BienDong.Net: Vụ Philippinnes đâm đơn kiện “Đường lưỡi bò” phi lí vẫn tiếp diễn bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh khi một thẩm phán Ba Lan được đề cử đại diện cho Trung Quốc trong vụ kiện đang gây ầm ĩ công luận từ nhiều tháng nay.
Theo trang mạng Rappler.com của Philippines, một quan chức cao cấp trong chính quyền Manila ngày 24.03.2013 cho biết Chánh án Toà án Quốc tế về Luật Biển ITLOS, ông Shunji Yanai người Nhật Bản, đã quyết định chọn thẩm phán Ba Lan Stanislaw Pawlak làm đại diện cho Trung Quốc trong tiến trình tài phán liên quan đến vụ tranh chấp lãnh thổ ở vùng Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.
Quang cảnh một phiên xử tại Tòa án Quốc tế về Luật Biển ITLOS
Quyết định này được đưa ra sau khi Trung Quốc đã không đề cử người đại diện cho họ trong thời hạn 60 ngày do Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) quy định.
Trước đó, ngày 19.02, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, Trung Quốc đã trả lại Philippines công hàm thông báo của nước này về việc đưa tranh chấp về Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc ra Tòa án quốc tế.
Những gì phía Philippines đưa ra “không chỉ vi phạm tính đồng thuận được nêu trong bản Tuyên bố về Ứng xử trên Biển Đông (DOC) giữa các bên liên quan, mà còn bóp méo sự thật và có những cáo buộc sai lầm” – ông Hồng Lỗi nói trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh.
Ông Hồng Lỗi còn nhấn mạnh rằng Trung Quốc hy vọng Philippines sẽ tôn trọng cam kết của mình bằng cách không tiến hành bất kỳ hành động nào có thể làm phức tạp thêm vấn đề, tích cực đáp ứng đề nghị của Bắc Kinh về việc thiết lập các cơ chế đối thoại song phương về tranh chấp lãnh hải và giải quyết vấn đề này thông qua đàm phán song phương.
Sinh năm 1933, thẩm phán Ba Lan Stanislaw Pawlak về làm việc tại ITLOS đóng ở Hamburg, Đức, từ năm 2005. Ông là tác giả nhiều quyển sách và bài viết về luật quốc tế và về bang giao quốc tế, trong đó có những công trình về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ với Nhật Bản và Trung Quốc. Trong lĩnh vực luật biển, thẩm phán Pawlak là tác giả của hai bài viết : «Thẩm quyền của Toà án quốc tế về Luật Biển» công bố năm 2009, và «Những suy nghĩ về các nhân tố ảnh hưởng đến việc phân định ranh giới trên biển», viết năm 2011.
Với việc đâm đơn kiện Trung Quốc, Philippines đã chính thức bác bỏ đòi hỏi của Trung Quốc giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở đàm phán tay đôi vốn đem lại lợi thế cho Trung Quốc với sức mạnh kinh tế quân sự áp đảo của họ.
Philippines cho rằng họ đã đi đúng hướng khi đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông ra tòa án quốc tế về Luật Biển. Ngoại trưởng Philippines – Albert del Rosario khẳng định, cái gọi là “đường lưỡi bò” bao chiếm hầu hết lãnh thổ và lãnh hải ở Biển Đông là bất hợp pháp. Việc phản đối “đường lưỡi bò” của TQ là việc triển khai chính sách của Tổng thống Aquino về một giải pháp hòa bình dựa trên cơ sở pháp lí đối với các tranh chấp trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS năm 1982.
Trước việc Trung Quốc phản đối đưa tranh chấp Biển Đông ra tòa án Liên Hiệp Quốc, cả Mỹ và EU đều đã có thái độ ủng hộ Philippines khi cho rằng quyết định của quốc gia Đông Nam Á là động thái tốt nhằm đảm bảo tình hình an ninh khu vực và thế giới. Phát biểu trong khuôn khổ chuyến thăm của một nhóm các nhà lập pháp EU tại Philippines hôm 15.2, ông Werner Langen – trưởng phái đoàn cho biết EU ủng hộ quyết định đưa tranh chấp Biển Đông ra tòa án Liên Hiệp Quốc. “EU đứng về phía Philippines”, ông nhấn mạnh.
Ông Langen còn nói thêm: “Các nghị viên quốc hội EU tin tưởng hành động pháp lí của Philippines là một ‘động thái tốt’ để đảm bảo tình hình an ninh khu vực cũng như trên thế giới. Đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế là một lựa chọn thông minh và chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ chấp nhận điều này vì nó đưa cả hai bên tới một giải pháp.”
Trong khi đó, theo tờ Inquirer, tân Ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry cũng bày tỏ ủng hộ UNCLOS trong cuộc điện đàm với ngoại trưởng Philippines mới đây..
Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, thủ tục trọng tài vẫn được tiến hành, bất chấp phản đối của bên bị đơn, do đó sau khi Tòa án Liên Hiệp Quốc về Luật Biển chỉ định thẩm phán đại diện cho bên Trung Quốc, trong vòng 30 ngày tới đây, chánh án Yanai sẽ phải cử thêm 3 thành viên còn lại trong ủy ban trọng tài, và kể từ lúc đó thủ tục tài phán sẽ có thể bắt đầu.
Các nhà phân tích cho rằng nếu Trung Quốc tiếp tục từ chối tham gia vụ kiện này, quá trình tố tụng sẽ vẫn được tiếp tục, nhưng sẽ mất nhiều thời gian. Theo AFP, Trung Quốc có thể lựa chọn bác bỏ phán quyết cuối cùng của tòa án. Tuy nhiên, nếu như phán quyết của Tòa án Quốc tế về luật biển cho rằng đòi hỏi của Trung Quốc là trái pháp lí thì đó sẽ là một đòn giáng mạnh về ngoại giao đối với nước này./.
BDN ( tổng hợp theo RFI và các nguồn tin trên Internet )