Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngChiến thuật đa dạng của Philippines, TQ ở bãi Cỏ Mây

Chiến thuật đa dạng của Philippines, TQ ở bãi Cỏ Mây

Lực lượng hải cảnh Trung Quốc (CCG) hai lần liên tiếp phun vòi rồng vào các tàu tiếp tế dân sự của Philippines ở bãi Cỏ Mây vào ngày 5-3 và 23-3, đang cho thấy quyết tâm cao nhằm củng cố lại “thế trận vùng xám” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. cũng đang tiến hành những chiến lược để khắc chế Trung Quốc.


Tam chủng chiến pháp của Bắc Kinh

Sau khi bị lực lượng tuần duyên Philippines (PCG) tháo gỡ đoạn phao chắn nổi ở quanh bãi cạn Scarborough đại diện cho hoạt động “vây lấn” thuộc “thế trận vùng xám” của Trung Quốc vào cuối tháng 9-2023, Trung Quốc đã có nhiều động thái kích hoạt sự công kích đối với Philippines cùng một lúc trên cả ba mặt trận tâm lý, pháp lý và truyền thông (tam chủng chiến pháp) kể từ đầu năm 2024.

Điển hình nhất chính là các động thái “gây nhiễu” trên mặt trận truyền thông khi phía Trung Quốc cố ý rò rỉ 11 đề xuất với Philippines để “giảm thang” căng thẳng ở Biển Đông, trong đó có sự công nhận quyền kiểm soát và quản lý của Trung Quốc đối với bãi Cỏ Mây là lãnh thổ của Trung Quốc.

Mặc dù cáo buộc phía Philippines đã phớt lờ các đề xuất này nhưng truyền thông Trung Quốc vẫn dựa vào đây để nhấn mạnh sự thất hứa của Philippines về việc rút tàu đổ bộ BRP Sierra Madre bị mắc cạn ở bãi Cỏ Mây, từ đó giải thích các hoạt động ngăn cản của CCG đã diễn ra “một cách hợp lý, hợp pháp và chuyên nghiệp”.

Trên mặt trận pháp lý, trong khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc liên tục lên án Đạo luật Khu vực hàng hải mà Thượng viện Philippines vừa thông qua vào cuối tháng 2-2023, tờ Thời báo Hoàn Cầu đã cho đăng tải một loạt các bài viết phân tích các lập luận cho thấy Philippines đang “đi ngược lại các công ước quốc tế”.

Cùng lúc đó, vào ngày 28-3, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (Wu Qian) cũng tuyên bố Philippines đang “vi phạm luật pháp quốc tế và tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.

Kết hợp với nền tảng diễn giải từ hai mặt trận này, Trung Quốc đã nhất quán củng cố các hoạt động vây lấn thuộc “thế trận vùng xám”, nhằm phục hồi lại sự kiểm soát ở các thực thể không người ở thuộc vành đai phía đông Biển Đông (giáp vùng đặc quyền kinh tế từ đảo Palawan của Philippines).

Trong đó, lực lượng tàu “vỏ trắng” (hải cảnh) cùng với dân binh đã duy trì mức độ “cận xung đột” hay “phi vũ trang” như chỉ chiếu đèn laser cấp độ quân sự, xịt vòi rồng công suất lớn nhằm gây thiệt hại tối thiểu đủ để các tàu tiếp tế dân sự của Philippines không tiếp tế hiệu quả được cho tàu đổ bộ BRP Sierra Madre – cứ điểm của Philippines trên bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Philippines đang chiếm đóng trái phép).

Ngay cả trong kịch bản có hoạt động đâm va giữa các tàu “vỏ trắng” hoặc giữa tàu của CCG với tàu tiếp tế dân sự của Philippines cũng như các hoạt động “cận xung đột” nói trên đều “không đủ” để kích hoạt Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Mỹ – Philippines (MDT) ký từ năm 1951, do không nằm trong nội hàm “tấn công vũ trang”.


Philippines “vây ngược”

Đứng trước thế trận tích hợp của Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. có xu hướng “thí chốt” những thực thể mà Trung Quốc đang “đánh điểm” để tập trung “bao vây vòng ngoài”, với phạm vi ảnh hưởng và tập hợp lực lượng lớn hơn nhiều lần.

Bộ Ngoại giao Philippines thời ông Marcos đã sớm triển khai “sáng kiến minh bạch” tập trung vào việc công bố các hoạt động ngăn cản của phía Trung Quốc, đối với việc tiếp tế thường kỳ của các lực lượng Philippines đến bãi Cỏ Mây, khi vận động các phóng viên quốc tế đi cùng trên các chuyến tàu này.

Do đó, mặc dù Trung Quốc đã tích hợp cả học thuyết “tam chủng chiến pháp” lẫn sử dụng các biện pháp “cận xung đột” để giảm thiểu khả năng vận động dư luận quốc tế của Philippines, thì lượng thông tin bất lợi cho phía Trung Quốc vẫn được chính quyền ông Marcos tích lũy và công bố ngày càng lớn.

Dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., Philippines đã gửi 142 công hàm phản đối ngoại giao tương tự cho đến nay.

Dựa trên lượng thông tin thuộc “sáng kiến minh bạch” này, Trung Quốc càng gây sức ép cho các hoạt động tiếp tế luân phiên của Philippines, thì càng củng cố thêm nền tảng để dư luận khu vực và quốc tế ủng hộ Tổng thống Marcos kích hoạt các biện pháp “đáp trả tương xứng” như ông đã tuyên bố vào ngày 28-3.

Các hoạt động đáp trả tương xứng của Philippines có thể liên quan đến việc sử dụng các tàu quân sự tốc độ cao thay thế cho tàu dân sự khi thực hiện tiếp tế.

Kết hợp với các hoạt động tập trận chung, tuần tra chung dự kiến giữa Philippines với Mỹ và các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Úc đang triển khai luân phiên ở vành đai phía đông Biển Đông, và nhất là cuộc tập trận quy mô lớn Balikatan với hơn 16.000 binh sĩ Mỹ – Philippines tham gia từ 22-4 đến 8-5 cũng ở phía tây đảo Palawan (gần với bãi Cỏ Mây), cách tiếp cận “vây điểm” của ông Marcos dường như đang tỏ ra hiệu quả đáng kể.

Mục tiêu tập hợp lực lượng nhằm “vây ngược” thế trận tích hợp của Trung Quốc là mục tiêu của Philippines nhằm hướng đến một kịch bản phân định biển phù hợp trong đó không có sự hiện diện pháp lý của Trung Quốc tại bãi Cỏ Mây nói riêng và phía bắc quần đảo Trường Sa nói chung.


Việt Nam kêu gọi kiềm chế

Ngày 9-3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và Philippines ở khu vực bãi Cỏ Mây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”.

  • Tags
  • T
RELATED ARTICLES

Tin mới