Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTriều Tiên có phải nhà nước xã hội chủ nghĩa

Triều Tiên có phải nhà nước xã hội chủ nghĩa

Trên thế giới hiện nay, có bao nhiêu nước xã hội chủ nghĩa? Đây là câu hỏi tưởng dễ nhưng lại không dễ chút nào. Đáp án có thể là bốn hoặc năm. Trong khi Trung Quốc, Việt Nam, Lào và Cuba được công nhận là các nước xã hội chủ nghĩa do các Đảng cộng sản lãnh đạo theo chủ nghĩa Mác-Lênin. Trường hợp của Triều Tiên khó xác định hơn nhiều. Bởi vì nước này đã chính thức thay thế học thuyết Mác-Lênin bằng thuyết chủ thể trong Hiến pháp năm 1972, sau đó loại bỏ các mối liên hệ với chủ nghĩa cộng sản trong Hiến pháp vào năm 2009. Vậy, Triều Tiên có còn là một nhà nước xã hội chủ nghĩa hay không?

Quốc kỳ Triều Tiên

Nhận diện Triều Tiên

Vào năm 1910, bán đảo Triều Tiên rơi vào tay Nhật Bản, bắt đầu thời kỳ đen tối của vùng đất này. Sau khi Đế quốc Nhật Bản bại trận vào năm 1945, đất nước lại bị chia đôi: miền Bắc do Liên Xô quản lý và miền Nam do Mỹ kiểm soát. Năm 1948, phía Nam bán đảo thành lập chính phủ Đại Hàn Dân Quốc, còn phía Bắc trở thành nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Người lãnh đạo đầu tiên của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là Kim Nhật Thành (tức là Kim Il-sung), một du kích Triều Tiên chống Nhật ở vùng Đông Bắc Trung Quốc. Ông từng đảm nhiệm các chức vụ Tổng Bí thư Đảng, Thủ tướng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng, Tư lệnh Tối cao Quân đội và Đại Nguyên Soái. Kim Nhật Thành qua đời năm 1994. Người thay thế để lãnh đạo Triều Tiên là con trai cả của ông, đó là Kim Jong-il. Năm 1994, chức danh chính thức của Kim Jong-il là Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và tới năm 1997 trở thành Tổng Bí thư Đảng. Trong khi đó, chức Chủ tịch nước đã bị bãi bỏ vào năm 1998, đồng thời tuyên bố ông Kim Nhật Thành là Chủ tịch vĩnh viễn.

Sau khi Kim Jong-il qua đời vào năm 2011, Hiến pháp tuyên bố ông là Tổng Bí thư vĩnh viễn của Đảng Lao động Triều Tiên và Chủ tịch vĩnh viễn của Ủy ban Quốc phòng. Chức danh lãnh đạo cao nhất của Đảng đã được đổi thành Bí thư Thứ nhất, đồng thời người con trai thứ năm là Kim Jong-un đã trở thành người kế vị với tư cách là Bí thư Thứ nhất của Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và Tư lệnh Tối cao Quân đội. Ngoài ra, ông Kim Jong-un còn được truyền hình nhà nước Triều Tiên tuyên bố là người thừa kế vĩ đại.

Trong khi đó, Quốc hội của Triều Tiên có tên là Hội đồng Nhân dân Tối cao. Từ năm 1990, cơ quan này có 687 ghế, với Đảng Lao động Triều Tiên nắm giữ 607 ghế, Đảng Dân chủ Xã hội có 51 ghế, Đảng Thanh hữu Thiên Đạo có 22 ghế, Tổng hội Liên hiệp người Triều Tiên tại Nhật Bản đang sở hữu năm ghế, còn lại là hai ghế độc lập. Tất cả các ứng cử viên của Hội đồng Nhân dân Tối cao đều do Mặt trận Dân chủ Thống nhất Tổ quốc lựa chọn. Về danh nghĩa, Mặt trận là tập hợp chính trị do Đảng Lao động Triều Tiên lãnh đạo và có sự tham gia của các chính đảng hợp pháp khác là Đảng Dân chủ Xã hội Triều Tiên và Đảng Thanh hữu Thiên Đạo, cùng với đó là Tổng hội Liên hiệp người Triều Tiên tại Nhật Bản, cũng như các cơ quan xã hội khác như Phong trào Tiên Phong Đoàn Thanh niên yêu nước xã hội chủ nghĩa, Hội Liên hiệp Phụ nữ Triều Tiên và Hội Chữ thập đỏ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Có thể thấy, hệ thống chính trị của Triều Tiên và các nước xã hội chủ nghĩa có nhiều nét tương đồng. Vậy tại sao nhiều người lại không coi quốc gia này là một nhà nước xã hội chủ nghĩa?

Đó là vì từ năm 1972, tư tưởng chủ thể đã thay thế chủ nghĩa Mác-Lênin trong Hiến pháp sửa đổi của Triều Tiên, trở thành ý thức hệ nhà nước chính thức. Hành động này là một sự phản kháng trước mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc. Tư tưởng này có nội dung chủ yếu là tự chủ về chính trị, tự túc về kinh tế và tự vệ về quốc phòng.

Dù vậy, chủ thể được định nghĩa như một cách áp dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin. Kim Nhật Thành cũng giải thích rằng chủ thể không phải có nguồn gốc từ Triều Tiên, mà trong khi vạch ra tư tưởng này, ông đã chú trọng tới một sự định hướng kế hoạch hóa vốn có của tất cả các quốc gia Mác-Lênin.

Năm 1991, Liên bang Xô Viết – nước cung cấp viện trợ kinh tế lớn nhất cho Triều Tiên – đã sụp đổ. Sau đó 7 năm, mọi điều liên quan tới chủ nghĩa Mác-Lênin đã bị xóa bỏ trong lần sửa đổi Hiến pháp năm 1998. Cùng với đó là sự ra đời của học thuyết Songun. Học thuyết này đã chính thức ghi rõ, quân đội mới là lực lượng cách mạng chính ở Triều Tiên, chứ không phải giai cấp vô sản hay giai cấp công nhân. Hiến pháp hiện hành của nước này năm 2009, cũng đã xóa bỏ tất cả các câu nói về chủ nghĩa cộng sản trong Hiến pháp trước, chỉ dùng các từ là tư tưởng chủ thể và chủ nghĩa xã hội, như trong lời mở đầu của Hiến pháp: “Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là quê hương xã hội chủ nghĩa của chủ thể, nơi áp dụng ý tưởng và sự lãnh đạo của các đồng chí vĩ đại Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật.”

Về mặt chính sách, nhà ở, giáo dục và y tế tại Triều Tiên, đều được miễn phí hoàn toàn. Người dân nước này không phải lo kiếm tiền để mua nhà, vì đã có nhà nước cấp; họ có giấy tờ sở hữu và quyền để lại cho con cháu, nhưng không có quyền mua bán nhà. Người dân Triều Tiên cũng không phải lo thất nghiệp, bởi vì sau khi học xong, tùy trình độ của mỗi người mà được phân bổ vào các vị trí phù hợp. Thời gian làm việc là 8 tiếng mỗi ngày, từ thứ Hai đến hết sáng thứ Bảy, còn lại là ngày nghỉ. Một năm có khoảng 15 ngày nghỉ lễ, trong đó dài nhất là Tết Trung Thu.

Triều Tiên vẫn theo hình thức bao cấp; hàng tháng, mỗi người sẽ được phát tem phiếu để đổi lấy các nhu yếu phẩm, bên cạnh đó còn có tiền lương. Người nào dư có thể gửi tiết kiệm ngân hàng với lãi suất 7% một năm. Như vậy, Triều Tiên vẫn là một nhà nước xã hội chủ nghĩa. Thế nhưng, Đảng Lao động Triều Tiên – là chính đảng duy nhất được phép cầm quyền tại nước này – hiện nay đã không còn được coi là một đảng cộng sản.

Tư tưởng chủ thể của Kim Nhật Thành

Kim Nhật Thành đưa ra khái niệm chủ thể hay Juche vào ngày 28/12/1955, trong bài diễn văn với tựa đề “Là để hạn chế chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa hình thức và thành lập chủ thể – một công trình ý thức hệ”. Bài diễn văn được đưa ra trong bối cảnh Đảng Lao động Triều Tiên đã có xung đột phe phái do Chiến tranh Triều Tiên, chính sách Phi Stalin hóa ở Liên Xô, mối quan hệ Liên Xô – Nam tư tan băng, cũng như quá trình tái thiết kinh tế sau chiến tranh. Kim Nhật Thành đã chỉ trích Liên Xô là tuyên truyền viên chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa hình thức.

Mặc dù ông muốn Liên Xô viện trợ cho đất nước mình, nhưng lại không muốn có các điều khoản đi kèm. Ví dụ, như Liên Xô muốn Triều Tiên ưu tiên công nghiệp nhẹ và hàng tiêu dùng hơn là công nghiệp nặng, nhưng điều này lại mâu thuẫn với mục tiêu của Kim Nhật Thành, đó là tập trung vào công nghiệp nặng và biến Triều Tiên trở thành một nền kinh tế độc lập và tự chủ. Do đó, đối thủ chính của Kim Nhật Thành là những người thuộc phe thân Liên Xô, đã tìm cách củng cố vị trí bằng cách liên minh với phe Yenan, tức những người Triều Tiên từng sống lưu vong ở Trung Quốc và gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tháng 8/1956, hai phe này có ý định lật đổ Kim Nhật Thành. Tuy nhiên, họ đã không thành công và bị thanh trừng.

Mặc dù Triều Tiên đã phản đối các nỗ lực Phi Stalin hóa của Liên Xô, thế nhưng nước này vẫn tránh chọn phe trong thời kỳ chia rẽ Trung – Xô, và tư tưởng chủ thể dần xuất hiện như một học thuyết tư tưởng có hệ thống trong thời kỳ này.

Vào ngày 14/4/1965, trong bài phát biểu về việc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và cuộc cách mạng tại Nam Triều Tiên, Kim Nhật Thành đã đặt ra ba nguyên tắc nền tảng của chủ thể là tự chủ về chính trị, tự túc về kinh tế và tự vệ về quốc phòng.

Về ngoại giao, Triều Tiên duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Liên Xô và Trung Quốc trong Chiến tranh Lạnh vì hai nước này đã hỗ trợ họ trong chiến tranh chống lại Mỹ. Tuy nhiên, Triều Tiên cũng phản đối những nỗ lực của Liên Xô và Trung Quốc nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Tới năm 1975, Triều Tiên đã được kết nạp vào Phong trào Không liên kết. Từ đó, nước này đã thể hiện mình là một nhà lãnh đạo của thế giới thứ ba, quảng bá chủ thể như một hình mẫu cho các nước đang phát triển noi theo. Thậm chí vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, Đảng Báo Đen của Hoa Kỳ cũng đã nghiên cứu chủ thể và tới năm 2016, Đảng Công nhân và Nông dân Nepal đã tuyên bố chủ thể là lý tưởng chủ đạo của họ.

Về kinh tế, Từ sau sự tàn phá của Chiến tranh Triều Tiên, nước này đã bắt đầu xây dựng lại nền kinh tế với nền tảng là công nghiệp nặng, với mục tiêu trở thành nước tự cung tự cấp nhất thế giới. Mặc dù họ nhận được viện trợ kinh tế và hỗ trợ kỹ thuật từ Liên Xô và Trung Quốc, nhưng nước này không tham gia Hội đồng Tương trợ Kinh tế và thị trường chung của các nước cộng sản. Cho đến những năm 1990, Triều Tiên là nước có tỷ lệ phụ thuộc vào dầu mỏ thấp nhất thế giới bởi họ sử dụng thủy điện và than thay vì dầu nhập khẩu.

Ngành dệt may của nước này thì sử dụng Vinilon, hay còn được gọi là sợi chủ thể, được sản xuất tại nhà máy có quy mô lớn tại Hamhung. Nó được phát minh bởi một người Hàn Quốc và được làm từ than đá và đá vôi có sẵn tại địa phương. Triều Tiên cũng đã chế tạo được những hệ thống máy gia công cơ khí được điều khiển tự động bằng máy tính, hay được gọi tắt là CNC. Nước này đã tự chế tạo được CNC vào năm 1995 đến 2017, Triều Tiên đã có khoảng 15.000 loại máy này.

Dù có tham vọng tự cung tự cấp, nhưng Triều Tiên vẫn phải dựa vào sự hỗ trợ kinh tế từ các quốc gia khác. Điển hình như sự giúp đỡ về vốn và công nghệ từ Liên bang Xô viết cho tới những năm 1991. Do đó, sau khi khối Đông Âu sụp đổ, nền kinh tế Triều Tiên cũng rơi vào khủng hoảng và gây nên nạn đói trên diện rộng giữa thập niên 1990. Tuy nhiên, sau đó Trung Quốc đã đồng ý thay thế Liên Xô để trở thành nhà cung cấp viện trợ chính, với hơn 400 triệu đô la hỗ trợ nhân đạo hàng năm. Triều Tiên cũng chính là nước nhận viện trợ lương thực lớn thứ hai thế giới vào năm 2005 và vẫn ở trong tình trạng thiếu lương thực kinh niên.

Về quân sự, Triều Tiên áp dụng chính sách Tiên quân, xây dựng một lực lượng quân đội khổng lồ và phát triển vũ khí hạt nhân.

Chính sách Tiên quân, quân đội chiến hết

Sau cái chết của Chủ tịch Kim Nhật Thành vào năm 1994, một chiến dịch tuyên truyền cho nhà lãnh đạo tài năng Kim Jong-il đã được triển khai trên một quy mô chưa từng có trong quân đội và các cơ quan an ninh. Đồng thời, vai trò của quân đội trong đời sống chính trị Triều Tiên cũng tăng lên. Ngay khi mới nhậm chức, Kim Jong-il đã phải đối mặt với thách thức to lớn trong vấn đề đối nội và đối ngoại, đặc biệt là tình trạng thiếu lương thực và thiếu nguyên liệu, dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống quản lý, đói nghèo và thất nghiệp hàng loạt, với hơn 80% doanh nghiệp công nghiệp không thể hoạt động. Trong điều kiện này, năm 1995, Kim Jong-il và những người thân cận của mình, chủ yếu là giới quân sự, thông qua quyết định không hoàn toàn dựa vào quân đội và đồng thời đưa ra chính sách Tiên Quân, tức là Songun trong tiếng Triều Tiên, nghĩa là quân sự trên hết. Chính sách này tập trung đến mức tối đa mọi nguồn lực đất nước vào việc tăng cường sức mạnh quân đội, với mục tiêu cao nhất là tái thống nhất dân tộc Triều Tiên.

Với chính sách Tiên quân, nước này đã trở thành một trong những quốc gia quân sự hóa lớn nhất trên thế giới. Triều Tiên xếp thứ 56 về dân số nhưng sở hữu lực lượng quân đội lớn thứ tư trên thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ – ba quốc gia có dân số đông nhất thế giới. Hiện tại, Triều Tiên có tới 1.280.000 quân nhân chuyên nghiệp, 600.000 quân nhân dự bị và 5.889.000 người trong lực lượng bán quân sự. Với dân số 25.972.000 triệu người vào năm 2021, nước này có 4,93% dân số là quân nhân chuyên nghiệp và 30% người dân tham gia vào các lực lượng quốc phòng.

Ở Triều Tiên, thời gian phục vụ trong quân ngũ trung bình đối với nam thanh niên là 10 năm và nữ thanh niên là 7 năm, đây là khoảng thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự dài nhất trên thế giới. Quân đội Triều Tiên cũng có khoảng 550 máy bay có khả năng chiến đấu, 290 trực thăng, 400 tàu chiến, 280 tàu đổ bộ, 70 tàu ngầm, 4.000 xe tăng, 2.500 xe bọc thép và 5.500 bệ phóng tên lửa.

Về năng lực hạt nhân

Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm đã báo cáo vào tháng 6/2022 rằng Triều Tiên có 20 đầu đạn. Nước này cũng có nguyên liệu, cụ thể là Urani-235 và Plutoni-239, để chế tạo thêm từ 45- 55 đầu đạn nữa. Từ tháng 10/2006 đến tháng 5/2009, Triều Tiên đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân. Tuy nhiên, dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tức từ năm 2011 cho đến nay, chương trình hạt nhân đã tăng tốc rõ rệt với bốn vụ thử hạt nhân và 160 vụ thử tên lửa, vượt xa số vụ thử được thực hiện trước đây.

Mặc dù vào năm 2018, sau hội nghị thượng đỉnh với Mỹ và Hàn Quốc, Triều Tiên đã đóng cửa địa điểm sản xuất nguyên liệu hạt nhân tại khu liên hợp và phản ứng Yongbyon. Tuy nhiên, vào tháng 8/2021, báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cho biết Triều Tiên đã bắt đầu sản xuất nguyên liệu phân hạch tại Yongbyon và vào giữa năm 2022, hình ảnh vệ tinh cho thấy việc xây dựng đã tiến triển. IAEA còn bày tỏ lo ngại rằng Triều Tiên đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ sáu.

Về năng lực tên lửa

Triều Tiên đã thử nghiệm hơn 100 tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, bao gồm tên lửa tầm ngắn, tầm trung, tầm xa, xuyên lục địa và tên lửa phóng từ tàu ngầm. Trong đó, Bình Nhưỡng đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân vào năm 2017. Cụ thể, tên lửa ICBM Hwasong-15 đã đạt độ cao 4.475 km và bay khoảng 1.000 km trước khi hạ cánh xuống vùng biển ngoài khơi Nhật Bản. Các nhà phân tích ước tính Hwasong-15 có tầm bắn tiềm năng là 13.000 km và nếu được bắn theo quỹ đạo phẳng hơn thì có thể vươn tới bất kỳ nơi đâu trên lãnh thổ Mỹ.

Kể từ đó, Triều Tiên đã phát triển một số tên lửa đạn đạo mới, chẳng hạn như trong cuộc duyệt binh vào tháng 10/2020, Bình Nhưỡng lần đầu công bố một ICBM lớn hơn Hwasong-M, được cho là có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân hoặc là mồi nhử để gây nhầm lẫn cho các hệ thống phòng thủ tên lửa. Tháng 3/2022, quốc gia này tiếp tục bắn thử tên lửa đạn đạo Hwasong-17, đây là ICBM lớn nhất của nước này và có tầm bắn ước tính lên tới 15.000 km. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính, thì Triều Tiên đã chi 4 tỷ đô la một năm cho quân đội trong giai đoạn từ năm 2009-2019, chiếm gần 1/4 GDP của nước này.

Chính sách Tịnh tiến phát triển cả kinh tế và quốc phòng

Năm 2012, trong bài phát biểu công khai lần đầu tiên với tư cách là nhà lãnh đạo Triều Tiên. Kim Jong-un nói rằng, ông sẽ không để người dân “thắt lưng buộc bụng” một lần nữa, sự thừa nhận thất bại từ chính một thành viên của gia đình cầm quyền họ Kim khi đó được xem là một động thái đáng ngạc nhiên. Năm 2013, Đảng Lao động Triều Tiên đã thông qua chính sách “Byungjin”, tức là “tịnh tiến”, để vừa phát triển kho vũ khí hạt nhân vừa cải thiện nền kinh tế, nhằm mục đích xây dựng Triều Tiên trở thành một cường quốc hạt nhân xã hội chủ nghĩa vĩ đại.

Nhưng phải mãi tới năm 2016, trong Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên lần thứ bảy, thì ông Kim Jong-un mới chính thức khởi động cải tiến, và ngay lập tức, nền kinh tế Triều Tiên đã thay đổi nhanh chóng. Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, bất chấp các lệnh trừng phạt của quốc tế, trong năm 2016, nền kinh tế Triều Tiên đã tăng trưởng 3,9%, đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong vòng 17 năm.

Diện mạo của thủ đô Bình Nhưỡng cũng thay đổi dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Kim Jong-un. Các khu chợ ngày càng xuất hiện nhiều trên cả nước, giới thương nhân và doanh nhân khởi nghiệp ngày càng tăng. Triều Tiên giờ đây đã có những trung tâm mua sắm hiện đại, từ tivi màn hình phẳng cho đến các mặt hàng gia dụng. Dịch vụ điện thoại di động cũng phát triển nhanh chóng tại đất nước này, với 3,2 triệu thuê bao, tức là cứ tám người thì có một chiếc điện thoại di động.

Thủ đô Bình Nhưỡng cũng đang chứng kiến sự bùng nổ nhu cầu xây dựng chưa từng có. Kể từ khi lên nhậm chức, Chủ tịch Kim Jong-un đã khánh thành nhiều tòa nhà chung cư mới với hàng nghìn căn hộ, đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh tại Triều Tiên. Các công trình như rạp hát, công viên nước, sân bay hay trung tâm công nghệ khoa học cũng xuất hiện khá nhiều. Tại sân bay Bình Nhưỡng, một nhà ga quốc tế mới đã đi vào hoạt động từ năm 2015. Đây là một sân bay hiện đại với trần cao, cửa kính, tiệm cà phê, cửa hàng và cả khu vực bán hàng miễn thuế. Ngành du lịch ở Triều Tiên cũng được đánh giá là có tiềm năng phát triển rất lớn, khi vào năm 2019 có 120.000 du khách Trung Quốc và 5.000 du khách phương Tây đã tới với nước này.

Trong số 740 người Triều Tiên đào tẩu từ năm 2016-2020, gần 40% nói rằng kế sinh nhai của họ dựa vào các hoạt động kinh tế tư nhân đã tăng mạnh so với tỉ lệ khoảng 27% trong giai đoạn 2006-2010. Tỷ lệ người tham gia khảo sát nói rằng họ sinh sống nhờ công việc tại các cơ sở quốc doanh như nhà máy và trang trại đã giảm từ 28,4% xuống 24,7%. Số người buôn bán tại các chợ ước tính khoảng 768 người trong giai đoạn từ 2016-2020, tăng gần gấp đôi so với giai đoạn 2006-2010.

Tuy nhiên, nền kinh tế Triều Tiên vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động kết hợp của các lệnh trừng phạt quốc tế, thiên tai và dịch COVID-19. Cùng với đó là nền kinh tế khép kín, khiến cho nước này tụt hậu so với thế giới. Hiện tại, Triều Tiên là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á, còn Hàn Quốc vừa là một trong những nước giàu nhất châu Á, vừa là nền kinh tế nằm trong số những nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Năm 2022, GDP của Hàn Quốc lên tới 1.717 tỷ đô la, lớn hơn 59 lần so với Triều Tiên, khi mà GDP của nước này chỉ là 29 tỷ đô la. Còn về thu nhập bình quân đầu người năm 2022, một người Triều Tiên chỉ kiếm được 1.116 đô la, con số này chỉ bằng 3/4 thu nhập trung bình của một người Hàn Quốc là 33.147 đô la.

Chính sách “quân đội trên hết” kéo dài, cùng với đó là các lệnh cấm vận do chương trình hạt nhân, đã làm cho nền kinh tế Triều Tiên suy yếu. Khi dịch COVID-19 diễn ra, nước này lại đóng cửa hoàn toàn với thế giới, hoạt động xuất nhập khẩu gần như bị cắt đứt hoàn toàn. Trong khi đó, mối quan hệ liên Triều lại trở nên căng thẳng khi Triều Tiên cắt đứt đường dây liên lạc với Hàn Quốc.

Nước này cũng tăng cường sức mạnh quân sự, khi Bình Nhưỡng đã đưa thành công vệ tinh do thám quân sự mang tên “Malligyong-1” lên không gian vào ngày 21/11/2023. Triều Tiên cho biết, vệ tinh này đã bắt đầu cung cấp hình ảnh về các địa điểm quân sự nhạy cảm ở Mỹ cũng như ở Hàn Quốc. Và họ cũng sẽ phóng thêm ba vệ tinh do thám quân sự và chế tạo máy bay không người lái trong năm 2024 để tăng cường sức mạnh của quân đội. Tuy nhiên, điều này cũng đã khiến quan hệ liên Triều dâng cao trở lại, với việc Hàn Quốc đình chỉ một phần thỏa thuận hợp tác quân sự ký vào năm 2018.

Đáp lại, phía Bình Nhưỡng đã hủy bỏ hoàn toàn thỏa thuận này và tiến hành hàng loạt các vụ thử nghiệm vũ khí. Trong khi đó, Seoul và Washington đang tăng cường hợp tác quốc phòng. Thậm chí vào ngày cuối cùng của năm 2023, lãnh đạo Triều Tiên, ông Kim Jong-un, đã tuyên bố từ bỏ chính sách được duy trì gần nửa thế kỷ nay, đó là tái thống nhất với miền Nam. Ông Kim cho biết Đảng Lao động Triều Tiên đã kết luận rằng việc thống nhất hai miền bán đảo là chuyện bất khả thi. Đồng thời, ông cũng sẽ không tìm cách hòa giải và thống nhất với Hàn Quốc nữa. Ông còn đề cập đến tình trạng khủng hoảng dai dẳng không thể kiểm soát trên bán đảo Triều Tiên, là do Mỹ và Hàn Quốc gây ra tình trạng này.

Tiếp đến, ngay trong ngày đầu năm 2024, ông Kim Jong-un đã ra lệnh cho quân đội sẵn sàng tấn công hủy diệt Mỹ và Hàn Quốc nếu hai nước này chuẩn bị đối đầu quân sự. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cũng bắt đầu bàn với Mặt trận Thống nhất về khả năng giải thể của các cơ quan phụ trách quan hệ liên Triều.

Có thể thấy, quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Sự chia cắt lâu năm đã khiến cho hai nước khác biệt hoàn toàn từ kinh tế, quân sự cho tới văn hóa, tôn giáo, thậm chí là ngôn ngữ cũng có nhiều nét khác biệt.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới