Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza nhờ Mỹ bỏ phiếu trắng. Israel đã giận dữ tuyên bố không tuân thủ. Vậy nghị quyết này có tác động ra sao?
Sau nhiều nỗ lực thất bại, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức giữa Israel và lực lượng Hamas, đồng thời thả ngay và vô điều kiện tất cả các con tin.
Đây gần như là một cú sốc đối với Israel, đồng minh lâu đời của Mỹ, khi Washington bỏ phiếu trắng thay vì phủ quyết như trong nhiều năm qua.
Tác động của nghị quyết đến tình hình ở Dải Gaza
Đại sứ Israel tại Liên Hiệp Quốc Gilad Erdan chỉ trích Hội đồng Bảo an vì đã thông qua nghị quyết ngừng bắn “mà không đặt ra điều kiện về việc thả con tin”.
“Nghị quyết làm suy yếu nỗ lực nhằm đảm bảo trả tự do cho con tin”, ông Erdan nói tại Liên Hiệp Quốc.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Israel Katz nói trên mạng xã hội X (Twitter) rằng đất nước của ông sẽ không tuân thủ nghị quyết.
“Israel sẽ không ngừng bắn. Chúng tôi sẽ tiêu diệt Hamas và chiến đấu cho đến khi những con tin cuối cùng trở về nhà”, ông Katz viết trên X.
Ban đầu, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã trả đũa việc Mỹ bỏ phiếu trắng bằng cách hủy chuyến đi đã lên lịch tới Mỹ của hai cố vấn hàng đầu của ông. Tới ngày 27-3, giới chức Israel cho biết nước này đã yêu cầu Nhà Trắng lên lịch lại cho phiên họp cấp cao bàn về kế hoạch quân sự tấn công thành phố Rafah (phía nam Dải Gaza).
Gabriela Shalev, cựu đại sứ Israel tại Liên Hiệp Quốc, nhận định: “Trên thực tế… tôi nghĩ rằng nghị quyết không có tác dụng ngay lập tức. Nhưng tất nhiên nó có tác dụng đạo đức và tổng thể”.
Tính ràng buộc của nghị quyết với Israel
Theo Đài CNN, sau khi nghị quyết được thông qua, các quan chức Mỹ đã nỗ lực hết sức để nói rằng nghị quyết này “không mang tính ràng buộc” (về pháp lý – PV).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller liên tục khẳng định trong cuộc họp báo mới đây rằng nghị quyết này không mang tính ràng buộc, trước khi thừa nhận rằng các chi tiết sẽ do các luật sư quốc tế xác định.
Tương tự, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby và đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield đều nhấn mạnh rằng nghị quyết này “không mang tính ràng buộc”.
Tuy nhiên, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Zhang Jun phản bác rằng những nghị quyết như vậy thực sự “có tính ràng buộc”. Phó phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc Farhan Haq cho biết các nghị quyết của Hội đồng Bảo an là luật pháp quốc tế, “vì vậy ở mức độ đó, chúng có tính ràng buộc như luật pháp quốc tế”.
Các chuyên gia cho biết một nghị quyết có tính ràng buộc hay không còn phụ thuộc vào ngôn ngữ được sử dụng, vì ngôn ngữ mơ hồ sẽ tạo khoảng trống cho việc diễn giải.
Trong trường hợp này, đã có nhiều ý kiến khác nhau về việc liệu nghị quyết thuộc chương VI của Hiến chương Liên Hiệp Quốc (được coi là không mang tính ràng buộc) hay chương VII (ràng buộc).
Nghị quyết mới nhất của Liên Hiệp Quốc có cụm từ: “yêu cầu” ngừng bắn. Maya Ungar, một nhà phân tích, cho biết: “Mỹ – theo truyền thống có cách giải thích hẹp hơn – lập luận rằng nếu không sử dụng từ “quyết định” hoặc nhắc đến chương VII trong văn bản, thì nghị quyết sẽ không mang tính ràng buộc”.
“Mấu chốt của vấn đề là ngôn ngữ của nghị quyết và các quốc gia thành viên giải thích hiến chương theo cách khác nhau”, bà Ungar nói.
Yossi Mekelberg, cộng tác viên của Chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Tổ chức nghiên cứu Chatham House ở London (Anh), cho biết ngay cả khi các chuyên gia pháp lý quyết định rằng nghị quyết này có tính ràng buộc, thì vẫn còn một câu hỏi là làm thế nào và ai có thể thực thi nó.
“Câu trả lời là không có ai”, Mekelberg nói với Đài CNN, đặc biệt là khi quốc gia có thể thực thi nghị quyết là Mỹ đã nhanh chóng tuyên bố rằng nghị quyết này không mang tính ràng buộc.
T.P