang khi còn công tác ở Thiểm Tây, không những không được hưởng lợi từ vinh quang của Hồ Diệu Bang trong sự nghiệp chính trị, ngược lại, ông bị bức hại thê thảm, trước sau đã ba lần bị khai trừ đảng tịch, hai lần bị bỏ tù, còn bị cải tạo lao động trong 8 năm rưỡi.

Hôm nay, tôi sẽ kể cho bạn nghe về câu chuyện nhân sinh gian nan của Lâm Mục, thư ký của Hồ Diệu Bang, dựa trên cuốn tự truyện “Diệu Bang mang đến cho cá nhân tôi chỉ có ma nạn” của Lâm Mục và các thông tin khác.

Thân thế của Lâm Mục
Quê quán của Lâm Mục ở huyện Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang. Lâm Mục sinh ra ở Lộ Gia Trang, Tiểu Nam Ngoại, An Khang, Thiểm Tây. Ông nội của ông là một doanh nhân giàu có. Cha ông cũng là một doanh nhân, từng giữ chức vụ hội trưởng Hội Thương mại An Khang, hội trưởng Hội Phật giáo, hội trưởng Hội Từ thiện, viện trưởng Viện Cứu tế, tiếp xúc với mọi tầng lớp xã hội và tham gia vào Cách mạng Tân Hợi năm 1911.

Lâm Mộc từ nhỏ đã thông minh, thuộc lòng Tứ Thư Ngũ Kinh ở trường tư thục của gia đình, từ tiểu học đến trung học, thành tích đều rất ưu tú, năm 17 tuổi, năm thứ hai trung học, ông gia nhập Liên minh Dân chủ Trung Quốc, sau khi tốt nghiệp trung học năm 1946, ông đến Tây An thi tuyển sinh đại học liên tục trong 18 ngày, thi vào bốn trường đại học, thi hộ người khác hai trường đại học, kết quả đều trúng.

Ông được nhận vào Khoa Luật Đại học Tây Bắc, Khoa Điện tử Học viện Công nghệ Tây Bắc, Khoa Ngoại ngữ Đại học Phục Đán và Khoa Tài nguyên Nước Cao đẳng Nông nghiệp Tây Bắc. Trước tiên ông theo học tại Đại học Tây Bắc trong một năm, sau đó chuyển sang Viện Công nghệ Tây Bắc. Sau khi Liên minh Dân chủ bị Chính phủ Quốc dân đảng giải tán vào tháng 11 năm 1947, ông bắt đầu đọc chủ nghĩa Mác-Lê, từ theo đuổi tự do dân chủ chuyển hướng sang chủ nghĩa cộng sản.

Ngày 4 tháng 7 năm 1948, ông đưa hơn 20 sinh viên đến Diên An, đại bản doanh của ĐCSTQ, chuyển vào học tập tại Đại học Diên An; sau đó, ông được chuyển về Cục Tây Bắc và Ủy ban Quân chính Tây Bắc của ĐCSTQ. Ông gia nhập ĐCSTQ vào tháng 11 năm 1949, liên tiếp giữ chức vụ phó chủ nhiệm Ban Văn hóa và Giáo dục của Ủy ban Hành chính Tây Bắc, chủ nhiệm Văn phòng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thiểm Tây, kiêm sở trưởng Sở Khoa học Cao đẳng; từ năm 1960, ông giữ chức phó bí thư trưởng Tỉnh ủy Thiểm Tây, sau đó kiêm bí thư trưởng Tỉnh ủy, chủ nhiệm Văn phòng Thư ký.

Bị khai trừ đảng hai lần trong Cách mạng Văn hóa
Từ cuối năm 1964 đến tháng 3 năm 1965, với tư cách là phó bí thư tỉnh ủy Thiểm Tây và chủ nhiệm văn phòng Hồ Diệu Bang, Lâm Mục đã tham gia vào cuộc cải cách do Hồ Diệu Bang khởi xướng ở tỉnh Thiểm Tây nhằm “giải phóng tư tưởng, giải phóng con người, nới lỏng các chính sách để tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế”. Sau khi những cải cách của Hồ Diệu Bang bị phê phán, Lâm Mục phải chịu 12 năm bức hại chính trị. Trong thời gian này, ông hai lần vào tù, hai lần bị khai trừ khỏi đảng, bị đưa vào trại lao động trong 8 năm rưỡi.

Ngày 30/11/1964, Hồ Diệu Bang được điều động giữ chức bí thư thứ hai Cục Tây Bắc và bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Thiểm Tây. Lâm Mục trở thành thư ký bí mật của Hồ Diệu Bang.

Bắt đầu từ đầu tháng 12 năm 1964, Hồ Diệu Bang phát động “Duy tân Trăm ngày” ở tỉnh Thiểm Tây.

Có mười hai nội dung chủ yếu: Một là, giải phóng tư tưởng, không dập khuôn, không cưỡng cầu nhất chí. Hai là, chống cánh Tả. Ba là, giải phóng cán bộ cần làm được: Xử sai thì phải bình phản; xử nặng thì phải giảm án cho người ta; hiện tại nhất thời không rõ thì đừng hạn chế tự do của người ta, để cho người ta công tác, đợi đến khi làm rõ thì hãy đưa ra kết luận. Bốn là, giáo dục là chính, trừng phạt là phụ. Năm là, nắm bắt những điểm then chốt, nhìn hướng về phía trước. Sáu là, cổ động phát biểu và lắng nghe những ý kiến bất đồng. Bảy là, công vụ chính phủ phải công khai hóa, không được thần bí hóa. Tám là, dựa vào đa số quần chúng, không phải dựa vào thiểu số người để vận động quần chúng. Chín là, bảo vệ quyền lợi dân chủ của quốc dân, tôn trọng phong tục nhân tình. Mười là, khi học các tác phẩm của Mao Trạch Đông, cần học một cách có hệ thống, không tách rời không sao chép một cách cứng nhắc. Mười một là, đảo ngược quá trình nắm bắt cách mạng để thúc đẩy sản xuất, sản xuất đi trước, cách mạng theo sau; Mười hai là, trồng cây tạo rừng, trước tiên phải gieo hạt giống, mỗi cây mỗi cỏ phải có người chuyên kinh doanh, ai trồng người ấy sở hữu, không làm phân chia bình quân, mở núi trồng rừng, thúc đẩy đổi mới.

Những ý tưởng này của Hồ khác xa với quan điểm của Mao Trạch Đông, người luôn kiên trì “lấy đấu tranh giai cấp làm chủ chốt”, và khác xa các xu hướng tư tưởng cực tả đang thịnh hành trong quan trường ĐCSTQ lúc bấy giờ. Một số ý tưởng của ông bị coi là “đại nghịch bất đạo” theo tiêu chuẩn chính trị thời bấy giờ.

Tháng 3 năm 1965, khi Hồ Diệu Bang trở về Tây An sau một thời gian dài làm việc ở cấp cơ sở, điều chờ đợi ông không là hoa, những tràng pháo tay khen ngợi, mà là đại phê phán kiểu cuồng phong bạo vũ.

Ngày 2 tháng 10 năm 1965, Trung ương ĐCSTQ thông báo Hồ Diệu Bang bị cách chức bí thư thứ hai Cục Tây Bắc và bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Thiểm Tây, Hồ Diệu Bang được nguyên soái Diệp Kiếm Anh của ĐCSTQ đưa về Bắc Kinh khi đang thị sát Tây An.

Sau khi Hồ Diệu Bang bị phê phán, thư ký Lâm Mục của ông cũng phải chịu số phận. Tại sao? Sau khi Hồ Diệu Bang bị phê phán, Lâm Mục đã ba lần viết thư cho Trung ương ĐCSTQ để bảo vệ Hồ Diệu Bang.

Trước khi Cách mạng Văn hóa bùng nổ, Lâm Mộc đã bị phê phán bảy lần, bị đình chỉ chức vụ và bị khai trừ đảng, nhưng việc này không được công bố.

Ngày 16 tháng 5 năm 1966, Cách mạng Văn hóa bùng nổ. Tại tỉnh Thiểm Tây, Hồ Diệu Bang một lần nữa vấp phải sự phê phán kịch liệt. Lâm Mục bị đưa đi lớp huấn luyện tập trung, tiếp tục bị phê đấu.

Tối ngày 16/6/1966, Lâm Mộc uống hơn 100 viên thuốc ngủ, muốn chết quách cho xong. Tuy nhiên, sau khi được phát hiện, ông đã được đưa đến bệnh viện để cấp cứu, và 24 giờ sau, ông đã sống lại.

Ngày 18/6/1966, Cục Tây Bắc và Tỉnh ủy Thiểm Tây quyết định tiến hành cách ly thẩm tra Lâm Mục. Các thành viên của tổ chuyên án bao gồm: tổ trưởng Tổ Chính pháp Cục Tây Bắc, Sở trưởng Công an tỉnh Thiểm Tây và hiệu trưởng Học viện Cảnh sát tỉnh Thiểm Tây.

Trong lần cách ly thẩm tra này, nơi giam giữ của ông bị đổi bốn lần: lần đầu tiên ông bị giam tại Khoa Thần kinh của Đại học Quân y số 4; lần thứ hai ông bị giam tại Nhà khách của Bộ Công an ở Hạ Gia Thập Tự, phố Tây, Tây An; lần thứ ba ông bị giam trong một viện ở gần Công viên Hồ sen; lần thứ tư ông bị giam tại Trại giam Sở Công an tỉnh Thiểm Tây.

Ông bị dán nhãn “phần tử cốt cán của tập đoàn phản đảng”, “đặc vụ Quốc dân đảng”, “phần tử phản cách mạng”, v.v., và lần nữa bị khai trừ khỏi đảng.

Vào tháng 5 năm 1967, Lâm Mục bị chuyển từ đối tượng “cách ly thẩm tra” sang đối tượng “giam giữ quân sự” và bị giam tại Viện 73 Tây An. Đương thời, viện này giam giữ 73 người, có viện lớn viện nhỏ, mỗi người ở một phòng, không ai được liên lạc với ai.

Mãi đến ngày 10 tháng 9 năm 1969, có người trong Ủy ban Cách mạng tỉnh Thiểm Tây tuyên bố: Thứ nhất, Lâm Mục trong lịch sử không có vấn đề về phản bội đặc vụ, có nhận thức đối với sai lầm của mình; Thứ hai, kết thúc việc giam giữ quân sự, trở về đơn vị ban đầu, tiếp thụ phê phán và giám sát của quần chúng.

Lý do là: Tại Bắc Kinh, trước khi Đại hội IX của ĐCSTQ được tổ chức, Mao Trạch Đông đã chỉ định Hồ Diệu Bang và hai “tiểu quỷ đỏ” khác của năm đó tham dự Đại hội IX. Hồ Diệu Bang tham dự Đại hội IX của ĐCSTQ, được coi là “được giải phóng”, thư ký của ông, Lâm Mục cũng được “giải phóng một nửa”.

Tuy nhiên, khi đó, trào lưu tư tưởng cực tả vẫn rất lợi hại, những kẻ muốn chỉnh Hồ Diệu Bang ở tỉnh Thiểm Tây vẫn nắm quyền, nên Lâm Mộc chưa được “giải thoát” thật sự. Ông trước tiên bị gửi đến “Trường Cán bộ 7 tháng 5” trong bốn năm rưỡi để cải tạo bằng lao động, và sau đó lại bị chuyển đến Thương Lạc để cải tạo lao động bốn năm nữa.

Vào tháng 11 năm 1978, hai năm sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc, Lâm Mục mới được phục hồi chức vụ, lần lượt giữ chức vụ phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thiểm Tây, cục trưởng Cục Quản lý Cán bộ Khoa học Công nghệ của Bộ Lao động và Thương mại, bí thư Đảng ủy Trường Đại học Tây Bắc.

Bị khai trừ khỏi Đảng lần thứ ba sau vụ thảm sát Thiên An Môn
Ngày 15 tháng 4 năm 1989, nguyên tổng bí thư Trung ương ĐCSTQ Hồ Diệu Bang qua đời.

Sinh viên Đại học Bắc Kinh và nhiều trường đại học khác đã tới Quảng trường Thiên An Môn để tưởng nhớ Hồ Diệu Bang. Chẳng bao lâu, các hoạt động tưởng niệm đã phát triển thành phong trào dân chủ có tính toàn quốc “chống quan chức hủ bại, chống tham nhũng, đòi dân chủ, đòi tự do”.

Sau cái chết của Hồ Diệu Bang, Lâm Mục được Nhà xuất bản Tư liệu Lịch sử ĐCSTQ mời đến Bắc Kinh để viết một bài tưởng nhớ Hồ Diệu Bang.

Ngày 17 tháng 5 năm 1989, khi Lâm Mục đến Quảng trường Thiên An Môn để thăm các sinh viên trẻ tuyệt thực, ông đã viết một tuyên bố công khai “Dành tặng những người đáng yêu nhất ở Trung Quốc đương đại – những anh hùng nhân dân tình nguyện tuyệt thực”, bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với cuộc vận động dân chủ ái quốc của học sinh sinh viên.

Sau khi Đặng Tiểu Bình làm ra vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989, Tỉnh ủy Thiểm Tây thành lập tổ điều tra vấn đề Lâm Mục, với sự tham dự của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật tỉnh, Ban Công tác Giáo dục Đại học tỉnh và bí thư Ủy ban Thanh tra Kỷ luật của Đại học Tây Bắc.

Ngày 19 tháng 7 năm 1990, Lâm Mục viết một bức thư cho Đặng Tiểu Bình và Trung ương ĐCSTQ với tựa đề “Lời can gián trung nghĩa cuối cùng”, đồng thời yêu cầu người phụ trách Tỉnh ủy Thiểm Tây chuyển nó, nghe nói Tỉnh ủy đã làm.

Lâm Mộc viết trong bài báo: “Đương thời, tôi biết Đặng Tiểu Bình là người không từ thủ đoạn để duy hộ quyền lực chuyên chính của một cá nhân, một đảng, một người không biết hối cải. Tại sao tôi phải đưa ra ‘Lời can gián trung nghĩa cuối cùng’? Có hai lý do cho điều này: một là đạo đức truyền thống in sâu trong đầu não tôi đã khởi tác dụng, tôi nghĩ: Dù thế nào đi chăng nữa, tôi đã là đảng viên 40 năm, và Đặng Tiểu Bình cũng đã đóng một vai trò trong việc bình phản của cá nhân tôi sau Cách mạng Văn hóa, có ‘một giọt ân tình’, trước khi ly khai đảng Cộng sản, tôi nên có ‘lời khuyến gián trung nghĩa cuối cùng’ dù ‘biết rằng mình không thể làm được nhưng vẫn làm’, để tôi không phụ đảng và Đặng Tiểu Bình, mà đảng Cộng sản và Đặng Tiểu Bình có trách nhiệm trước nhân dân, cũng có trách nhiệm với tôi. Một điểm nữa là, tôi đương thời không muốn nhẫn chịu việc liên lụy đến thanh tra và khuyến hàng, nên tôi chỉ đơn giản làm mọi thứ có thể để khiến họ khai trừ tôi khỏi đảng sớm hơn một chút.”

Tháng 10 năm 1991, Lâm Mục bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật tỉnh Thiểm Tây khai trừ đảng vì từ chối thừa nhận sai lầm.

Ủng hộ làn sóng lớn “thoái đảng”
Tháng 11 năm 2004, The Epoch Times xuất bản loạt bài xã luận “Cửu bình về ĐCSTQ”, thông qua truy tìm nguồn gốc lịch sử và hiện thực, lý luận và thực tiễn, biểu hiện và bản chất của ĐCSTQ, đưa bản chất “Giả, ác, đấu, phản thiên, phản địa, phản nhân loại, phản Thần Phật” của ĐCSTQ phơi bày trước thiên hạ. Điều này đã dẫn phát một làn sóng lớn thoái xuất khỏi đảng, đoàn, đội của ĐCSTQ.

Vào tháng 4 năm 2005, Lâm Mục nói trong một cuộc phỏng vấn với các phóng viên: “ĐCSTQ đàn áp lực lượng dân chủ tự do, cản trở trào lưu dân chủ tự do. Bản thân ĐCSTQ không thể chủ động tiến tới dân chủ tự do. Nền dân chủ tự do của Trung Quốc chủ yếu cần dựa vào sự phát huy của hai lực lượng: Một là nhân dân, một nữa là xã hội quốc tế, hình thành một sự thúc đẩy từ dưới lên trên, từ ngoài vào trong. Kinh nghiệm của Liên Xô cũ, Đông Âu và các nước trên con đường đi tới tự do dân chủ, tất cả đều là để chúng ta học hỏi.”

“Thoái đảng là bày tỏ sự bất bình và thất vọng với đảng Cộng sản, đồng thời thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa Trung Quốc một cách hòa bình và lý tính. Hơn nữa, còn có một ưu điểm khác là sau này khi ĐCSTQ bị thanh toán, những người thoái đảng sẽ không phải gánh chịu trách nhiệm hay bị liên lụy với đảng.”

Vào khoảng 3 giờ chiều ngày 15 tháng 10 năm 2006, Lâm Mục đã thanh thản qua đời khi đang ngủ trưa tại nhà ở tuổi 79.

Những năm đầu, Lâm Mục theo đuổi nền dân chủ tự do Anh-Mỹ, sau đó, ông lạc lối và trở thành một trong những “nhân tài ưu tú” của ĐCSTQ, hứng chịu đủ mọi ma nạn và sự đả kích; Những năm cuối đời, ông đã thức tỉnh, quyết liệt ly khai đảng, phấn đấu vì tự do, dân chủ, nhân quyền, pháp trị của Trung Quốc cho đến thời khắc cuối cùng.

Sau khi Lâm Mục qua đời, ông được các nhà dân chủ trong và ngoài nước đánh giá cao. Hoàng Hà Thanh, một nhà dân chủ sống ở Tây Ban Nha, đã xuất bản một câu đối phúng để tưởng nhớ tiên sinh Lâm Mục.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới