Nga ngày 28.3 phủ quyết việc gia hạn cho một nhóm chuyên gia của Liên Hiệp Quốc (LHQ) giám sát các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với CHDCND Triều Tiên.
Động thái trên của Nga đã vấp phải một loạt chỉ trích, trong đó có Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, người đã lên mạng xã hội gọi quyền phủ quyết là “một lời nhận tội” giữa lúc có nghi ngờ rằng Bình Nhưỡng đang hỗ trợ Moscow trong cuộc chiến chống lại Kyiv, theo AFP.
Quyền phủ quyết của Nga tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không xóa bỏ các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, nhưng đánh dấu sự kết thúc đối với nhóm chuyên gia giám sát việc thực hiện những lệnh trừng phạt đó. Nhiệm vụ của nhóm này sẽ hết hạn vào cuối tháng 4.
Triều Tiên đã phải chịu nhiều lệnh trừng phạt kể từ năm 2006, do Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đưa ra để đáp trả chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Kể từ năm 2019, Nga và Trung Quốc đã cố gắng thuyết phục Hội đồng Bảo an nới lỏng các lệnh trừng phạt không có thời hạn.
Điểm xung đột: Israel chuẩn bị đánh cứ điểm Hamas cuối cùng; “quý bà” F-16 sẽ làm khó Ukraine?
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lâu nay chia rẽ về vấn đề Triều Tiên, khi Phó đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Cảnh Sảng ngày 28.3 lập luận rằng các lệnh trừng phạt “đã làm trầm trọng thêm căng thẳng và sự đối đầu, gây ra tác động tiêu cực nghiêm trọng đến tình hình nhân đạo”.
Trung Quốc ngày 28.3 bỏ phiếu trắng thay vì cùng Nga phủ quyết. Tất cả các thành viên khác đã bỏ phiếu ủng hộ việc gia hạn cho nhiệm vụ nói trên của nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc.
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vasily Nebenzia nói rằng tình trạng không có báo cáo xem xét thường niên nhằm đảm bảo có sự đánh giá và sửa đổi các biện pháp trừng phạt nên hoạt động theo dõi của nhóm chuyên gia đó là không đáng.
“Nga đã kêu gọi Hội đồng Bảo an thông qua quyết định tổ chức đánh giá một cách cởi mở và trung thực về các biện pháp trừng phạt của Hội đồng… trên cơ sở thường niên”, ông Nebenzia nhấn mạnh.