Wednesday, November 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Thái Bình” trong tầm…tên lửa?

“Thái Bình” trong tầm…tên lửa?

“Thái Bình” trong tầm… tên lửa, chỉ là một cách nói mà nhiều người dùng chỉ tình trạng bất an của đảo Thái Bình Đài Loan quản lý, hiện đã nằm gọn dưới tầm đại bác bố trí tại các đảo gần đó mà Bắc Kinh cưỡng chiếm trái phép.

“Đại công trường” của Trung Quốc trên đảo Vành Khăn (ảnh chụp tháng 2/2022)

Cảnh báo về tình trạng bất an này được bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp (Joseph Wu) đưa ra ngày 20/3/2024, và ngay sau đó, lan tỏa trên các tờ báo lớn quốc tế, rằng: Trung Quốc đã xây dựng các căn cứ quân sự “khổng lồ” trên ba hòn đảo xung quanh nơi trú đóng chính của Đài Loan ở Biển Đông. Các căn cứ quân sự này chính là các đảo Xubi, Chữ Thập và Vành Khăn. (Cả ba đều nằm trong quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam). Còn “nơi trú đóng chính của Đài Loan ở Biển Đông” là đảo có tên là Itu Aba, Đài Loan gọi là Thái Bình, Việt Nam gọi là đảo Ba Bình, cũng nằm trong quần đảo Trường Sa.

Việc cố ý nhấn mạnh từ “khổng lồ” cho thấy, người đứng đầu cơ quan ngoại giao của Đài Loan cố ý gửi tới Bắc Kinh và cộng đồng quốc tế thêm một thông điệp nghiêm trọng nữa về sự lo ngại Ba Đình có thể thành một điểm “nóng” trong vấn đề Đài Loan nói riêng, và Biển Đông nói chung.

Cải tạo và quân sự hóa các đảo, đá chiếm được trên Biển Đông chẳng phải bây giờ Bắc Kinh mới triển khai. Ngược lại, từ lâu, các chuyên gia quân sự và quốc tế đã biết, phản ảnh, phản đối và lo ngại về điều đó. Chính Bắc Kinh, trước những hoài nghi, cảnh báo của cộng đồng quốc tế, cũng đã thừa nhận, ít nhất, từ cách đây gần 10 năm.

Nhiều người còn nhớ, ngày 10/4/2015, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, phát biểu trước truyền thông quốc tế, đã nói rằng: “Chúng tôi đang thiết lập các điểm lưu trú hỗ trợ cho lưu thông hàng hải và công tác tìm kiếm cứu hộ, cũng như cho các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn trên biển. Điều này sẽ giúp cung cấp những dịch vụ cần thiết cho Trung Quốc, các nước láng giềng và những tàu thuyền cá nhân di chuyển trong Biển Đông”. Điều đặc biệt, trong lần tiết lộ hiếm hoi này, sau cố ý trấn an dư luận bằng việc nhấn mạnh ý nghĩa dân sự của việc xây dưng các đảo, bà Hoa Xuân Oánh cũng buộc phải úp mở: “Các công trình xây dựng trên các quần đảo tại biển Đông được tiến hành nhằm mục đích đáp ứng “các nhu cầu cần thiết” cho quốc phòng Trung Quốc…”. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là Trung Quốc, cãi lấy được. Một cách lỳ lợm, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Các công trình xây dựng (trên các quần đảo ở biển Đông của Trung Quốc) là một vấn đề hoàn toàn nằm trong phạm vi thuộc chủ quyền Trung Quốc. Đây là một vấn đề công bằng, hợp lý và hợp pháp và không có mục đích nhằm chống lại bất kỳ quốc gia nào. Đây cũng là vấn đề không thể tranh cãi”.

Cùng thời điểm đó, Hà Nội cũng đã cáo giác Bắc Kinh với, qua việc làm um lên trên truyền thông rằng: Từ năm 1988, ngay sau khi chiếm được đảo Xubi – một trong số 7 bãi đá bị Trung Quốc chiếm giữ phi pháp tại quần đảo Trường Sa – phía Trung Quốc đã gấp rút xây dựng căn cứ quân sự với nhà ở tạm cho binh sĩ, công sự phòng thủ và từng bước nâng cấp, xây mới thành tòa nhà bê tông 3 tầng kiên cố đặt trên bệ xi măng cao 2 m chắn sóng, có bến neo đậu xuồng cao tốc, cùng hệ thống thông tin liên lạc hiện đại, các tổ hợp súng phòng không trấn giữ 4 góc của tòa nhà…

Tới năm 2015, Hà Nội lại tổ chức để cánh báo chí các chuyến tác nghiệp ngang qua các đảo, đá bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Sau chuyến đi, báo chí Việt Nam, và cả một số tờ báo nước ngoài, đã mô tả Xu Bi đang như một “đại công trường khổng lồ”, tập trung lượng lớn các tàu thuyền, phương tiện cơ giới hiện đại với gần 30 cần cẩu cỡ lớn đặt trên đảo, dưới tàu vận tải hối hả hoạt động; trạm phát điện đặt cuối bãi chạy hết công suất, xả khói đen sì; ở trung tâm, nơi đặt trạm ra đa và tòa nhà ở cũ, đang được xây dựng nhà cao tầng và một số đơn nguyên 1-2 tầng đã sắp hoàn thiện dọc chiều dài bãi đá…Cũng các tờ báo trên tố cáo: không chỉ XuBi, tại các đá Chữ Thập, Vành Khăn cũng có các “đại công trường”, thi công hối hả bất kể ngày đêm…

Tới năm 2019, Việt Nam thậm chí còn cáo giác tại đá Chữ Thập, phía Bắc Kinh đã xây dựng hệ thống công trình ngầm rất lớn và 9 cầu tàu đảm bảo đón nhận tàu trọng tải hàng vạn tấn; rất nhiều thiết bị thông tin liên lạc được lắp đặt trong căn cứ.

Không chỉ Hà Nội, là một bên không có yêu sách chủ quyền trực tiếp trên Biển Đông, hoạt động cơi nơi, cải tạo, quân sự hóa biến các đảo, đá chiếm đóng trái phép của Trung Quốc cũng bị Washington “soi” và đưa thông tin từ lâu.

Tháng 3/2019, Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ – ông John C. Aquilino cho biết Trung Quốc đã quân sự hóa hoàn toàn ít nhất ba trong số các đảo XuBi, Chữ Thập, Vành Khăn. Quan chức hải quân Mỹ này đồng thời, khẳng định thêm: Trung Quốc đã cho trang bị các hệ thống tên lửa phòng không và chống hạm, laser, thiết bị gây nhiễu, và máy bay chiến đấu tại các đảo nhân tạo này. Việc xây dựng các kho vũ khí tên lửa, nhà chứa máy bay, hệ thống radar và các cơ sở quân sự khác trên dường như đã hoàn thành, mở rộng khả năng tấn công của Trung Quốc ra bên ngoài các bờ lục địa bằng cách kích hoạt máy bay chiến đấu, máy bay ném bom cộng với tất cả các khả năng tấn công của hệ thống tên lửa”.

Như vậy, tận thời điểm này, nghĩa là xa tới gần 10 năm sau những phát hiện và tố cáo Việt Nam, thay vì lặng im như mọi khi, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan mới chính thức lên tiếng bày tỏ lo lắng về việc Trung Quốc quân sự hóa ba đảo bên cạnh Ba Bình họ đang kiểm soát, là quá muộn.

Sự muộn màng này liệu có thể lý giải rằng: trước đó, Đài Bắc chưa nghĩ, hoặc hoài nghi khả năng Trung Quốc dám theo đuổi giải pháp thu hồi Đài Loan bằng vũ lực, vì sau Đài Loan, còn là Mỹ.

Còn hiện nay, thời thế khác rồi. Khác ở chỗ, Trung Quốc đâu yếu ớt, nghèo hèn như ngày xưa, mà đã thành siêu cường đúng nghĩa. Khác ở chỗ, Mỹ, dù tuyên bố sẽ hành động, nhưng khi Trung Quốc khai hỏa, liệu người Mỹ có trở lại bản tính thực dụng của mình, hay nói cách khác, có chịu hy sinh hoàn toàn một đối tác thương mại lớn, chỉ để đổi lấy việc thể hiện cho thiên hạ thấy mình trung thành với những cam kết?

Vậy nên, một khi đảo Thanh Bình (tức Ba Bình) – hòn đảo vốn đang bị đe dọa bởi nhiều loại vũ khí tối tân từ đại lục, nay lại nằm gọn trong tầm đại bác từ “tam bề” là các đảo XuBi, Chữ Thập và Vành Khăn, Đài Loan sao thể không lo ngại. Lo tới mức nào, thì họ mới chịu từ bỏ cách hành xử kiểu “ngậm miệng ăn tiền” là chính, trong vấn đề Biển Đông, như lâu nay vậy.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới